Ai lớn lên mà chưa một lần nghe mẹ cha hát ru, chưa một lần nghe ông bà khuyên răn dạy dỗ bằng những câu ca dao tục ngữ mỗi lần chúng ta làm sai, hay để nói về những kinh nghiệm làm người được đúc kết từ thế hệ này đến thế hệ khác. Trong đó, câu tục ngữ làm em nhớ nhất là câu “Đói cho sạch, rách cho thơm”.
Đây là câu tục ngữ mà có lẽ em sẽ nhớ suốt đời. Bởi nó gắn với một sai lầm mà em mắc phải từ lúc còn nhỏ. Ngày đó, vì nhà nghèo, nhìn các bạn hàng ngày đến trường được bố mẹ cho tiền ăn quà vặt mà em rất thèm thuồng. Em ước mình cũng được như các bạn, và em đã ăn trộm tiền của mẹ để có tiền ăn quà. Ông nội phát hiện ra, nhưng ông không nói với mẹ ngay, cũng không kể ra trước mặt tất cả mọi người. Ông buồn rầu kêu em lại để hỏi chuyện. Khi nghe em thú nhận tất cả, ông nói với em rằng: “Đói cho sạch, rách cho thơm cháu ạ.” Nhìn ánh mắt ngơ ngác, không hiểu chuyện của em, ông cười, xoa đầu em và từ từ giải thích tất cả. Đó là lần đầu tiên em được học một câu tục ngữ hay, khiến em nhớ mãi đến giờ.
“Đói” và “rách” là những từ để chỉ về những hạng người bần nông đến cùng khổ trong xã hội ngày trước. Họ nghèo đến nỗi cơm không đủ ăn cho no, con cái, nhà cửa, ruộng vườn đều bị các giai cấp thống trị tịch thu hoặc bắt đi làm nô dịch vì sưu thuế, vì lãi mẹ đẻ lãi con của những khoản nợ vay trước đó mà họ không đủ sức để trả. Cái nghèo đói, cái cơ cực hằn lên từng nét mặt của các cụ già, của những người lớn, và thậm chí đến trẻ nhỏ cũng không buông tha. Họ nghèo từ cái ăn đến cái mặc. Đó là những cái thiết yếu nhất trong cuộc sống của mỗi con người. Vậy mà, những con người đó cũng không được đáp ứng đầy đủ, nói gì đến những cái xa hoa, xa xỉ khác như đi học, nghỉ ngơi, hay chơi với nhau một ván cờ….
Còn “sạch” và “thơm” thì lại ngược lại hoàn toàn. Tưởng như hai từ này chỉ để nói về những người quyền quý, có tiền của, có địa vị trong xã hội, nhưng lại không phải vậy. “Sạch” và “thơm” ở đây là chỉ tính chất, ý chỉ nếp sống, đạo đức, cách suy nghĩ của những con người trong bần cùng bĩ cực, trong nghèo đói triền miên. Ở đây không phải là ăn cho sạch sẽ, mặc cho thơm tho, mà chính là con người, là tính cách, là phẩm giá của họ. Dù có đói rách, dù có cùng cực cũng không được làm điều gì sai trái với lương tâm, để không phải thẹn với lòng mình, không phải thẹn với trời đất. Và quan trọng nhất trong câu tục ngữ này đó chính là động từ “cho” trong hai vế đối của câu. Vì sao không là từ “phải”, hay từ “thì”, mà ông bà ta lại dùng từ “cho”. Bởi “cho” là giữ lấy, là sự chuyển tiếp, tiếp nối giữa thế hệ này với thế hệ khác. Còn những động từ khác thì không có được ý nghĩa này.
“Đói cho sạch, rách cho thơm” là câu tục ngữ tròn trịa nhất, đầy đủ nhất để nói về con người Việt Nam. Tiêu biểu như Hồ Chí Minh, và các vị anh hùng của dân tộc ta. Dù trong hoàn cảnh khốn cùng, những con người ấy vẫn luôn giữ cho tâm của mình được trong sạch, sáng trong. Gần chúng ta hơn nữa là ông bà, cha mẹ, hay anh chị của mình. Em từng được ông dạy rằng, nếu chuyện nhỏ mà chúng ta làm không tốt, hay chỉ vì một phút suy nghĩ nông cạn chúng ta sẽ dễ dàng sa ngã, mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác. Cho dù nhà mình nghèo, không được ăn uống đầy đủ, không có tiền ăn bánh, ăn quà vặt, hay không có quần áo đẹp để mặc mỗi độ Tết đến xuân về thì chúng ta cũng không nên vì thế mà chán nản, than trách bố mẹ. Bởi trong xã hội này, còn có nhiều người, nhiều mảnh đời đáng thương bất hạnh hơn mình nữa. Thế nên, có đói, có rách cũng phải giữ gìn phẩm chất, phẩm giá của mình, không để những kẻ xấu có cơ hội lợi dụng khiến mình phải hối hận về sau này.
Là một người học sinh, một đứa con ngoan trong gia đình, cũng là một công dân của đất nước Việt Nam, chúng ta hãy luôn nhắc nhở mình rằng, dù cuộc sống có khốn khó, dù cuộc đời có nhiều chông gai đến đâu đi nữa thì đó cũng chỉ là những thử thách, những bàn đạp để đưa ta hoàn thiện mình, thành một người có ích cho gia đình, xã hội. Và là người công dân tiêu biểu có đầy đủ phẩm chất của nước Việt ta. Hãy luôn nhắc nhở mình rằng: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.