Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Giới thiệu khái quát về kimono
Kimono (hán tự 着物), là tên gọi loại trang phục truyền thống của Nhật bản. Trên thực tế, kimono, có nghĩa là "đồ để mặc", vốn là từ chỉ quần áo nói chung trong tiếng Nhật, nhưng sau này, khi người Nhật bắt đầu mặc trang phục phương tây thì từ này được sử dụng để chỉ trang phục truyền thống, tương đương với từ wafuku (和服 - hoà phục). Vì vậy có thể coi kimono là một phần của wafuku, mặc dù gần như trong hầu hết các trường hợp, hai từ này có thể dùng thay thế nhau.
Để có được hình dáng như hiện nay, trong suốt chiều dài lịch sử phát triển song hành cùng lịch sử Nhật bản, kimono đã trải qua rất nhiều thay đổi. Vì thế mặc dù có nguồn gốc từ hán phục của người Trung Quốc, kimono dần dần đã có được những nét riêng đặc biệt và trở thành một loại trang phục độc đáo đặc trưng cho văn hoá Nhật.
Nói một cách đơn giản thì kimono là loại trang phục có dáng chữ T, với thân áo thẳng, ống tay rộng và dài. Khi mặc, người ta quấn áo quanh thân người, vạt trái nằm trên vạt phải (ngoại lệ duy nhất là khi mặc cho người chết), và giữ lại bằng một loại thắt lưng to bản gọi là obi. Trên lý thuyết là như vậy, nhưng trong thực tế, để mặc một bộ kimono thật chỉnh tề, đặc biệt là kimono nữ, người ta cần rất nhiều phụ kiện giúp giữ chắc và làm kimono đứng dáng. Việc mặc cũng phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn so với âu phục, chính vì thế đây là một trong những lý do khiến vị thế của kimono ngày nay trở nên lép vế hơn trong lựa chọn là trang phục thường nhật.
Mặc dù hiện nay phần lớn người Nhật lựa chọn mặc âu phục thường ngày, nhưng kimono vẫn được mặc trong các dịp lễ đặc biệt, ví dụ như lễ tốt nghiệp, đám cưới, trong các sự kiện trang trọng, tiệc trà, hoặc chỉ đơn giản là mặc đi chơi vào những ngày nghỉ. Vẫn có khá nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi và những người làm các công việc truyền thống như võ sĩ sumo, giáo viên trà đạo, hoa đạo, chủ tiệm kimono,... vẫn mặc kimono thường ngày.
Theo truyền thống, kimono được may từ vải lụa và được khâu tay. Ngày nay, để tiết kiệm chi phí cũng như tạo điều kiện bảo quản dễ dàng hơn, các chất liệu polyester nhân tạo cũng được sử dụng, nhưng dù vậy, lụa vẫn giữ vị trí là chất liệu thích hợp nhất cho kimono. Sau này, mặc dù máy móc rất phát triển nhưng vẫn có những công đoạn khi may vẫn phải khâu tay. Đặc biệt với những bộ kimono cao cấp sử dụng trong những dịp lễ quan trọng, từ khâu nhuộm vải, vẽ hoa văn, thêu, cắt may đều được hoàn thành hoàn toàn bởi những nghệ nhân, và có thể coi mỗi chiếc áo là một tác phẩm nghệ thuật duy nhất. Cũng chính vì tính chất này mà giá thành của một chiếc kimono có thể là từ vài chục ngàn yên tới vài triệu yên, và những bộ kimono quý được truyền lại trong gia đình như những đồ vật gia bảo.
Kimono có rất nhiều loại, tương ứng với nhiều mục đích sử dụng khác nhau
- Furisode: kimono tay dài dành cho phụ nữ chưa có chồng
- Uchikake: là một loại kimono cực kì trang trọng chỉ được mặc bởi cô dâu hoặc khi biểu diễn. Uchikake được mặc ra ngoài furisode và obi, giống như áo khoác, và có đuôi dài quét đất. Có hai loại uchikake là shiromuku, trắng tinh hoàn toàn và iro-uchikake, với màu sắc và hoa văn rất rực rỡ
- Houmongi:kimono có hoa văn chạy theo vai, tay áo và gấu áo
- Iromuji: kimono trơn một màu
- Komon: kimono có hoa văn nhỏ, lặp lại trên toàn bộ áo
- Tomesode: loại kimono trang trọng dành cho phụ nữ đã có chồng, đặc trưng bởi hoa văn chỉ chạy ở thân dưới áo. Có hai loại tomesode là kurotomesode màu đen và irotomesode có những màu khác
- Mofuku: đồ tang
- Susohiki: loại kimono dành cho geisha và nghệ sĩ múa, thường dài hơn kimono thường khá nhiều để có thể lết trên sàn.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |