1. Vịnh Hạ Long nằm ở bờ Tây của Vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, Thành phố Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Vịnh Hạ Long có bờ biển dài 120km, diện tích khoảng 1.553km vuông bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của vịnh có diện tích 335km vuông quần tụ dày đặc 775 hòn đảo lớn nhỏ.
Không chỉ đẹp bởi cảnh sắc “mây trời sóng nước”, vẻ đẹp nên thơ hay vô số những đảo đá vôi nổi trên mặt nước mà Hạ Long còn đem lại cho du khách cảm giác bình yên khi hòa mình vào cảnh vật nơi đây. Được đánh giá là một trong 29 Vịnh đẹp nhất thế giới, cuối tháng 3/2012, tổ chức New Open World cũng đã chính thức công nhận vịnh Hạ Long là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
2. Chùa Thiên Mụ. Còn gọi là chùa Linh Mụ, là ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía tây. Chùa Thiên Mụ chính thức được xây dựng vào năm Tân Sửu (năm 1601), đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong.
Với cảnh đẹp tự nhiên và quy mô rộng lớn, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất thời bấy giờ. Trải qua bao biến cố lịch sử, chùa Thiên Mụ từng được dùng làm đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn (khoảng năm 1788), rồi được trùng tu nhiều lần dưới các triều vua nhà Nguyễn. Ngày nay chùa vẫn được tiếp tục chỉnh trang ngày càng huy hoàng, tráng lệ và luôn hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách gần xa.
3. Hồ Hoàn Kiếm: Còn được gọi là Hồ Gươm, là hồ nước ngọt tự nhiên của thành phố Hà Nội, hồ có diện tích khoảng 12 hecta. Trước kia, hồ còn có các tên gọi là: hồ Lục Thủy, hồ Thủy Quân, hồ Tả Vọng và Hữu Vọng, tên gọi Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ XV gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho Rùa thần.
Hồ Hoàn Kiếm được gắn liền với truyền thuyết huyền sử, là biểu tượng khát khao hòa bình, đức văn tài võ trị của dân tộc Việt Nam. Do vậy, đã có rất nhiều văn nghệ sĩ đã lấy hình ảnh Hồ Gươm làm nền tảng cho các tác phẩm của mình.
4. Hội An. Thành phố Hội An nằm bên bờ Bắc hạ lưu sông Thu Bồn, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 25km về phía Đông Nam, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 50km về phía Đông Bắc. Từ thế kỷ XVI, XVII nơi đây đã nổi tiếng với tên gọi Faifoo, là nơi giao thương và là trung tâm buôn bán lớn của các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha, Italia… ở Đông Nam Á.
Hội An ngày nay gần như bảo tồn nguyên trạng các quần thể di tích kiến trúc cổ và nền tảng văn hoá phi vật thể trong những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hoá, các làng nghề truyền thống… Ngoài ra nét văn hóa ẩm thực ở Hội An cũng là một trong những điều đặc biệt mà du khách thường hay nhắc đến, nếu đã đến đây mà chưa thưởng thức các món ăn truyền thống như: Cao lầu, mì Quảng, bánh “hoa hồng trắng”… thì xem như chưa từng đến Hội An.