Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Hãy liên hệ sự tiếp thu nhân loại của Bác với tình hình hội nhập của nước ta hiện nay

Phần BTVN nha các bạn
6 trả lời
Hỏi chi tiết
651
1
0
HoàngT_Kenz
18/08/2019 22:03:19

Tiếp thu có chọn lọc, không phải là bắt chước

Nghị quyết Trung ương 9 yêu cầu: “Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa”.

Trong hoàn cảnh toàn cầu hóa hiện nay, đặc biệt là sự phát triển vũ bão của internet, của các phương tiện truyền thông, thì cả thế giới như trở thành một cái “làng”. Chỉ ngồi một chỗ và qua một cú nhấp “chuột” người ta cũng có thể biết được tin tức mới mẻ nhất ở mọi ngóc ngách trên hành tinh. Chưa bao giờ cầu nối giữa con người với con người, quốc gia với quốc gia bị rút ngắn đến mức thấp nhất như vậy. Các nền văn hóa đều coi đây vừa là cơ hội vừa là thách thức, cơ hội để hòa nhập, để hiểu nhiều hơn những nền văn hóa khác, qua đó cũng để hiểu mình hơn, hiểu rõ và sâu hơn nét riêng của mình. Thách thức là dễ bị hòa tan, dễ bị đánh mất bản sắc. Chưa bao giờ bản lĩnh văn hóa, nhất là đối với các quốc gia đang phát triển như nước ta, lại đòi hỏi cao như bây giờ. Thời cổ trung đại, giao lưu văn hóa diễn ra hết sức chậm chạp nhưng mặt tích cực của nó là con người có thời gian từ đời này sang đời khác, để nghiền ngẫm, loại trừ, tiếp thu những cái phù hợp. Nhưng ngày nay có sự can thiệp của công nghệ thông tin thì ngược lại, mặt tiêu cực cũng dễ thấy: Những văn hóa xa lạ với văn hóa bản địa, và cả những thứ phản văn hóa không ngừng ồ ạt “xâm lăng”… Một đặc điểm nổi bật của tiếp biến giao lưu văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hôm nay là diễn ra hết sức nhanh chóng, ào ạt, nhiều hệ lụy, dĩ nhiên tiếp thu nhanh nhất và cũng chịu hậu quả nhiều nhất, sớm nhất là giới trẻ. Bởi đặc điểm tâm lý của giới trẻ là luôn thích cái mới lạ, dĩ nhiên sức “đề kháng” văn hóa chưa thể như người trưởng thành nên nếu chúng ta không có một cơ chế quản lý và giáo dục phù hợp thì tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng.


Tuyệt kỹ đối luyện góp phần tạo nên giá trị độc đáo của Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Võ cổ truyền Bình Định. Ảnh: Duy Văn

Tiếp biến, giao thoa, ảnh hưởng như là một thuộc tính của văn hóa, thường diễn ra trong những môi trường có điều kiện tương tự giữa các nước cùng khu vực, nhất là giữa các dân tộc “đồng văn, đồng chủng”. Ví dụ dưới góc độ văn học, luật thơ Iamb của Nga tiếp thu từ thơ nước Đức, thơ luật tiếng Việt có nguồn gốc từ thơ Trung Hoa. Nguyễn Du vay mượn cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên xứ Tàu để viết Truyện Kiều bất hủ. Sếch-xpia vay mượn cốt truyện từ nước Đan Mạch để viết Hăm-lét nổi tiếng… Điều này lý giải tại sao giới trẻ nước ta thường hâm mộ các thần tượng Hàn Quốc, tại sao thời lượng chiếu phim trên truyền hình thì phim Trung Quốc, Hàn Quốc… chiếm một tỷ lệ cao. Lại cũng hình dung tiếp biến và ảnh hưởng văn hóa như những cơn gió lạ đến từ nhiều phương trời khác nhau, có gió lành và gió độc. Vấn đề ở chỗ phân biệt để hưởng gió lành mà loại trừ gió độc, đề kháng với gió độc.    

Tinh thần học tập, tiếp thu, kế thừa văn hóa nước ngoài là điều đương nhiên, nhưng vấn đề là tiếp thu học tập cái gì và như thế nào. Đây là lời của Bác Hồ nói với nhà văn Nga R.Bersatxki: “…các bạn chớ hiểu là tôi cho rằng chúng tôi cần phải vứt bỏ văn hóa nào đó, dù là văn hóa Pháp đi nữa. Ngược lại! Tôi muốn nói điều khác. Nói đến việc phải mở rộng kiến thức của mình về văn hóa thế giới, mà đặc biệt hiện nay là văn hóa Xô-viết - chúng tôi thiếu - nhưng đồng thời lại phải tránh nguy cơ trở thành những kẻ bắt chước. Không thể lấy từ nghệ thuật của một dân tộc khác chỉ riêng mặt nào đó-chẳng hạn, tính ước lệ nổi tiếng của văn học Trung Quốc-cái đó sẽ chẳng hay ho gì. Văn hóa của các dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình”  (Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010, Tập 3, tr. 56). Ở đây toát lên mấy vấn đề lý luận: Cần tiếp thu đa dạng các nền văn hóa khác nhau, nhưng là tiếp thu cái tiến bộ; phải chủ động, không bắt chước, biết tiếp thu cái gì là đặc sắc mà mình còn thiếu. Muốn thế phải nghiên cứu nền văn hóa mình cần tiếp thu một cách toàn diện, hệ thống. Có lẽ cần thấm thía hơn lời dạy của Người về tính chỉnh thể của văn hóa, cần phải nắm bắt cái chỉnh thể để tìm ra cái đặc sắc cá thể để tiếp nhận.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
HoàngT_Kenz
18/08/2019 22:03:29

Muốn học người, phải hiểu người

Học tập văn hóa nước ngoài để làm giàu cho văn hóa nước mình, là để làm nổi bật cái nét riêng, nét khác lạ của văn hóa mình. Vì càng toàn cầu hóa, người ta càng cần đến bản sắc riêng, nếu không có cái riêng này sẽ bị hòa lẫn vào các sắc màu văn hóa khác. Từ vấn đề chung này dễ thấy chúng ta đang rất cần các lý thuyết nghiên cứu văn hóa hiện đại trên thế giới. Một thực tế trong nghiên cứu khoa học nhân văn hôm nay là ít những đề tài mới, sự trùng lặp nhau là rất rõ. Có người kêu lên đề tài đang cạn kiệt. Thực ra đề tài không thiếu mà thiếu hướng tiếp cận, thiếu phương pháp, nói chung là thiếu lý luận. Bù lấp khoảng trống này bằng cách chúng ta đã và đang dịch các lý thuyết nghiên cứu nước ngoài nhưng còn quá ít. Lại nảy sinh vấn đề phải chọn dịch sao cho phù hợp, tính khả dụng cao với đối tượng văn hóa nước mình. Sự vênh lệch giữa lý thuyết nghiên cứu nước ngoài và đối tượng nghiên cứu bản địa là tất nhiên, các nhà dịch thuật cũng như các nhà nghiên cứu cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất độ “dung sai” ấy.

Từ thực tế này, chúng ta phải nhận thức đúng hơn về lĩnh vực dịch thuật, mà trước tiên là bồi dưỡng đội ngũ dịch giả đủ về lượng, tinh về chất, yêu cầu cao về tư tưởng chính trị và chuyên môn. Vì là công việc chuyển ngữ nên dịch giả không chỉ am tường sâu về các khái niệm chuyên ngành mà còn phải hiểu cả cái “phông” của hai nền văn hóa, do vậy mà thực sự phải hiểu biết rộng, tâm huyết, cần cù, nhẫn nại. Nhưng hiện nay, họ chưa được đối xử tương xứng với tài năng. Một sản phẩm dịch mất hàng mấy năm trời được trả nhuận bút theo phần trăm giá bìa thì quá ít ỏi. Phần lớn sách dịch hiện nay cũng theo lối tự phát. Đã đến lúc Nhà nước phải có kế hoạch tập hợp họ lại thành đội ngũ, tổ chức các khóa dịch thuật định kỳ với kế hoạch cụ thể dịch cái gì trước mắt, cái gì lâu dài, tập trung dịch theo hướng nào v.v..

Chúng ta đang phải đối mặt với một thực tế về sự “xâm lăng văn hóa” mà một biểu hiện là các khuynh hướng, các trào lưu sáng tác văn học nghệ thuật trên thế giới hay có, dở có đang từng bước ảnh hưởng. Chúng ta chấp nhận sự đa dạng hóa trong hướng tiếp cận đối tượng sáng tác, nghiên cứu nhưng làm sao phải bảo đảm yếu tố phù hợp với bản sắc văn hóa Việt, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của người Việt, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của đông đảo quần chúng lao động. Ví dụ, gần đây có xu hướng cổ xúy cho lối sáng tạo và cả nghiên cứu, phê bình “hậu hiện đại” trong văn học nghệ thuật Việt Nam. Khái niệm "hậu hiện đại" ra đời trong lòng các nước tư bản phát triển từ giữa thế kỷ XX, và nở rộ vào những năm cuối thế kỷ XX. Nó có cơ sở xã hội và ý thức là khi xã hội bước vào thời kỳ hậu công nghiệp, văn minh tin học bùng nổ, internet kết nối toàn cầu, chủ nghĩa kỹ trị lên ngôi... từ đó dẫn tới khủng hoảng niềm tin, con người hoài nghi cả Thượng đế (bây giờ không cần Chúa vẫn có thể tạo ra những điều kỳ lạ). Con người không điều khiển ngôn ngữ mà ngược lại, ngôn ngữ lại điều chỉnh con người. Dần dần, một số nhà nghiên cứu khái quát thành lý thuyết với quan niệm về con người dị thường, ảo giác hóa, con người sống trong hoài nghi, hư vô, bi quan, phi lý... Tương ứng với quan niệm này là cả một hệ thi pháp hậu hiện đại, như chủ đề phi trung tâm, không bản chất, sáng tác ngẫu hứng, lắp ghép, phân mảnh... Hình tượng mang tính phi lý mà nổi lên một “lục vô”: Vô lý, vô bản, vô ngã, vô căn, vô hội (không khắc họa ngoại hình), vô dụ (không ẩn dụ), đẩy sự tìm tòi đi về phía bản năng, phản truyền thống, hình thành tác phẩm theo lối cắt dán những mảnh vỡ vốn rời rạc, ngôn từ nghệ thuật giải sử thi để quay về cái thông tục, phi lý, tình tiết chồng chéo, ngôn ngữ là một trò chơi... Thế mà "hậu hiện đại” hiện nay lại được một số người coi là mốt, là tân kỳ”!

Nhìn từ góc độ này chúng ta lại thấy các cấp quản lý, các đơn vị văn hóa học thuật chưa có tiếng nói đủ mạnh để ngăn chặn kịp thời những yếu tố không lành mạnh. Ví dụ về lý thuyết “hậu hiện đại” mới manh nha ở nước ta thì phải có ngay một hội thảo quốc gia làm rõ cái hay, cái dở, thành tựu, hạn chế nếu được phổ biến, thì chắc sẽ không xảy ra hiện tượng có luận văn khoa học “nghiên cứu” về “thơ rác, thơ dơ”. Hiện nay, chúng ta phải tăng cường hơn nữa trong việc kiểm duyệt văn hóa, thanh tra văn hóa, tránh để tình trạng xảy ra rồi mới phân tích, bình luận… để “ngăn ngừa” (như trường hợp luận văn nọ). Trách nhiệm định hướng của các hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật cần được đề cao hơn nữa. Quyền lực thẩm định của các viện nghiên cứu cần được coi trọng, bản thân những người thẩm định phải là tiêu biểu về đạo đức, trí tuệ, tư cách khoa học, tư cách nghệ sĩ và không quên trách nhiệm công dân.

Trào lưu hội nhập chung trên thế giới hiện nay là lấy văn hóa làm hệ quy chiếu, với những giao lưu văn hóa, đối thoại văn hóa, cầu nối văn hóa, xuất/nhập khẩu văn hóa… Một đất nước giàu có trữ lượng, bản sắc văn hóa càng được đánh giá cao, càng được quan tâm chú ý, càng tăng cường “sức mạnh mềm”. Càng ngày người ta càng khẳng định chân lý có văn hóa là có tất cả. Và chúng ta cũng đang đi theo quỹ đạo này, Nghị quyết Trung ương 9 là sự tiếp nối, thúc đẩy, định hướng rõ ràng, mạnh mẽ.

1
0
HoàngT_Kenz
18/08/2019 22:04:49

Ở Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta đã xác định rõ đường hướng hoạt động và những nguyên tắc chặt chẽ trong việc tham gia tiến trình này. Chúng ta hội nhập quốc tế nhằm củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh, bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Vì thế, hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Mọi cơ chế, chính sách phải phát huy tính chủ động, tích cực, khả năng sáng tạo của tất cả các tổ chức, cá nhân, khai thác hiệu quả sức mạnh của toàn xã hội.

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc đó, Đảng đã xác định văn hóa là một phần không thể tách rời trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Kế thừa những thành tựu của 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5, khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Nghị quyết T.Ư 9, khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" vừa được ban hành đã tái khẳng định mạnh mẽ vai trò của văn hóa trong hội nhập quốc tế, trong đời sống xã hội, cũng như trong những chính sách của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết đã khẳng định lại quan điểm: "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học", một nền văn hóa phong phú đã đóng góp và đang tiếp tục đóng góp cho nhân loại không ít di sản văn hóa, nổi bật là tám di sản văn hóa phi vật thể độc đáo đã được UNESCO công nhận và đặc biệt là tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại thi hào Nguyễn Du là những danh nhân văn hóa của thế giới.

Từ những điều nêu trên, đòi hỏi trước tiên là phải xây dựng chiến lược con người, vì con người là trung tâm phát triển văn hóa. Con người xây dựng và làm phong phú nền văn hóa và văn hóa lại chính là môi trường loại bỏ "cái con", dung dưỡng "chất người" trong từng cá nhân và toàn xã hội. Con người Việt Nam là sự kết tinh của nền văn hóa Việt Nam và họ chính là người thể hiện đậm nét "chất Việt", giữ gìn bản sắc văn hóa rất riêng của dân tộc mình qua mỗi thế hệ. Giá trị con người Việt Nam được định vị từ cội nguồn dân tộc mà thang giá trị cao nhất là lòng yêu nước. Lòng yêu nước đó gắn chặt với lòng tự tôn, tự cường dân tộc; gắn kết cá nhân với gia đình, làng xã, Tổ quốc; gắn kết với các đức tính nhân ái, bao dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; thể hiện bằng sự hy sinh cao cả, tất cả vì độc lập của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, bằng đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động vì sự phồn vinh của đất nước. Nội lực của nền văn hóa chính là con người. "Cây văn hóa" có bám rễ sâu vào cuộc sống, vào lịch sử truyền thống dựng nước và giữ nước thì gốc mới bền, cành lá mới sum suê và hoa mới đậu thành trái ngọt. Vì vậy, quá trình xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam cũng chính là quá trình thực hiện chiến lược con người, xây dựng và phát huy nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đây là một nguyên tắc, là khâu trọng tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, tiềm lực văn hóa và chế độ xã hội chủ nghĩa như Hội nghị T.Ư 9, khóa XI đã chỉ rõ.

Giao lưu văn hóa với các quốc gia trong cộng đồng quốc tế là nhu cầu, đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển xã hội hiện đại. Trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập, giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các nước, các khu vực khiến cho khoảng cách địa lý không còn nhiều ý nghĩa; cuộc cách mạng chung của nhân loại cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 là sự phục hồi chủ nghĩa nhân văn, ưu tiên và giải phóng sự sáng tạo của mỗi người. Công nghệ thông tin, với việc sử dụng viễn thông, vô tuyến, khả năng truy cập in-tơ-nét nhanh và hiệu quả kho kiến thức vô tận của nhân loại đang làm giáo dục dựa trên công nghệ ấy trở thành giáo dục phổ thông, thường xuyên và từ xa. In-tơ-nét là một thành tựu của nhân loại, nhưng cũng được ví như con dao hai lưỡi bởi cùng với những ưu việt đó, qua in-tơ-nét, những sản phẩm phi văn hóa với chuẩn mực đạo đức xa lạ, thậm chí đối trọng, thâm nhập vào các nước đã đe dọa việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong hội nhập, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc là quan trọng, bởi nếu nhân cách là những phẩm chất để con người trở thành chính họ, thì văn hóa chính là cái làm cho dân tộc không là cái bóng của dân tộc khác. Song giữ gìn bản sắc không phải là một hiện tượng cố hữu, bất biến. Văn hóa luôn nằm trong quá trình hiện đại hóa, nó phải trở thành sức sống hiện đại của dân tộc. Mặt khác, giữ gìn bản sắc không loại trừ sự tiếp biến văn hóa; văn hóa dân tộc phải hội lưu với văn hóa nhân loại, rồi theo dòng chảy của nó mà tiếp thu những cái "chân - thiện - mỹ" của các nền văn hóa trên thế giới để bồi đắp cho văn hóa bản địa. Giữ gìn bản sắc cũng phải trên cơ sở vừa thừa kế, vừa không ngừng tiếp thu tinh hoa của văn hóa nhân loại để làm sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần củng cố và làm phong phú hơn nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Và "tinh hoa" ở đây cũng phải hiểu trên cơ sở kế thừa, chứ không phải là một thứ bất biến.

Như vậy, văn hóa phải xây dựng nền tảng cho việc mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, không chỉ trong kinh tế. Trong giao lưu văn hóa, ngay từ đầu ta đã thể hiện sự bình đẳng, ngang hàng của một nền văn hóa chính thống đã trải qua bao thăng trầm của hàng ngàn năm lịch sử, làm cho người ngoài không chỉ biết Việt Nam như một đất nước đang phát triển, anh dũng, kiên cường trong chiến tranh khốc liệt chống thực dân, đế quốc và bảo vệ Tổ quốc mà còn làm cho họ nhận thức được Việt Nam là một đất nước, một dân tộc, từ cội nguồn văn hóa lâu đời của mình, với kho tàng vô giá về tự nhiên và văn hóa, cả văn hóa vật thể và phi vật thể, luôn thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa và giá trị nhân văn của hòa bình, của độc lập, tự do. Thông qua các hoạt động văn hóa, bạn bè thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, từng bước tạo dựng lòng tin, đưa quan hệ đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, qua đó nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, trong giao lưu tất có giao thoa. Giao thoa là sự xâm nhập, xâm lấn, pha trộn hay hòa trộn giữa các nền văn hóa với nhau. Do đó, giao lưu văn hóa là phải vừa hợp tác, vừa đấu tranh: hợp tác với những nền văn hóa lành mạnh, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp; tích cực đấu tranh với những sản phẩm độc hại, những hành vi phản văn hóa. Cần phải biết chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại một cách chủ động, tích cực, có tầm nhìn, có kế hoạch, trên cơ sở hiểu rõ nền văn hóa của mình và những nhu cầu ưu tiên của đất nước mình để chọn đúng thứ mình cần, trước mắt là phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020, và về lâu dài là làm giàu thêm nền văn hóa dân tộc, nâng cao dân trí. Muốn vậy, cần chủ động, tích cực giới thiệu, tham gia và nâng cao chất lượng trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao trong khu vực và thế giới, đồng thời tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác văn hóa, thông tin tuyên truyền... đấu tranh có hiệu quả nhằm hạn chế những tác động tiêu cực trong lĩnh vực văn hóa, xã hội và tư tưởng...

Trong quá trình giao lưu văn hóa, chúng ta quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam. Việc này cần được tiến hành ở cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Việc quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước là cần thiết và cấp thiết; việc tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch ở trong nước và ngoài nước... dù còn nhiều ý kiến khác nhau, cũng mới chỉ là những hoạt động bề rộng, bề nổi. Cần phải có những hoạt động theo chiều sâu. Rất nhiều học giả, người nước ngoài, cộng đồng quốc tế yêu quý kho tàng văn hóa Việt Nam với các loại hình nghệ thuật đã và sẽ được UNESCO vinh danh như: ca trù, quan họ, hát xoan, chầu văn, hát xẩm, ví dặm... vì họ thấy được cái hay, cái lạ của những loại hình này, nhưng chưa giúp họ thấy hết chân giá trị của nền văn hóa mang màu sắc Việt. Điều này chỉ rõ cần có nhiều hình thức và các công trình nghiên cứu phản ánh được bề dày của lịch sử và truyền thống, của bản sắc văn hóa Việt Nam để "làm no" hiểu biết của người nước ngoài về nước ta, chứ không chỉ đơn thuần làm họ mãn nhãn. Trong lĩnh vực này, văn hóa đóng vai trò là kênh truyền tải "về hình ảnh một dân tộc văn hiến, yêu chuộng hòa bình, một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động và không ngừng phát triển".

Những người làm công tác đối ngoại văn hóa, nhất là những người chịu trách nhiệm về giao lưu, hội nhập văn hóa phải hiểu sâu sắc, yêu tha thiết và tự hào đúng mực, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ của nền văn hóa nước nhà. Do đó, việc trang bị cho họ hiểu biết đầy đủ về văn hóa nước nhà là việc làm cơ bản và lâu dài, nhưng cũng rất cấp thiết, để mỗi người là một chủ thể văn hóa trong quá trình hội nhập. Đây cũng là một nội dung cần thiết hàng đầu cần xây dựng để tạo sức mạnh mềm cho mỗi quốc gia, dân tộc.

Một việc làm quan trọng khác là tăng cường gắn kết văn hóa với chính trị và kinh tế đối ngoại. Suy cho cùng, dù là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế hay ngoại giao văn hóa, quan hệ con người với con người vẫn là cốt lõi; do đó cần đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, một phương thức quan trọng của ngoại giao văn hóa. Bài học về ngoại giao nhân dân trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước và trong công cuộc đổi mới rất cần được lưu tâm. Trong hội nhập kinh tế, đội ngũ doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở những hoạt động kinh tế; họ cần trở thành những "doanh nhân văn hóa", một lực lượng đáng kể trong ngoại giao nhân dân và trong việc đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn kinh phí nhằm huy động nhiều nguồn lực, thành phần, đối tượng tham gia.

Hiện nay, để thực hiện tốt hội nhập toàn diện, cần có một khung pháp lý hoàn chỉnh cho các hoạt động văn hóa và văn hóa đối ngoại. Trong văn hóa đối ngoại, lợi ích cùng giá trị tạo dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau phải có thời gian thể hiện và chiêm nghiệm, chứ chưa thể cân đo, đong đếm ngay được. Vì vậy trong hoạt động cụ thể, cần có những quy chế, quy định rõ ràng được làm gì, làm đến đâu. Nếu người làm công tác văn hóa đối ngoại mà chỉ lo cho "tròn vai", "xong việc" với những kết quả không tương xứng là không đáp ứng được yêu cầu.

Một điều quan trọng và thiết thực là cần gắn kết các hoạt động văn hóa đối ngoại với công tác về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ trao trọng trách xúc tiến việc dạy tiếng Việt cho con em cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Việc này đã trở nên quan trọng và cấp thiết vì một khi khơi dậy được lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho gần năm triệu kiều bào thuộc các thế hệ khác nhau sống ở khắp năm châu, họ sẽ trở thành những người mang đặc trưng văn hóa Việt Nam đến với thế giới. Và đó cũng là nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển lâu dài của đất nước.

Thế giới chúng ta đang sống giống như biển cả mênh mông. Các quốc gia trong cộng đồng quốc tế là những con tàu đang vượt sóng, mà một động cơ quan trọng là văn hóa, yếu tố xác định bản sắc của con tàu. Trước đợt sóng toàn cầu hóa và hội nhập liên tục xô bờ, từ người thuyền trưởng cho tới thuyền viên, thợ máy... phải nhanh nhạy trong nhận thức, chuyển biến kịp thời về tư duy, nhất là tư duy văn hóa để mỗi người trên cương vị của mình góp phần vận hành, chèo lái có hiệu quả hội nhập văn hóa, một trong ba trụ cột quan trọng của chính sách đối ngoại, vì hội nhập quốc tế nói chung, và hội nhập văn hóa nói riêng là sự nghiệp của toàn dân.

1
0
1
0
1
0

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư