Cứ mỗi độ tháng sáu, tháng bẩy âm lịch, khi cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè chợt tan đi nhè nhẹ trong những cơn gió heo may se lạnh, khi những chùm hoa phượng cháy đỏ như thắp lửa suốt những ngày hạ dài chợt biến thành những chùm quả treo lúc lỉu trên cành là lúc cây lộc vừng bung nở những chùm hoa đỏ thắm, soi mình bên bờ ao, đung đưa thả xuống như buông mành trên những cánh hoa bèo tim tím đang ngóc cổ vươn dậy trên mặt nước, sáng rực rỡ như những vầng hào quang lung linh trước bãi rong riềng, những bụi tre và vô vàn các loài cỏ dại nơi góc ao tù vốn tối tăm, ẩm ướt.
Mùa hoa lộc vừng thường bắt đầu từ tháng sáu cho đến hết tháng chín, đầu tháng mười âm lịch. Lạ một điều là vào mùa hoa, hoa nở liên tục hết đợt này đến đợt khác suốt mấy tháng liền. Hoa kết thành những sợi dây dài đến vài chục phân, treo lúc lỉu với vài chục bông hoa nhỏ li ti, tròn như hạt đậu và những cánh hoa nhỏ, mỏng tơ bung ra mềm mại, trông thật thích mắt. Những dây hoa thường đu mình trên những cành lộc vừng nho nhỏ, vươn dài ra phía ngoài thân cây với lớp vỏ sần sùi, trông xa như ai đó đang treo đèn kết hoa chào đón đêm hội hoa đăng. Chỉ đến cuối mùa, hoa mới kết thành những chùm quả hình thoi có bốn cạnh cân đối rất đẹp, bóc lớp vỏ xanh ra, bên trong là màu hồng tươi. Những dây quả treo lúc lỉu trên cành và khi đã ra quả rồi thì cây không còn ra hoa nữa, mà phải đợi đến tháng sáu âm lịch năm sau. Có lẽ điều đó đã làm cho hoa lộc vừng có một vẻ đẹp thật riêng, thật lạ mà những ai yêu thích nó không thể nào quên được.
Bà tôi thường kể cho chúng tôi nghe về sự tích hoa lộc vừng đến nỗi đứa nào cũng thuộc. Chuyện kể rằng, từ lâu lắm rồi, ở một làng bản xa xôi kia có một đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết. Họ cùng nhau thề rằng nếu không được sống cùng nhau, họ sẽ chết cùng nhau. Chàng trai đâu biết rằng vẻ tuấn tú và tài năng của chàng đang là niềm mơ ước của nhiều cô gái và cũng là nỗi ghen tức, căm giận của nhiều chàng trai quanh vùng. Còn cô gái vốn xinh đẹp, nết na nên có rất nhiều chàng trai muốn lấy về làm vợ, trong đó có tên công tử con nhà trưởng bản. Biết không thể nào chiếm được trái tim cô gái, hắn tìm kế hãm hại chàng trai. Hắn sai chàng vào rừng tìm báu vật cho lễ hội của làng. Rừng thiêng nước độc đã quật ngã chàng, làm cho chàng chết đi trong bệnh tật và kiệt sức. Cô gái chờ đợi mãi, quá nóng lòng nên quyết tâm trốn nhà, lặn lội đi tìm người yêu. Cô đi mãi, đi mãi cho đến lúc đôi chân rã rời không muốn bước thì tìm thấy xác người yêu. Cô đau đớn ôm xác người yêu khóc vật vã. Chôn cất người yêu xong, cô khóc ngày khóc đêm cạnh nấm mồ đó. Nước mắt rơi xuống cứ cạn dần, đến một ngày cô không còn khóc được nữa và ngã gục xuống bên cạnh nấm mồ. Khi cô chết đi, trên nấm mồ của chàng trai, nơi những giọt nước mắt của cô chảy xuống bỗng mọc lên một loài cây có thân sần sùi, cành lá xum xuê và đặc biệt là có những chùm hoa thả xuống cạnh mồ như hỏi han, như che chở cho nấm mộ chàng trai. Người ta gọi đó là hoa lộc vừng - một loài hoa tượng trưng cho tình yêu chung thuỷ của người con gái. Có lẽ vì vậy mà màu hoa đỏ đến nao lòng.
Ngày xưa, cây lộc vừng mọc nhiều lắm, mọc khắp nơi từ bờ ao, ngõ xóm đến những bờ đê chang chang nắng và suốt mùa hoa, tất cả những nơi đó lại đỏ rực hoa vừng, đẹp đến mê hồn. Cành lộc vừng rất dẻo nên chúng tôi thường chơi đuổi bắt trên cây và ngắt những chùm hoa xuống tết thành những chiếc vương miện, đội cho nhau đóng làm vua, làm hoàng hậu. Trong số những bạn bè ấu thơ, tôi chơi thân nhất với Loan. Tôi và Loan nhà gần nhau, học cùng lớp chuyên văn ngoài trường huyện và cùng sinh vào giữa mùa hoa lộc vừng. Chúng tôi luôn quấn quýt bên nhau, không rời nhau nửa bước. Cuối năm lớp chín, khi chúng tôi cùng nhau ra gốc lộc vừng ôn thi vào lớp mười, tôi đã lấy hoa tết mũ cô dâu cho Loan và Loan cũng tết cho tôi một chiếc vòng quàng cổ bằng hoa để làm chú rể. Chúng tôi chơi trò đám cưới thật vui, chỉ có hai đứa dưới rặng cây lộc vừng đỏ thắm hoa, soi mình bên dòng sông xanh, hiền hoà chảy, vi vu hát ca trong gió chiều. Rồi Loan lên Hà Nội học cấp III, chúng tôi ít gặp nhau. Từ đó chúng tôi chẳng liên hệ với nhau nữa dù trong mỗi đứa, ký ức tuổi thơ, ký ức về những mùa hoa lộc vừng vẫn còn vẹn nguyên, đầy ắp những cảm giác ngọt ngào.
Làng tôi đổi mới, mọi vật thay đổi. Người ta chặt đi không thương tiếc những cây lộc vừng to, già cỗi nơi bờ ao, ngõ xóm để lấy đất làm nhà, làm cửa, làm những công trình khác nhau. Những gốc lộc vừng nhỏ trở nên có giá trị. Người ta lấy những gốc cây về trồng lên bồn, lên chậu, cắt, tỉa, chăm sóc chừng một năm là bán được vài trăm nghìn, thậm chí có cây vài triệu. Thế là người ta đua nhau đi tìm kiếm, bới móc khắp nơi. May sao lần ấy tôi còn kịp về, giữ lại được cây lộc vừng to nhất cạnh bờ ao để mỗi mùa hoa nở, tôi lại được thả mình vào miền thơ ấu xa xôi, để người bạn của tôi bên trời Tây, có lúc nào đó trở lại thăm quê vẫn còn nhận ra một chút dấu vết tuổi học trò còn đằm sâu trong ký ức, để khỏi ngậm ngùi thương nhớ những năm tháng đã qua