Câu hỏi 1: Để xây dựng một gia đình hạnh phúc, các thành viên trong gia đình cần làm gì?
Đáp án: Mỗi thành viên cùng chăm lo lao động để kinh tế gia đình phát triển, mỗi người cần thấu hiểu, thông cảm và hỗ trợ lẫn nhau, có trách nhiệm chia sẻ buồn vui, tôn trọng lẫn nhau và làm tròn bổn phận người cha, người mẹ, người vợ, người chồng giàu lòng nhân ái, vị tha, người con ngoan, hiếu thảo.
Câu hỏi 2: Theo Anh (chị) để giải quyết xung đột giữa cha mẹ và các con, cha mẹ cần làm gì?
Đáp án: Lắng nghe quan điểm và cảm xúc của con; cha mẹ cần thay đổi cách ứng xử với con để tạo nên sự bình đẳng tôn trọng giữa cha mẹ và con.
Cha mẹ nên giám sát, quản lý con một cách khéo léo; không nên né tránh xung đột mà phải đối mặt và tìm cách giải quyết; tránh có thái độ nóng nảy trong giải quyết mâu thuẫn, xung đột.
Câu hỏi 3: Theo Anh (chị) để xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng thì cần phải làm gì?
Đáp án: Vợ chồng bình đẳng, thương yêu giúp đỡ nhau tiến bộ. Không có bạo lực gia đình dưới mọi hình thức; thực hiện bình đẳng giới; vợ chồng thực hiện sinh con đúng quy định, cùng có tránh nhiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan.
Gia đình nề nếp; ông bà, cha mẹ gương mẫu; con cháu thảo hiền; giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới về gia đình.
Giữ gìn vệ sinh phòng bệnh; nhà ở ngăn nắp; khuôn viên xanh - sạch - đẹp; sử dụng nước sạch, nhà tắm và hố xí hợp vệ sinh; các thành viên trong gia đình có nếp sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao; Tích cực tham gia chương trình xóa đói giảm nghèo; đoàn kết tương trợ xóm giềng, gíup đỡ đồng bào hoạn nạn; hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và các hoạt động nhân đạo khác ở cộng đồng.
Câu hỏi 4: Để trở thành người chồng, người cha mẫu mực thì anh phải làm gì?
Đáp án:
- Hiểu, thông cảm với vợ, chia sẻ công việc gia đình cùng vợ, tạo điều kiện để vợ tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp kinh tế gia đình và có cơ hội học tập nâng cao hiểu biết, cùng vợ chăm sóc và giáo dục con cái.
- Có kiến thức, hiểu biết về chăm sóc, nuôi dạy con, hiểu tâm lý của con, biết tôn trọng ý kiến đúng của con, biết khuyến khích động viên con tiến bộ, tạo mọi điều kiện để con hoạt động và hoàn thiện thể chất, trí tuệ, tinh thần, đáp ứng yêu cầu chính đáng của con.
Câu hỏi 5: Để trở thành người vợ, người mẹ tốt thì chị phải làm gì?
Đáp án: Luôn luôn hỗ trợ, cảm thông, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, chung thủy, trung thực và tin tưởng vào chồng, biết giữ gìn và duy trì tình yêu thương, dành thời gian để chăm sóc cho chồng, cho con, bồi đắp đời sống tinh thần cho các thành viên trong gia đình; biết hòa đồng, tôn trọng bạn của chồng, của con, biết giữ gìn hòa khí trong gia đình, tổ chức tốt đời sống gia đình ngắn nắp và chi tiêu hợp lý, thực hiện tốt nữ công gia chánh và vai trò làm vợ, làm mẹ; biết tôn trọng và quan tâm đến gia đình đôi bên nội, ngoại; giữ mối quan hệ tốt với anh chị em bên chồng.
Câu hỏi 6: Hoàn cảnh gia đình cha mẹ như thế nào sẽ ảnh hưởng không tốt cho việc dạy dỗ, giáo dục trẻ tuổi vị thành niên?
Đáp án:
- Cha, mẹ nghiện ngập, cờ bạc, sống không lương thiện, làm ăn khuất tất…
- Cha mẹ ly hôn bỏ rơi con cái, không được chăm sóc.
- Cha mẹ thiếu tôn trọng con cái, thường xuyên dùng bạo lực hoặc xúc phạm đến nhân phẩm của con (đánh đập, bêu rếu, chửi mắng).
- Cha mẹ đặt ra các yêu cầu quá cao không phù hợp với năng lực của con. Khi con không thực hiện được thì phê phán, chê bai, hạ nhục…
- Cha mẹ mải mê kiếm tiền làm giàu không chăm lo đến việc dạy dỗ, giáo dục con, cho rằng “ trăng đến rằm trăng tròn”.
Câu hỏi 7: Theo Anh (chị) để giáo dục đạo đức và truyền thống trong gia đình cho con thì phải làm gì? Cho ví dụ cụ thể về cách giáo dục con trong gia đình anh chị.
Đáp án: Phải kết hợp giáo dục con ở cả Gia đình, nhà trường và xã hội là ba môi trường quan trọng trong giáo dục nhân cách, đạo đức và truyền thống gia đình của con trẻ…
VD…
Câu hỏi 8: Theo Anh (chị) mọi công dân phải làm gì để thực hiện nghĩa vụ về dân số - KHHGĐ?
Đáp án: Thực hiện Kế hoạch hóa gia đình, xây dựng quy mô gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.
Thực hiện các biện pháp phù hợp để nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần của bản thân và các thành viên trong gia đình.
Tôn trọng lợi ích của nhà nước, xã hội, cộng đồng trong việc điều chỉnh quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bổ dân cư, nâng cao chất lượng dân số.
Câu hỏi 9: Anh (chị) hãy cho biết các thành viên gia đình cần làm gì để phòng, chống bạo lực gia đình?
Đáp án:
- Tìm hiểu các kiến thức pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình.
- Luôn đảm bảo việc thực hiện quyền của mỗi cá nhân, sự bình đẳng trong gia đình, sự tôn trọng, quan tâm, chia sẻ lẫn nhau.
- Ngăn ngừa và loại bỏ những biểu hiện của chế độ gia trưởng, những quan điểm lạc hậu, phòng chống các tệ nạn xã hội cờ bạc, rượu chè, ma túy,…
Câu hỏi 10: Anh (chị) hãy cho biết Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định đối tượng trẻ em nào được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt?
Đáp án: Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em nhiễm HIV/AIDS; Trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với hóa chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình.
Trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em nghiện ma túy, trẻ em vi phạm pháp luật.