2.
Năm 1972, bài thơ "Khoảng trời - Hố bom" cùng với cái tên Lâm Thị Mỹ Dạ xuất hiện trên các báo chí được bạn độc gần xa ái mộ. Nhà thơ nữ trẻ này là một nữu thanh niên xung phong đi mở đường trên núi rừng Trường Sơn, đó là những con người từng được Tố Hữu ca ngợi là "Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng". Đây là bài thơ sáng giá nhất trong trùm thơ của chị được tặng giải Nhất cuộc thi thơ báo văn nghệ năm 1972-1973. Năm viết bài thơ "Khoảng trời hố bom"(10/1972) chị mới bước sang tuổi 23.
Bài thơ là lời tưởng niệm đầy xúc động về sự hi sinh của người thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn những năm chiến tranh chống Mĩ. Bài thơ viết trên đường hành quân, khi nhà thơ đang cùng đồng đội vượt qua những trọng điểm đầy bom đạn ác liệt:
"Đơn vị tôi hành quân qua bao con đường mòn Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái ...." Hố bom kia như một chứng tích đau thương về cái chết của người con gái. Người con gái đã ngã xuống trong bom đạn quân thù còn trẻ lắm, được nhà thơ nữ 23 tuổi gọi bằng "em" với tất cả tình yêu thương. Câu thơ mở đầu dung dị, tự nhiên như lối kể chuyện dân gian, giọng điệu tâm tình, chứa chan xúc động:"Chuyện kể rằng em cô gái mở đường" ...Bốn câu thơ tiếp theo nói về sự hi sinh vô cùng cao cả của em:
"Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương Cho đoàn xe kịp giờ ra trận Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa Đánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom" "Em" đã xả thân để cứu con đường, giữ vững mạch máu giao thông "cho đoàn xem kịp giờ ra trận". Dũng cảm, mưu trí và anh hung biết bao! Em tự giác, tự nguyện chấp nhận hi sinh: Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa- Đánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom". Em đã được điều như em mong muốn. Ngọn lửa em thắp lên đã đánh lừa được lũ giặc lái Hoa Kì, con đường "khỏi bị thương", nhưng em đã hi sinh. "Hứng" nghĩa là đón lấy. Cô gái mở đường đã "hứng lấy luồng bom". Hành động ấy diễn ra một cách thầm lặng, vô cùng cao cả và anh hùng. Ngọn lửa mà cô gái thanh niên xung phong thắp sáng lên trong đêm tối để đánh lừa máy bay giặc Mĩ bằng một thứ nhiên liệu đặc biệt "Tình yêu Tổ Quốc". Đúng như nhà thơ Xuân Diệu đã viết:
"Tình yêu Tổ Quốc là đỉnh núi, bờ sông Những lúc tột cùng là dòng huyết chảy" Câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ gồm có 8 từ chia làm 2 vế cân xứng đối nhau, vế thứ nhất thể hiện sự mưu trí, vế thứ hai nói lên tinh thần quả cảm vô song:
"Đánh lạc hương thù // hứng lấy luồng bom" Cô gái mở đường "đêm ấy" đã hi sinh cực kì anh dũng. Sự hi sinh cao cả của cô đã được nhà thơ cảm nhận như là sự hóa thân kì diệu vào quê hương, đất nước trong sự vĩnh hằng của thiên nhiên và trong cuộc đời của những người đang sống.
Mười hai câu thơ tiếp theo, tác giả sáng tạo nên ba hình hoán dụ để ca ngợi bản chất cao đẹp của cô gái mở đường. Đó là "tâm hồn em", "thịt da em", "trái tim em". Từ những hình ảnh ấy Lâm Thị Mỹ Dạ đã phát triển thoe theo mối liên tưởng về sự hóa thân của sự sống con người vào thế giới thiên nhiên, gợi ra sự ý niệm về bất tử, đầy màu sắc thiêng liêng cao cả.
"Có cái chết hóa thành bất tử"(Tố Hữu). Cô gái đã vĩnh viễn ra đi, chỉ còn lại chứng tích "Hố bom". "Em đã nằm dưới đất sâu-Như khoảng trời đã nằm yên trong đất". Em đã ra đi nhưng em trường tồn mãi với quê hương, đất nước. Em đã hóa thân vào thiên nhiên.
"Thịt da em mềm mại trắng trong ", em tươi trẻ, em trinh trắng, em chẳng bao giờ chết, em "đã hóa thành những vầng mây trắng", nhởn nhơ bay khắp "khảong trời ngập nắng" của quê hương.
"Tâm hồn em" chẳng bao giờ phai mở. Nó vẫn sáng ...đêm đêm , như những "vì sao chói ngời lung linh".
Trên cái không gian "khoảng trời - Hố bom" ấy, mặt trời-ánh dương vẫn "thao thức". Hai chữ "thao thức" chỉ sự vĩnh hằng của vầng dương. Từ đó nhà thơ khẳng định, trái tim cô gái mở đường cũng là một "vầng dương" và sẽ chiếu rọi những mảnh đường hành quân ra trận:
"Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực Soi cho tôi Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài". "Vầng mây trắng", "Vì sao ngời chói lung linh" và "vầng dương thao thức" ...là những hình ảnh ẩn dụ mang màu sắc tráng lệ ca ngợi tầm vóc cao cả, kì vĩ và bất tử của tâm hồn, khí phách anh hùng của cô gái thanh niên xung phong thời đánh Mĩ.
Thơ ca Việt Nam khắc họa rất đẹp hình ảnh "mặt trời". Có "Mặt trời chân lý chói qua tim" tượng trưng cho lí tưởng cách mạng(Từ ấy). Có mặt trời gợi tả ngày cách mạng thắng lợi đang tới gần:"Cử đầu, hồng nhật cận"(Ngẩng đầu mặt trời đỏ rất gần-Hồ Chí Minh). Có hình ảnh tượng trưng cho sự sống, tình yêu, niềm tự hào:
"Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng" (Nguyễn Khoa Điềm) Và ở đây, Lâm Thị Mỹ Dạ đã viết một cách sáng tạo:
"Vầng dương thao thức Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực ..." Mặt trời vĩnh hằng chói lọi như tinh thần em bất tử đối với đất nước, thiên nhiên.
Phần cuối bài thơ, tác giả ca ngợi cô gái là một chiến sĩ vô danh, một anh hùng vô danh. Chiến tích của em là con đường chiến lược Trường Sơn-con đường đánh Mĩ. Gương hi sinh của em được "tôi", "bạn bè tôi", tuổi trẻ Việt Nam thời đánh Mĩ khâm phục và noi theo. Cách nói của Lâm Thị Mỹ Dạ bình dị mà xúc động, thấm thía:
"Tên con đường là tên em gửi lại Cái chết em xanh khoảng trời con gái Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em Nên mỗi người có gương mặt em riêng". Con đường Trường Sơn-con đường mòn Hồ Chí Minh là một chương huyền thoại trong cuốn sử vàng thời đánh Mĩ. Hàng vạn bộ đội và nam nữ thanh niên xung phong đã ngã xuống để giữ vững con đường cho đoàn x era trận. Có thể nói bài thơ "Khoảng trời - Hố bom" là một tượng đài hùng vĩ về những chiến sĩ mở đường Trường Sơn, những anh hùng liệt sĩ bất tử.
Một giọng thơ tâm tình thiết tha cảm động. Những hình ảnh và liên tưởng tuyệt đẹp. Con người và thiên nhiê, sự sống và cái chết, người ngã xuống và người đang hành quân được nói đến bằng cả tấm lòng khâm phục và biết ơn sâu sắc. Ngọn lửa tình yêu mà cô gái mở đường Trường Sơn hơn mấy chục năm về trước thắp lên đang sáng bừng trang sách học trò hôm nay và ngày mai.