Tản Đà (1889 – 1939) là người có lối sống và sự nghiệp văn chương mang dấu ấn "người của hai thế kỉ". Vào những năm 20 của thế kỉ XX, Tản Đà nổi được ví như một ngôi sao sáng trên thi đàn thơ văn Việt Nam,ông có những tác phẩm tiêu biểu như: "Thơ Tản Đà" (1925); "Giấc mộng lớn" (tự truyện – 1928); "Còn chơi" (thơ và văn xuôi – 1921)...hồn thơ Tản Đà thể hiện "cái tôi" lãng mạn, bay bổng vừa phóng khoáng lại vừa cảm thương. Hầu trời là một trong số bài thơ tiêu biểu trong tập "còn chơi" thể hiện rõ nét nhất tâm hồn phóng khoáng, đôi khi là nét ngông, và cũng góp phần khẳng định giá trị bản thân trước cuộc đời của Tản Đà.
Cách vào đề của "Hầu trời" cũng rất độc đáo, gây ấn tượng người đọc với cách vào đề, dẫn dắt độc giả vào thế giới thơ một cách cuốn hút. Bằng những câu thơ, thủ thỉ tâm tình như đang kể cho độc giả một câu chuyện như vừa mới xảy ra vậy, câu chuyện đó bắt đầu từ một giấc mơ, nhưng tác giả lại không thể biết được đó là thật hay mộng, thực hay ảo. Sự đối lập được nêu ra khi bốn từ "thật" được sử dụng trong 2 câu, chứng tả tác giả không hề mơ mộng mà nó thực chất là một giấc mơ, thế tại sao lại có sự mâu thuẫn như vậy. Nhưng dẫu sao thì nó vẫn mang lại cảm xúc thích thú vui sướng cho chính tác giả.
"Đêm qua chẳng biết có hay không
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể
Thật được lên tiên – sướng lạ lùng"
Ở những khổ thơ tiếp theo, tác giả kể về lí do được lên "hầu trời" của mình, với những câu thơ đầy tính thuyết phục, với ngòi bút của mình, Tản Đà vẽ ra một câu chuyện như vừa mới xảy ra đây thôi:
"Nguyên lúc canh ba nằm một mình
Vắt chân dưới bóng ngọn đèn xanh
Nằm buồn, ngồi dậy đun ấm nước
Uống xong ấm nước, ngồi ngâm văn.
....
Vào trông thấy Trời, sụp xuống lạy
Trời sai tiên nữ dắt lôi dậy
Ghế bành như tuyết vân như mây
Truyền cho văn sĩ ngồi chơi đấy".
Không gian thời gian của câu chuyện mặc dù là của một giấc mơ nhưng lại rất rõ ràng, tác giả giải thích lí do của buổi "hầu trời" là do "tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà" khiến Trời mất ngủ. Trời bèn sai tiên nữ xuống gọi thi sĩ lên đọc văn cho Trời nghe. Lí do của buổi "hầu trời" mà tác giả đưa ra như một khẳng định rằng: Cái may mắn được lên hầu trời do những phút cao hứng trong thơ văn của nhà thơ.
Câu chuyện của buổi "hầu trời" diễn ra rất tự nhiên và hợp lí, như chính tác giả vừa mới trở về từ chốn đó vậy: "Theo lệnh của Trời", thi sĩ đọc văn và ngâm văn của mình cho Trời và các chư tiên nghe.
"Truyền cho văn sĩ đọc văn nghe
Dạ bẩm lạy Trời con xin đọc".
Với niềm phấn khích và đầy hứng khởi của mình, sự say sưa trong giọng đọc thơ, cũng ẩn ý cho niềm say mê trong văn chương đã khiến cho tác giả rất tự tin, thể hiện niềm khát khao và đam mê của chính bản thân mình. Và qua những câu thơ, người ta cũng thấy được tài năng của ông khi biết được nhiều thể loại:
"Đọc hết văn vần sang văn xuôi
Hết văn thuyết lí lại văn chơi
Đương cơn đắc ý đọc đã thích
Chè trời nhấp giọng càng tốt hơi".
Mọi người sau khi được Tản Đà đọc thơ, lấy làm rất thích thú, ai cũng bộc lộ sự hân hoan tán thưởng, kể cả ông trời cũng phải buông ra những lời tán dương mà mới nghe cũng thấy sung sướng hạnh phúc.
Thái độ của người nghe được thể hiện ở nét mặt, cử chỉ, điệu bộ: "Tâm như nở dạ"; "Cơ lè lưỡi"; "Hằng Nga, Chức nữ chau đôi mày"; "Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng" và khi hết mỗi bài thì tất cả cùng đồng loạt vỗ tay. Thi sĩ còn kể ra hàng loạt các tập thơ của mình như: "Khối tình", "Đài gương", "Lên sáu"...Nhận được sự ngưỡng mộ, thi sĩ được các chư tiên dặn:
"Anh gánh lên đây bán chợ trời".
Đoạn thơ tiếp theo thể hiện rõ ý thức về "cái tôi" cá nhân của tác giả rất cao:
"Trời lại phê cho: văn thật tuyệt!
Văn trần được thế chắc có ít
Nhời văn chau chuốt đẹp như sao băng!
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!
Êm như gió thoảng, tinh như sương!
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!"
Những câu thơ góp phần thể hiện "Cái tôi" phóng khoáng, tác giả đã cố ý mượn lời của Trời để ca ngợi thơ văn của mình. Nó không những chứng tỏ Tản Đà rất có ý thức về tài năng văn chương vượt trội của bản thân mà còn như khẳng định chính Tản Đà là người khơi nguồn cho một cuộc cách mạng về thơ ca, đúng với cái tên "người của hai thế kỉ" mà Hoài Thanh đã gọi. Cái hay, cái đẹp trong thơ ca của Tản Đà được tác giả đem so sánh với vẻ đẹp tuyệt vời của các hiện tượng, sự vật trong vũ trụ như: sao băng, mây, gió, sương, tuyết..., qua đây cũng thấy được thái độ của tác giả tỏ ra rất tự hào, kiêu hãnh về tài năng văn chương của mình. Theo yêu cầu của Trời, thi sĩ tự xưng tên tuổi và thân thế:
" – Dạ, bẩm lạy Trời con xin thưa
Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn
Quê ở Á châu về địa cầu
Sông Đà núi Tản nước Nam Việt"
Trời ngờ ngợ một lúc lâu rồi sai Thiên tào kiểm tra lại. Thiên tào tra sổ rồi bẩm báo:
" – Bẩm quả có tên Nguyễn Khắc Hiếu
Đày xuống hạ giới vì tội ngông".
"- Bẩm Trời, cảnh con thực nghèo khó
Trần gian thước đất cũng không có
...
Trời lại sai con việc nặng quá
Biết làm có được mà dám theo"
Khi được trời hỏi, sau một hồi đối đáp thì cũng lộ ra một điều rằng, vốn dĩ Tản Đà ở hạ giưới chỉ vì tội ngông. Đoạn thơ tái hiện bức tranh hiện thực được vẽ bằng bút pháp tả chân thực, tỉ mỉ và rất cụ thể, phản ánh đời sống cùng cực của tầng lớp văn nghệ sĩ một cách chính xác và tình hình lộn xộn của thị trường văn chương thời ấy. Cảm xúc ở đoạn thơ khi thi sĩ đọc thơ cho Trời nghe hứng khởi bao nhiêu thì đoạn này lại càng thể hiện tâm trạng ngậm ngùi, chua xót bấy nhiêu. Giấc mơ "hầu trời" như sự biểu hiện khát khao được thể hiện tài năng của thi sĩ. Dường như Trời cũng thấu hiểu được tình cảnh của thi sĩ nên khuyên nhủ:
"Rằng: Con không nói Trời đã biết
Trời dẫu ngồi cao, Trời thấu hết
Thôi con cứ về mà làm ăn
Lòng thông chớ ngại chi sương tuyết"
Những lời khuyên của trời dù ngắn ngủi nhưng lại vô cùng có giá trị, cuộc chia tay tiễn biệt giữa trời các chư tiên và tác giả cứ quyến luyến.
"Hai hàng lụy biệt giọt sương rơi
Trông xuống trần gian vạn dặm khơi
Thiên tiên ở lại, trích tiên xuống
Theo đường không khí về trần ai"
Mặc dù đã tỉnh khỏi giấc mộng nhưng vẫn lấy làm hối tiếc khi một năm có bao nhiêu ngày nhưng may mắn chỉ có 1 đêm để hầu trời. Điều này càng chứng tỏ, lòng khát khao muốn dùng thơ văn và niềm đam mê của mình để ai ai cũng biết tới, và những ai trân trọng nó.
"Một năm ba trăm sáu mươi đêm
Sao được mỗi đêm lên hầu Trời".
Từ một câu chuyện dường như không có thật, "hầu trời" đã phản ánh khá rõ tính cách của Tản Đà, ông đã mạnh dạn tự biểu hiện "cái tôi" cá nhân, một "cái tôi" ngông, phóng túng. Qua đó tác giả cũng ý thức rất rõ về tài năng, dám công khai cái tài văn chương hơn người của mình. Bài thơ "Hầu trời" là một bài thơ hay và độc đáo, tiêu biểu cho tính chất giao thời giữa cái mới và cái cũ trong nghệ thuật thơ Tản Đà, một trong những tác phẩm tiêu biểu cho cả hồn thơ Tản Đà và cả phong trào thơ mới.