Nói đến môn học này, không ít người tỏ ra thích thú, trân trọng, có những người đam mê thực sự bộ môn này nhưng cũng không ít người tỏ rõ thái độ thờ, thậm chí khó chịu. Thay vì vội vàng trách cứ những phản ứng tiêu cực đó, chúng ta nên xuất phát từ vị trí của người học để cảm nhận niềm vui và nỗi khổ của việc học môn Ngữ văn hiện nay.
Thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, Ngữ văn cung cấp cho người học những kiến thức về văn bản Văn học, tiếng Việt và cách thức sáng tạo một văn bản mới. Học Ngữ văn, người học không chỉ cần khả năng tư duy như các môn học khác mà phải có tâm hồn để cảm thụ, lĩnh hội những cái hay, cái đẹp mà môn học này mang đến.
Là môn học quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, Ngữ văn luôn chiếm số lượng tiết học khá cao so với nhiều môn khác. Muốn học tốt và dạy tốt nó, người học và người dạy sẽ phải đầu tư lượng thời gian không nhỏ- Điều đó phần nào cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của môn học này, Học Ngữ văn, người học không chỉ được tiếp nhận lượng tri thức khoa học về đời sống được mang đến như các môn học khác mà còn được tiếp nhận thử khoa học của lòng người, khoa học nhân học. Người học không chỉ phải biết sử dụng tiếng Việt như thế nào cho đúng, phân biệt các từ loại, loại từ ra sao, làm thế nào để sáng tạo được một văn bản nghị luận mà còn được chứng kiến, thấu hiểu sự thật về lòng người qua những sáng tác văn học mang đâm tính nhân văn.,. Nói chung, có rất nhiều điều thú vị ở môn học này, nhưng thực tế cho thấy không ít học sinh học Ngữ văn rất vất vả, “khổ sở”. Vậy đâu là niềm vui, đâu là nỗi khổ của người học Ngữ văn hiện nay?.
Những cảm xúc vui buồn, đau khổ không khi nào tự nhiên hình thành trong tâm hồn mỗi con người. Ta thường vui khi gặp những điều tốt đẹp, may mắn, hợp với suy nghĩ, hoàn cảnh của mình. Nỗi buồn thường được dấy lên từ những bất trắc, gian khó mà chúng ta phải đối diện. Ngữ văn chắc chắn sẽ mang đến mỗi người học nhiều điều bổ ích nhưng có lẽ nó cũng có chút ít những hạn chế cản trở niềm yêu thích, đam mê ở đối tượng này.
Có thể xuất phất từ đặc trưng, chức năng của loại hình nghệ thuật văn học để lí giải niềm vui, sự hứng thú của người học Ngữ văn. Có người nói, đại ý: Ngồi trong xó mà lịch lãm, biết hết những chuyện thuở xa, biết hết mọi chuyện trong thiên hạ, hiểu được những điều sâu kín trong tâm hồn con người, đó là nhờ đọc, học những trang văn, trang thơ. Chức năng đầu tiên mà chúng ta vẫn hay nhắc tới khi nói về văn học là chức năng nhận thức. Trong môn học Ngữ văn, các nhà biên soạn sách giáo khoa đã tuyển chọn rất nhiều văn bản văn học để người dạy và người học tiến hành đọc - hiểu trên lớp. Những văn bản đó cung cấp cho người học nhiều tri thức trong cuộc sống.
Đọc trích đoạn Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, đọc trang viết của Thạch Lam về thứ cốm làng Vòng hay đọc đoạn trích Nghệ thuật băm thịt gà của Ngô Tất Tố (trích nong phóng sự Việc làng), lẽ nào chúng ta không thích thú trước những điều mà các nhà văn mang đến?. Ta sẽ ngạc nhiên, nể phục vô cùng trước “nghệ thuật chia cỗ” của thằng Mới- “nghệ sĩ” tài ba: Hắn có thể chia một mâm xôi và một con gà không quá lớn thành hai mươi suất. Đọc đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, chúng ta có thể hình dung rõ nét về bộ mặt thối nát của xã hội thượng lưu Việt Nam dưới chế độ thực dân nửa phong kiến.
Gia đình cụ cố Hồng - một gia đình trí thức luôn hô hào văn minh, tiến bộ cũng là một gia đình đại bất hiếu, vô nhân tính. Hành trình đưa đám cụ cố tổ cũng chính là “hành trình đi tới mộ” (Vũ Dương Quỹ) của đám người rởm hợm, háo danh, lố lăng này. Hay nếu đọc những trang viết tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân, chúng ta sẽ biết mỗi con ong phải bay bao nhiêu chuyến mới chưng cất được giọt mật ngọt, sẽ tường tận sông Đà còn có những tên nào khác, dài bao nhiêu cây số, chảy qua những đâu, có lịch sử như thế nào, hùng vĩ và hiền hoà ra sao,,. Học Ngữ văn người học còn được luyện tập kĩ năng sáng tạo các văn bản nhật dụng (như đơn xin nghỉ học, báo cáo tổng kết công tác Đoàn, Đội...), kĩ năng viết một bài văn nghị luận xã hội hay nghị luận văn học, kĩ năng sử dụng từ ngữ, ngữ pháp chính xác... Các tri thức đó rất thiết thực với cuộc sống của mỗi người, úng dụng được chúng vào thực tiễn, chúng ta sẽ tự tin hơn trong hoạt động giao tiếp với mọi người xung quanh.
Văn học không chỉ giúp người học nhận thức về cuộc sống mà nó còn giúp đạo đức con người trở nên hoàn thiện hơn. Có một câu chuyện được lưu truyền rằng: Trên một chuyến tàu, tên trộm đã đánh cắp hành lí của một hành khách. Trong túi hành lí đó, có một cuốn sách văn học, Điều kì diệu là sau khi đọc xong cuốn sách đó, tên trộm đã quyết định “giải nghệ”. Câu chuyện nhấn mạnh sức cảm hoá của văn học đối với con người. Học Ngữ văn, người học được lĩnh hội những bài học về đạo đức cực kì quý giá.
Đây chính là nền tảng để mỗi người hình thành, phát triển nhân cách của mình. Trước bi kịch của Thuý Kiều, không ai có thể lãnh đạm, không mảy may xúc động, xót thương cho người con gái hồng nhan mà bạc mệnh. Đọc những trang truyện Hai đứa trẻ, Chí Phèo, người học được các tác giả truyền thêm lòng thương cảm đối với những kiếp người tàn trong xã hội nước ta những năm tiền khởi nghĩa. Chúng ta được tiếp nhận bài học về sức sống tiềm tàng, về tình yêu cuộc sống của con người được Tô Hoài gửi gắm qua hình tượng nhân vật Mị trong thiên truyện Vợ chồng A Phủ. Và với Một người Hà Nội của Nguyễn Khải, người học được giáo dục về lòng tự trọng, về phong thái sống đĩnh đạc, lịch duyệt của con người hiện đại... Đó chẳng phải là niềm vui khi học Ngữ văn sao?.
Văn học là một loại hình nghệ thuật thuộc thượng tầng kiến trúc. Đặc trưng của văn học là giá trị thẩm mĩ. Chức năng chính yếu của văn học là chức năng thẩm mĩ.
Văn học luôn mang đến người đọc những sáng tạo nghệ thuật đích thực. Người sáng tác là nghệ sĩ và sáng tác của họ luôn phải hàm chứa tính nghệ thuật. Học Ngữ văn, học sinh sẽ được tiếp cận với thế giới nghệ thuật của người sáng tác. Phong cách nghệ thuật của các nhà văn sẽ luôn là thứ hấp dẫn người học say mê khám phá. Với Nguyễn Tuân, người học luôn bị cuốn theo thế giới nhân vật “đặc tuyển” của ông. Chúng ta say mê với một Huấn Cao "khinh bạc đến điều" nhưng lại rất mực tài hoa khi “đậm tô các con chữ” trên “phiến lụa óng” và luôn giữ “thiên lương” trong sáng (Chữ người tử tù, say mê với người nghệ sĩ có tài vượt thác leo ghềnh (Người lái đò sông Đà)... Học Nguyễn Trãi, chúng ta luôn thấy thú vị trước nhũng phá cách độc đáo của nhà thơ trong việc lựa chọn đề tài, trong cách sáng tạo những câu lục ở một số bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú như: "Bui có một lòng trung lẫn hiếu - Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen" (Thuật hứng số 24), hay “Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng - Dân giàu đủ khắp đòi phương” (Bảo kinh cảnh giới)... Được thưởng thức cái đẹp, đó chẳng phải là niềm vui của người học Ngữ văn sao?.
Phần trên ta chủ yếu khẳng định niềm vui của ngời học xuất phát từ hoạt động đọc- hiểu văn bản. Lẽ nào các hoạt động làm văn, học tiếng Việt không mang lại cho người học sự thích thú?. Nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết bài thơ Tiếng Việt với tình cảm yêu quý chân thành:
Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng riu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh
Trước tất cả những gì môn học mang đến, người học chắc chắn sẽ tìm được sự hứng thứ, say mê trong các giờ học của mình. Nhưng bên cạnh niềm vui, người học cũng có những nỗi khổ riêng. Cần thấy niềm khổ của con người chỉ xuất hiện khí có sự mâu thuẫn giữa những ước mơ, khát vọng của họ thực tế mà họ phải trải qua. Nói như vậy để khi bàn về nỗi khổ của việc học Ngữ văn chúng ta không nhầm lẫn với những vấn đề, hiện tượng đáng buồn đang nổi cộm trong hoạt động học Ngữ văn hiện nay.
Theo tôi, Ngữ văn là môn học không hề dễ học. Nó không đưa ra các công thức, định đề, định lí cụ thể, không có khuôn mẫu nhất định cho việc thực hiện các bài tập... như các môn học thuộc chuyên ngành khoa học tự nhiên. Muốn học tốt Ngữ văn, người học không chỉ cần tư duy rõ ràng, mạch lạc, sáng tạo, chủ động mà nhất thiết phải có tâm hồn, phải am hiểu cuộc sống. Không rung cảm, xúc động, chúng ta không thể cảm nhân được cái hay, cái đẹp của mỗi văn bản văn học, không nhạy cảm trước cuộc sống, chúng ta không thể lí giải được những gì các nhà văn, nhà thơ viết và cũng không thử tạo lập được các bài làm văn có sức thuyết phục.
Làm sao người học thấy được tấm lòng nhân đạo của nhà văn Nam Cao nếu không cảm nhận được sự thấu hiểu, xót thương nhà văn gửi gắm trong mỗi chi tiết, mỗi sự kiện... trong Chí Phèo. Muốn nghị luận về hiện tượng ô nhiễm môi trường hiện nay, chúng ta phải có những hiểu biết cơ bản về thực trạng này, ở xung quanh ta và ở những nơi khác, phạm vi khác... Như vậy, người học phải sát sao với những vấn đề thuộc về chính cuộc sống con người chứ không phải những điền viển vông, xa lạ nào khác. Nỗi khổ này có thể được cải thiện nếu người học biết đào sâu những suy nghĩ, cảm xúc trong lòng mình. Đọc nhiều, học nhiều hơn, sống chân thành trong cuộc sống là cách tốt nhất để bồi đắp tâm hồn của mỗi chúng ta.
Con người ai cũng có tâm hồn nhưng không phải tâm hồn ai cũng đủ nhạy cảm để hoc tốt Ngữ văn. Nỗi khổ trong việc học môn này nằm ở chính điều đó.
Nói như vậy không có nghĩa ai có tâm hồn, ai nhanh nhạy trước việc nắm bắt tri thức Ngữ văn thì không có nỗi khổ. Người học hiểu sâu quá các bài học nhân sinh, hiểu nỗi lòng các nhà văn nhà thơ gửi gắm trong các văn bản văn học, hay khi bàn luận về các vấn đề, hiện tượng trong đời sống hiên nay sẽ rất đau lòng trước thực trạng suy thoái về nhân cách, đạo đức con người. Văn học hướng con người đến Chân, Thiện, Mĩ nhưng không phải vì thế mà né tránh những tồn tại trong cuộc sống. Cái “tâm” của người tâm huyết với môn học sẽ không được thanh nhàn như khi học các môn khác. Nỗi khổ này không hoàn toàn gây hại, tuy nhiên, chúng cũng có những ảnh hưởng nhất định đối với nhân sinh quan, thế giới quan của con người. Người học tự xác định cho mình những phương thức cụ thể để cân bằng giữa việc học và thực tế cuộc sống.
Nói chung, môn học nào cũng mang đến người học niềm vui, nỗi khổ. Niềm vui, nỗi khổ của việc học Ngữ văn chủ yếu xuất phát từ đạc trưng bản chất nhân văn của môn học. Chúng khẳng định sức hấp dẫn của môn học và cho thấy Ngữ văn là môn học không thể không được dạy - học trong các nhà trường.