Ý nghĩa dâng hiến
Trong Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta giới luật trọng nhất là luật mến Chúa yêu người. Vì Chúa là Đức Chúa duy nhất, là Đấng tốt lành và đáng yêu mến vô cùng, là Đấng tạo thành, cứu chuộc và thánh hóa chúng ta, nên chúng ta phải yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực; và vì Chúa, chúng ta phải yêu mến tha nhân như chính mình. Như một thi sĩ đã định nghĩa: “Tình yêu là một đóa hoa, sắc là dâng hiến hương là hy sinh”. Tình yêu nào cũng đòi hỏi hy sinh và dâng hiến. Tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa cũng vậy.
Trong Tin Mừng hôm nay, khi quan sát người ta bỏ tiền dâng cúng vào Đền Thờ, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy bà góa dâng cúng hai đồng tiền nhỏ, có lẽ là số tiền nhỏ nhất trong số những người dâng cúng, như mẫu gương của một người thực sự yêu mến Thiên Chúa qua việc dâng hiến trọn hảo nhất. Chúa nói: “Thầy bảo thật các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình đang có để nuôi sống mình” (Mc 12: )
Ở đây, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta một bài học thật quý giá về tình yêu. Đó là bài học về ý nghĩa của việc dâng hiến, một đòi hỏi tất yếu trong tình yêu như người Mỹ thường nói: “Bạn có thể cho mà không thương, nhưng bạn không thể thương mà không cho”.
Điều trước hết, chúng ta phải dâng cúng hay làm việc bác ái từ những gì của chính mình có được cách chính đáng, không phải của người khác. Thật vậy, bà goá nghèo trong Tin Mừng hôm nay dâng cúng tuy chỉ có hai đồng tiền nhỏ. Số tiền tuy rất nhỏ bé, nhưng là của chính bà, không phải bà lấy của người khác mà cho. Nhiều người thích làm việc từ thiện, thích kêu gọi người nọ người kia đóng góp cho các công việc từ thiện, kể cả lập hội từ thiện nữa, nhưng lại vẫn sống trưởng giả và không bỏ của mình ra mà vẫn được tiếng là người bác ái. Đúng là “của người phúc ta”! Tệ hơn, có người dâng cúng làm việc bác ái bằng những của cải kiếm được cách bất chính như bóc lột người làm công, gian lận trong công việc làm ăn, buôn bán ma tuý. Tốt hơn, họ phải lo thay đổi lối sống của họ và đền bù lại sự bất công của họ trước! Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận dí dỏm căn dặn chúng ta: “Hy sinh chính con, đừng hy sinh kẻ khác” (Đường Hy Vọng # 158).
Điều kế đến, việc dâng hiến của chúng ta phải phát xuất từ lòng mến thực sự đối với Chúa và tha nhân, bất chấp dư luận người đời. Bà goá nghèo trong Tin Mừng hôm nay đơn sơ dâng hiến hai đồng tiền nhỏ mà không sợ người ta chê cười vì số tiền nhỏ bé của bà. Bà làm với lòng tin yêu chân thành của mình, vì bà biết rằng Thiên Chúa thấu suốt mọi sự và thấu hiểu lòng bà. Thật vậy, Thiên Chúa không nhìn lễ vật hay công việc bề ngoài mà nhìn đến ý hướng bên trong. Thiên Chúa chỉ muốn tấm lòng chứa đầy tình yêu: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần của lễ” (Mt 9:13). Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô tuyên bố: “Giả như tôi có đem hết gia tài sản nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cor 13:3). Và tác giả sách Gương Chúa Giêsu xác quyết: “Không có bác ái, công việc bên ngoài là việc chết.
Nhưng một công việc dầu nhỏ bé, dầu tầm thường mấy mà làm vì một nguyên do bác ái, lại lợi hết chỗ nói. Vì Chúa không xét việc ta làm bằng xét lý do xui ta làm. Bác ái nhiều là làm nhiều rồi đấy” (Q. I, Ch. 15). Và tình yêu đích thực thì không giới hạn, nên sự quảng đại phải là đặc nét của việc dâng hiến.
Cuối cùng, việc dâng hiến của chúng ta, vì là việc của yêu thương, phải có dấu ấn thập giá, có dấu ấn của việc tự hiến, nghĩa là của lễ chúng ta dâng phải chứa đựng chính mình qua chiều kích hy sinh, mất mát, hay từ bỏ nơi chính mình. Tác giả sách Gương Chúa Giêsu thác lời Chúa Giêsu về việc hiến dâng như sau: “Cha có đòi con cái gì khác, ngoài việc con phải tự hiến cho Cha đâu? Dầu con dâng gì, nếu cái đó không phải là chính thân con, Cha cũng không kể. Vì Cha không đòi gì khác một đòi bản thân con kia!” (Q. III, Ch # 8). Đây chính là định nghĩa tình yêu của Mẹ Têrêsa Calcutta: “Yêu thương là trao ban cho đến đau đớn.” Hai đồng tiền nhỏ của bà góa nghèo trong Tin Mừng hôm nay được Chúa Giêsu đánh giá là to lớn nhất vì nó là tất cả những gì bà có để nuôi sống chính bà!
Vì vậy, người ta thường nói người giàu trao tặng những gì họ có, còn người nghèo trao tặng những gì họ là. Việc dâng cúng tiền của có giá trị không những vì góp phần trợ giúp Hội Thánh hay người túng nghèo, mà nó còn bao gồm sự hy sinh nơi chính người dâng cúng, vì “đồng tiền liền khúc ruột”. Chính trong chiều kích thập giá này, việc dâng hiến của chúng ta dâng lên Thiên Chúa không chỉ giới hạn ở việc dâng cúng tiền của, nhưng còn bao gồm cả việc dùng thời giờ để thờ lạy Chúa hay phục vụ tha nhân, việc hy sinh hãm mình, việc vui lòng đón nhận và thánh hóa mọi đau khổ, trái ý, bệnh tật trong cuộc sống hàng ngày.
Việc dâng hiến của bà góa nghèo trong Tin Mừng hôm nay được Chúa Giêsu ghi nhận và khen ngợi vì nó có nét quảng đại được thể hiện nơi chính Thiên Chúa và nơi chính Chúa Giêsu. Thực vậy, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Thánh Phaolô nhận định: “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cor 8:9). Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận diễn tả việc thực hành đức quảng đại qua một câu ngắn gọn: “Chúa đòi gì con cũng dâng, Chúa cho ban gì con cũng nhận”.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy chúng con biết yêu mến Chúa như Mẹ đã yêu mến Chúa, biết quảng đại như Mẹ đã quảng đại khi dâng hiến Chúa Giêsu trong Đền Thờ cho Đức Chúa Cha và trên thập giá để cứu chuộc chúng con. Amen.