Đề 3:
Bên cạnh ngòi bút đậm chất hội họa, dòng cảm xúc của nhân vật “tôi” về hình ảnh thiên nhiên với bao sự kì diệu trong sự khám phá vẻ đẹp của nó đã đưa người đọc về miền kí ức xa xăm và rất đỗi tươi đẹp của tuổi thơ nơi làng quê yêu dấu. Điều đó đã tạo nên chất trữ tình xuyên suốt toàn bộ đoạn trích Hai cây phong, làm cho kí ức của nhân vật “tôi” trở nên đằm ngọt và êm đềm…Hình ảnh hai cây phong được nhân vật “tôi” giới thiệu qua cách nói giàu hình ảnh:…“Chúng luôn hiện ra trước mắt hệt như những ngọn hải đăng đặt trên núi”. Với nhân vật“tôi” và làng Ku-ku-rêu, hai cây phong trở nên gắn bó tự bao giờ. Để mỗi khi đi xa trở về làng, hình ảnh luôn là điểm đến đầu tiên của tâm hồn với bao nhớ nhung, yêu thương và gần gũi. Khi xa, hình ảnh thân thương ấy để lại trong tâm hồn nhân vật “tôi” “nỗi buồn da diết”.Sự mong ngóng trở về để gặp lại với sự háo hức, nóng lòng: “Ta sắp được thấy chúng chưa, hai cây phong sinh đôi ấy?”. Đặc biệt, trong cảm nhận của nhân vật “tôi”, sự nhận biết về hai cây phong được bắt đầu từ khi mình nhận thức được mình. Mỗi khi đứng dưới gốc cây phong, tâm hồn giàu chất thơ của nhân vật “tôi” như hòa điệu với tiếng reo của lá phong, như cảm nhận được lời thì thầm và ý nghĩ của cây: “Rồi sau đó cứ đứng dưới gốc cây để nghe mãi tiếng lá reo cho đến khi say sưa ngây ngất”. Không phải là cách quan sát thiên nhiên thông thường, nhân vật “tôi” cảm nhận hai cây phong ở nhiều cung bậc và phát hiện ra những điều kỳ diệu về chúng: “Trong làng tôi không thiếu gì các loại cây, nhưng hai cây phong này khác hẳn – chúng có tiếng nói riêng và hẳn phải có một tâm hồn riêng, chan chứa những lời ca êm dịu”. Những tín hiệu phát ra từ hai cây phong nếu bằng sự cảm nhận thông thường, có lẽ rất khó để thấy và đoán biết đó là tiếng nói riêng, là tâm hồn riêng của loài cây. Đó là sự khơi dòng cho cảm xúc mang tính khám phá chiều sâu bên trong hết sức bí ẩn và tươi đẹp của hai cây phong. Hai cây phong trước phong ba bão táp vẫn ngời lên sức mạnh của sự chóng chọi, đứng vững trên đồi cao. “Và khi mây đen kéo đến cùng với bão dông, xô gãy cành, tỉa trụi lá, hai cây phong nghiêng ngả tấm tấm thân dẻo dai và reo vù vù như ngọn lửa bốc cháy rừng rực”. Trường liên tưởng từ cây lá sang sóng thủy triều, đóm lửa, tiếng thở dài đó là sự cảm nhận cây phong có chiều sâu, ở nhiều cung bậc cảm xúc của nhân vật “tôi”, đã biến hình ảnh thiên nhiên thành một sinh thể có tâm hồn, có sức mạnh nội lực đang tỏa ra mãnh liệt tự bên trong.