- Bảo quản:
Sau khi thu hoạch hạt xong phải phơi cho khô ráo ngay. Khi phơi không được phơi hạt giống trực tiếp dưới nắng to và không phơi trực tiếp trên sân gạch hoặc xi măng mà phơi dưới nắng nhẹ, trên những nong nia, kê cao khỏi bị hấp hơi từ dưới đất lên. Hạt sau khi phơi khô phải để thật nguội mới cho vào dụng cụ bảo quản. Nếu trong thời gian thu hoạch gặp mưa kéo dài không phơi được thì phải sấy ngay. Khi sấy cần đảo thật đều, nhiệt độ khi sấy đảm bảo từ 35 - 40 độ C, không nên sấy nóng quá dễ bị mất sức nẩy mầm.
Hạt rau được bảo quản tốt phải đạt một số yếu cầu: có độ thuần cao, tỷ lệ mọc mầm cao, sức nảy mầm mạnh, có trọng lượng 1.000 hạt theo quy định, có khả năng giữ sức nảy mầm lâu.
- Yêu cầu khi bảo quản:
+ Kín: Dụng cụ bảo quản phải có nắp đậy cẩn thận.
+ Khô: Hạt giống được phơi sấy khô, đảm bảo ẩm độ từ 7 - 9% tuỳ từng loại, được làm sạch trước khi cất giữ, bảo quản nơi cao ráo, khô để hạt giống không hút ẩm, giữ được sức nẩy mầm.
+ Mát: Nhiệt độ nơi bảo quản cần đảm bảo nhiệt độ từ 20 - 22 độ C. Nhiệt độ cao làm hạt hô hấp mạnh ảnh hưởng đến phẩm chất sau này.
- Dụng cụ bảo quản:
Dụng cụ bảo quản góp phần quan trọng làm cho hạt giữ được tỷ lệ nảy mầm cao hay thấp, giữ được sức sống dài hay ngắn. Dụng cụ bảo quản hiện nay mà nông dân ta thường hay dùng là chum, vò, lọ bằng sành sứ, thùng bằng kim loại 2 tầng vỏ, ở giữa là khoảng không, trong đó xếp vôi khô hay các chất hút ẩm. Trước khi đưa vào bảo quản các dụng cụ này cần được phơi khô, lau chùi sạch. Phía dưới các dụng cụ cần xếp 1 lớp giấy hút ẩm (vôi hòn, tro bếp, chất hoá học) rồi trải trên 1 lớp giấy hút ẩm hoặc lá chuối khô, sau đó cho hạt giống vào. Bên ngoài vỏ cần ghi tên giống, ngày sản xuất, nơi sản xuất, số lượng hạt.