Truyền thuyết về Thầy Thím
Nghe cái tên thật lạ, nếu những người ở phương xa như chúng tôi chỉ nghe thế thôi đã không hiểu gì. Dinh mộ Thầy Thím trở nên huyền bí vô cùng đối với những người con của vùng đất cát Bình Thuận.
Con đường chạy từ Thị xã Lagi vào Dinh mộ Thầy Thím khúc khuỷu, lượn vòng ôm trọn bờ biển. Chúng tôi tới thăm và tìm hiểu sự thật về mộ Thầy Thím trong một ngày mưa bay lất phất, nghe rõ tiếng rỉ rả của côn trùng vang lên từ những cánh đồng ướt. Đường được đắp cao giữa những vùng đất hoang cằn không nhà ở.
Lần theo những biển chỉ dẫn liên tục cắm dọc đường, Dinh Thầy Thím hiện ra trong sâu hun hút tận cuối con đường. Khác với vẻ hoang lạnh phía ngoài, Dinh Thầy Thím ấm nóng bởi những làn khói hương phảng phất trước và sau Dinh.
Tiếng cười đùa của trẻ nhỏ, tiếng thì thầm khấn vái của người dân đã làm nên một nét tâm linh huyễn hoặc mà ấm cúng. Tiếng sang sảng của các bô lão kể về nguồn cội Dinh Thầy Thím.
Mộ Thầy Thím.
Ngày xưa ở Quảng Nam, có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người thường có những nghĩa cử cao đẹp được dân làng mến mộ. Vì bị nhà Vua xét xử oan ức nên đạo sĩ cùng vợ phiêu bạt vào phương Nam lánh nạn.
Tam Tân, một vùng quê xa xôi và trù phú trở thành nơi dừng chân cuối cùng của vợ chồng đạo sĩ. Và cũng từ đây, những truyền thuyết, đức độ của vợ chồng đạo sĩ được lòng dân hết mực ca ngợi. Họ gọi vợ chồng đạo sĩ là Thầy Thím.
Thuở thiếu thời, Thầy vừa cần mẫn dùi mài kinh sử, vừa tầm sư học đạo, nuôi chí giúp đời. Việc lớn chưa thành thì Thầy gặp đại tang, cha mẹ Thầy cùng lúc qua đời. Thầy ở lại quê nhà cùng vợ chịu tang bậc sinh thành và sống những ngày tháng lam lũ, khổ cực.
Làng quê Thầy Thím nhiều năm liền bị hạn hán, mất mùa, đời sống của nhân dân cơm không đủ no, nước không đủ uống. Thương nhân dân, Thầy lập đàn khấn nguyện. Trời đang trong xanh bỗng sấm chuyển ầm ầm, mưa như trút nước, cây cỏ hồi sinh.
Một lần trong ngày hội đầu năm, dân làng mơ có một mái đình khang trang để thờ phụng thành hoàng. Như cảm thông với nỗi khát khao của những tấm lòng thành kính, đêm hôm ấy, gió mưa dữ dội, chớp giật rung chuyển cả đất trời báo trước một điềm lạ.
Quả nhiên, khi trời yên, đất lặng, mọi người thấy ngôi đình mới tọa lạc ngay giữa làng thay thế ngôi nhà lá cũ rách. Dân làng kinh ngạc rồi reo hò vui mừng. Nhưng niềm vui ấy chưa được bao lâu thì tin loang đến triều đình.
Triều đình tố Thầy dùng phép đánh cắp Đình, âm mưu gây bạo loạn. Nhà vua gia ân cho Thầy được chọn ba trọng tội: Xử trảm, uống thuốc độc hoặc tự thắt cổ. Thầy xin một tấm lụa đào và chọn hình thức sau cùng. Kì lạ thay, khi tấm lụa đào vừa vào tay, Thầy múa xong một bài cũng là lúc tấm lụa biến thành rồng nâng Thầy và Thím bay bổng lên không trung. Từ đó, Thầy và Thím cư ngụ tại làng Tam Tân, dưới lớp áo của người xa quê đến lập nghiệp.
Ông Văn Công Sơn đang chỉ về chiếc vỏ bầu khô của Thầy Thím ngày xưa dùng diệt trừ tà ma?
Chuyện của người gác Dinh Thầy Thím
Ông Văn Công Sơn, trưởng ban quản lý Dinh Thầy Thím, người có thâm niên nhiều năm gắn bó và hiểu hơn người về sự thật Thầy Thím kể lại những câu chuyện có thật ngay tại làng Tam Tân này: Thầy Thím qua đời sau một đêm mưa giông bão bập bùng trong căn nhà ở rừng sâu. Sau khi Thầy Thím qua đời, để tưởng nhớ công lao và đức độ của Thầy, dân làng chúng tôi đã lập đền thờ Thầy Thím và lấy tro cất mộ cho vợ chồng Thầy ở Bàu Cát.
Hiện nay, mộ Thầy Thím cách Dinh chừng 2km trong một rừng bạch đàn bao bọc, ngăn sự xâm hại của cát mỗi khi gió thổi. Dân làng cất Dinh quay mặt ra hướng Đông nhưng sáng sớm hôm sau thì lại thấy mặt đền quay về hướng Tây. Mọi người ngạc nhiên không tưởng, khi ấy tôi cũng được chứng kiến cảnh tượng lạ này và quả thật điều ấy đã từng xảy ra ngay tại đây rồi.
Dinh mộ Thầy Thím, bí ẩn về một truyền thuyết
Truyền thuyết về Thầy Thím kể rằng: ở vùng đất mới, cuộc sống của Thầy Thím cũng như bao người dân bần hàn, kham khổ khác. Vợ chồng Thầy ở trọ trong nhà ông Hộ Hai. Ngày ngày, vợ chồng Thầy làm các nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cho người. Có điều lạ là lúc nào bên Thầy cũng có một quả bầu khô.
Một hôm, nhân lúc thầy vào rừng đốn củi mà quên đem theo quả bầu, chủ nhà tò mò lấy ra xem bỗng lửa phụt ra thiêu rụi cả căn nhà. Sau khi làm lại căn nhà mới cho ông Hộ Hai, vợ chồng Thầy chuyển vào ở hẳn trong rừng để tránh điều tiếng. Tuy nhiên, ở xa nhưng danh tiếng của Thầy vẫn lan rộng, người dân trong vùng tìm đến nhờ Thầy chữa bệnh, bày cho cách làm ăn.
Ngày nay, người ta vẫn chưa thể lý giải và khẳng định về những huyền bí xung quanh truyền thuyết Dinh Thầy Thím. Bí ẩn cả một thời kì lịch sử trở thành một giá trị tinh thần, niềm tin thiêng liêng vào nhân nghĩa tâm linh.
Đặc điểm nổi bật của việc thờ cúng ở Dinh Thầy Thím là sự kết hợp hài hòa giữa nét tín ngưỡng miền Trung với niềm tin cháy bỏng của dân miền biển Tam Tân này. Huyền thoại về Thầy Thím còn lưu truyền mãi trong dân gian, ý nghĩa và giá trị của đạo lý, lẽ phải.
Ông Văn Công Sơn, trưởng ban quản lý Dinh Thầy Thím giải thích rằng, Thầy Thím là những con người thật, cuộc sống thật chứ không phải là bậc thành hoàng cai quản một vùng đất. Người dân thờ cúng Thầy Thím là để biết ơn công đức, những việc Thầy làm giúp ích cho dân cho nước chứ không phải một bậc thánh thần huyền bí nào.
Chúng tôi tìm đến khu mộ Thầy Thím ở Bàu Cát để tìm hiểu thêm về bí ẩn sự tích này. Hai chỏm cát được đắp thành hình ngôi mộ nằm kề nhau, phía trước là bàn thờ với khói hương nghi ngút, một cảm giác thâm nghiêm khi vào chốn thâm u của lăng mộ. Những đợt gió không ngừng thổi làm ngọn cây bạch đàn va chạm vào nhau xào xạc. Tương truyền rằng, hai chỏm cát trắng ấy được thú rừng vun đắp thành mộ ở gần nơi Thầy Thím tạ thế.
Tương truyền rằng, xưa kia, hàng năm, cứ đến ngày mồng năm tháng Giêng âm lịch, người ta lại thấy có đôi Bạch - Hắc Hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục gần đó canh gác cho ngôi mộ. Đã nhiều năm nay, khu vực này luôn được bảo tồn, chăm sóc.
Dân làng Tam Tân luôn ý thức và tâm niệm tuyệt đối vào đức tin của Thầy Thím. Một điều chúng tôi cảm thấy ấm lòng là sự tôn sùng vào nhân nghĩa của dân làng nơi đây trở thành nét đẹp về lối sống và nhân cách mỗi con người.