* Bạn cần đảm bảo thực hiện một số yêu cầu sau:
a. Hình thức:
- Viết lùi vào một ô, các câu sau viết sát mép lề
- Đoạn văn quy nạp, không có câu mở đoạn
- Đủ số câu quy định: Khoảng 15 câu
b. Về nội dung: Bạn có thể tham khảo mạch ý sau để làm rõ tình cảm sâu nặng của bé Thu đối với người cha trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà”:
* Khi ông Sáu về đến nhà:
- Bé đang chơi ở nhà chòi, thấy người đàn ông có vết thẹo dài bên má phải đỏ ửng, giật giật trông rất sợ, bé đã “ giật mình, tròn mắt, ngơ ngác nhìn” một cách ngờ vực. Rồi bé mặt tái đi, vụt chạy, kêu thét lên. Điều này cho thấy, bé chưa chuẩn bị tâm lý từ trước rằng ba của bé sẽ về thăm nhà.
*Trong ba ngày ở nhà:
Ông Sáu luôn gần gũi, khao khát bé Thu gọi mình một tiếng “Ba”, song bé Thu đã có những hành động phản ứng ông một cách ương ngạnh, bướng bỉnh:
- Nói trổng ( nói trống không) “ vô ăn cơm”, “ “ cơm chín rồi”, “ cơm sôi rồi”, chắt nước giùm cái!” để tránh dùng từ “ Ba” vì từ “Ba” đối với bé rất thiêng liêng.
- Hành động “ hất cái trứng cá to vàng” ông sáu gắp vào chén cho nó và khi ông Sáu không kiềm chế được, đã đánh bé thì bé đã “ gắp lại trứng cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm”, bỏ về bà ngoại. Khi nhảy xuống xuồng, nó cố làm cho “ dây lòi tói kêu rổn rảng” để thể hiện phản ứng quyết liệt với ông Sáu.
* Những chi tiết trên cho thấy, sự ương ngạnh, bướng bỉnh của bé Thu trong hoàn cảnh chiến tranh xa cách, trắc trở không đáng trách. Bạn đọc thông cảm với bé vì em còn quá nhỏ, chưa hiểu được thời gian năm tháng, sự khốc liệt của chiến tranh sẽ làm ngoại hình con người có thể biến dạng đi không giống tấm hình chụp thời trẻ của ông sáu. Hơn nữa, bé Thu chỉ biết mặt ba qua tấm hình chụp chung với má. Bé cũng chưa chuẩn bị tâm lý gặp lại ba khi ba của bé về nhà trước khi nhận nhiệm vụ mới.
* Thu nhận ra ông Sáu là người cha của mình ( trọng tâm)
- Buổi sáng cuối cùng trước phút ông Sáu lên đường, thái độ, hành động của Thu đã đột ngột thay đổi hoàn toàn vì bé được bà ngoại giải thích vết thẹo trên má phải ông Sáu là do bị Tây bắn. Nó đã nằm im nghe bà kể, lăn lộn và thỉnh thoảng thở dài như người lớn. Điều này cho thấy, bé ân hận, hối tiếc.
- Lúc chia tay với ông Sáu: Đôi mắt mở to mênh mông của bé nhìn với vẻ “ nghĩ ngợi sâu xa” và khi ông Sáu khẽ chào bé “ Thôi, ba đi nghe con!” thì bé đã kêu thét lên “ Ba..a...a...ba!”
* Tiếng “Ba” mà bé khao khát được gọi đè nén trong bao nhiêu năm nay như vỡ tung ra từ đáy lòng nó. Tiếng kêu “ ba” xé tan cả không gian im lặng, xé ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đây là tiếng gọi “ ba” đầu tiên và cũng là cuối cùng của cuộc đời bé Thu vì sau đó ông Sáu đã hy sinh.
Hành động:
- Nó vừa kêu, vừa chạy xô tới, nhanh như con sóc, nó chạy thót lên và dang tay ôm chặt lấy cổ ba, vừa nói trong tiếng khóc, không cho ba đi.
- Nó “hôn tóc, hôn cổ, hôn vai” vì muốn cảm nhận hết tình cảm của người cha mà nó khao khát bao năm nay. Đặc biệt, “nó hôn cả vết thẹo dài bên má của ba” mà nó rất sợ vì nó muốn chuộc lại lỗi lầm trong ba ngày đã có hành động, thái độ không phải với ông Sáu. Hiểu được nguyên nhân của vết thẹo dài, bé Thu càng yêu thương và tự hào vì ba của bé là một chiến sĩ cách mạng.
* Chiến tranh qua hình ảnh “ vết thẹo dài” đã không những không chia cắt được tình cảm cha con của người chiến sĩ cách mạng mà còn làm cho tình cảm đó trở nên sâu sắc, mãnh liệt hơn.
- Được bà và mẹ giải thích rằng ba đi, thống nhất đất nước, ba sẽ về Thu đã để cho ba đi và dặn ba về sẽ mua cho bé một cây lược. Điều này cho thấy bé hiểu được công việc mà cách mạng đang cần ba.
- Sau này biết tin ba mình hy sinh, bé Thu đã tiếp nối công việc của ba đang làm dở: trở thành cô giao liên thông minh, dũng cảm, nhiều lần cứu đoàn cán bộ cách mạng thoát khỏi phục kích của giặc.
* Kết đoạn:
- Với tấm lòng yêu mến, trân trọng tình cảm trẻ thơ, với sự am hiểu tâm lý trẻ em, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa tình cảm yêu cha sâu sắc, mãnh liệt, đầy bản lĩnh của đứa con người chiến sĩ cách mạng mà không làm mất đi vẻ hồn nhiên, ngây thơ của trẻ em, đồng thời khẳng định chiến tranh khốc liệt với hoàn cảnh đầy éo le, không chia rẽ được tình cảm cha con của những người chiến sĩ cách mạng.
c. Về ngữ pháp:
- Gạch chân đoạn văn và chú thích rõ ràng thành phần biệt lập ( có thể là tình thái từ, hoặc từ cảm thán, hoặc thành phần phụ chú, hoặc gọi đáp) và từ ngữ dùng làm phép lập, được sử dụng thích hợp trong đoạn văn.