- Yếu tố vô sinh
Là thành phần không sống của tự nhiên, gồm các chất vô cơ tham gia vào chu trình tuần hoàn vật chất như CO2, N2, O2, C, H2O, các chất hữu cơ riêng biệt (như protein, lipid, glucid, mùn) và các yếu tố vật lý như các yếu tố khí hậu (ánh sáng, nhiệt độ, nước, không khí-gió-áp suất), đất (thành phần khoáng vật, thành phần cơ giới đất, các tính chất lý hóa học của đất), địa hình (độ cao, trũng, dốc, hướng phơi của địa hình).
Sự phân loại các nhóm sinh thái như trên, chủ yếu cho các sinh vật trên cạn. Đối với các sinh vật dưới nước cũng chịu tác động tổng hợp của nhiều yếu tố do tính chất của môi trường nước quyết định.
- Yếu tố hữu sinh
Gồm các cá thể sống như: thực vật, động vật, nấm, vi sinh vật… Mỗi sinh vật thường chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của các cơ chế khác nhau trong mối liên hệ cùng loài hay khác loài ở môi trường xung quanh. Các yếu tố này là thế giới hữu cơ, một thành phần rất quan trọng của môi trường.
Thực vật: ảnh hưởng trực tiếp và tương hỗ của các thực vật sống cùng (cơ học, cộng sinh, kỵ khí), ảnh hưởng gián tiếp làm thay đổi môi trường sống qua các sinh vật khác (qua động vật và vi sinh vật), qua môi trường vô sinh (cạnh tranh, cảm nhiễm qua lại).
Động vật: Tác động trực tiếp (ăn, dẫm, đạp, làm tổ, truyền phấn, phát tán hạt) và gián tiếp qua môi trường sống.
Yếu tố sinh thái giới hạn là yếu tố mà khi tác động đến sinh vật được giới hạn từ điểm cực hại thấp đến điểm cực hại cao qua điểm cực thuận. Dưới điểm cực hại thấp và trên điểm cực hại cao, sinh vật không tồn tại được. Nhiệt độ, nồng độ muối, pH, chất độc … được coi là những yếu tố giới hạn đối với sinh vật. Nếu các sinh vật có phạm vi chống chịu rộng đối với yếu tố sinh thái nào đó mà nó có hàm lượng vừa phải và ổn định trong môi trường, thì yếu tố này không phải là yếu tố giới hạn sinh thái. Ngược lại, nếu các sinh vật có phạm vi chống chịu hẹp đối với một yếu tố thay đổi nào đó, thì chính yếu tố đó là yếu tố sinh thái giới hạn.
Ví dụ, oxi trong khí quyển không phải là yếu tố sinh thái giới hạn đối với sinh vật ở cạn, mặc dù nó tối cần thiết cho sự sống, vì oxi có nhiều trong khí quyển. Còn trong các thủy vực, oxi tương đối ít và hàm lượng của nó dao động nên nó là yếu tố giới hạn sinh thái đối với các sinh vật thủy vực.