Sách có từ bao giờ? Có lẽ sách chỉ ra đời khi con người có nhu cầu ghi lại những gì mà người ta nhận thức về thế giới xung quanh, nhằm lưu giữ và truyền lại cho hậu thế.
Ta được biết, ban đầu sách có nguồn gốc là những chiếc mai rùa, xương thú có ghi chữ viết, sau đó là thẻ tre, da động vật. Chỉ đến khi nền công nghiệp giấy ra đời, công nghệ in phát triển, ta mới có những quyển sách được in giấy như bây giờ. Sự có mặt của sách trên thế gian này là như thế.
Trước khi có sách, tri thức của nhân loại được tích lũy bàng con đường truyền khẩu. Những kinh nghiệm gieo trồng, cách đoán biết về thời tiết, những phát hiện về đời sống về vũ trụ, về giới tự nhiên... tất cả đều đã được lưu giữ trong những ca dao tục ngữ, thậm chí cả trong những truyện ngụ ngôn, cổ tích..., và được truyền miệng từ đời này sang đời khác.
Cùng với chữ viết, sách là phương tiện để con người ghi lại những nhận thức của mình về thế giới. Sự ghi lại ấy lại được chia thành những lĩnh vực khác nhau: khoa học, triết học, thơ ca... Mỗi lình vực lại là một cuộc hành trình dài của con đường chiếm lĩnh và khám phá thế giới tự nhiên và tâm hồn con người. Các thế hệ nối tiếp nhau đã ghi lại những thành quả lao động, học thuật của mình. Vì thế, Chu Quang Tiềm cho rằng: sách là “kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, củng có thể nói đó là những cột mốc trên con đường tiến hóa học thuật của nhân loại" (Bàn về đọc sách)
Cũng với ý nghĩa này, sách đã trở thành chiếc cầu nối vững chắc giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Con người các thế hệ tiếp nối nhau, trong hành trình tìm hiểu, chiếm lĩnh thế giới, vừa tiếp thu những thành quả nhận thức của các thế hệ cha anh, vừa không ngừng làm dày thêm kho tàng tri thức nhân loại bằng những phát hiện của mình, làm cho sách ngày càng trở thành tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ. Chúng ta, những người đọc thế hệ sau, có thể nhìn thấy qua sách hình ảnh con đường mà xã hội loài người đi đến tương lai.
Bên cạnh vai trò là phương tiện tri thức nhân loại, sách còn là phương tiện để con người tim hiểu về thế giới quanh mình. Đối với mỗi cá nhân, sách luôn mở ra những chân trời mới (chữ dùng của Lê-nin). Những tư tưởng khoa học, những phát hiện, những dự đoán, những đánh giá., của thế hệ trước là những gợi ý quý giá để con người tiếp tục khát vọng chinh phục vũ trụ của mình.
Tuy nhiên, cũng có khi, sách với tất cả những kết tinh quý giá của tinh thần nhân loại, lại chỉ là đối tượng thưởng lãm của con người. Cũng giống như một bức tranh, một tia nắng hay một bài thơ, sách mang lại cho con người cảm giác thư thái, bình yên. Trong những thú vui tao nhã của nhà Nho, không thể không kể đến thú vui đọc sách. Nguyễn Trãi - nhà Nho, nhà tư tưởng thế kỉ XV đã từng có câu thơ rằng: “Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn. Khách tục không ai bén mảng gần”. Đây là một cách để tạo ra một không gian đầy thú vị cho thú đọc sách, ngâm thơ của minh.
Ngày nay, cùng với sách, các phương tiện thông tin ngày càng trở nên đa dạng. Văn hóa đọc hình thành từ khi có sách, đến nay không còn giữ nguyên ý nghĩa là đọc trong sách mà mở rộng thêm: đọc trong báo, đọc trên mạng... Sách tồn tại trong cuộc sống không chỉ là sách được bán ở hiệu sách mà sách được đưa lên mạng... Dù dưới hình thức nào, đối với con người, nhu cầu tìm hiểu thế giới tự nhiên và thế giới con người không bao giờ vơi cạn. Vì thế, sách mãi mãi vẫn giữ vai trò quan trọng của mình trong đời sống nhân loại, là phương tiện giúp con người nhận thức về thế giới và khám phá thế giới.
Chừng nào con người vẫn còn nhu cầu nhận thức về thế giới và thưởng thức vẻ đẹp của trí tuệ, chừng nào loài người còn biết đề cao văn hóa, và các giá trị tinh thần, thì chừng ấy sách vẫn còn là một công cụ hữu hiệu và vô giá trong công cuộc khai hóa nền văn minh.