Khổ thơ đầu của bài thơ đã gây ấn tượng cho người đọc bởi chất thơ chất lãng mạn theo nhịp điệu tiếng sóng vỗ. Chao ôi, hãy lắng tai nghe âm hưởng của bài ca lao động khỏe khoắn vang lên từ xa. Trông kìa, mặt trời đang xuống biển, cảnh hoàng hôn hiện lên thật đẹp. Với biện pháp so sánh ” mặt trời” được ví như “hòn lửa” đang lặn dần trong mặt biển báo hiệu một ngày đã trôi qua và cũng như muốn nhường cho mặt biển ấy một hoạt động lúc vào đêm. Chỉ với biển, với sóng, tác giả tạo nên một sự nhân hóa vừa mang nét kì bí vừa như khép lại một thế giới này để rồi mở ra một thế giới khác cũng đẹp và huyền ảo của biển đêm.
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
“cài then” “sập cửa”, những hành động nghỉ ngơi lại được thực hiện bởi “sóng” “đêm” bởi đó chính là điều kiện mà con người nơi đây đã sống: gần biển, trên biển.
Song song với sự nghĩ ngơi đó, khi mà màn đêm buông xuống, nơi nơi chìm vào sự yên nghỉ thì biển lại đón nhận những hoạt động mới, của những con người luôn hăng say với công việc:
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
Tác giả đã khéo lồng vào chữ “đã” (cài then) của câu thơ trên với chữ “lại” ra khơi ở câu dưới một sự so sánh về ý nghĩ thật kín đáo: vũ trụ đã nghỉ ngơi hoàn toàn nhưng cũng vào thời điểm ấy “đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi”. Những người đánh cá trên đoàn thuyền ấy đã cho thời điểm thích hợp với công việc mặc cho nó ngược lại với quy luật vũ trụ, bởi họ là nhửng người lao động, sống để lao động và mang theo quyết tâm chinh phục thiên nhiên cùng với công việc của mình: công việc đánh cá trên biển. Vì thế chuyến đi của họ tràn đầy lời ca tiếng hát, nhiệt huyết hăng say lao động.
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
Vì khí thế của những người ra đi hăng say như thế nên tác giả đã dùng một hình ảnh thật đẹp và nên thơ, lời ca tiếng hát hào hùng đã cùng với gió khơi làm căng buồm kéo nhanh con thuyền đi ra khơi hoạt động. Khi ra đi, những người đánh cá đã mang quyết tâm đó, họ đã hát lên bài ca lao động hào hùng. Họ, những con người hiên ngang, ra đi giữa biển, phục vụ đời sống con người.
Biển của đất nước chúng ta rộng lớn, bao la, biển đẹp bao nhiêu, biên cũng nhiều tài nguyên bấy nhiêu, tài nguyên của biển là cá, cá cũng tô đẹp cho biển:
Hát rằng cá bạc biển Đông lặn
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!
Biển giàu đẹp biển có nhiều cá. Tác giả đã ví đoàn tàu như đoàn thoi từ đó liên tưởng đến tấm vải dệt là biển. Một hình ảnh đẹp và khoáng đạt biết bao! Từng đoàn cá như những con thoi ngang dọc trên “tấm vải” dệt là biển, tạo nên những luồng sáng lấp lánh giữa biển đêm.
Yêu vẻ đẹp của biển, thán phục sự giàu có của biển, những người đánh cá mong muốn đánh bắt được nhiều cá để phục vụ cho đất nước.
Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!.
Câu nói như một lời kêu gọi “đoàn cá” nhưng cũng là lời gọi nhau, những người đánh cá, hãy nhanh tay lao động.
Đoạn thơ miêu tả không gian và thời gian mở đầu của một cuộc đánh cá đã tạo nên cho cả bài thơ một cái nền vừa đẹp, vừa hừng vĩ, vừa nên thơ. Đoạn thơ bao trùm bởi bút pháp liên tưởng lãng mạn nhưng giàu chất thơ và cảm xúc. Đọc thơ ta có tâm trạng hào hứng của con người ra khơi, tâm trạng xúc động và tự hào trước thiên nhiên mà ta cố tâm chinh phục với mục đích làm giàu thêm cho quê hương đất nước.
Tuy chỉ là một đoạn thơ trong cả bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá’’ nhưng đoạn thơ ấy để lại cho em nhiều cảm xúc nhất vì nó mang một sức sông mãnh liệt của những con người lao động, và biển trong đoạn thơ đã được tác giả vẽ lên những nét đẹp vừa kì bí vừa huy hoàng như cuốn hút em vào thiên nhiên kì diệu. Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung đã truyền cho em một niềm tin và sức sông mới, giúp em thêm yêu những người lao động và quê hương mình, tạo cho em quyết tâm mai sau khôn lớn sẽ đi xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.