Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
tả cha
Tôi có thể đoán ấn tượng đầu tiên của một ai đó khi lần đầu tiên gặp cha tôi. Thế nào họ cũng cho rằng ông là một người có dáng vẻ nghệ sĩ và trông rất nhàn hạ với gương mặt khá điển trai, đôi mắt sáng và mái tóc đen bồng bềnh. Nhưng tôi chắc rằng bạn sẽ nghĩ khác khi chú ý đến đôi bàn tay to, thô ráp vì chai sạn của cha tôi.
Cha có bàn tay theo tôi là rất to. Bàn tay đó sần sùi, cứng và thô. Nó là dấu tích lao động suốt cả cuộc đời của ông: lúc bé làm ruộng giúp ông bà nội, lớn lên lái xe ô tô chở hàng và giờ làm công nhân trong một công ty nhỏ gần nhà. Chính những công việc vô cùng bình dị ấy đã khiến cha tôi có bàn tay đó. Bàn tay đã nuôi dưỡng và che chở cho tôi suốt những năm tháng cuộc đời.
Cha tôi không phải tuýp người cao to. Ông có thân hình nhỏ nhưng rắn chắc. Nước da hơi ngăm ngăm nhuốm màu thời gian. Cha là một người hiền lành và vui vẻ. Ông thường dành hàng giờ đồng hồ để chơi cùng chị em tôi. Có khi cha làm chú kỵ mã, có lúc lại làm hành khách trên con tàu tý hon của chúng tôi. Rồi rùng mình một cái, cha lại trở thành vị khán giả trung thành cho hai cô ca sĩ nhí thể hiện. Cha là người bạn lớn gắn bó suốt những năm tháng tuổi thơ của chị em tôi.
Bởi tình yêu trẻ nhỏ của cha nên nhà tôi lúc nào cũng đông vui nhộn nhịp. Lũ trẻ con trong xóm thường coi nhà tôi là điểm tập kết cho mọi trò chơi. Tôi và tụi nó chơi đùa, chạy nhảy và thậm chí còn phá phách trong nhà. Cha chỉ luôn mỉm cười và đôi lúc nhắc nhở khi chúng tôi quá nghịch, ông không bao giờ lớn tiếng hoặc đánh mắng chị em tôi.
Cha yêu thương vả chiều chuộng chị em tôi như vậy có lẽ một phần vì thương chúng tôi còn quá nhỏ mà đã thiếu thốn tình cảm. Năm tôi tám tuổi, mẹ tôi đột ngột qua đời, để lại cho cha hai đứa con nhỏ. Lúc đó em tôi mới sáu tuổi, còn chưa biết gì. Một nách hai con, cha tôi mang trách nhiệm vừa phải làm cha vừa phải làm mẹ. Đó là một thời kì khó khăn của gia đình tôi.
Em tôi còn nhỏ nên thường hay quấy nhiễu và hành tội cha. Tôi thì lâm vào tình trạng khủng hoảng và luôn có cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi và thấy mình thật bất hạnh. Lúc đó chính hơi âm từ bàn tay xù xì, thô ráp của cha đã vỗ về, động viên, an ủi tôi. Mẹ luôn ở trong trái tim cha và con. Mỗi khi nghe nhịp đập con tim mình, con hãy nhớ rằng mẹ luôn ở bên cạnh con Hãy nhìn ra thế giới xung quanh con. Con sẽ thấy rằng con vẫn còn rất hạnh phúc với những đau khổ mà người khác phải chịu đựng . Những câu nói đó của cha đã giúp tôi rất nhiều trong khoảng thời gian khó khăn này.
Tôi tưởng cha là người vui vẻ, không bao giờ biết buồn. Nhưng tôi đã nhận ra là mình đã nhầm, cha cũng như bao nhiêu bậc cha mẹ khác, cũng buồn khi con cái mình không ngoan. Một lần, tôi và lũ bạn nghịch ngợm rủ nhau ra sông chơi, khi về, đứa nào đứa nấy đều ướt như chuột. Cha biết chuyện đã mắng tôi một trận, cấm không cho tôi ra khỏi nhà trong vòng mấy ngày. Tôi giận cha lắm. Vì tôi nghĩ cha không còn thương tôi nữa. Tôi dỗi không thèm nói chuyện với cha. Đêm hôm đó, tưởng tôi đã ngủ, cha vào đắp lại chăn cho tôi, rồi ông ra ngoài ghế ngồi. Trong bóng tối chỉ có le lói một chút ánh sáng của chiếc đèn ngủ, tôi nhìn dáng cha sao mà buồn đến vậy. Cha ngồi lặng lẽ, thỉnh thoảng lại nheo đôi mắt đã bắt đầu có nếp nhăn nhìn xa xăm. Khuôn mặt không còn dáng vẻ giận dữ như lúc mắng tôi, thay vào đó là một nét buồn, thoáng suy tư. Lúc này, tôi mới cảm thấy hối hận vì việc làm của mình. Tôi đã làm cha phiền lòng. Tự hứa với bản thân sẽ không như vậy nữa, tôi quyết tâm làm cho bằng được. Từ sau lần đó, tôi ngoan hơn rất nhiều, không nghịch ngợm nữa mà còn biết giúp cha chăm sóc cho em. Cha rất vui truớc những biểu hiện đó của tôi.
Bây giờ, khi đã lên cấp hai, tôi càng cảm thấy yêu cha nhiều hơn. Tuy tôi không có mẹ để dìu dắt những bước chập chững vào đời nhưng tôi đã có cha. Người đã tận tâm chăm sóc, dạy dỗ chị em tôi. Nếu bạn hỏi ai là người có ảnh hưởng lớn đến tôi nhất thì tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời ngay đó là cha tôi. Còn bạn thì sao
Nhà em khá đông người, nhưng người em kính trọng và gần gũi nhất là ông nội của em.
Nội em năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng cử chỉ vẫn còn khá nhanh nhẹn. Người tầm thước, hơi gầy, còn da dẻ nội vẫn hồng hào.
Đầu ông hói, lơ thơ những sợi tóc bạc như cước. Vầng trán cao hằn sâu những nếp nhăn. Đôi mắt còn tinh nhanh ẩn dưới cặp lông mày đã ngả bạc. Má hơi hóp làm hai gò má nhô cao lên. Răng ông đã rụng nhiều nhưng nhờ lắp răng giả nên nụ cười vẫn tươi tắn. Em thích nhất chòm râu bạc của ông. Mỗi lần được ngồi trong lòng ông, em ngước nhìn mãi những sợi râu trắng dài và thích được ông cho vuốt râu.
Hằng ngày, ông thường mặc bộ quần áo màu xanh, đi đôi dép nhựa đã mòn. Chỉ lúc đọc sách ông mới đeo kính và khi nào đi bộ xa ông mới chống cây gậy trúc. Tuổi đã cao nhưng ông làm việc luôn chân, luôn tay. Khi quét nhà, quét sân, quét vườn; lúc vun gốc cho các cây trong vườn; lúc tìm bắt sâu đục phá cây chanh. Ông thường xuyên kiểm tra việc học của em, dạy em làm toán, làm văn… Ông còn tham gia việc chăm sóc thiếu nhi trong xã và xây dựng tủ sách cho nhà văn hóa xã. Khi rảnh rỗi, ông đọc sách, báo, nằm võng ngoài hiên và nghe đài truyền thanh hoặc chăm dãy hoa trước sân và dọc hai bên lối ra vào cổng. Những đêm trăng sáng, ông thường ngồi trên chõng tre kê giữa sân kể chuyện cổ tích cho em và các bạn nhỏ trong xóm nghe.
Con cháu làm gì sai, ông nhẹ nhàng răn dạy chứ không quát mắng bao giờ. Bà con hàng xóm có điều gì xích mích với nhau thường gặp nhờ ông giải quyết.
Mọi người đều yêu quý ông và khen ông tuổi cao mà vẫn còn minh mẫn. Riêng em, nếu được một điều ước như trong truyện cổ tích ông kể, em sẽ ước ông có sức khỏe, sống mãi bên em
Ông bà ngoại có cả thảy sáu đứa cháu lít nhít cả nội lẫn ngoại. Không hiểu sao các anh chị em họ của tôi đều quấn riết lấy bà. Chỉ duy có tôi là làm cái đuôi của ông.
Ông thường nằm ngủ trưa trên một tấm phản gỗ kê xuềnh xoàng trên mấy viên gạch. Buổi trưa tôi lại cắp tờ báo nhi đồng vào ngủ với ông. Cầm tờ báo ngược xuôi một lúc thì chán. Tôi thấy tờ báo xanh đỏ thì kì kèo ông xin mua cho chứ tôi chưa biết đọc. Ông xoay nghiêng tôi, rồi vừa xoa xoa lưng vừa kể chuyện cổ tích.
Ông chỉ có mỗi chuyện “tủ” là Thạch Sanh thôi, thế mà chưa bao giờ tôi nghe hết chuyện của ông. Lòng bàn tay người già ram ráp, ấm áp, tấm phản gỗ ông nằm bao năm lên nước, bóng loáng, mát lịm, chỉ đến đoạn “đàn kêu tích tịch tình tang” là tôi lăn ra ngủ khoèo.
Tôi được năm tuổi, ông dạy tôi tập đánh vần. Đúng là một cuộc đánh vật của hai ông cháu. Tôi vốn hiếu động và hay lơ đãng, ông dạy chữ này thì quên chữ kia, nhớ được chữ hôm này thì quên tiệt chữ hôm trước, ông phải vận dụng đủ mọi hình ảnh để tôi nhớ được mặt chữ: “O là quả bóng da lũ trẻ trong xóm vẫn đá bình bịch mỗi chiều. Olà quả trứng gà bà bồi dưỡng tôi mỗi sáng, đội thêm nón của mẹ...”
Mỗi lần tôi học là mấy nhà hàng xóm xung quanh đều biết, tiếng ông thì không thấy đâu, chỉ thấy giọng tôi cười khanh khách. Nhưng hôm sau hỏi lại tôi đã quên rồi, chỉ nhớ chữ gì nghe “bình bịch” và chữ nữa thì “ăn được”.
Trong trí nhớ tôi, chỉ có mỗi chữ c hoa là không bao giờ tôi lẫn lộn. Chữ c hoa của ông bao giờ cũng một gạch tựa ở lưng. Tôi hỏi: “Để làm gì hả ông?”, ông trả lời: “Đểnó khỏi ngã”. Tôi cười khanh khách: “Thế thì chữ “cờ” còn già hơn ông, ông nhỉ ? Ông có cần chống gậy đâu?!” Ông cười, mặt nhăn tít lại: “A, con nhóc của ông giỏi thật!!”.
Rồi tôi đi học, tự nhiên chững chạc hẳn ra, học chữ nào thì thuộc chữ ấy. Ông hãnh diện lắm, đi khoe với những người bạn già “đứa cháu của tôi ...”
Hôm nào ông cũng đi tập thể dục từ bốn giờ sáng. Tôi cũng dậy lạch bạch bám đuôi ông. Ông chạy chầm chậm, hai chân run run. Nhưng sáng nào ông cũng chạy được năm vòng quanh vườn hoa Pasteur. Tôi thì ngồi thùlu trên ghế, đếm vòng chạy của ông, đợi trời sáng rồi hai ông cháu xem mọi người đánh cầu lông, sau đó mới đi bộ về nhà.
Ông ra đi nhẹ nhàng. Như “chữ C” ra đi, để lại cho cái gạch đỡ bao nhiêu thương nhớ
tả bà
Hình ảnh bà luôn gắn với những câu chuyện cổ tích thuở ấu thơ. Bà là người đã đưa tôi vào những giấc mơ đẹp đẽ, lạ kỳ.
Bà đã già rồi song vẫn còn hoạt bát và rất mực yêu thương tôi. Mái tóc bà không bạc trắng như tóc bà tiên mà còn điểm cả những sợi đen. Không hiểu sao tôi vẫn yêu, vẫn nhớ mái tóc ấy, một mái tóc đượm mùi bồ kết, đượm mùi hương thơm mát, giản dị của quê nhà... Tôi vẫn nhớ như in những lần nhìn bà gội đầu và được bà gội đầu cho. Bàn tay bà vuốt nhẹ mái tóc tôi sao mà ấm áp, thân thương thế!
Tôi muốn mãi được bé bỏng trong vòng tay thương mến của bà. Thời gian trôi đi nhanh quá, nó khiến cho bàn tay bà trỏ' nên nhăn nheo, yếu dần đi, đôi mắt bà cũng mờ dần. Tôi cũng ít được bà gội đầu cho nữa..
Tôi cũng không sao quên được giọng nói ấm áp mà bà thường nhắc nhở chúng tôi:
- Nhà ta tuy không nghèo nhưng các con phải biết tiết kiệm. Các con nên nhớ công các bác nông dân làm ra hạt thóc, hạt gạo, nghe chưa!
Rồi bà cầm chiếc quạt phe phẩy cho chúng tôi và khẽ hát:
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
Thế là không biết từ bao giờ, những bàị ca dao đó đã đi vào tâm hồn tôi như một suối nguồn cảm xúc, với biết bao đạo lí làm người.
Năm tôi học lớp 2, có một lần bị một bạn trai bắt nạt, tôi vừa chạy về vừa khóc thút thít với bà. Bà vội lấy tay lau nước mắt cho tôi, ôm tôi vào lòng dỗ dành:
- Thôi nín đi rồi bà cho kẹo.
Tôi đón lấy chiếc kẹo của bà. Vị ngọt của kẹo dần thấm vào đầu lưỡi. Tôi cũng nhận ra vị ngọt của tình yêu thương đang thấm dần vào trái tim nhỏ bé của tôi...
Tuy giờ không còn ở bên bà nhiều như trước nữa, nhưng hình ảnh bà sẽ mãi in đậm trong tâm trí tôi. Trong từng hành động, từng suy nghĩ, tôi luôn ghi nhớ những gì mà bà thường dặn dò dạy bảo.
Mỗi khi năm học sắp kết thúc, tôi lại háo hức mong được về với bà, được sống lại với bao kí ức tuổi thơ tươi đẹp. Nghĩ đến hình bóng bà cứ mỗi năm một yếu dần di, sống mũi tôi dường như lại cay cay. Và rồi bất giác, tôi thầm cất lên tiếng gọi
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |
Thưởng th.12.2024 |
Bảng xếp hạng |