Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Cuộc thử nước mắm trong đoạn trích được diễn ra như thế nào? Anh/ chị có nhận xét gì về cách thử nước mắm này?
I) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Người bán nước mắm dùng chiếc gáo nhỏ xíu làm bằng sọ quả dừa xiêm dẹt, chỉ lớn hơn thứ gáo của bạn hàng dầu vốn làm bằng sọ quả mù u, lớn hơn một chút thôi. Người hàng mắm vục gáo vào “thõng”, múc lên lưng gáo, rót một tí vào cái chén con sạch sẽ, đưa mời. Cô tôi đón lấy chén, đưa lên mũi, ngửi qua, mắt nhìn ngưng lại giữa khoảng không, ngẫm nghĩ, thẩm định… Xong, một cách thận trọng, cô mới le lưỡi nhấm tí nước mắm. Rồi lặng lẽ trầm tư, cô trao cái chén về phía thím tôi…
Nhưng bà tôi sốt sắng, nóng nảy, đã vội vàng đưa tay vẫy gọi. Và thím chuyển ngay chén mắm sang bà. Lại ngửi, lại nếm. Sau đó, đến lượt thím tôi: lại ngửi, lại nếm…
Thím phát biểu:
– Khá hơn thứ năm cắc kỳ trước.
Cô tôi tán đồng dè dặt:
– Nhấm qua thì nó dịu hơn, nhưng chị chiếp cho lâu lâu thử coi.
Bà tôi nhận định:
– Nè, mấy đứa thấy sao? Cái màu kỳ này tao không vừa ý, mà mùi vị của nó cũng chưa đằm đâu.…
Trong khi người bán hàng xoắn xuýt quanh bà, thì cô tôi thong thả trao đổi một nhận xét với thím:
– Nước kỳ trước, mới nhấp không thấy ngon lắm nhưng thâm thẩm nó ngọt ngọt hoài trên lưỡi: càng chiếp càng ngọt. Nước kỳ này không có hậu. Chị nhớ không: năm ngoái mình cũng gặp phải…
Cuộc thưởng thức phẩm bình kéo dài. Số người được mời tham dự vào mỗi lúc một đông. Chén nước màu hàng được chuyển mời người này người kia: những người khách đàn bà vừa mới đến nhà, và lắm khi cả những người đàn ông trong gia đình nữa. Ồ, góp lời vào cuộc trưng cầu ý kiến về một chuyện có tính cách nghệ thuật rõ rệt như vậy có gì phương hại đến phong cách của hạng mày râu đâu?
(Võ Phiến – “Ăn uống sự thường” in trong tập tùy bút “Quê hương tôi” – NXB Thời đại, 2014, tr.28-29)
Câu 1: Cuộc thử nước mắm trong đoạn trích được diễn ra như thế nào? Anh/ chị có nhận xét gì về cách thử nước mắm này? (1,0 điểm)
Câu 2: Các nhân vật tham gia vào cuộc thử nước mắm đã bình phẩm về những phương diện nào của nước mắm? Qua đó, anh/ chị cảm nhận gì về những nhân vật ấy? (1,0 điểm)
Câu 3: Việc thử nước mắm trong đoạn trích được tác giả nhìn nhận/ quan niệm thế nào? (0,5 điểm)
Câu 4: Cách miêu tả trong đoạn trích có gì đặc sắc? Tác dụng của cách miêu tả ấy? (0,5 điểm)
II) Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
“Bất cứ ai cũng đã từng thất bại, đã từng vấp ngã ít nhất một lần trong đời như một quy luật bất biến của tự nhiên. Có nhiều người có khả năng vực dậy, đứng lên rồi nhẹ nhàng bước tiếp như thể chẳng có chuyện gì xảy ra, nhưng cũng có nhiều người chỉ có thể ngồi một chỗ và vẫn luôn tự hỏi lí do vì sao bản thân lại có thể dễ dàng “mắc bẫy” đến như thế…
Bất kì vấp ngã nào trong cuộc sống cũng đều mang lại cho ta một bài học đáng giá: Về một bài toán đã áp dụng cách giải sai, về lòng tốt đã gửi nhầm chủ nhân hay về một tình yêu lâu dài bỗng phát hiện đã trao nhầm đối tượng.
(...)
Đừng để khi tia nắng ngoài kia đã lên, mà con tim vẫn còn băng lạnh. Đừng để khi cơn mưa kia đã tạnh, mà những giọt lệ trên mi mắt vẫn còn tuôn rơi. Thời gian làm tuổi trẻ đi qua nhanh lắm, không gì là mãi mãi, nên hãy sống hết mình để không nuối tiếc những gì chỉ còn lại trong quá khứ mà thôi...”
(Trích: Hãy học cách đứng lên sau vấp ngã - Nguồn: www.vietgiaitri.com, 4/6/2015)
Câu 1: Hãy chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn văn? (0,25 điểm)
Câu 2: Đoạn văn trên đề cập đến nội dung gì? (0,5 điểm)
Câu 3: Hãy giải thích vì sao tác giả lại cho rằng “Bất kì vấp ngã nào trong cuộc sống cũng đều mang lại cho ta một bài học đáng giá”? (0,75 điểm)
Câu 4: Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ gì trong hai câu văn sau: “Đừng để khi tia nắng ngoài kia đã lên, mà con tim vẫn còn băng lạnh. Đừng để khi cơn mưa kia đã tạnh, mà những giọt lệ trên mi mắt vẫn còn tuôn rơi”? Hãy phân tích hiệu quả biểu đạt của biện pháp tu từ đó? (1điểm)
III) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
… Những người thực sự hưởng thụ thì không băn khoăn, mà thường mãn nguyện. Những người thực sự tận hưởng hạnh phúc cũng vậy, họ mãn nguyện. Niềm vui đôi khi bị thúc đẩy bởi nhu cầu phải hét toáng lên cho cả thế gian. Nhưng sự mãn nguyện thường có khuôn mặt rất lặng lẽ và hiếm khi phô trương.
Tôi nhận ra rằng để hưởng thụ thực sự, chúng ta cần phải học hỏi và có hiểu biết nhất định về điều ta đang làm, đang tận hưởng, đang thưởng thức. Biết mình có gì, hiểu thứ mình có, và biết cách tận hưởng tối đa những gì mình xứng đáng được hưởng, đó mới là hưởng thụ.
(Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.
Câu 2. Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng “Những người thực sự hưởng thụ thì không băn khoăn, mà thường mãn nguyện”?
Câu 3. Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: “sự mãn nguyện thường có khuôn mặt rất lặng lẽ và hiếm khi phô trương”.
Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao? Trả lời từ 7 đến 10 dòng.
IV. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8:
Hội chứng vô cảm hay nói cách khác là căn bệnh trơ cảm xúc trước niềm vui, nhất là nỗi đau của người khác, vốn là một mặt trong hai phương diện cấu trúc bản chất Con- Người của mỗi sinh thể người. Tính “con” và tính “người” luôn luôn hình thành, phát triển ở mỗi con người từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Cái thiện và cái ác luôn luôn song hành theo từng bước đi, qua từng cử chỉ, hành vi của mỗi con người trong mối quan hệ với cộng đồng, với cha mẹ, anh chị em, bạn bè, bà con làng xóm, đồng bào, đồng loại. Trong cuộc hành trình lâu dìa, gian khổ của một đời người, cái mất và cái được không phải đã được nhận ra một cách dễ dàng. Mất một đồng xu, một miếng ăn, mất một phần cơ thể, mất một vật sở hữu, con người nhận biết ngay. Nhưng có những cái mất, cái được nhiều khi lại không dễ gì cảm nhận được ngay. Nhường bước cho một bà già cao tuổi, nhường chỗ cho một bà mẹ có con nhỏ trên tàu xe chật chội, biếu một vài đồng cho hành khất,…có mất có được nhưng không phải ai cũng đã nhận ra cái gì mình đã thu được; có khi là sự thăng hoa trong tâm hồn từ thiện và nhân ái. Nói như một nhà văn lớn, người ta chỉ lo túi tiền rỗng đi nhưng lại không biết lo tâm hồn mình đang vơi cạn, khô héo dần.
Tôi muốn đặt vấn đề là cùng với sự báo động những hiểm họa trông thấy, cấn bạo động cả hiểm họa khó trông thấy. Hiện nay đã có quá nhiều dấu hiệu và sự kiện trầm trọng của hiểm họa vô cảm trong xã hội ta nhất là trong tuổi trẻ.
Bạo lực đã xuất hiện dữ dằn những tháng ngày gần đây báo hiệu nguồn gốc sâu xa ở sự xuống cấp nghiêm trọng về nhân văn, về bệnh vô cảm.
(Trích Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa, Bài tập Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr.36-37)
Câu1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2: Nêu nội dung chính của đoạn trích trên
Câu 3. Theo tác giả, nguồn gốc sâu xa của nạn bạo lực xuất hiện gần đây là gì?
Câu 4. Tác giả đã thể hiện thái độ gì khi bàn về hiểm họa vô cảm trong xã hội hiện nay?
7 trả lời
2.763