Diễn biến của cuộc cách mạng tư sản pháp
Vào ngày 11 tháng 7, 1789, vua Louis, dưới ảnh hưởng của các quý tộc bảo thủ trong Hội đồng Cơ mật, cũng như của vợ ông, Marie Antoinette, và em trai, Quận công Artois, trục xuất vị bộ trưởng cải cách Necker và tái cơ cấu lại tất cả các bộ. Đa phần Paris coi đó là sự khởi đầu của cuộc đảo chính của hoàng gia, đã nổi loạn. Một số lực lượng quân đội tham gia vào đám đông dân chúng; một số khác thì đứng trung lập.
Ngày 14 tháng 7, 1789, sau bốn giờ xung đột, quân khởi nghĩa chiếm được ngục Bastille. Mặc dù có lệnh ngừng chiến để tránh sự tàn sát lẫn nhau, vị quan giám ngục ở đó là Hầu tước Bernard de Launay và nhiều lính gác vẫn vị giết. Đám đông đem đầu quan giám ngục cắm cọc mang đi diễu hành quanh thành phố. Tuy những người Paris chỉ giải thoát cho bảy tù nhân (bốn kẻ lừa đảo, hai công tử quý tộc bị giam do đạo đức xấu, và một nghi phạm giết người) nhưng Bastille vẫn được coi là một biểu tượng hùng hồn của tất cả những gì bị căm ghét của "chế độ cũ". Quay trở về Tòa thị chính, đám đông buộc tội vị prévôt des marchands (tương đương chức thị trưởng) Jacques de Flesselles là kẻ phản bội; ông bị giết ngay trên đường đến một nơi có vẻ là một tòa án ở Cung điện hoàng gia Palais Royal.
Nhà vua và những kẻ ủng hộ trong quân đội lùi bước, ít nhất là ở thời điểm đó. Hầu tước Lafayette đảm nhiệm chỉ huy Cảnh vệ quốc gia ở Paris; Jean-Sylvain Bailly — chủ tịch Quốc hội vào lúc đó của Lời tuyên thệ Jeu de Paume — trở thành thị trưởng thành phố dưới một cơ cấu chính quyền mới được gọi là "công xã" (thay cho Hội đồng Nhà vua tại Paris). Nhà vua tới Paris, nơi mà vào ngày 27 tháng 7, ông chấp nhận một phù hiệu tam tài (ba màu) giữa lúc dân chúng hô "Quốc gia muôn năm" thay vì "Đức vua muôn năm".
Tuy nhiên, sau cuộc bạo lực này, các quý tộc; vẫn được đảm bảo chút ít bởi sự hòa giải tạm thời, giữa nhà vua và người dân; đã bắt đầu giải phóng đất nước khỏi những kẻ "nhập cư", một số họ bắt đầu âm mưu tiến hành nội chiến bên trong vương quốc và xúi giục liên minh châu Âu chống lại nước Pháp.
Necker được gọi trở lại nắm quyền, nhưng thắng lợi của ông chóng tàn. Là một nhà tài chính khôn ngoan hơn là một chính trị gia khôn khéo, ông đã quá nhấn mạnh vai trò của mình bằng cách yêu cầu và giành được một sự ân xá chung, đánh mất phần lớn sự ủng hộ của nhân dân. Ông còn cho rằng mình có thể tự cứu nước Pháp.
Giới quý tộc không yên tâm với sự hòa giải bề ngoài giữa nhà vua và dân chúng. Họ bắt đầu chạy ra nước ngoài, một số bắt đầu âm mưu nội chiến và kêu gọi một liên minh châu Âu chống Pháp.
Đến cuối tháng 7, khởi nghĩa và tinh thần chủ quyền nhân dân lan ra khắp nước Pháp. Tại các vùng nông thôn, rất nhiều người có hành động quá mức: một số đốt các chứng từ nợ và đốt phá không ít các lâu đài, coi chúng là một phần của một cuộc tổng khởi nghĩa nông dân được gọi là La Grande Peur (Sự sợ hãi vĩ đại). Thêm vào đó, âm mưu tại triều đình Versailles và số lượng lớn người lang thang do thất nghiệp đã dẫn đến các tin đồn bừa bãi và sự hoang tưởng (đặc biệt ở nông thôn), gây ra sự lo sợ và rối loạn trong nước, góp phần vào La Grande Peur (Hibbert, 93).
Ngày 4 tháng 8 năm 1789, Quốc hội bãi bỏ chế độ phong kiến, dẹp bỏ cả các quyền của lãnh chúa của Đẳng cấp thứ hai và các loại thuế thập phân của Đẳng cấp thứ nhất. Trong vòng vài giờ, các quý tộc, tăng lữ, các thị trấn, tỉnh lỵ, các công ty và các thành thị mất đi quyền ưu tiên của mình.
Cuộc cách mạng đã đem lại sự chuyển dịch quyền lực lớn từ Giáo hội Công giáo La Mã sang Nhà nước. Luật ban hành năm 1790 bao gồm cả việc bãi bỏ quyền đánh thuế trên vụ mùa (còn được gọi là "dîme") của Giáo hội, việc xóa bỏ những đặc quyền của giới giáo sỹ, và sung công tài sản Giáo hội, người sau đó sở hữu nhiều đất đai nhất trên toàn quốc. Đi cùng với cuộc cách mạng là cú phản đòn dữ dội về phe giáo chức mà kèm theo đó là bắt bớ và thảm sát các linh mục trên toàn đất Pháp. Điều ước năm 1801 giữa Quốc hội và Giáo hội đã chấm dứt thời kỳ bài Công giáo và thiết lập nên những luật lệ cho mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Nhà nước Pháp. Điều ước này tồn tại cho đến khi bị hủy bỏ bởi nền Đệ Tam Cộng hòa nước Pháp để tách biệt giữa Giáo hội và nhà cầm quyền vào ngày 11 tháng 12 năm 1905.