Nói đến vẻ đẹp của ngôn ngữ - một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, ca dao từng có câu: "Vàng thì thử lửa, thử than. Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời", hay "Người thanh tiếng nói cũng thanh". Bác Hồ cũng đã viết rằng: "Ngôn ngữ là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phát triển ngày một rộng khắp". Thế nhưng, lớp trẻ, đặc biệt là giới tuổi teen và cư dân cộng đồng mạng Internet hiện nay đang sử dụng tiếng Việt một cách vô lối, cẩu thả, thậm chí tối nghĩa và khó hiểu, đã và đang xâm hại nghiêm trọng đến sự trong sáng và vẻ đẹp được kết tinh từ bao đời nay của tiếng Việt. Chỉ cần lướt vào một số diễn đàn của giới trẻ, chúng tôi - thế hệ 7X đã cảm thấy lạc lõng và như sa vào "ma trận ngôn ngữ khó hiểu" của "teen". Những người ở thế hệ xa hơn thì kêu trời vì không thể hiểu "chúng đang nói gì, viết gì". Những câu than vãn đầy "chất teen" như thế này đang tràn ngập trên các diễn đàn mạng: "Ngoi` pun` hok bjk lem` je^`, vo^ tinh` nghj~ den' anh, hok bjk jo` nay` anh dang lam` j`" (Ngồi buồn không biết làm gì, vô tình nghĩ đến anh, không biết giờ này anh đang làm gì). "Nó lun mún nó of nó fone or nt or wan tâm như pạn nó vẫn thường thía mek dù zì nó là con gái làm shao có thía!!! …". (Nó luôn muốn Nó của nó điện thoại, hay nhắn tin, hay quan tâm như bạn nó vẫn thường thế vì nó là con gái làm sao có thể...). "Tau pun ngu we" (Tao buồn ngủ quá). "Bit oj, mey mep nhu heo hem bik seo pun ngu wei zj?" (Biết rồi, mày mập như heo không biết sao buồn ngủ hoài vậy). Giới trẻ cần ý thức rõ trách nhiệm giữ gìn ngôn ngữ của mình là bảo vệ và phát triển ngôn ngữ dân tộc. Cách nói và viết hỗn tạp của tuổi "teen" có ảnh hưởng đến chính cuộc sống, tính cách, môi trường học tập và hình thành nhân cách của các em không? Nhìn xa hơn, nó sẽ "xâm hại" đến tiếng Việt như thế nào, có làm hỏng ngôn ngữ của chúng ta hay không? Để có cái nhìn nhiều chiều, PV Báo CAND đã trao đổi với GS.TS Nguyễn Văn Khang, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, chuyên gia về ngôn ngữ học xã hội. .TS Nguyễn Văn Khang, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học. PV: Giới trẻ đang sử dụng ngôn ngữ một cách bừa bãi, vô tội vạ, Giáo sư cắt nghĩa hiện tượng này như thế nào? Giáo sư Nguyễn Văn Khang: Theo tôi, cần bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề. Ngôn ngữ thường xuyên biến động theo sự biến động của xã hội. Ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu xã hội hay là chiếc "nhiệt kế" đặc biệt của xã hội Việt Nam, tiếng Việt đã và đang phản ánh mọi sự đổi thay của xã hội Việt Nam và theo đó, tiếng Việt cũng đang có những thay đổi dưới tác động của xã hội Việt Nam. Về tiếng Việt của cư dân mạng, khi xã hội tồn tại các nhóm xã hội, thì tương ứng với nó sẽ có "ngôn ngữ của xã hội đó" (ngôn ngữ học xã hội gọi là "phương ngữ xã hội"). Tiếng lóng ra đời cũng bởi lí do này. Sự xuất hiện cư dân mạng, thì cũng đồng thời xuất hiện ngôn ngữ của cư dân mạng. Không chỉ tiếng Việt đâu. Ngôn ngữ nào cũng như vậy. Ở Trung Quốc, cư dân mạng còn đưa ra một thứ ngôn ngữ gọi là "ngôn ngữ sao Hỏa" mà chỉ có họ mới hiểu được. Tiếng Việt của cư dân mạng thực ra cũng chỉ là sự "biến báo" trên cơ sở của tiếng Việt mà thôi (nó giống như thời trang ấy mà!). Ví dụ: nhập y và i làm một (iu: yêu), lợi dụng cách phát âm phương ngữ (nhìu: nhiều), lợi dụng cách quan hệ giữa cách đọc và cách viết (qwá/was: quá). PV: Nhưng nhiều bậc cha mẹ đang lo lắng, cách nói và viết "méo mó" như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của con em họ và hậu quả là chúng ta có một "thế hệ" ngôn ngữ cộc lốc, vậy làm sao các em có thể viết được những câu văn lấp lánh, biết cảm thụ những bài thơ hay… Giáo sư Nguyễn Văn Khang: Ngôn ngữ "teen" nó mới và lạ, nó cũng có những đặc điểm rất riêng. Đó là nó đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn trong cách viết chính tả tiếng Việt; nó ngắn gọn đến mức không thể ngắn gọn hơn trong cách diễn đạt; nó biến báo các cách viết, cách diễn đạt theo phong cách cá nhân, tạo ra hàng loạt các biến thể tiếng Việt mới. Ví dụ: "Hello everybody! Rất vui dc làm wen all member. Rảh chat nhé! Ax! quên số dt nà” (Xin chào mọi người! Rất vui được làm quen với mọi người/các thành viên/cả nhóm. Rảnh chát nhé! À, quên, số điện thoại này/nè); "ThiẾu zẮng a e hUmz thỂ shỐng thÊm 1 fÚt jÂy nÀo nỮa" (Thiếu vắng anh, em không thể sống thêm một phút giây nào nữa); "Minh` xjn chia pun` dzoi ban nhaz.Chien tjnh` cua~ ban sao ma` chan wa'.... chuc' ban tjm` duoc 1 tinh` iu moi' dza` hanh fuc' dzoi' tinh` iu do' nhaz ban" (Mình xin chia buồn với bạn nhé/nha. Chuyện tình của bạn sao mà chán quá. Chúc bạn tìm được một tình yêu mới và hạnh phúc với tình yêu đó). Rõ ràng thì cách viết như thế này sẽ làm cho tiếng Việt bị lệch chuẩn, xa rời với ngôn ngữ bình thường vì tính khẩu ngữ quá cao, viết như nói, cách viết thì "dị thường" trái với tiếng Việt mà các em được học trong nhà trường. PV: Vậy cứ đà này thì ngôn ngữ của chúng ta sẽ "biến dạng" đến đâu, thưa Giáo sư? Giáo sư Nguyễn Văn Khang: Đây cũng là trăn trở của tất cả những ai quan tâm về ngôn ngữ học. Nhưng có người hỏi tôi, có xóa bỏ được "ngôn ngữ teen" không? Tôi trả lời là không thể xóa bỏ được. Khi nào còn tồn tại cư dân mạng, còn tồn tại nhóm xã hội của giới trẻ, thì còn ngôn ngữ đó. Quy luật phát triển là xã hội luôn vận động, ngôn ngữ cũng vậy, có cái sẽ được tiếp nhận, nhưng có cái sẽ bị đào thải. Chúng ta phải chấp nhận quy luật, còn tồn tại một nhóm xã hội thì còn tồn tại một ngôn ngữ biến thể. Như ở Mỹ, có gia đình, bố mẹ và con đều làm máy tính thì một ngày họ nói "170 lần từ máy tính". Tôi từng đi điều tra ngôn ngữ ở Vĩnh Tuy (Thanh Trì, Hà Nội), người dân nói "lói" và "nàm", nhưng họ vẫn không nhận là họ ngọng vì cộng đồng xung quanh họ đều thế cả. PV: Có ý kiến cho rằng, "teen đang sử dụng bừa bãi" ngôn ngữ một phần là do lỗi giáo dục sử dụng kỹ năng tiếng Việt trong nhà trường còn quá kém. Giáo sư có đồng tình với quan điểm này không? Giáo sư Nguyễn Văn Khang: Đúng là như vậy đấy. Tôi thấy dường như chúng ta đang cung cấp cho học sinh quá nhiều kiến thức ngôn ngữ học về tiếng Việt (thậm chí vội vàng đưa cả những kiến thức ngôn ngữ học hiện đại mà có khi chính người soạn sách còn chưa hiểu chắc chắn), trong khi đó lại coi nhẹ phần kỹ năng giao tiếp tiếng Việt (bao gồm nói và viết tiếng Việt; yếu tố thẩm mĩ, văn hóa trong giao tiếp tiếng Việt). Nhiều em tốt nghiệp đại học rồi mà còn không biết soạn văn bản tiếng Việt. Nếu phần kỹ năng giao tiếp tiếng Việt được dạy - học tốt trong nhà trường thì sẽ giúp cho học sinh biết nói đúng, viết đúng tiếng Việt, biết nói hay và viết hay tiếng Việt. Đó chính là tiêu chí và là chốt chặn giúp cho học sinh có cách nhìn đúng đắn trước các biến thể cũng như các biến tướng trong sử dụng tiếng Việt hiện nay. PV: Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng có bài viết sâu sắc về sự cần thiết phải "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt", trong đó có vấn đề "bảo vệ" và phát triển "tiếng Việt" trước sự "xâm lăng" của văn hóa ngoại lai (ngôn ngữ teen là một ví dụ). Vậy theo Giáo sư, cần phải làm gì để "bảo vệ" được giá trị bản sắc tinh hoa của ngôn ngữ chúng ta? Giáo sư Nguyễn Văn Khang: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt phải bắt đầu từ chuẩn hóa tiếng Việt. Chuẩn hóa không phải là đưa những khuôn cứng nhắc, bất di bất dịch rồi lấy đó để "phê phán đúng sai". Chúng ta cần sớm xây dựng và ban hành chính sách về ngôn ngữ. Còn trong nhà trường, người thầy phải đi trước, phải "nêu gương" về ngôn ngữ, kiến thức ngôn ngữ của thầy được ví như chiếc ấm mới đủ nước rót vào những chiếc chén là học trò. Nhưng thực tại, nhiều thầy cô kiến thức về ngôn ngữ còn nông lắm. Giáo sư Ngôn ngữ học Đinh Văn Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội: "Giới trẻ cần coi việc giữ gìn tiếng Việt như một trách nhiệm xã hội - văn hóa" "Vấn đề Báo CAND đặt ra về mối lo ngại hỏng tiếng Việt từ ngôn ngữ tuổi teen không phải không có cớ. Biết tôi là người giảng dạy ngôn ngữ học, nhiều người đã than phiền với tôi: "Chúng nó (lớp trẻ) làm hỏng hết tiếng Việt rồi"; "Ngày xưa thì lễ phép, còn bây giờ thì bát nháo đủ kiểu. Mở miệng ra là chửi bậy, nói tục. Lại còn nói lắp, nói ngọng, nói năng vô lối nữa!...". Tôi cười chia sẻ: Ừ cứ cho là như thế đi. Nhưng tôi nghiên cứu ngôn ngữ học, mà ngôn ngữ học là khoa học của bằng chứng. Chứng cứ là sức mạnh của lý lẽ. Bạn cứ thử quan sát kỹ xem, có bao nhiêu phần trăm trong lớp trẻ nói năng như vậy, và bình tĩnh hơn một chút cùng nhau làm một "phản biện xã hội" xem sao. Quan sát ngôn ngữ hôm nay của lớp trẻ ta thấy họ tự tin hơn, "người lớn" hơn rất nhiều trong giao tiếp. Ngôn ngữ không chỉ là lời trao gửi thông thường mà còn là văn hóa giao tiếp. Tôi đã tham dự nhiều sự kiện truyền thông mà trong đó ngôn từ lớp trẻ rất phong phú, sinh động… làm nhiều người ngạc nhiên. Vậy còn lời than phiền về ngôn ngữ thiếu chuẩn mực của lớp trẻ? Xin thưa: Đó là một thực tế của quá trình phát triển ngôn ngữ trong một xã hội đang phát triển. Không phải là ngôn ngữ của lớp trẻ, mà chỉ là ngôn từ của một số bạn trẻ nhận thức còn thấp, chưa đạt đến chuẩn mực văn hóa của thời đại mình với những lý do khác nhau. Hiện tượng này, cũng giống như hiện tượng đua xe, không phải là của số đông bạn trẻ nhưng phản cảm và gây bức xúc. Một nhà lãnh đạo của ta đã nói một cách hình tượng: "Mở cửa thì có gió mát, nhưng ruồi muỗi cũng bay vào. Tuy nhiên, đừng vì thế mà đóng cửa, hãy tìm cách đuổi ruồi muỗi ra, hay khéo léo dùng vợt mà diệt chúng". Ngôn ngữ lớp trẻ ngày nay đang đi tiên phong trong đổi mới. Thế hệ trẻ không làm hỏng ngôn ngữ của cha ông, mà trái lại đang làm phong phú nó, làm cho nó dân chủ và sáng tạo hơn. Có cái "quậy" phá rối, nhưng có những cái quậy bắt nguồn từ sự thông minh, "phá cách" một cách sáng tạo (Thử hỏi không có sự phá cách thì làm sao có Thơ mới?). Tất nhiên, cái gì cũng có tính tự phát và cần có sự can thiệp, điều chỉnh của pháp luật và dư luận xã hội. Một khi nói tục, nói bậy, dùng những hành vi ngôn ngữ phi chuẩn mực trong giao tiếp mà không bị lên án thì cái chưa đẹp vẫn có cơ phát triển. Tất cả sẽ xoắn lại thành một dòng chảy làm đục, làm rối dòng chủ đạo. Thực tế xã hội ta hiện nay chưa làm tốt chức năng giáo dục trong việc này, nhất là ở trách nhiệm gia đình, nhà trường và đoàn thể. Chính lớp trẻ cũng cần coi việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thời mở cửa và hội nhập như một trách nhiệm xã hội - văn hóa thì dụng ngôn mới thành công. Nói tóm lại, cách nói năng của lớp trẻ hiện nay có chuyện này chuyện nọ nhưng không phải là phổ biến, không phải số đông. Nếu ta biết giáo dục, định hướng theo chiều tích cực thì "trăm sông sẽ chảy về biển cả". Tiếng Việt ngày xưa không chỉ vẫn vẹn nguyên, vẫn đẹp mà còn được bồi đắp, giàu đẹp thêm nhiều. Công lao đó, không tính cho lớp trẻ thì tính cho ai?"