2
Mở đầu bài thơ, nhà thơ Thế Lữ đã vẽ ra không gian nhỏ hẹp mà đầy tù túng, bức bối nơi con hổ bị giam cầm. Nỗi cô đơn, sự bực bội, phẫn uất của con hổ được thể hiện trọn vẹn. Qua hình ảnh đó ta có thể cảm nhận được phần nào tình cảnh mất tự do cũng như tâm trạng đầy phẫn uất của chúa sơn lâm rừng già:
“Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua
Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ
Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm”
Thế Lữ đã sử dụng động từ “gậm” để thể hiện sự bức bối lâu dài, dai dẳng, nó không thể nguôi ngoai mà luôn tồn tại, hiển hiện khiến tâm trạng luôn bị vây hãm trong bế tắc, cần được giải thoát. “Khối căm hờn” là những thù hằn, căm giận mà con hổ luôn”gậm” trong mình. “Trong cũi sắt” lại tái hiện chân thực không gian sống giam hãm, nhỏ hẹp khiến cho con hổ bị mất tự do. Như vậy, chỉ một câu thơ đầu nhà thơ Thế Lữ đã tái hiện được trọn vẹn hoàn cảnh đáng thương cũng như sự u uất của con hổ. Trong hoàn cảnh bị giam hãm ấy, dù cho lòng hừng hực lòng căm thù, dù muốn thoát ra khỏi chốn tù đầy này nhưng không thể làm theo ý muốn, nguyện vọng của mình. Vì vậy, con hổ chỉ có thể “nằm dài” trong chán chường đau khổ mà lặng lẽ “trông ngày tháng dần qua.
Càng tù túng bao nhiêu, càng uất hận bao nhiêu thì sự khinh bỉ dành cho những con người ngoài kia càng nhiều bấy nhiêu “Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ”. “Lũ người” ở đây ta có thể hiểu là những người đã bắt giam, đẩy con hổ vào chốn tù đầy mất tự do này. Thế giới của con người và loài vật hoàn toàn khác nhau, nhưng vì sự tham lam, tham vọng không bờ bến của con người mà con hổ phải chịu cảnh giam hãm phi lí này, lũ người này trong cái nhìn của con hổ chỉ là lũ “ngạo mạn ngẩn ngơ”, cậy vào sức mạnh mà dương dương tự đắc, không biết xấu hổ. Đặt câu thơ vào trong mối quan hệ với con người ta có thể thấy Thế Lữ thể hiện niềm phẫn uất khi lũ quân cướp nước trắng trợn xâm phạm hòa bình, độc lập của dân tộc, đẩy nhân dân vào cuộc sống tù túng, mất tự do. Nhà thơ cũng thể hiện rõ thái độ của mình ở đây, đó là sự coi thường, chế giễu những hành động phi lí của chúng: “khinh”, “giễu” : “Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm” câu thơ là sự thể hiện cái tinh thần ngạo nghễ, kiêu hùng của con hổ về chốn “oai linh rừng thẳm”.