Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật ngày càng mạnh mẽ - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là CN 4.0), theo đó, việc đòi hỏi vươn lên không ngừng của nhân loại là tất yếu, khách quan.
Đặc biệt là thế hệ trẻ, nhất là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường lại càng phải vươn lên mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng kịp với xu thế của thời đại văn minh, hiện đại. Xã hội luôn cần những con người có trí thức nhưng không phải là những con người chỉ biết làm việc một cách máy móc mà còn phải biết những kỹ năng mềm để ứng xử trong cuộc sống - đó là những con người được giáo dục toàn diện về đức - trí - thể - mĩ.
Để đào tạo thế hệ trẻ, giáo dục đã đóng vai trò tiên phong. Trong quá trình thực hiện vai trò của mình, giáo dục luôn tạo điều kiện và cơ hội tốt nhất để học sinh phát huy hết năng lực và rèn luyện phẩm chất, đạo đức của mình theo hướng phát triển toàn diện. Tuy nhiên, thời gian học trên lớp thì hạn chế mà lượng kiến thức truyền đạt thì nhiều nên việc giáo dục kỹ năng mềm cho các em dường như rất khó thực hiện. Do đó, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức trong các giờ lên lớp thì các phong trào của Đoàn, Đội trong trường học đã đảm mhận và góp phần thực hiện tốt vai trò của mình trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh.
Ngành giáo dục và đào tạo luôn nhận thức sâu sắc được hiệu quả từ các phong trào Đoàn, Đội đối với việc giáo dục đào tạo toàn diện học sinh là rất to lớn. Phong trào Đoàn, Đội trong nhà trường là công tác bổ trợ cho việc dạy và học, nó là điểm xuất phát cho các phong trào giúp cho việc dạy và học ngày càng tốt hơn, thực tế đã cho thấy, trong nhiều năm qua, hoạt động Đoàn, Đội đã thực hiện tốt phương châm “lấy bề nổi để củng cố chiều sâu, lấy học sinh quyết định làm bề nổi”.
Trong nhiều năm trở lại đây, phong trào Đoàn, Đội trường học trên phạm vi toàn tỉnh đã được 2 ngành Giáo dục và Tỉnh đoàn phối hợp rất tốt trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện học sinh. Dưới sự chỉ đạo của 2 ngành phong trào Đoàn, Đội đã luôn đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động để phù hợp với tâm lý lứa tuổi của các em học sinh. Thực tế cho thấy, tổ chức Đoàn, Đội đã đồng hành với thanh niên, đội viên trường học trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát huy được sức sáng tạo, nghị lực của tuổi trẻ học đường; tạo sân chơi an toàn, bổ ích, góp phần giáo dục kỹ năng sống, trang bị cho đoàn viên thanh niên, đội viên nền tảng kiến thức vững vàng; giúp cho các em tự tin, chủ động trong học tập và rèn luyện.
Đoàn, Đội là tổ chức cùng với nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục, đào tạo các em học sinh thành những con người phát triển toàn diện. Ghi nhận hiệu quả từ phong trào Đoàn, Đội đối với việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh, tôi xin chia sẻ một số giải pháp mà tổ chức Đoàn, Đội trong trường học đã triển khai thực hiện trong nhiều năm qua, chính nhờ các giải pháp này đã khẳng định hiệu quả hoạt động từ phong trào Đoàn, Đội đã đóng góp công sức rất lớn trong công tác giáo dục học sinh phát triển toàn diện học sinh. Cụ thể là:
Một là, giáo dục lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Hàng năm, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy và lãnh đạo nhà trường, tổ chức Đoàn, Đội phối hợp với giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm lớp triển khai nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh bằng nhiều biện pháp với nhiều hình thức đa dạng phong phú. Để thực hiện nhiệm vụ giáo dục truyền thống cho học sinh, cứ vào đầu năm học nhà trường tổ chức cho các em học tập và tìm hiểu về truyền thống nhà trường, truyền thống quê hương, đất nước, giáo dục niềm tự hào dân tộc, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của Ngày khai giảng, Lễ chào cờ Tổ quốc; hướng dẫn học sinh tập hát Quốc ca, Đoàn ca, Đội ca đúng nhạc và lời để hát tại các buổi lễ theo đúng nghi thức, thể hiện nhiệt huyết, lòng tự hào dân tộc của tuổi trẻ Việt Nam; tuyên truyền, kể chuyện ôn lại truyền thống lịch sử về những ngày kỷ niệm lớn của đất nước: ngày thành lập Đảng CSVN 3/2, ngày thành lập Đoàn 26/3, ngày thành lập Đội 15/5, ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, ngày sinh nhật Bác 19/5, ngày Quốc khánh 2/9, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày thành lập Quân đội NDVN 22/12,…thi kể chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách Bác Hồ, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, tham quan nhà Bảo tàng và Khu di tích lịch sử…
Thông qua những hoạt động trên, đã giúp các em có được những cảm nhận sâu sắc về lòng tự hào dân tộc, với hình thức học mà chơi, chơi mà học, các em có dịp ôn lại những kiến thức lịch sử một cách sinh động nhất, ý thức được việc lưu giữ những giá trị truyền thống của dân tộc. Cũng chính từ việc tổ chức các hoạt động trên, nhà trường phát hiện tài năng, năng khiếu của học sinh, từ đó có biện pháp giáo dục phù hợp nhằm phát huy tài năng của các em học sinh.
Hai là, giáo dục tinh thần đoàn kết
Với nhiệm vụ là giáo dục các em học sinh biết thương yêu, đoàn kết, biết chia sẻ giúp đỡ mọi người theo đạo lý “lá lành đùm lá rách”, không vô cảm trước những khó khăn của người khác, hằng năm, Tỉnh đoàn Gia Lai và Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký kết chương trình phối hợp, tập trung vào các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống và tinh thần đoàn kết... Các phong trào thi đua trong học tập, rèn luyện và các hoạt động Đoàn, Đội ngày càng được triển khai tổ chức có hiệu quả như: “Thiếu nhi Gia Lai thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”, “Giúp bạn đến trường - hướng tới tương lai”, “Kế hoạch nhỏ”, “Nghìn việc tốt”, “Heo đất giúp bạn vượt khó”… Đặc biệt, các chương trình lớn như “Khi tôi 18”, “Tư vấn tiếp sức mùa thi - định hướng nghề nghiệp”, “Mùa hè xanh”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”…đã được triển khai ngày càng sâu rộng với nhiều mô hình hay và cách làm sáng tạo.
Từ việc tổ chức có hiệu quả các hoạt động phong trào trên đã giúp cho việc giáo dục học sinh biết yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau nhiều hơn; tạo môi trường giáo dục toàn diện, giúp học sinh phấn đấu rèn luyện và trưởng thành. Đặc biệt, thông qua các hoạt động trên, còn giúp cho các em biết sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và tự tin hơn trong giao tiếp ứng xử.
Ba là, giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh thật tốt
Với mục tiêu giáo dục rèn luyện học sinh không chỉ học tập thật tốt mà còn phải có sức khỏe cũng phải tốt, nên các biện pháp giáo dục về ý thức giữ gìn vệ sinh cho các em luôn được tổ chức Đoàn, Đội thường xuyên quan tâm cùng với nhà trường thông qua những buổi sinh hoạt chuyên đề, tuyên truyền về cách phòng, chống các căn bệnh thường gặp ở lứa tuổi học sinh như: cong vẹo cột sống, cận thị, bệnh sởi, tác hại của thuốc lá, tham gia hội thi tìm hiểu về AIDS/HIV,… Đối với học sinh các trường có nội trú, nhà trường đã trang bị đầy đủ các vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết: khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng,… để các em luôn có được cảm giác sinh hoạt thoải mái như ở nhà. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn, Đội đã phối hợp với các đoàn thể khác trong nhà trường giáo dục các em nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung với khẩu hiệu “mắt thấy rác, tay nhặt liền” cùng với những buổi lao động quyét dọn vệ sinh trường, lớp đưa các em vào vai trò của những người lao công thu dọn rác để hiểu hơn về công việc của họ, từ đó giúp cho các em có ý thức giữ gìn vệ sinh chung ngày một tốt hơn.
Sau những buổi tuyên truyền và những buổi lao động, ý thức giữ gìn vệ sinh của các em đã có chuyển biến rõ rệt. Nếu trước đó, các em có quan niệm là “mình không xả, thì không nhặt” nhưng sau đó với những biện pháp nêu trên các em đã thay đổi nhận thức của mình, hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn và đó là kết quả rất vui mừng mà các trường học nhận thấy khi được giáo dục và rèn luyện cho các em.
Bốn là, giáo dục thái độ khiêm tốn, thật thà, dũng cảm
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm là những đức tính cần có ở mỗi con người. Nhận thức điều đó, tổ chức Đoàn, Đội đã phối hợp với nhà trường luôn chú trọng đến biện pháp nêu gương để giáo dục các em, lấy hành vi tốt đẹp của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường để làm gương là một trong những phương pháp hữu hiệu để giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi của học sinh. Đặc biệt là gương “người tốt việc tốt”, qua những buổi sinh hoạt tuyên truyền việc nhặt được của rơi trả lại cho người bị mất và khen ngợi các em trong các buổi lễ chào cờ đầu tuần...
Tâm lý lứa tuổi của các em học sinh ở cấp THCS và THPT là khá phức tạp, các em trưởng thành về hình thức nhưng suy nghĩ của các em thì chưa trưởng thành, do vậy, rất cần có sự định hướng của các thầy cô giáo, của giáo viên Tổng phụ trách Đội và Bí thư Đoàn trường. Thực tế cho thấy, nhiều em rất cần được sự lắng nghe, chia sẻ nhưng cha mẹ các em không thường xuyên gần gũi, tạo cho các em có cảm giác đơn độc và cần có người để tâm sự. Nhiều trường học đã thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường do tổ chức Đoàn, Đội làm lòng cốt để giải đáp thắc mắc về tâm sinh lý lứa tuổi tạo cho các em tâm lý thỏa mái, cởi mở. Thông qua hoạt động tư vấn tâm lý lứa tuổi các em có sự tự tin và được sự lắng nghe, định hướng của các thầy cô giáo và các anh chị phụ trách Đoàn, Đội.
Năm là, giáo dục về ý thức xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn
Xu hướng của giáo dục hiện đại là xây dựng môi trường giáo dục xanh, sạch, đẹp, an toàn. Nhận thức được điều đó, ngành giáo dục và đào tạo đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2013. Thực chất của phong trào trên là sự cụ thể hóa yêu cầu “Dạy tốt học tốt”. Và từ năm học 2017-2018, ngành giáo dục và đào tạo chính thức phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Hưởng ứng phong trào thi đua, tổ chức Đoàn, Đội trường học sẽ là lượng lượng nòng cốt, đi đầu trong việc giáo dục học sinh tích cực hưởng ứng, tham gia xây dựng môi trường giáo dục xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Hầu hết các tổ chức Đội ở các cơ sở giáo dục cấp THCS đã thành lập được Đội nghi thức, văn nghệ, …. Với các tổ chức đó, các em có cơ hội được thể hiện tài năng, năng khiếu của mình một cách rất tự nhiên, từ đó góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh.
Nhà trường cùng với các tổ chức Đoàn, Đội đã chú trọng đến việc giáo dục thể chất, hoạt động thể thao. Các trường học đã giao cho tổ chức Đoàn, Đội tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa với phương châm mỗi học sinh biết chơi một môn thể thao, tự đăng ký học môn thể thao mình yêu thích…..
Các tổ chức Đoàn, Đội đã chủ động tham mưu tổ chức các hoạt động định kỳ như cắm hoa, làm thiệp, kéo co chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; bóng đá nữ, viết về mẹ chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.… thông qua các hoạt động trên, đã tạo cơ hội tốt cho các em tham gia vào những hoạt động do Hội đồng Đội của trường, Huyện đoàn và Tỉnh đoàn tổ chức.
Có thể khẳng định rằng, phong trào Đoàn, Đội trong trường học đều mang tính giáo dục, rèn luyện, góp phần rất to lớn trong việc giáo dục toàn diện học sinh. Ngoài ra, còn giúp các em về kỹ năng sống, đồng thời có thêm nhiều kiến thức bổ ích về tự nhiên, xã hội, đặc biệt là đã trang bị cho các em những kiến thức cũng như cách xử lý về các tình huống trong cuộc sống. Từ các hoạt động trên, đã giúp cho các em hiểu biết về pháp luật, ý thức công dân, tính kỷ luật, tinh thần “tương thân tương ái”, giúp đỡ bạn bè, biết kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, yêu mái trường và bè bạn; tự hào về truyền thống quê hương đất nước. Cũng từ các hoạt động phong phú trên đã định hướng cho các em học sinh biết sống trung thực, biết yêu quý, trân trọng cái đẹp, phê phán cái xấu, tránh xa các tệ nạn xã hội, luôn có ý thức vươn lên trong học tập và tu dưỡng, góp phần hoàn thiện nhân cách./.