Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Nhận xét về bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh có ý kiến cho rằng: Bài thơ Chiều tối thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ý chí vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà thơ chiến sĩ Hồ Chí Minh. Em hãy phân tích bài thơ Chiều tối để làm sáng tỏ nhận xét trên

1 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
8.034
3
0
Phuong Thao
02/06/2021 21:17:10
+5đ tặng

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng, một người chiến sĩ quốc tế luôn mang trong mình tình yêu quê hương đất nước và khát khao giải phóng dân tộc. Cả cuộc đời Bác dành cho sự nghiệp cách mạng không chỉ vậy Bác còn là một nhà văn hóa lớn có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn chương. Cảm hứng thi sĩ đến bất cứ lúc nào với người chiến sĩ cộng sản dù cho khi bị giam bắt, tù đày nhưng không thể giam cầm được tâm hồn của Người. Bài thơ “Chiều tối” là tác phẩm được sáng tác khi Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ nhưng vẫn thể hiện tình yêu thiên nhiên, con người và tinh thần lạc quan, có niềm tin vào tương lai tươi sáng của Hồ Chí Minh.

Vào tháng 8 năm 1942 Bác sang Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, sau nửa tháng đi bộ đến Túc Vinh tỉnh Quảng Tây và bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam trong suốt mười ba tháng, những tháng ngày bị tù đày ấy Bác đã sáng tác tập thơ “Nhật kí trong tù” bằng chữ Hán với số lượng 134 bài. Trong đó bài thơ “Chiều tối” là bài số 31 khi Người bị thiên chuyển từ nhà lao Tĩnh Tây sang nhà lao Thiên Bảo năm 1942. Trong khoảnh khắc chiều tà mênh mông cùng với tâm hồn thi nhân đã tạo cảm hứng để người tù sáng tác gửi gắm vào thơ ca tâm trạng, tình cảm của mình. Nổi lên trong bài thơ là hình ảnh thiên nhiên và con người lao động nơi đất khách quê người.

Chiều tối” được viết bằng chữ Hán theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Hai câu thơ đầu Bác đặc tả cảnh thiên nhiên núi rừng với hai hình ảnh tiêu biểu cánh chim mỏi mệt và đám mây cô đơn:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không”

Dịch:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Với bút pháp chấm phá điểm nhãn, ước lệ tượng trưng mang đậm chất cổ điển của thi pháp phương Đông Bác đã khắc họa hình ảnh cánh chim mỏi mệt đang bay tìm chốn ngủ. Đó là chi tiết gợi không gian mênh mông, gợi ý niệm thời gian buổi chiều đã về. Trong thơ ca không ít lần ta có bắt gặp hình ảnh cánh chim ấy là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có viết: “Chim hôm thoi thót về rừng” hay của bà Huyện Thanh Quan: “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi” rồi trong “Tràng giang” của Huy Cận là hình ảnh “Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều xa”.

Từ “quyện” trong câu thơ mang nghĩa mỏi mệt chỉ tâm thế tồn tại của con người, là định ngữ cho danh từ “điểu”, được dùng để đặc tả cho hình ảnh cánh chim. Cánh chim ở đây không chỉ được Bác quan sát trong sự vận động mà còn được cảm nhận từ bên trong là “Chim mỏi”. Nhà thơ đã dùng cái hữu hạn của cánh chim để nói cái vô hạn của bầu trời. Trong khoảng trời mênh mông ấy chỉ có cánh chim nhỏ nhoi bay với đôi cánh mệt mỏi. Bác đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình, tả hoạt động của tự nhiên để gợi thân phận, tâm trạng của mình. Ở đây vừa có sự đối lập vừa có nét tương đồng.

Đối lập là nếu con chim bị lạc đàn, bay mỏi sau một ngày kiếm ăn vất vả nhưng vẫn thoải mái tự do vào rừng tìm chốn ngủ còn nhà thơ vẫn bị kìm kẹp, giam cầm. Tương đồng tâm trạng giữa người tù và cánh chim chiều. Phải chăng sau một ngày đi đường dài cổ đeo gông chân vướng xiềng Bác đã thấm mệt nên nhìn cánh chim bay Bác cũng cảm nhận được điều ấy, Bác cũng muốn được nghỉ ngơi sau ngày tù dài lê bước “Năm mươi ba cây số một ngày / Áo mũ dầm mưa rách hết giày”. Cội nguồn của sự đồng điệu ấy là tình yêu vô bờ mà Bác dành cho sự sống của vạn vật.

Không chỉ vậy Người còn quan sát thấy hình ảnh đám mây trôi chầm chậm trên nền trời mênh mông, bao la gợi ý niệm lữ thứ, cô đơn. Đây cũng là một thi liệu rất quen thuộc trong thơ xưa. Thôi Hiệu đã từng viết: “Bạch vân thiên tải không du du” (Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay) hay đó là đám mây xanh ngắt trong thơ Nguyễn Khuyến với câu “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”.

Tuy nhiên mây trong thơ Bác không gợi sự vĩnh viễn mà mang tâm trạng cô đơn, lẻ loi của người khách băn khoăn không biết tương lai sẽ đi đâu về đâu nhưng trong bản dịch chưa thực sự lột tả được ý nghĩa của từ “cô”. Chỉ với vài nét đặc tả, chấm phá lấy linh hồn của thiên nhiên mà vẽ nên một bức tranh buổi chiều tối ảm đạm, yên ả. Cánh chim và đám mây đã từng xuất hiện trong thơ Lý Bạch: “Chúng điểu cao phi tận/ Cô vân độc khứ nhàn”. Đó là nét cổ điển mà Hồ Chí Minh kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại thể hiện ước muốn được tự do, được nghỉ ngơi như cánh chim, như đám mây trên trời cao.

Trong hai câu thơ đầu chỉ đặc tả cảnh thiên nhiên nhưng ẩn đằng sau lớp ngôn từ đó là tư thế và tâm hồn của thi nhân. Ta không thấy có chân dung của người tù khổ ải mà chỉ thấy phong thái ung dung, tao nhã của thi nhân mặc khách dù chân vướng xiềng lê từng bước trên đường đi, cảnh chiều mênh mông rợn ngợp nhưng tâm hồn Bác vẫn hướng về thiên nhiên, quát sát từng chi tiết vận động của cảnh vật. Nếu không phải là một người yêu thiên nhiên tha thiết, một con người có nghị lực phi thường, bản lĩnh kiên cường vượt lên trên hoàn cảnh làm sao có được sự tự do về tinh thần. Nhà lao, xiềng xích có thể giam cầm thân thể Bác chứ không thể trói buộc được tâm hồn thi nhân.

Trên nền cảnh của thiên nhiên hình ảnh con người bỗng hiện lên trong thơ Bác. Con người ở đây là thiếu nữ đang lao động giữa chốn núi rừng mênh mông như một điểm sáng làm cho bức tranh đời sống trở nên có hồn có thần sắc vui tươi hơn:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”

(Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng)

Hình ảnh con người và cuộc sống được nối tiếp hiện lên qua hai câu thơ. Thiếu nữ ở đây là người con gái (bé gái) trong lứa tuổi dưới thanh nữ chứ không phải như bao bài phân tích khác là cô gái. Hình ảnh bé gái đang xay ngô trong đêm tối là để hô ứng với cánh chim cô đơn, lẻ loi bên trên cô độc đối diện với cối xay. Ngòi bút của Bác hướng đến sự vận động của con người. Đây là một nét hiện đại, mới mẻ trong thơ Hồ Chí Minh. Thiếu nữ miền sơn cước toát giữa núi rừng mênh mông không những không bị hòa tan với thiên nhiên mà nổi bật chói lòa trong không gian ấy.

Không giống như những bài phân tích khác tôi nhận thấy qua cấu trúc liên miên đối ở các từ “ma bao túc” câu trên và “bao túc ma hoàn” câu dưới cho thấy con người ở đây đang phải lao động vất vả, nặng nề, triền miên, kéo dài trong đêm. Trong mạch vận động của của thời gian ở nguyên tác không hề nhắc đến chữ “tối” nhưng với bản dịch thơ người dịch cho thêm vào làm mất đi sự thú vị của ý thơ, khiến cho câu thơ mất đi nét đẹp của ý tại ngôn ngoại không cần nhắc đến nhưng vẫn hiện ra là một đêm tối bao phủ.

Trong câu thơ “Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng” theo tôi đó là sự nối tiếp công việc, kết thúc một công việc lại mở ra một công việc mới, nhà thơ đã dùng hình ảnh bếp lửa được đốt lên để nói sự vận động của thời gian. Từ xưa nay đa số mọi người đều hiểu theo nghĩa là hồng tính từ, làm sáng rực lên hình ảnh con người trong đêm nhưng theo nguyên tác chữ Hán đó hồng của động từ mang ý nghĩa hành động là đốt để đối với từ “ma” (xay). Đây là hiện tượng đồng âm trong tiếng Hán, nếu không cẩn thận tìm hiểu sẽ khiến cho mọi người nhầm lẫn với ý nghĩa khác.

Qua hình ảnh con người trong đêm cho thấy cuộc sống nơi đây cơ cực, khó khăn khiến cho tác giả đồng cảm, đồng điệu. Bác đã dùng vòng xoay của cối xay để nói lên tâm trạng nặng nề của mình, dùng hình ảnh bé gái để nói lên cảm nhận cuộc sống. Nam Cao đã từng viết: “Khi người ta đau chân, người ta không còn tâm trí đâu để nghĩ đến người khác” nhưng đối với Hồ Chí Minh thì đi ngược lại với điều đó. Bác là một con người có tấm lòng thương yêu đồng loại đến vô cùng không chỉ là đối với nhân dân Việt Nam mà còn là biết bao những con người cơ cực trên hành tinh này. Đúng như Tố Hữu đã từng viết: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người”.

Bài thơ là thành công của nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa bút pháp cổ điển và sự cách tân hiện đại trong ý thơ. Đặc biệt là chữ “hồng” ở cuối bài thơ được coi là nhãn tự, là con mắt thần của tác phẩm mang ý nghĩa sâu sắc được Hoàng Trung Thông nhận xét rằng: “Với một chữ "hồng", Bác đã làm sáng rực lên toàn bộ bài thơ, đã làm mất đi sự mệt mỏi, sự uể oải, sự vội vã, sự nặng nề đã diễn ra trong ba câu đầu, đã làm sáng rực lên khuôn mặt của cô em sau khi xay xong ngô tối”. Đồng thời chữ “hồng” ấy cũng thể hiện cho niềm tin, hy vọng của Bác vào một tương lai tươi sáng ở ngày mai, đó là điều đáng quý, đáng trân trọng. Dù ở trong hoàn cảnh ngục từ nhưng con người ấy không bao giờ chịu khuất phục trước hoàn cảnh, số phận.

Trong thơ Hồ Chí Minh luôn có sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng, từ hồng được xuất hiện rất nhiều lần như trong bài “Tảo giải” hiện lên: “Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng/ Bóng tối đêm tàn sớm sạch không” hay có câu Bác viết: “Trong ngục giờ đây còn tối mịt/ Ánh hồng trước mặt đã bừng soi” đó là sự lạc quan, niềm tin của Bác vào con đường cách mạng nước nhà, vào cuộc sống tốt đẹp hơn ở tương lai.

Như vậy chỉ với 28 chữ thất ngôn tứ tuyệt được kết hợp hài hòa giữa chất cổ điển và hiện đại, giữa tâm hồn thi sĩ với trái tim thép người chiến sĩ, bài thơ đã làm xúc động người đọc trước tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu tha thiết cuộc sống và sự cảm thông, thương yêu con người của vị cha già dân tộc. Con người Bác là tấm gương sáng để cho biết bao thế hệ đồng bào Việt Nam học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.


 

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×