Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

"Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân". Bác muốn khuyên dạy chúng ta điều gì qua 2 dòng thơ này?

"Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân"
Bác muốn khuyên dạy chúng ta điều gì qua 2 dòng thơ này? Vì sao việc trồng cây trong mùa xuân của đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân cho đất nước
3 trả lời
Hỏi chi tiết
5.033
36
7
Deano
28/03/2018 20:45:48
Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến mọi mặt của đời sống xã hội. Người cũng rất quan tâm đến môi trường và hiểu được ý nghĩa thiết thực của môi trường sống nên Bác đã động viên toàn thể quần chúng nhân dân tích cực trồng cây làm cho đất nứơc thêm xanh, thêm đẹp, thêm giàu sức sống:
“Mùa xuân là tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”
Hai câu thơ của Bác đã khẳng định việc trồng cây đã trở thành một phong tục mới trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta. Việc trồng cây thực sự đã trở thành ngày hội náo nức, một việc làm có ý nghĩa để cho môi trường ngày càng xanh tươi, “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.Từ “xuân” Bác dùng ở câu thơ này được hiểu với những hàm ý khác nhau. Trước hết, ta thấy từ “xuân” ở dòng thứ nhất chỉ mùa bắt đầu của một năm. Từ “xuân” thứ hai với nghĩa tượng trưng là nói về sức sống, vẻ tươi đẹp. Với câu nói đầy hình ảnh đó, Bác khuyên mọi người khi mùa xuân tới hãy tích cực trồng cây. Việc trồng cây sẽ góp phần làm cho quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.
Chúng ta đã hiểu lời khuyên của Bác,vậy thì vì sao việc trồng cây trong mùa xuân của đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân của đất nước? Đó là vì, mùa xuân có tiết trời ấm áp, khí hậu ôn hoà rất phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây cối. Tết trồng cây đầu năm có ý nghĩa hết sức to lớn, nó tạo nên một môi trường sống trong sạch và tốt đẹp hơn; con người được sống trong bầu không khí trong lành, thoải mái. Việc trồng cây phủ xanh đồi núi trọc hay những vùng ven biển đang bị cát lấn có tác dụng ngăn được bão lũ, chống xói mòn, giảm bớt những hậu quả do thiên tai mang lại, góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước. Trồng cây cho chúng ta một nguồn tài nguyên phong phú để phát triển ngành công nghiệp gỗ, sản xuất ra những đồ vật hữu dụng trong gia đình,..Trồng cây sẽ tạo ra được những quang cảnh đẹp hơn, tạo nên cảnh quan kiến trúc thơ mộng, tôn thêm vẻ đẹp của nơi ở. Hơn nữa ,cây xanh còn có tác dụng điều hoà không khí, chống lũ, bảo vệ đất đai và góp phần mang lại lợi ích cho sự phát triển kinh tế xã hội. Không có cây xanh, chúng ta khó có thể tồn tại một cách bình yên và khoẻ mạnh được. Trồng cây, làm cho cây xanh tươi và nơi nào cũng có cây xanh thì đất nước sẽ xanh tươi, khắp nơi sẽ tràn đầy sự sống. Như thế, việc trồng cây thực sự đã và sẽ góp phần làm cho đất nước “càng ngày càng xuân” .
Qua lời thơ, ta thấy rằng, tết trồng cây là một việc làm ý nghĩa, trở thành một thuần phong mĩ tục tốt đẹp trong xã hội chúng ta. Là một học sinh, chúng ta phải làm theo lời Bác dạy. Chúng ta trồng một cây xanh nghĩa là chúng ta đã thắp một nén hương thơm để tưởng nhớ tới Bác Hồ kính yêu.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
22
8
Nguyễn Mai
29/03/2018 11:06:41
Cứ mỗi độ xuân về, muôn hoa đua nở, mọi người lại nô nức chuẩn bị cho Tết trồng cây. Từ trường học, công sở cho đến các đường phố, đâu đâu cũng có kế hoạch trồng cây xanh. Trong những ngày này, chúng ta lại tưởng nhớ đến lời khuyên răn dạy bảo của Bác Hồ:
Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
Mùa xuân là mùa muôn hoa đua nở, cây cối xanh tươi. Bởi vậy mùa xuân là mùa thích hợp cho cây trồng phát triển. Bác Hồ rất quan tâm đến vấn đề môi trường trong tương lai, vì vậy Bác đã nhắc nhở mọi người phải trồng cây để cải tạo môi trường. Cây trồng giúp con người có bầu không khí trong lành để sông khỏe mạnh; cây xanh làm đẹp con người, làm đẹp đất nước. Bác khuyên mọi người phải trồng cây vào mùa xuân không chỉ để cho cây tươi xanh và nhanh chóng phát triển mà còn là vì mùa xuân là mùa bắt đầu một năm mới, sau một năm làm việc mệt nhọc, con người ta cũng nên trồng một cây xanh để tô điểm cho cuộc sống, kéo thiên nhiên đến gần với ta hơn, làm dịu đi những căng thẳng của những ngày làm việc miệt mài.
Bác nói: “Mùa xuân là Tết trồng cây”, theo em nghĩ không chỉ là trồng cây trong mấy ngày Tết, mà cả mùa xuân là Tết của việc trồng cây. Chữ “Tết” cũng gợi lên một không khí sôi động, vui vẻ khi làm công việc này, (người ta thường nói “vui như Tết” mà! ). Bác Hồ đã biến một công việc vốn đã có ý nghĩa, lại càng có ý nghĩa khi gắn cho nó không khí của một Hội xuân - Hội trồng cây. Và từ những năm sáu mươi của thế kỉ này, Tết trồng cây đã trở thành một phong tục mới của ngày xuân dân tộc.
Và Bác Hồ nói rõ mục đích của Tết trồng cây là “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ “xuân” ở câu sau không giốngnhư ở câu đầu, nó không chỉ mang ý nghĩa là một mùa trong năm, mà nó còn có ý nghĩa là sự tươi trẻ, là sức sống của đất nước. Nhắc đến mùa xuân, người ta thường nghĩ tới một màu xanh. Chữ “xuân” trong câu sau tuy không mang nghĩa là mùa xuân, nhưng cái xanh, cái đẹp của mùa xuân đều chứa đựng trong đó. Trồng cây, làm cho cây xanh tươi và nơi nào cũng có cây xanh tươi, thì đất nước sẽ xanh tươi, khấp nơi sẽ tràn đầy sự sống chứ không tàn lụi vì thiếu màu xanh.
Chúng ta đã* biết thế nào là đất nước xuân.Vậy thì tại sao trồng cây lại làm cho đất nước xuân?Trước hết là vì cây sẽ làm cho môi trường trong sạch. Ngày ngày chúng ta thở ra khí các-bon-nic, hít khí ô-xi còn cây xanh thì lại hút khí các-bon-nic, nhả khí ô-xi, nhờ vậy mà con người cùng các loại động vật mới có thể tồn tại và phát triển. Cây còn như những cái máy hút bụi khổng lồ, làm việc âm ỉ, thầm lặng. Hàng ngày các nhà máy, các phương tiện giao thông thải ra biết bao là bụi bặm. Cây giúp ta thanh lọc phần nào những phế thải đó, lấy lại sự trong lành cho không khí quanh ta. Vào mùa mưa lũ, bão giông, nếu không có những cây chấn gió, chắn nước lũ, thì biết bao nhiêu nhà cửa ruộng vườn sẽ bị cuốn trôi, đánh sập. Những hàng cây như những bức tường vững chắc chắn gió bão, lụt lội, những thảm họa khôn lường cho loài người.
Chính vì thế, nếu không có cây xanh quanh ta thì chúng ta khó có thể tồn tại một cách yên ổn và khỏe mạnh được. Chúng ta sẽ thiếu ô-xi để thở, không khí bị ô nhiễm sẽ bao trùm chúng ta, sóng bão sẽ nhấn chìm và hủy diệt sự sống. Vì vậy, ngày nay vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng trở nên rất cấp thiết đối với toàn nhân loại. Ba bôn chục năm trước Bác Hồ đã chăm lo đến điều này bằng việc hô hào toàn dân thực hiện Tết trồng cây, Bác quả là người có tầm nhìn rất xa, rất sáng suốt.
Muôn thực hiện được lời Bác Hồ dạy, chúng ta phải biết nỗ lực thực hiện tốt những luật lệ bảo vệ môi trường. Pháp luật phải đưa ra những bộ luật về bảo vệ môi trường và những hình phạt nghiêm khắc với những kẻ cố tình hủy hoại môi trường nhằm kiếm lời cho bản thân: Từ học sinh đến những người lớn tuổi phải biết kết hợp chăm sóc và bảo vệ cây xanh; quy định những nơi trồng cây, tạo thêm nhiều rừng mới ởvùng trung du, vùng núi; tạo thêm nhiều công viên cây xanh ởvùng đô thị. Học sinh thì phải tự tạo ra vườn hoa, chậu cảnh ởnhà và ởtrường. Đồng thời, tự giác và nhắc nhở các bạn tôn trọng và tuân theo những quy định về bảo vệ cây xanh. Mỗi người đều phải đóng góp nào việc phủ xanh đất nước, tùy theo sức của mình. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể có được cuộc sống “xanh - sạch - đẹp”.
Bác ơi! Lời dạy của Bác đã đi sâu vào tâm trí của chúng cháu. Cùng với tất cả nhân dân Việt Nam, chúng cháu đã cố gắng thường xuyên tổ chức Tết trồng cây vào mùa xuân và chăm sóc cây suốt các ngày trong năm. Việc bảo vệ môi trường được đưa lên các phương tiện truyền thông như báo, đài. Điều đó đã giúp mọi người hiểu được ý nghĩa to lớn của việc trồng cây.
Mùa xuân này cũng như bao mùa xuân trước, khắp nơi trên đất nước ta đã nhớ lời dạy của Bác rầm rộ tổ chức Tết trồng cây. Trên các cao nguyên, núi cao, nhà nước khuyến khích giao đất, giao rừng cho dân, nên ai cũng nỗ lực chăm sóc, bảo vệ cây và trồng thêm cây mới. Ngoại vi các thành phố thì phát triển vườn cây ăn quả. Khắp các đường phố Thủ đô Hà Nội, các hàng cây xanhluôn được chăm sóc không những bởi bàn tay các cô chú công nhân, mà còn bởi bàn tay các người dân nữa. Vì những cây nào ở trước nhà ai thì nhà đó đều thực hiện đúng cam kết với phố phường, không để con em mình vin cây bẻ lá.
Chính phù ta cũng rất lưu ý đến việc bảo vệ rừng. Chính phủ có nhiều biện pháp để ngăn chặn việc chặt phá cây bừa bãi trong rừng, cố gắng gìn giữ, chăm sóc những rừng nguyên sinh còn tồn tại.
Các trường đều tổ chức rất nhiều hình thức tham gia Tết trồng cây cho học sinh. Nào là đi cổ động cho thành phố luôn xanh - sạch - đẹp, nào là phong trào “Em chăm hàng cây đường phố trường em”. Bây giờ không còn hiện tượng trèo cây, đu cây, bẻ cành, ngất hoa nữa. Mọi học sinh đều có ý thức giữ gìn, vì thế vườn trường luôn xanh tươi, rực rỡ với nhiều loại hoa đẹp, cây xanh sân trường tỏa bóng mát.
Tuỳ nhiên vẫn còn một số người đi ngược lại với lợi ích chung. Ho chỉ biết cái lợi trước mắt mà không cần biết đến cái hại lâu dài. Tóm lại, câu nói của Bác đã thức tỉnh chúng ta, cho chúng ta thấy được ý nghĩa quan trọng của việc trồng cây, và càng ngày ý nghĩa của nó lại càng tăng cao hơn. Môi
trường càng bị hủy hoại, rừng cây bị phá, bị đốt thì vấn đề thực hiện lời Bác Hồ nói hơn ba mươi năm trước đây lại nàng cấp thiết. Là học sinh, chúng ta cũng cần có trách nhiệm về việc này.
7
3
Quỳnh Anh Đỗ
29/03/2018 13:24:50
Mỗi năm xuân về, theo tiếng trống giục giã, dân làng già trẻ lớn bé, theo sự chỉ đạo của Tổ phụ lão, nô nức đi trồng cây trên đồi trọc ven làng và ven đường, chúng em lại nhớ đến lời dạy của Bác Hồ:
Mùa xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
Câu thơ đó đã nêu lên một tư tưởng có ý nghĩa lâu dài đối với đất nước, làm nức lòng nhân dân như một lời kêu gọi.
Câu thơ nói đến một từ mới do Bác đặt ra: “Tết trồng cây”, một phong tục tập quán mới: Mùa xuân trồng cây do Bác khởi xướng.
Nhưng điều chủ yếu ở đây là đề xướng một chủ trương, mùa xuân trồng cây cho đất nước thêm xanh, thêm xuân.
Xưa nay nhân dân ta vẫn thường xuyên trồng cây: cây ăn quả như cam, chuối... cây làm nhà như tre, xoan, mít... Nhưng Tết trồng cây của Bác Hồ có một ý nghĩa rộng lớn hơn: Không chỉ trồng cây trong vườn nhà, mà trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc, trồng cây ven đường... tức là trồng cây cho đất nước thêm xanh. Đó là một tư tưởng trồng cây mới: trồng cây để cải tạo môi trường sống của đất nước, làm cho đất nước ngày càng xanh, càng đẹp. Gần đây lụt lội hạn hán xảy ra nhiều hơn, ác liệt hơn. Đó là do nạn phá rừng lan tràn, khai thác gỗ bừa bãi, diện tích rừng bị thu hẹp trên các vùng núi. Nếu nhu cầu xẻ gỗ xây nhà tăng, nhu cầu chất đất để nung vôi, nung gạch tăng, nhu cầu dùng đồ gỗ gia tăng, thì tốc độ phá rừng cũng tăng theo, rừng cây bị phá hoại, không mọc lên kịp. Thế là không còn cây để giữ nước, nước mưa xói mòn làm đất chóng bạc màu. Rừng không đủ sức giữ nước, nước lũ tràn về gây lụt lội và lụt qua thì hạn đến.
Thấy trước tình hình đó Bác Hồ đã đề xướng việc trồng cây như một việc làm bù đắp lại cho thiên nhiên, một hành động phòng xa để gìn giữ môi trường.
Một lẽ khác trồng cây có ích lợi rất lớn để làm dịu mát môi trường. Mọi người đều biết rễ cây hút nước trong đất, lại thông qua lá mà tỏa hơi nước vào không khí.
Người ta tính cứ 15 mẫu rừng một ngày đêm có thể phả vào không khí từ mấy nghìn đến một vạn lít nước. Mùa hè, một cây lớn có thể làm bốc hơi sáu thùng nước. Như vậy thì một rừng cây um tùm, xum xuê có thể làm bốc hơi biết bao nhiêu là nước vào không trung và làm cho không khí dịu mát biết chừng nào? Hơi nước ấy tụ thành mây rồi lại mưa xuống đất tạo thành một vòng khép kín khiến cho đất đai không bị hạn hán, lụt lội.
Rừng cây còn giữ cho sinh thái được cân bằng. Cây có thể làm cho không khí trong sạch. Người ta gọi rừng là “xưởng chế tạo dưỡng khí”. Mọi người đều biết con người hít vào dưỡng khí và thở ra thán khí, còn cây thì ngược lại, nó hút thán khí và nhả ra dưỡng khí. Cây và người bù đắp cho nhau. Như vậy diện tích rừng càng nhiều thì khả năng hút thán khí nhả ra dưỡng khí càng tăng. Và môi trường không khí càng được trong sạch. Nếu như trong không trung do người và xí nghiệp nhả ra không có cách gì lọc đi được, môi trường không khí do đó ngày càng bị ô nhiễm nặng.
Hiểu như vậy, ta sẽ hiểu việc trồng cây gây rừng có ích lợi rất to lớn, vượt xa ra ngoài nhu cầu hái quả, lấy gỗ thông thường, mà gắn với môi trường trong sạch của con người. Nhiều thành phố lớn trên thế giới không khí bị ô nhiễm trầm trọng chính là do thiếu rừng cây xanh vây bọc.
Hiểu như vậy, chúng ta càng biết ơn Bác Hồ, người đề xướng ra Tết trồng cây. Nếu làm được như lời Bác dạy, mỗi người trồng một cây và giữ gìn cho cây lớn lên, thì mỗi năm đất nước ta có thêm bảy chục triệu cây, một số lượng cây rất lớn. Nếu số lượng cây ấy được duy trì và tăng thêm qua nhiều năm thì đất nước ta sẽ xanh tươi biết chừng nào! Càng suy rộng ra càng thấy Bác Hồ thật sâu sắc và sáng suốt.
Chúng ta nguyện làm theo lời Bác dạy và vận động cho mọi người cùng làm. Như Bác từng nói: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Nếu cả nước bền lòng trồng cây, thì chẳng mấy chốc đất nước ta sẽ xanh tươi như một mùa xuân vĩnh viễn, xứng đáng với cái tên Vạn Xuân mà tổ tiên đã đặt cho nước Việt Nam.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo