Thật đúng như nhà văn I-li-a Ê-ran-bua nói: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu đồng quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Quả thật, ông Hai trong truyện ngắn “ Làng” là hình ảnh đẹp của những người nông dân bình thường nhưng giàu lòng yêu nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây (1946-1954). Ông Hai là hình tượng người nông dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp với những tình cảm chân thực và thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước.Và từ khi được học tác phẩm “Làng” tôi thường mơ ước được gặp ông để tìm hiểu rõ hơn điều gì đã xảy ra với ông.Điều đó đã thành sự thật cách nay chưa lâu. Tôi không thể quên được giây phút phút đó.
Không gian mờ ảo đưa tôi đi.Khi tôi mở mắt ra thì thấy mình ở trong một ngôi làng trung du nhỏ. Cái làng này chỉ có chừng vài mươi nóc nhà. Tôi mơ màng đi trên con đường đất thẳng giữa làng. Tôi thấy, những tốp người đứng ngồi lố nhố cả ở dưới mấy gốc đa sù sì, cành lá rườm rà ken vào nhau, rải xuống mặt đường và bãi cỏ một vùng bóng mát rộng.Tiếng quạt, tiếng thở, tiếng trẻ con khóc, cùng với tiếng cười nói râm ran một góc đường. Dưới chân đồi, những thửa ruộng lúa xanh mượt, uốn quanh co dưới trời nắng, lấp loáng như một khúc sông. Có mấy bóng cò trắng bay dật dờ…. Tôi giật mình.Tôi thấy cảnh này vừa lạ vừa quen.Hình như tôi đã gặp đâu đó rồi thì phải nhưng tôi không nhớ được.Bỗng tôi nhìn thấy ông lão ngồi trong một cái quán gần đấy. Hút thuốc lào, uống chè tươi nóng, ông chóp chép cái miệng như có bao nhiêu ý nghĩ vui thích chen chúc trong đầu óc. Tôi mạnh dạn đi lại gần.Bây giờ tôi mới nhìn rõ đó là ông lão người mảnh khảnh, đầu chít khăn, dáng điệu gọn gàng. Tôi đoán ông độ trên dưới sáu mươi.
- Chào ông ? Ông có biết đây là đâu không ? Tôi hỏi.
- Cháu không biết mình ở nơi tản cư à! Bố mẹ cháu đâu ?
- Cháu không biết tại sao cháu ở đây ? Ông giúp cháu về nhà nhé ?
Ông Hai đặt bát nước xuống chõng nói : Thôi cháu theo ông về nhà , để ông báo chính quyền tìm người nhà cho cháu. Ông Hai trả tiền nước, đứng dậy, chèm chẹp miệng một tiếng, vươn vai nói to: về nào…
Tôi theo ông về nhà.Trên đường đi ông giới thiệu mình là người làng chợ Dầu và mọi người thường gọi tôi là ông Hai Thu.Lúc đó tôi mới nhận ra mình đang nói chuyện với người mình mơ gặp bấy lâu.Tôi đang bâng khuâng không biết điều này thưc hay mơ đây thì đã về tới nhà.Vào nhà ông rót nước và hỏi chuyện tôi.Ông hỏi tôi từ đâu tới, vì sao lạc cha mẹ…Tôi chỉ trả lời ậm ờ cho qua chuyện. Tôi đánh trống lảng hỏi sang chuyện khác :
- Cháu nghe nói làng chợ Dầu anh hùng lắm ! Ông có thể kể cho cháu nghe về nó không ?
Như bắt được mạch, ông Hai kể trong say sưa . Ông nói chuyện về làng một cách say mê và náo nức lạ thường. Hai con mắt ông sáng hẳn lên, cái mặt biến chuyển, hoạt động. Ông khoe làng ông có cái phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh thì cao bằng ngọn tre, chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe thấy. Ông khoe làng ông nhà ngói san sát, sầm uất như tỉnh.Đường trong làng toàn lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến gót chân. Tháng năm ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì tốt thượng hạng, không có lấy một hạt thóc đất.
Dù đã đọc những điều này trong truyện nhưng tôi vẫn cảm thấy xúc động.Tôi nhìn ông Hai say sưa kể tiếp : Kháng chiến bùng nổ ông muốn ở lại làng cùng anh em bộ đội và dân quân kháng chiến .Nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên ông phải cùng gia đình đi tản cư .Ở nơi tản cư ông rất nhớ làng và thường có hay khoe về làng mình .Hôm nào ông cũng ra phòng thông tin để nghe tin tức kháng chiến . Ruột gan ông cứ múa hết cả lên khi nghe được bao nhiêu tin hay - toàn tin quân ta giết được địch.
Nói đến đây ông dừng lại,trầm ngâm suy nghĩ.Tôi vội hỏi :
- Chuyện gì xảy ra vậy ông ? Sao ông dừng lại không kể tiếp ?
Ông Hai nhìn tôi với cặp mắt đầy suy tư
- Từ từ chứ ! Chờ ông uống miếng nước đã. Nói xong ông lấy ly nước uống một ngụm.Uống xong ông kể tiếp : Hốm ấy đang trong tâm trạng náo nức thì ông nghe được tin làng chợ Dầu của ông theo Tây làm Việt gian. Lúc đó cổ họng ông nghẹn ắng lại , da mặt tê rân rân. Ông lặng đi ,tưởng như không thở được. Một lúc lâu ông mới dặn è è , nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông hỏi lại về cái tin ấy thì người ta đã khẳng định một cách chắc chắn . Ông vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác rồi đi thẳng về nhà.
Nghe ông kể tôi có thể cảm nhận được tâm trang ông lúc đó. Có gì đau đớn, tủi nhục cho ông Hai bằng khi nghe một người đàn bà tản cư từ dưới xuôi lên nói: “Cả làng chúng nó (làng Dầu) việt gian theo Tây”, “Việt gian từ thằng chủ tịch mà đi cơ ông à!”, Niềm tự hào bao lâu bỗng chốc tan tành, sụp đổ. Giá không yêu nơi sinh trưởng của mình, ông đâu cảm thấy đau đớn và nhục nhã đến thế. Ông Hai vẫn đang kể :
- Về đến nhà , ông nằm vật ra giường nhìn lũ con mà thấy tủi thân , nước mắt ông cứ ràn ra . Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư ? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư ? Ông ngờ ngợ chả nhẽ bọn ở làng lại đốn đến thế ư rồi ông tự kiểm điểm trong óc thấy họ đều là những người có tinh thần yêu nước , yêu kháng chiến chẳng nhẽ lại đi làm cái điều nhục nhã ấy ? Nhưng không có lửa làm sao có khói . Ông cảm thấy tủi nhục. Chiều hôm ấy vợ ông về cũng có vẻ khác . Trong nhà có cái sự im lặng thật là khó chịu. Mãi đến khuya vợ ông mới hỏi ông về cái tin ấy. Ông im lặng rồi gắt lên vậy là bà ấy im bặt. Ba bốn ngày hôm sau ông không dám bước chân ra ngoài chỉ ở trong gian nhà trật trội để nghe ngóng tin tức. Lúc nào ông cũng nơm nớp lo sợ , hễ nghe đến chuyện ấy là ông lại giật mình. Ông căm ghét bọn phản bội làng, phản bội Tổ quốc. Nỗi đau đớn và nhục nhã và lo sợ của ông lên tới cao độ khi nghe tin nhân dân địa phương có người làng Dầu tản cư đến là họ tẩy chay dân làng ông, “đến đâu có người chợ Dầu người ta cũng đuổi như đuổi hủi”, ngay mụ chủ nhà cũng đã đuổi khéo vợ chồng, con cái ông ra khỏi nhà. Trước tình cảnh ấy, ông bế tắc nhưng ông nhất định không chịu trở về làng: “Về làng là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ”. Cũng không thể đi đâu, ở đâu, người ta cũng đuổi người làng chợ Dầu của ông.Trong tâm trạng đau đớn tủi hờn , ông tâm sự với thằng con út. Sau khi tâm sự xong, nỗi khổ của ông với đi phần nào .
Tôi lặng đi trong xúc động.Thật thương cho ông Hai. Không hiểu sao nước mắt đã nhòe trên mặt tôi .Ông Hai lấy tay quệt nước mắt cho tôi cười nói : Coi cháu kìa ! Mau nước mắt quá ! Nghe ông nói tôi chỉ biết cười ngượng.Vội hỏi cho đỡ ngượng :
- Vậy tin làng chơ dầu theo tây được cải chính khi nào ?
Nghe tôi hỏi ông Hai ngẩn người ra .Tôi biết mình đã lỡ lời.Nhưng một thoáng im lặng trôi qua, ông nói với giọng xúc động :
- Một hôm khoảng ba giờ chiều, có người đàn ông đến nhà ông chơi . Ông ấy rủ ông đi theo ông ấy, đến sẩm tối ông mới về . Lúc ây ông rất vui .Đến bực cửa ông đã bô bô khoe rằng Tây nó đốt nhà mình rồi, ông chủ tịch làng ông vừa mới lên cải chính, ông ấy cho biết cái tin làng ông theo Tây làm Việt gian là sai. Nỗi vui mừng của ông thật vô bờ bến. Ông hào phóng mua quà cho các con, ông muốn san sẻ niềm vui sướng ấy cho mọi người trong đó có cả mụ chủ nhà từng gieo cho ông nhiều nỗi bực dọc, căm tức.Cứ thế ông lật đật đi khoe khắp nơi, tối hôm ấy ông còn sang gian bác Thứ nói chuyện về làng của mình.
Nói xong ông đưa tay quyệt nước mắt đã rơi khi nhắc đến kỉ niệm đó.Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé khi nghĩ đến ông. Ông Hai đã gắn tình yêu đắm say làng mạc của mình với tình yêu đất nước.Điề này làm nên con người vĩ đại trong ông.Cũng chính vì thế mà làng Dầu của ông có như thế nào đi nữa, ông vẫn một lòng, một dạ ủng hộ kháng chiến, ủng hộ Cụ Hồ.Đang trầm ngâm với suy nghĩ của mình tôi nghe tiếng gọi
- Ông Hai ơi ngoài ủy ban có tin về làng chợ Dầu kìa ?
Nghe tiếng gọi ông Hai nhanh chóng bảo tôi nghỉ ngơi còn ông sẽ chay ra ủy ban báo cáo về trường hợp của tôi.Nhìn dáng tất bật của ông mà tôi trào dâng niềm yêu thương.
Reng ! Reng ! Tiếng chuông báo thức vang lên. Giờ tôi mới nhận ra minh đã có một giấc mơ thật đẹp. Ông Hai đã giúp hiểu thêm về vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược :Yêu làng,yêu nước và gắn bó với kháng chiến.Có lẽ vì thế mà tác phẩm “Làng ” xứng đáng là một trong những truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại.
Đề : Tưởng tượng gặp người cháu trong “ Bếp lửa”
Trong cuộc đời ,ai cũng có cho riêng mình những kỉ niệm thời ấu thơ hồn nhiên trong sáng. Những kỉ niệm ấy là thiêng liêng và thân thiết nhất . Nó có sức mạnh phi thường nâng đỡ con người suốt hành trình dài và rộng của cuộc đời . Tôi nhận thức sâu sắc điều đó nhờ văn bản “ Bếp lửa” của Bằng Việt . Hình ảnh người bà, bếp lửa và tình bà cháu in đậm trong tâm trí tôi . Và sự ám ảnh đó theo tôi vào giấc ngủ …
Thời gian trôi , tôi là một sinh viên ngành luật tại Maxcơva .Tôi có người bạn rất thân thiết tên là Việt Bằng.Việt Bằng rất nổi tiếng trong giới sinh viên du học tại Liên Xô. Anh làm thơ rất hay.Tôi đã đọc và rất thích bài thơ “ Bếp lửa” của anh.
Nhân dịp tết cổ truyền ở quê nhà, nhóm sinh viên xa nhà chúng tôi tổ chức nấu bánh chưng , bánh tét . Bên ánh lửa bập bùng tôi được nghe câu chuyện về tuổi thơ của anh Việt Bằng . Anh kể trong nỗi xúc động về tuổi thơ và nỗi nhớ nhung về người bà giấu yêu của mình.
Bằng giọng chậm rãi bùi ngùi , đôi mắt như đắm chìm trong quá khứ ,Anh tâm sự :
- Các bạn ơi ! Thời gian trôi qua hơn hai mươi năm rồi . nhưng mỗi lần nhìn bếp lửa tôi lại nhớ về bếp lửa , quê hương ,bếp lửa tuổi thơ .hồi ức bếp lửa làm bớt cái lạnh lẽo của mùa đông xa quê , nỗi nhớ quê ,cha mẹ . Ở trời Tây này, tuyết thường rơi trắng xoá. cái lạnh ở nơi đây làm tôi liên tưởng đến bếp lửa của quê nhà chờn vờn trong sương sớm. Bếp lửa toả sáng bập bùng, in bóng bà tôi trên vách bếp. Bếp lửa luôn vương vấn hình ảnh bà nội tôi tần tảo sớm hôm . Dáng bà cong lưng thổi bếp ,thổi mãi cho đến khi bếp cháy và tỏa luồng hơi ấm nồng nàn . Hơi ấm của tình thương, của niềm tin và hi vọng . Ôi hình ảnh bếp lửa vẫn lung linh trong kí ức của dù trải qua bao mưa nắng thời gian. Tôi nghĩ rằng chính sự quần tụ quanh bếp lửa của gia đình Việt là ấn tượng thiêng liêng mà tôi không bao giờ quên được.
Nói đến đây anh đừng lại và chìm trong suy tư. Tôi không muốn phá vỡ mạch suy nghĩ của anh nhưng trí tò mò của tôi đã thắng. tôi vội hỏi:
- Hồi nhỏ anh sống với bà à? Chắc có nhiều kỉ niệm lắm ?
- Tuổi thơ của tôi được sống bên bà, cùng bà nhóm lửa là tuổi thơ với nhiều gian khổ, thiếu thốn, nhọc nhằn.Hồi quê hương tôi khổ lắm , chiến tranh mà ! Năm 1945 cả nước đang lâm vào cảnh đói khủng khiếp khiến hơn hai triệu người chết ,gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Bố tôi còn con ngựa để đánh là may mắn lắm . Cả xã hội đói mòn đói mỏi . Trong những năm đói khổ đó , tôi và bà gắn bó với nhau . Bà không bao giờ để tôi đói hay thiếu bữa ăn nào . Bà mót từng củ khoai , lượm từng củ sắn để có cái ăn cho tôi . Bà như bà tiên, xua tan đi cái không khí ghê rợn đầy tử khí của năm đó . Tôi nhớ mãi cái ” mùi khói “ .Hơn hai mươi năm rồi , khói vẫn làm cay mắt tôi. Cái “ cay “ của những kỉ niêm đói khổ, càng “cay “ tôi càng nhớ bà và thương bà hơn.
Tôi lặng đi , không dám cất lời hỏi tiếp . Thời gian trôi trong thinh lặng . Một lúc sau , đè nén xúc động , Việt Bằng kể tiếp: Cả quãng đời tuổi thơ tôi sống cùng bà. Trong tám năm ấy , đất nước có chiến tranh , hai bà cháu phải đi tản cư còn bố mẹ tôi thì đi công tác . Chỉ có tôi và bà , bà phải xoay sở nuôi thân mình và nuôi cả cháu . Thời gian ấy , tuy đói khổ với tôi lại là niềm hạnh phúc vô bờ . Suốt tám năm ròng, tôi ở cùng bà, sớm sớm chiều chiều cùng bà nhóm lửa. Bà kể cho chúng tôi nghe những ngày lưu lạc ở Huế. Trong khói bếp , chập chờn mở ảo , bà như bà tiên hiện ra từ trong những câu chuyện bà kể. Đối với tôi , bà là cha , là mẹ. Trong những năm sống, cùng bà , bà chăm lo tôi từng miếng ăn , từng giấc ngủ và bà còn là người thầy đầu tiên của tôi . Tôi lớn lên trong sự chăm sóc , dạy bảo của bà.Bà dạy tôi cách sống , cách làm người và những bài học đó đi theo tôi suốt cuộc đời . Là hành trang tôi luôn mang theo bên người . Bây giờ nghĩ lại, tôi đi xa rồi bà ở với ai , ai cùng bà nhóm lửa , ai cùng bà chia sẻ những ngày ở Huế ?. Mỗi lần nghe tiếng chim tu hú kêu, lòng tôi trỗi dậy những hoài niệm nhớ mong, muốn được ở gần bà, sợ phải xa bà. Đang kể bỗng Việt Bằng dừng lại , nhìn mông lung rồi đột ngột cất tiếng ngâm thơ :
“ Tu hú ơi ! Chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa “ .
Tôi lặng người và cảm thông cho nỗi lòng của anh , cảm thông với nỗi nhớ bà của đứa cháu nơi xứ người .Tim tôi thổn thức , lòng dâng trào cảm xúc . Hình như nơi quê nhà tôi cũng có ngươi bà đang mong chờ tôi về. Đang miên man trong suy nghĩ của mình, tôi nghe tiếng Việt Bằng kể tiếp :
- Chiến tranh khốc liệt vô cùng. Nó gây ra bao đau khổ . Bà cháu tôi cũng là một nạn nhân của chiến tranh . Gia đình tôi bị chia cắt , bố mẹ tôi công tác bận không về, nhà cửa bị đốt trụi … Nhưng cuộc sống càng khó khăn , cảnh ngộ càng ngặt nghèo thì bà càng thêm vững vàng . Nhớ năm đó túp lều tranh của bà cháu tôi bị đốt .Không còn chốn nương thân . Bà dẫn dắt tôi qua hết mọi khó khăn . Bà cấm tôi kể này ,kể nọ trong bức thư viết cho bố . Bà không muốn bố tôi đang bận việc nước , lo lắng cho nhà . Lời dặn của bà giản dị nhưng chứa biết bao tình cảm . Ôi, bà ơi ! hồi ấy đầu óc non nớt của cháu đâu thấu hiểu tấm lòng hi sinh vì nước của bà . Tấm lòng của bà cao cả chan chứa yêu thương .
Kể đến đây đôi mắt Việt Bằng đã nhòa loẹt . Tôi cũng bồi hồi xúc động lẫn khâm phục ngươi phụ nữ anh hùng.
-Bà của anh thật tuyệt vời ! Bây giờ bà của anh còn không ? Làm gì?
Đè nén xúc động , Việt Bằng cười rất tươi , vội vã trả lời :
-Còn … Bà tôi rất còn khỏe và vẫn dậy sớm nhóm bếp nấu nước , nấu cơm . Nhắc đến bà , tôi không quên được hình ảnh của bà với bếp. Hình ảnh bà tôi mái tóc bạc phơ, thân hình còm cỏi luôn đi đôi với bếp lửa rực hồng. Bếp lửa do tay bà nhóm lên toả hơi ấm khắp căn lều nhỏ và suởi ấm lòng tôi, khơi dây ở tôi những tâm tình của thời thơ dại. Bà và bếp lửa , hai hình ảnh ấy thực sự đã ghi dấu ấn lên cuộc đời tôi. Bây giờ cuộc sống đã thay đổi qua nhiều , bếp lửa truyền thống đã không còn hữu dụng nữa . Nhưng tôi mãi không bao giờ quên được hai hình ảnh đó. Bếp lửa là tình bà nồng ấm, bếp lửa là tay bà chăm chút, bếp lửa gắn với những khó khăn gian khổ của đời bà. Ngày ngày bà nhóm lên bếp lửa cũng là nhóm lên niềm vui , sự sống, niềm yêu thương chăm chút dành cho tôi và mọi người. Bà không những là người nhóm lửa, giữ lửa, mà còn là người truyền lửa, truyền niềm tin , sự sống cho tôi. Bà là người phụ nữ Việt Nam muôn thuở với vẻ đẹp tần tảo , nhẫn nại và đầy yêu thương. Giờ đây tôi đã trưởng thành. Tôi có những niềm vui mới, tình cảm mới, bến bờ mới. Tổ quốc đã chấp cánh cho tôi bay vào bầu trời thênh thang của tri thức khoa học,nhưng tôi không thể nào quên hình ảnh bà gắn với hình ảnh bếp lửa mà bà tôi ấp iu nhen lên mỗi sớm, mỗi chiều ở nơi quê nhà.
Lắng nghe Việt Bằng thộ lộ tâm sự , tôi bồi hồi xúc động về hình ảnh người bà thiêng liêng cao cả. Để đất nước được hòa bình , những người bà , người mẹ đã âm thầm hi sinh . Trong tôi dâng tràn lên một niềm tin cao đẹp đất nước ngày càng phát triển khi còn những người mẹ , người bà như thế . Câu truyện của Việt Bằng gợi tôi nhớ về quê hương , gia đình và càng thấm thía hơn tình cảm gia đình , ông bà , cha mẹ . Quê hương là bến bờ hạnh phúc sưởi ấm tâm hồn những đứa con xa xứ như chúng tôi
Qúa nửa đêm , giờ đã sang giờ giao thừa ở Việt Nam ,bếp lửa đã tàn , chúng tôi chia nhau về phòng để kịp gởi lời chúc xuân tốt đẹp về Việt Nam . Viết xong lời chúc , Tôi lên giường đi ngủ .
- Reng ! Reng ! Reng !
Tiếng chuông báo thức vang lên . Giời tôi mới nhận ra mình đã có một giấc mơ thật đẹp . Nhưng sao tôi vẫn cảm nhận được cái lạnh của nước Nga.Cái lạnh nhưng lại ấm áp tình cảm gia đình. Những gì là thân thiết nhât của tuổi thơ mỗi người đều có sức toả sáng, nâng đỡ con người trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời phải không các bạn ? Tình yêu thương , lòng biết ơn trong gia đình chính là cội nguồn của tình yêu quê hương đất nước, con người. Tôi thầm hứa mình phải biết yêu quý và bảo vệ hạnh phúc mình đang có.