Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Nguyễn Du rất thành công trong việc khắc họa tâm lí nhân vật, ngôn ngữ độc thoại nội tâm và bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc

2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
2.163
2
3
Trà Đặng
03/06/2019 07:32:34
Nguyễn Du là một danh nhân văn hóa, một đại thi hào của dân tộc ta. Ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam ta một kiệt tác của nền văn học trung đại - tác phẩm Truyện Kiều. Ngoài hai giá trị lớn và giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo, truyện Kiều còn rất thành công về mặt nghệ thuật. Chỉ xét riêng về nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật và bút pháp tả cảnh ngụ tình, Nguyễn Du đã đạt đến đỉnh cao chói lọi nhất trong lịch sử bằng trích đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích miêu tả thành công cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Kiều.
Đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" nằm trong phần "Gia biến và lưu lạc". Đoạn thơ dài 22 câu, không chỉ biểu lộ tình cảm xót thương của Nguyễn Du đối với kiếp người bạc mệnh mà còn thể hiện bút pháp đặc sắc về tự sự, về tả cảnh ngụ tình với ngôn ngữ độc thoại nội tâm để biểu đạt nỗi lòng và tâm trạng của Kiều. Cảnh ngộ của Kiều ở lầu Ngưng Bích vô cùng cô đơn, buồn tủi:
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
Bằng nét bút tả cảnh ngụ tình điêu luyện, Nguyễn Du đã miêu tả thành công nội tâm của Kiều. Từ ngữ "khóa xuân" đã cho thấy tình cảnh Kiều lâm vào cảnh cá chậu chim lồng, bị giam lỏng nơi lầu cao, khóa kín tuổi xuân của nàng. "Khóa xuân" ở đây không phải nói tới những cô gái còn cấm cung mà là sự mỉa mai, chua xót cho thân phận nàng Kiều. Nàng trơ trọi giữa thời gian mênh mông, không gian hoang vắng trong hoàn cảnh tha hương, cô đơn, giờ lại bị đầy vào chốn lầu xanh ô nhục. "Lầu Ngưng Bích" vốn là một nơi phong cảnh tuyệt đẹp, khung cảnh hữ tình, thơ mộng được mở ra cả ba chiều cao, xa và rộng qua các từ ngữ "non xa", "trăng gần", "cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia". Thế nhưng "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!", trong tình cảnh giam cầm Kiều khung cảnh thật buồn thảm, vắng lặng, nhìn trăng nàng chỉ thấy vầng trăng đơn côi, nhìn mặt đất thì bên là cồn cát nhấp nhô lượng sóng bên là bụi hồng cuốn xa hàng vạn dặm hoang vu, vắng lặng. Lầu Ngưng Bích chỉ là là một chấm nhỏ giữa thiên nhiên trơ trọi, giữa mênh mang trời nước. Trong cái không gian quẩn quanh "mây sớm đèn khuya" gợi vòng tuần hoàn khép kín của thời gian, tất cả như giam hãm tuổi xuân mơn mởn của tuyệt sắc giai nhân, sự sống của Kiều như bị những bàn tay tàn bạo bóp nghẹt. Từ đó khắc sâu thêm nỗi đơn côi khiến Kiều càng thấy "bẽ bàng" chán ngán, buồn tủi, không ai chia sẻ nàng chỉ biết là bạn với mây, với đèn, với cảnh vật hoang vu, nhạt nhòa.
Trong nỗi cô đơn tuyệt đối ấy, Kiều cảm thấy xa cách, hoang vắng, một mình một bóng bơ vơ, bị giam cầm cách biệt nơi đất khách quê người, xa quê hương, xa người yêu của mình:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Ở lầu Ngưng Bích Kiều đã nhớ về Kim Trọng trước, đó là một nét bút đặc sắc, độc đáo và phù hợp với tâm lí, thể hiện tấm lòng chung thủy của Kiều. Các từ ngữ "tưởng", "trông", "chờ" trong ngôn ngữ độc thoại nội tâm của Kiều đã làm bật lên nỗi nhớ Kim Trọng khôn nguôi của nàng. Kiều càng nhớ về lời thề đôi lứa, lời hẹn ước trăm năm ở vườn Thúy lại càng thương cho Kim Trọng. Chén rượu thề như còn đây mà nay mỗi người như mỗi ngả khiến nàng ân hận, xót xa như kẻ phụ tình. Nàng tưởng tượng Kim Trọng đang hướng về mình, "rày trông mai chờ" uổng công vô ích khiến nàng càng thêm xót xa, càng thấp thỏm lo âu. Dù cho mỗi người một phương nhưng tình cản, tấm lòng son của nàng dành cho Kim Trọng là mãi mãi, không thể phai mờ. Càng nghĩ Kiều càng lo lắng, khiến nàng bật lên câu hỏi tu từ không biết trên bước đường trôi dạt nơi "bên trời góc bể", bao giờ nàng mới có thể gột rửa sạch những hoen ố của tấm lòng son chung thủy để có thể đáp lại tình yêu của Kim Trọng dành cho nàng. Ở nơi lầu cao ấy, nàng cũng không nguôi nhớ thương, lo lắng cho cha mẹ của mình:
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
Với ngôn ngữ độc thoại, kết hợp với lối viết cổ, tâm trạng ngổn ngang của Kiều hiện lên thật rõ nét. Các từ ngữ "hôm mai", "cách mấy nắng mưa" chỉ nỗi nhớ mong cha mẹ dài theo năm tháng của nàng. Kiều xót thương cha mẹ mình ngày đêm lo lắng, "tựa cửa hôm mai" mong ngóng tin nàng, sợ cha mẹ già yếu ở nhà, không ai chăm sóc, phụng dưỡng. Thành ngữ "quạt nồng ấp lạnh", cùng với điển tích "Sân Lai", "Gốc tử" đã nói lên tâm trạng nhớ thương, tấm lòng hiếu thảo của Kiều với cha mẹ mình. Nàng lo sợ ở nơi quê hương, mọi thứ đã đổi thay, cha mẹ nàng lại ngày càng già yếu nên nàng vô cùng day dứt, áy náy vì chưa làm tròn bổn phận phụng dưỡng cha mẹ của người con. Từ đó tấm lòng vị tha và hiếu thảo của Kiều đã hiện lên thật rõ nét. Trong cảnh ngộ bị giam lỏng nơi lầu Ngưng Bích, lưu lạc nơi chân trời góc bể, Kiều là người đáng thương nhất. Thế nhưng với tâm hồn cao đẹp của mình, nàng luôn hi sinh bản thân, quên đi cảnh ngộ của bản thân để lo lắng, nghĩ về Kim Trọng, nghĩ về cha mẹ của mình. Nỗi nhớ của Kiều rất thực và có chiều sâu, từ đó cho thấy Kiều là một đứa con hiếu thảo, một người tình thủy chung và là một con người giàu lòng vị tha.
Tâm trạng buồn tủi của Kiều đã thể hiện rõ nét qua cảnh vật bên ngoài. Mỗi cảnh vật là một nét riêng nhưng đều diễn tả một khía cạnh trong tâm trạng của Kiều. Cánh buồm trên biển giữa mênh mông trời chiều hoàng hôn thật cô độc, lẻ loi:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Khung mở ra vào thời điểm chiều hôm, thời điểm của những lưu luyến khó tả. "Cửa bể chiều hôm" gợi trước mắt ta hình ảnh những tia nắng leo lắt cuối ngày phản chiếu lên mặt biển xanh thẳm rồi lan ngay ra không gian xung quanh, khiến mọi thứ nhuốm màu sẫm tối, có cái gì da diết như đêm luyến ngày, như niềm lưu luyến tha thiết của Kiều về ngày tháng êm đềm xưa kia. Các từ ngữ "thấp thoáng", "xa xa" gợi sự lẻ loi, đơn độc như chính niềm hi vọng mỏng manh, leo lét của Kiều. Một mình bơ vơ ở nơi đó, Kiều chỉ mòn mỏi nhớ về quê hương, nhớ về cha mẹ, chờ mong một con thuyền đến cứu, thế nhưng những chiếc thuyền ấy chỉ thấp thoáng ở xa rồi mất hút về phía chân trời. "Thuyền ai" lênh đênh rồi mất hút về phía chân trời xa như cuộc đời Kiều, chẳng biết đến bao giờ có thể về được quê nhà, báo hiếu cho cha mẹ.Ánh nhìn của Kiều vẫn ở mặt nước nhưng đã gần hơn:
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Cánh hoa mỏng manh, dập dìu trong dòng nước, bé nhỏ, chẳng thể nào chống chọi được sức của "ngọn nước mới sa" như chính thân phận nàng Kiều nhỏ bé trong dòng đời đẩy đưa. Thân phận Kiều giờ đây lạc lõng, lẻ loi, tả tơi trôi theo dòng đời vô định "biết là về đâu" như chính bông hoa kia. Nhìn cánh hoa bị vùi dập tả tơi ấy, nàng Kiều lại càng nhớ thương Kim Trọng, càng buồn tủi, xót xa vì số phận bèo dạt mây trôi, chẳng biết sẽ đi về nơi nao của mình. Không chỉ có mặt nước mênh mang chất chứa bao nỗi buồn mà cả cỏ cây cũng sầu thảm:
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Ngược với cái tên xanh biếc hi vọng của "Ngưng Bích" sắc xanh nối tiếp của trời đất qua đôi mắt buồn tủi của Kiều trở nên thật sầu thảm. Từ láy "rầu rầu" gợi nên hình ảnh của một bãi cỏ tàn úa, xơ xác đến thảm thương. Xanh trời nối tiếp xanh đất tàn úa, héo hon, vô vị, tẻ nhạt như chính số phận bị giam lỏng trên lầu cao của Kiều. Tuổi thanh xuân tươi đẹp của Kiều, tài sắc vẹn toàn của nàng rồi sẽ phai tàn, vô vị như màu xanh héo úa kia. Màu xanh vốn là màu của hi vọng nay đã tàn úa như chính niềm hi vọng đang cạn dần và nỗi xót xa, dằn vặt ngày càng dâng cao trong lòng Kiều. Quang cảnh đang im lặng, bỗng dậy sóng:
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Âm thanh của tiếng sóng "ầm ầm" trong cảnh "gió cuốn mặt duềnh" như chính là những bão tố phong ba đang chờ Kiều ở phía trước. Nàng lo lắng không biết khi nào tai họa sẽ ập đến như tiếng sóng dồn dập ngoài xa. Tiếng sóng ầm ì như chính tiếng của tai họa sắp ập tới, những cạm bẫy của cuộc đời ập đến "kêu quanh ghế ngồi" khiến cho nàng Kiều sợ hãi.
Điệp ngữ "buồn trông" đặt ở bốn đầu câu lục bát trong đoạn thơ như tiếng thở dài cùng với nhịp thơ chầm chậm và những thanh bằng đã nhấn mạnh nỗi buồn cứ càng lúc càng dâng lên mãi trong lòng Kiều cùng hòa với cảnh vật càng lúc càng mênh mang, vắng vẻ hơn. Những từ láy "xa xa", "thấp thoáng", "man mác", "rầu rầu", "xanh xanh", "ầm ầm" như những con sóng dằn vặt, buồn tủi dâng tràn trong lòng Kiều.
Đoạn thơ "Kiều ở lầu Ngưng Bích" là đoạn thơ tả cảnh ngụ tình hay nhất trong Truyện Kiều cũng như văn học trung đại Việt Nam. Đoạn thơ giúp ta hiểu thêm về Kiều, môt người tình chung thủy, một đứa con hiếu thảo và lòng một con người giàu lòng vị tha, khiến ta căm hận xã hội phong kiến bất công tàn bạo đưa đẩy con người tài hoa vào kiếp lầu xanh tủi hổ.
Kiều ở lầu Ngưng Bích là một đoạn thơ miêu tả tinh tế nội tâm nhân vật kết hợp bút pháp tả cảnh ngụ tình điêu luyện đã làm nổi bật cảnh ngộ của Kiều và chứng tỏ được tài năng và trái tim biết sẻ chia, biết yêu thương của Nguyễn Du đối dành cho nhân vật và cho cuộc đời. Chính hồn thơ ấy, trái tim ấy đã đi vào tâm tưởng bao thế hệ, đưa chúng ta đến bao cảm xúc khác nhau, khiến ta chẳng thể nao quên như nghĩa tình đậm đà của nhà thơ Tố Hữu đối với đại thi hào này:
Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân,
Bâng khuâng nhớ cụ thương thân nàng Kiều.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
2
Quỳnh Anh Đỗ
03/06/2019 08:08:54
Thúy Kiều - người con gái bạc mệnh, trải qua bao gian nan, tai kiếp, cuối cùng nàng cũng đậu được một bến bờ vững chãi - Từ Hải. Từ Hải là người đã cứu vớt cuộc đời khổ đau của Kiều, đưa Kiều ra khỏi chốn thanh lâu, giúp nàng có một danh phận xứng đáng. Không chỉ vậy, Từ Hải còn là một tri âm tri kỉ, "tâm phúc tương tri" của nhau và chàng cũng giúp nàng trở lại nơi xưa báo ân báo oán với Thúc Sinh, Hoạn Thư. Ở đoạn trích "Thúy Kiều báo ân báo oán này", Nguyễn Du đã sử dụng nghệ thuật miêu tả ngôn ngữ đối thoại thật độc đáo để khắc họa tính cách nhân vật Thúy Kiều, Hoạn Thư thật thành công.
Trải qua bao thăng trầm, cuối cùng Kiều cũng có được một danh phận chính thức, nàng trở thành phu nhân của Từ Hải, trở thành người có quyền có thế trong tay. Chính ở địa vị này, nàng mới có thể báo ân báo oán với những người xưa kia của mình. Đoạn trích là lời báo ân của Thúy Kiều đối với Thúc Sinh cũng là lời báo oán của nàng dành cho Hoạn Thư. Ở đây, Nguyễn Du đã tinh tế lồng vào trong từng câu chữ của từng nhân vật nghệ thuật miêu tả ngôn ngữ đối thoại để khắc họa tâm lý cũng như tính cách của họ.
Nhân vật đầu tiên trong đoạn trích mà chúng ta có thể nhận ra Nguyễn Du đã dùng rất nhiều tâm sức để dựng lên màn đối thoại: đó là Thúy Kiều. Từng lời của nàng thốt ra đối với Thúc Sinh đều là những lời nói mang sức nặng của ân tình để báo đền cho người từng giúp đỡ mình lúc khốn khó. Nàng rằng:
"Nàng rằng: Nghĩa nặng nghìn non
Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không?
Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai há dám phụ lòng cố nhân
Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân
Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là
Vợ chàng quỷ quái tinh mà
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau
Kiến bò miệng chén chưa lâu
Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa"
Đúng như tính cách của mình, Thúy Kiều chọn báo ân trước khi báo oán. Nàng muốn trả hết ơn nghĩa với người xưa trước khi báo những oán đền xưa kia. Vậy nên, nàng cho gọi Thúc Sinh vào trước. Thế nhưng, chàng ta vẫn là con người hèn nhát của năm nào, bước vào công đường mà tràn đầy run sợ "mình dường dẽ run". Thấy vậy, Thúy Kiều cất lời rằng:
"Nàng rằng: Nghĩa nặng nghìn non
Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không?
Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai há dám phụ lòng cố nhân
Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân
Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là"
Nàng lật lại những địa điểm năm xưa gợi nhớ trong lòng chàng, ân cần hỏi han chàng từng chút. Nàng biết ơn nghĩa nàng nợ Thúc Sinh không thể đếm được, nghĩa đó "nặng nghìn non". Chàng đã cứu nàng ra khỏi lầu xanh, cho nàng nơi ăn chốn ở, tuy chẳng cưu mang được nàng lâu dài, chẳng cho nàng được một danh phận đúng nghĩa nhưng chàng chung quy vẫn giúp nàng vượt qua một phần gian khổ. Vậy nên, nàng gọi nhắc chàng về "Sâm Thương", về "Lâm Tri" cốt để chàng nhớ lại người cũ năm nào để nàng có thể báo đền cho chàng chút ân tình ngày xưa. Tuy rằng đã bao thời gian trôi qua, nhưng nàng vẫn chưa bao giờ quên ơn nghĩa mà chàng đã trao cho nàng. Từng lời Kiều nói ra ở đây vô cùng thân mật, gần gũi, toàn là những câu hỏi nhẹ nhàng, những lời gợi nhớ. Nàng chẳng hề ra oai, tỏ vẻ dọa nạt gì chàng. Nguyễn Du đã khắc họa bằng ngôn ngữ một hình ảnh nàng Kiều vẫn như trước đây: thùy mị, nết na, lại vô cùng trọng nghĩa trọng tình.
Thế nhưng, trả ân cho chàng xong, nàng cũng không quên quay lại cảnh báo chàng:
"Vợ chàng quỷ quái tinh ma
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau
Kiến bò miệng chén chưa lâu
Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa"
Chàng là vậy, giúp đỡ nàng, có ơn với nàng nhưng vợ chàng lại khiến cho Kiều phải chịu nhiều ủy khuất, uất hận. Thế nên giờ đây, Kiều liền ra lời cảnh báo cho chàng rằng lần này nàng sẽ không chịu để yên cho người vợ "quỷ quái tinh ma" của chàng nữa. Nàng sẽ quyết báo đền những gì mà nàng ta đã gây ra cho mình. Nhắc đến Hoạn Thư, những vết thương trong sâu thẳm tâm hồn nàng bắt đầu rỉ máu. Hoạn Thư đã không chỉ hành hạ về thể xác mà còn hành hạ về cả tâm hồn của nàng nữa. Ở đây, Nguyễn Du vẫn dẫn dắt người đọc bằng những lời đối thoại của nhân vật mà ở đây là Thúy Kiều. Nếu như ngày xưa, Kiều chỉ dám cúi đầu trước những đau khổ mà Hoạn Thư gây ra cho nàng thì giờ đây, bằng nghệ thuật miêu tả ngôn ngữ đối thoại, Nguyễn Du đã cho ta thấy được những chuyển biến trong tâm lý và tính cách của Kiều. Giờ đây, Kiều đã trở thành một Thúy Kiều mạnh mẽ, một người phụ nữ uy quyền, hoàn toàn không còn nhu nhược, yếu đuối nữa. Vậy nên, nàng mới khảng khái nói với Thúc Sinh rằng: "Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau", rằng giờ đây, nàng cũng sẽ báo đền lại những tổn thương mà Hoạn Thư đã gây ra cho nàng.
Kết lại những lời báo ân dành cho Thúc Sinh, Thúy Kiều đã lên tiếng cảnh báo về sự trả thù, báo oán của mình dành cho Hoạn Thư - kẻ đã gây ra đau khổ cho nàng trước kia. Nguyễn Du, bằng tài năng của mình, thông qua màn đối thoại của Thúy Kiều - Thúc Sinh, ông đã dựng lên được tính cách của nàng Kiều. Nàng vẫn là người con gái thông minh, xinh đẹp, giàu lòng nhân hậu, thế nhưng nàng đã không còn yếu đuối, chịu đựng như trước nữa. Thế nên, khi đối diện với Hoạn Thư, không chờ để nàng ta cất lời, nàng đã cất lời trước:
"Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây
Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan
Dễ dàng là thói hồng nhan
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều"
Lời vừa mở là một loạt những câu châm biếm, mỉa mai của Kiều dành cho Hoạn Thư. Thúy Kiều mỉa mai rằng chắc hẳn Hoạn Thư chưa từng nghĩ sẽ có ngày hai người đổi vai cho nhau, kẻ chủ thành tớ mà kẻ tớ thì thành chủ như hôm nay. Nàng cũng cảnh báo nàng ta rằng thói hồng nhan của Hoạn Thư sẽ khiến cho nàng ta chuốc thêm nhiều uất ức, đau khổ nữa mà thôi. Qua những lời nói ấy, chúng ta thấy rằng, tính cách của Kiều đã hiện thật rõ đằng sau mỗi câu chữ. Nàng đã chẳng còn là một cô tiểu thư mỏng manh nữa, nàng đã trở lên mạnh mẽ, một người phụ nữ với tính cách thật sắc sảo, khiến cho ai nấy cũng phải nể phục. Mỗi lần nàng cất giọng lên, thì đến Hoạn Thư kia cũng phải cúi đầu nhận tội. Nguyễn Du ở đây đã dùng những ngôn từ đối thoại thật sắc bén để làm hiện rõ lên tính cách của Kiều cũng như sự sắc sảo trong từng câu nói mà nàng đối thoại.
Kết lại đoạn trích, người ta lại một lần nữa được chứng kiến tâm lý, tính cách của Kiều được vẽ lên bằng những câu đối thoại. Nàng đã quyết định tha cho Hoạn Thư. Những câu nói cuối cùng, người ta vẫn nhận ngay rằng Kiều bởi lòng nhân hậu, tính cách dịu dàng, cũng như sự yếu mềm của một người phụ nữ. Bởi nàng hiểu, nàng cũng là phụ nữ, cũng hiểu được chút lòng dạ đàn bà.
Cũng trong đoạn trích này, bằng ngôn từ đối thoại, Nguyễn Du không chỉ dựng lên tính cách của nàng Kiều vừa nhân hậu, vừa sắc sảo mà còn dựng lên tính cách của một Hoạn Thư thông minh, khôn khéo cùng một chút xảo quyệt nữa.
Dưới trướng của Kiều, Hoạn Thư được Kiều vời đến để báo đền những oán hận mà nàng ta đã gây ra cho Kiều khi Kiều còn phải chịu kiếp làm tôi tớ ở phủ họ Hoạn. Thế nhưng, dù giật mình khiếp đảm trước sự uy nghiêm ấy, Hoạn Thư vẫn bình tĩnh đối đáp với Kiều:
"Rằng: tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình
Nghĩ cho khi gác viết kinh
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo
Lòng riêng riêng những kính yêu
Chồng chung cho dễ ai chiều cho ai
Trót lòng gây việc chông gai
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng".
Khi Thúy Kiều lên tiếng buộc tội Hoạn Thư, đồng thời cũng cảnh báo nàng ta phải trả lại những gì đã gây ra cho Kiều thì tính cách nàng ta mới bộc lộ thật rõ. Quả không hổ là con của một viên quan lớn, những lời nói Hoạn Thư thốt ra đều vô cùng thấu tình đạt lý. Nó đã chạm tới trái tim yếu mềm của Kiều khiến Kiều phải suy nghĩ. Hoạn Thư nói rằng nàng ta có ghen tuông đấy, thế nhưng đó là thói thường của đàn bà, mấy ai chồng có nhân tình lại không ghen tuông. Đồng thời, nàng ta cũng nhắc tới những ân nghĩa mà nàng ta đã làm cho Kiều khi Kiều ở nhà họ Hoạn rằng nàng ta đã cho Kiều ra ở gác viết kinh và khi Kiều trốn chạy, nàng ta cũng bỏ qua, chẳng truy đuổi thêm nữa. Lời nói ấy thốt ra vừa thấu tình lại đạt lý khiến cho Thúy Kiều phải ngẫm nghĩ hồi lâu. Thế mới nói, Nguyễn Du đã thật tài hoa khi khắc họa tính cách của Hoạn Thư: một con người vừa khôn khéo, vừa thông minh, bình tĩnh, dù trong tình thế ngàn cân nguy hiểm tới tính mạng cũng không hề nao núng. Phải nói, nghệ thuật miêu tả ngôn ngữ đối thoại của Nguyễn Du để khắc họa tính cách nhân vật đã đạt tới đỉnh cao mà khó ai có thể sánh bằng.
Không chỉ thế, Hoạn Thư còn so sánh Kiều với "lượng bể" to lớn, đặt Kiều vào tình thế khó khăn. Nếu như Kiều chẳng tha cho nàng ta thì chẳng hóa ra nàng là một người nhỏ nhen hay sao. Thế mới biết, Hoạn Thư là một kẻ thật khôn khéo biết chừng nào! Và Nguyễn Du - ông cũng thật xuất sắc khi chỉ với vài ba câu thơ ngắn ngủi nhưng lại dựng lên được tính cách của một con người vừa khôn ngoan, vừa xảo quyệt lại thông minh, bình tĩnh vô cùng - Hoạn Thư.
Bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh đồng thời bằng bút pháp tài hoa của mình, Nguyễn Du chỉ với vài màn đối thoại ngắn ngủi giữa các nhân vật đã dựng lên được tính cách của từng nhân vật ấy trong đoạn trích Kiều báo ân báo oán. Thứ nhất, đó là đoạn đối thoại giữa Kiều - Thúc Sinh, Kiều hiện lên với tính cách vừa hiền dịu, lại nhẹ nhàng, ân cần, vừa thấu tình đạt lý, lại trọng tình trọng nghĩa. Còn khi đối thoại Kiều - Hoạn Thư, Thúy Kiều lại hiện lên là một con người sắc sảo, uy quyền. Còn với Hoạn Thư, chỉ bằng tám câu thơ ngắn, Nguyễn Du đã dựng lên một con người với tâm tư khôn ngoan, sắc bén, xảo quyệt nhưng thông minh, bình tĩnh trước nguy hiểm vô cùng. Có thể nói, Nguyễn Du đã vô cùng thành công trong nghệ thuật miêu tả ngôn ngữ đối thoại để khắc họa tính cách nhân vật ở trong đoạn trích Kiều báo ân báo oán này.
Khép lại những dòng thơ, người đọc chúng ta vẫn còn đọng lại trong tâm tưởng tính cách của nàng Kiều với những lời đối thoại vừa ân cần lại vừa sắc sảo. Chúng ta càng ấn tượng hơn với Hoạn Thư - một kẻ khôn khéo, xảo quyệt biết nhường nào. Phải nói, Nguyễn Du thực sự là một bậc thầy khiến người ta phải khâm phục khi dựng lên bức tranh chân dung tính cách của nhân vật chỉ bằng những lời thơ thật ngắn gọn, nhẹ nhàng. Ông xứng đáng là một thi nhân tài hoa bậc nhất Việt Nam.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×