Mỗi người một ước mơ, mỗi người tự đi một con đường mình đã chọn. Khi còn trẻ chúng ta luôn sống hết mình, rèn luyện và học tập để đạt được thành công trên con đường mình đã chọn. Có người nói rằng, khi còn trẻ ta không học thì khi về già ta chẳng làm được gì có ích. Ý kiến đó có đúng hay chăng?
Tuổi trẻ! Tuổi của bao khát vọng và đam mê. Đó là khoảng thời gian mà con người ta sẵn lòng tắm những cơn mưa rào mà không sợ bị ướt mưa, bị cảm lạnh. Khi ấy, trong ta tràn ngập một sức sống mãnh liệt, với những mơ mộng về tương lai tươi đẹp. Vậy vì sao chúng ta không dùng sức lực và sự say mê để học hỏi tri thức, tích lũy vốn sống chứ? Có lẽ ở tuổi đôi mươi, ta sẽ dễ dàng học hỏi mọi thứ mới, tiếp nhận chúng một cách dễ dàng và lưu chúng vào não bộ. Đó có thể là những kiến thức về khoa học, sinh học, về những bài thơ dạt dào cảm xúc hay những bài văn đậm chất lãng mạn. Tất cả mọi lĩnh vực ấy đều giúp ta bồi đắp tri thức, làm giàu mình và làm đầy mình. Ông cha ta thường nói rằng: " đi một đàng, học một sàng khôn", mà chúng ta còn trẻ, tức có cơ hội được đi nhiều nơi, giao tiếp nhiều người và học hỏi nhiều điều. Bởi vậy, ta không nên bỏ lỡ thời gian căng tràn sức sống nhất, hãy dành nó để trau dồi mình. Đừng để khi về già, khi tuổi cao sức yếu, khi trí lực đã vơi đi phần nào, lúc ấy mới học. Con người khi về già đâu còn đủ sức để đi, để học và để hiểu như khi còn trẻ. Lúc đó, ta chỉ có thể ngồi một chỗ, tận hưởng những dư vị tốt đẹp nhất của cuộc sống, những bình yên sau một quãng đời dập dềnh với sóng gió. Trên thực tế, nếu khi còn trẻ ta không cố gắng, không nỗ lực thì về già ta chẳng làm nổi điều gì có ích, chẳng thể hưởng thụ cuộc sống khi trong lòng còn bao lo nghĩ và toan tính đủ điều, về mọi mặt vật chất và tinh thần. Đơn giản như, khi trẻ ta học về già ta có thể chơi, khi trẻ ta làm về già ta có thể thảnh thơi mà sống. Ngẫm nghĩ về quá khứ, về tuổi thanh xuân như một giấc mộng dài, nồng nhiệt, hăng say và táo bạo.
Để được một cuộc sống có ý nghĩa, con người ta phải cố gắng thật nhiều khi còn đủ sức, đủ trí và đủ lực. Khi ngồi trên giảng đường, hãy chăm chú nghe từng lời thầy cô giảng, lúc người khác nói, ta hãy lắng tai nghe từng chút một. Hãy mở tất cả các giác quan, thu lại những tri thức tốt đẹp để ta có được sự nhận thức đúng đắn, có thể tự vẽ lên một tương lai tươi đẹp cho bản thân. Chỉ khi bạn học tập, có năng lực, thì bạn mới có cơ hội kiếm việc làm tốt và có được một địa vị trong xã hội, được người khác tôn trọng. Ta hãy noi theo gương vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta, Người ra đi tìm đường cứu nước, học hỏi nhiều điều ở nơi xa xứ, Người mới có thể giúp dân tộc ta thoát khỏi xiềng xích của kẻ thù xâm lược bạo tàn.
Bên cạnh đó, có người nói rằng, ta không cần học tập quá nhiều bởi học không phải là con đường duy nhất dẫn ta đến thành công và trở thành người có ích. Điều đó có thể đúng, bởi trong xã hội hiện này, ta có nhiều cách để vươn lên nhưng có lẽ học chính là con đường nhanh nhất giúp ta mai sau có thể làm nhiều việc có ích cho mình và cho xã hội. Trong thực tế, vẫn còn khá nhiều kẻ sống theo lối ăn bám, không chịu học hỏi và nỗ lực, họ đều trở thành những gánh nặng cho xã hội, kéo theo một loạt tệ nạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của xã hội. Khi ta khắc phục được điều đó, xã hội sẽ trở nên văn minh hơn.
Học không bao giờ là thừa, kiến thức là vô hạn, nó luôn tiềm ẩn khắp mọi nơi để chờ con người đến khám phá. Đó cũng là nhiệm vụ khi chúng ta còn trẻ, còn sức lực để rồi lúc tuổi xế chiều, ta làm được những điều có ích, sống an nhàn và sống bình yên.