Con người ta ai cũng muốn thành đạt. Nhưng con đường dẫn đến thành công thường quanh co, khúc khuỷu và lắm chông gai. Để động viên con người vững chí bền lòng, kiên trì, nhẫn nại, nhân dân ta đúc kết trong một câu tục ngữ ngắn gọn mà thật hay: “Có công mài sắt có ngày nên kim.”
Thật vậy, ai cũng biết cây kim bé nhỏ tới mức nào nhưng cũng hoàn hảo tới mức nào. Thân kim bằng sắt tròn, nhỏ xíu. Đầu kim nhọn,trôn kim cũng có một lỗ nhỏ xíu để luồn chỉ qua. Còn sắt là vật liệu làm nên kim.Chỉ có điều từ sắt làm nên kim là cả một quá trình tôi luyện, mài dũa công phu bền bỉ. Ai có công mài sắt bền bỉ, kiên trì sẽ có ngày nên kim. Tính kiên trì, ý chí bền bỉ chính là một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công.
Vậy vì sao chúng ta phải rèn luyện tính kiên trì nhẫn nại ? Vì kiên trì là điều rất cần thiết để con người vượt qua mọi trở ngại. Kiên trì, ý chí tạo ra sức mạnh tinh thần, từ đó con người mới có quyết tâm, có động lực để đưa công việc đó đến kết quả như mình mong muốn. Không có kiên trì thì không làm được gì. Không có kiên trì, con người sớm bỏ cuộc, khi bỏ cuộc thì thành công mãi bị trì hoãn.
Thực tế cuộc sống đã cho thấy điều đó là hoàn toàn có cơ sở. Ngày xưa, Trạng nguyên Nguyễn Hiền, nhà nghèo, không có tiền đi học, phải đứng cửa lớp nghe thầy giảng bài, lấy mình trâu làm bảng, lá chuối làm giấy, đom đóm làm đèn,… nhưng kiên trì học tập, cuối cùng thành trạng nguyên. Hay Cao Bá Quát chữ viết xấu, nhờ chăm chỉ luyện chữ, kết quả là chữ đẹp nổi tiếng trong lịch sử.
Trong lịch sử chống ngoại xâm, Bác Hồ là một trong những tấm gương tiêu biểu về sự phấn đấu bền bỉ, lòng hiếu học và ý chí vượt qua mọi gian nguy để đạt được mục đích giành lại tự do cho dân tộc. Nhờ ý chí, nghị lực và lòng quyết tâm, Bác đã quyết chí đi tìm đường cứu nước khi còn rất trẻ. Ở nơi đất khách quê người, Bác đã làm mọi việc để không ngừng học tập và làm Cách mạng: Lúc làm phụ bếp trên tàu thủy, khi làm người cào tuyết giữa mùa đông lạnh giá ở Luân Đôn, bôn ba khắp nơi, tù đày gian khổ. Vượt qua muôn vàn khó khăn, Bác đã tìm ra con đường cứu nước và lãnh đạo nhân dân ta làm cuộc Cách mạng tháng tám thắng lợi, giành lại độc lập tự do. Từ những kinh nghiệm được đúc kết trong cuộc đời hoạt động Cách mạng của mình, Bác đã khuyên mọi người:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.”
Trong học tập, tính kiên trì lại càng cần thiết để có được thành công. Từ một em bé lớp một, bắt đầu cầm phấn viết chữ O đầu tiên đến khi biết đọc, biết viết, biết làm toán rồi lần lượt mỗi năm một lớp, phải mất mười hai năm mới hoàn thành kiến thức phổ thông. Trong quá trình lâu dài ấy nếu không có lòng kiên trì luyện tập thì làm sao có ngày cầm được tấm bằng tốt nghiệp? Người bình thường đã vậy, với những người như Nguyễn Ngọc Ký thì lòng kiên trì, bền bỉ lại càng cần thiết để vượt qua khó khăn. Vốn bị liệt hai tay từ nhỏ, ông đã kiên trì luyện viết bằng chân để có thể đến lớp cùng bạn bè. Tính kiên trì đã giúp ông chiến thắng số phận. Ông đã học xong phổ thông, học xong đại học và trở thành một nhà giáo ưu tú.
Trên thế giới đã có nhiều nhà bác học từng thất bại nhiều lần nhưng họ đã không chịu lùi bước mà kiên trì, nhẫn nại để rồi giờ đây tên tuổi của họ đã trở thành vĩnh cửu. Đó là Thomas Edison với hơn một nghìn lần thất bại trước khi phát minh ra bóng đèn điện. Hay chàng trai Nick Vujick- một người không có cả chân lẫn tay, đã từng nghĩ đến cái chết vì mặc cảm. Nhưng với lòng kiên trì và nghị lực phi thường mà anh có thể làm được mọi việc như một người bình thường. Hiện nay anh đã tốt nghiệp hai trường đại học và trở thành diễn giả nổi tiếng trên toàn thế giới.
Trong đời sống hàng ngày, nếu chăm chỉ đọc sách, học bài bạn sẽ có thêm kiến thức. Kiên trì học giải toán bạn sẽ giải toán nhanh hơn. Kiên trì học bơi, bạn mới có thể biết bơi. Nếu như không kiên trì thì mọi thứ sẽ chẳng bao giờ đi đến kết quả. Khi còn là học sinh thì chúng ta cần rèn luyện cho mình đức tính kiên trì, nhẫn nại, ý chí bề bỉ…Khi làm việc gì cũng phải giữ được ý chí, sự quyết tâm, sự kiên trì. Khi gặp những bài toán khó, chúng ta kiên trì tìm ra lời giải, chữ xấu thì kiên trì rèn luyện,….Nếu gặp khó khăn thì cũng không được bỏ cuộc hay nản lòng mà ngược lại cần cố gắng nhiều hơn nữa. Tuy nhiên trong xã hội vẫn có rất nhiều người thiếu tính kiên trì, khi gặp khó khăn, trắc trở là họ bỏ cuộc. Chúng ta cần phê phán.
Tóm lại, câu tục ngữ là một bài học sâu sắc, một lời động viên mọi người phải luôn vững chí bền gan. Nếu có lòng kiên trì và kiên định thì mọi việc của chúng ta sẽ có thành công. Giờ đây khi gặp bất cứ khó khăn gì trong cuộc sống và trong học tập, em đều không bỏ cuộc vì em luôn nhớ đến câu tục ngữ : “Có công mài sắt có ngày nên kim.”