Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích bài Thái sư Trần Thủ Độ - Thái sư Trần Thủ Độ

3 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
398
0
0
Nguyễn Thị Thương
07/04/2018 14:06:59

Văn phân tích - Phát biểu cảm nghĩ - Cảm nhận

Đề bài: Phân tích bài Thái sư Trần Thủ Độ trích trong Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên

Bài làm 1

   Trần Thủ Độ là một nhân vật lịch sử khá đặc biệt cho nên xung quanh ông có rất nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. Đối với nhà Trần, Trần Thủ Độ là người có công đầu. Ông đã đem hết lòng trung thành tận tụy, tài năng và mưu trí của mình để giúp các vua Trần phát triển cơ nghiệp, chống ngoại xâm bảo vệ đất nước. Ngày nay, chúng ta cần có thái độ công bằng và sự phân tích kĩ càng để đánh giá, đề cao phẩm chất chí công vô tư, nghiêm minh, liêm khiết của Thái sư Trần Thủ Độ.

   Qua bài Thái sư Trần Thủ Độ, tác giả ca ngợi nhân cách chính trực, chí công vô tư, biết lắng nghe và khuyến khích cấp dưới giữ nghiêm phép nước của ông.

   Mở đầu bài viết, tác giả tóm tắt vài dòng về cuộc đời và sự nghiệp của Thái sư Trần Thủ Độ:

Giáp Tí, năm thứ 7.

Mùa xuân, tháng giêng.

Thái sư Trần Thủ Độ chết (tuổi 71) ; truy tặng Thượng phụ Thái Sư Trung Vũ Đại Vương.

   Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lí được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được thiên hạ đều là nhờ mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua.

   Ở phần sau, nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã chọn ra bốn tình tiết (câu chuyện nhỏ) phản ánh bốn khía cạnh về nhân cách cao quý của ông.

   Nét đặc sắc nhất trong nghệ thuật kể chuyện và khắc họa hình tượng nhân vật là ở chỗ nhà viết sử đã xây dựng nên những tình huống giàu kịch tính, biết lựa chọn các chi tiết đắt giá. Mỗi câu chuyện dù ngắn nhưng đều có những xung đột được đẩy dần đến cao trào và được giải quyết một cách bất ngờ, gây thú vị cho người đọc. Từ đó; người đọc có thể hình dung rõ nét chân dung nhân vật và tự rút ra những bài học sâu sắc.

   Chuyện người hặc tội (người vạch tội) ấm ức tâu lên vua Trần Thái Tông là Thái sư lấn át quyền hành của vua: Bệ hạ trẻ thơ mà Trần Thủ Độ quyền hơn cả vua, đối với xã tắc thì sẽ ra sao ? là tình huống thứ nhất sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa Trần Thủ Độ với nhà vua. Tác giả đẩy mâu thuẫn ấy lên cao trào bằng chi tiết nhà vua chủ động đem người hặc đi theo tới gặp Thái Sư để đối chất. Trần Thủ Độ không phân trần, biện bạch và trừng trị mà ngược lại, ông nhận lỗi ngay và còn ban thưởng cho người hặc tội. Câu trả lời của Thái sư gây bất ngờ lớn cho nhà vua: Đúng như lời người ấy nói.

   Trần Thủ Độ có sự khác biệt với mọi người trong cách hành xử. Thông thường, người ta ghét kẻ dám vạch ra tội lỗi hoặc phê phán, chỉ trích sai lầm của mình, còn Trần Thủ Độ không chối mà công nhận ngay hành vi của mình và còn lấy tiền lụa thưởng cho bề dưới. Điều đó thể hiện thái độ thẳng thắn nhận lỗi, nghiêm khắc với bản thân và sự độ lượng của bậc chính nhân quân tử. Lời nói và hành động của ông trong sự việc này có tác dụng khích lệ cấp dưới hãy trung thực, dũng cảm, mạnh dạn tố cáo sai lầm của người khác, kể cả cấp trên nhưng phải với mục đích trong sáng là vì quyền lợi của quốc gia, dân tộc.

   Tình huống thứ hai không liên quan đến quyền lợi của sơn hà xã tắc mà chỉ là chuyện riêng trong gia đình. Phu nhân của Thái sư Trần Thủ Độ vốn là hoàng hậu của vua Lí Huệ Tông. Sau khi Lí Huệ Tông bị bức tử, bà bị giáng xuống làm Thiên Cực công chúa và ép gả cho Trần Thủ Độ. Một lần, bà ngồi trên kiệu để vào cung, người lính quân hiệu bắt bà phải xuống kiệu trước thềm cấm. Tình huống này chứa đựng mâu thuẫn giữa phu nhân của Trần Thủ Độ và người lính. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là chi tiết phu nhân cho rằng mình bị coi thường nên khóc lóc, kể tội người lính và giận dữ nói với chồng rằng: Mụ này làm vợ ông mà bọn quân hiệu khinh nhờn như thế.

   Lúc đầu, Thủ Độ giận, sai đi bắt Người quân hiệu kia chắc mình phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt. Anh ta đem sự thực trả lời. Thủ Độ nói: Ngươi ở chức thấp mà biết giữ phép như thế, ta còn trách gì nữa ? Điều đó cho thấy ông không thiên vị người thân và rất tôn trọng phép nước, tôn trọng người giữ đúng phép nước, dù đó là kẻ dưới quyền.

   Tình huống thứ ba là phu nhân xin ông cho một người trong họ của bà được làm câu đương, tức là một chức dịch nhỏ trong xã chuyên lo việc bắt giữ và áp giải phạm nhân. Chi tiết này tạo ra mâu thuẫn giữa tính cách liêm chính của Trần Thủ Độ với lời đề nghị của phu nhân. Tác giả gây chú ý bằng chi tiết: Thủ Độ gật đầu và biên lấy họ tên quê quán của người đó, khiến người đọc lầm tưởng là sự việc sẽ diễn ra đúng theo ý muốn của phu nhân, để rồi hoàn toàn bất ngờ trước cách xử lí của Thái sư cũng như thú vị trước cách giải quyết cao trào xung đột của tác giả. Trần Thù Độ yêu cầu hắn muốn làm câu đương thì phải chặt một ngón chân để phân biệt với những câu đương khác, khiến hắn ta sợ hãi, kêu van xin thôi, hồi lâu mới tha cho.

   Như vậy là Trần Thủ Độ luôn có ý thức giữ gìn sự công bằng, không chấp nhận thói chạy chọt, đút lót, dựa dẫm, nhờ vả để tiến thân.

   Tình huống thứ tư là vua muốn phong tướng cho An Quốc, anh trai của Trần Thủ Độ, Tưởng Trần Thủ Độ sẽ mừng rỡ mà tạ ơn vua nhưng tác giả lại khiến người đọc ngạc nhiên đến bất ngờ khi Trần Thủ Độ thẳng thắn trình bày ý kiến: An Quốc là anh thần, nếu là người hiền thì thần xin nghỉ việc, còn như cho thần là hiền hơn An Quốc thì không nên cử An Quốc. Nếu anh em cùng là tướng thì việc trong triều sẽ ra sao?

   Vì có tầm nhìn xa trông rộng nên ông đã lường trước được những phiền toái sẽ xảy ra khi cả hai anh em đều nắm giữ trọng trách. Điều đó sẽ đẩy nhà vua vào tình thế khó xử. Câu trả lời trên cho thấy Thái sư Trần Thủ Độ có tinh thần chí công vô tư, vượt khỏi quan niệm phổ biến trong xã hội là: Một người làm quan, cả họ được nhờ.

   Những tình huống đầy kịch tính nêu trên đã góp phần làm nổi bật bản lĩnh cứng cỏi và nhân cách cao quý của Trần Thủ Độ: thẳng thắn, cầu thị, độ lượng, nghiêm minh và đặc biệt là chí công vô tư, luôn đặt việc nước lên trên hết, không mảy may tư lợi cho bản ,thân và gia đình. Điều này càng có ý nghĩa hơn bởi Trần Thủ Độ đang giữ chức quan cao nhất trong triều và gánh nặng trách nhiệm hầu như đè lên vai ông, vì vua còn nhỏ tuổi. Có thể nói Trần Thủ Độ là một vị quan đầu triều gương mẫu, xứng đáng là chỗ dựa của quốc gia và đáp ứng được lòng tin cậy của nhân dân.

   Sử gia Ngô Sĩ Liên khi viết về Thái sư Trần Thủ Độ dù cố tỏ ra rất khách quan nhưng bằng những câu văn đầy cảm xúc, tác giả đã thể hiện lòng khâm phục và ca ngợi Trần Thủ Độ. Ông là tấm gương sáng để lại nhiều bài học bổ ích, thiết thực cho hậu thế. Tên tuổi và tài năng của ông được lưu danh muôn thuở.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Phạm Minh Trí
07/04/2018 11:16:48

Văn phân tích - Phát biểu cảm nghĩ - Cảm nhận

Đề bài: Phân tích bài "Thái sư Trần Thủ Độ" trích trong "Đại Việt sử kí toàn thư" của Ngô Sĩ Liên.

Bài làm 2

   Khi nhắc đến nhà Trần, chúng ta sẽ không thể nào không nhắc đến Thái sư Trần Thủ Độ. Để nhà Trần được thành lập và được phồn thịnh qua hai đời vua, Trần Thủ Độ có thể được coi là khai quốc công thần, là trụ cột không thể thiếu của nhà Trần. Con người của ông được rất nhiều thế hệ nhà sử học nghiên cứu, khai thác và viết thành nhiều bài sử khác nhau. Trong đó tiêu biểu là Ngô Sĩ Liên với Đại Việt sử kí toàn thư. Qua đoạn trích, Thái sư Trần Thủ Độ, Ngô Sĩ Liên đã thể hiện trọn vẹn toàn bộ con người của Thái sư ở trên các phương diện khác nhau, từ chốn quan trường cho tới các mối quan hệ trong gia đình.

   Mở đầu bài sử, bằng giọng văn hết sức trang nghiêm, tôn kính, tác giả thông báo về cái chết của Thái sư Trần Thủ Độ.

"Giáp Tí, năm thứ bảy.

Mùa xuân, tháng giêng.

Thái sư Trần Thủ Độ chết, truy tặng Thượng phụ Thái sư Trung Vũ Đại Vương."

   Có thể nói, cái chết của ông là một sự mất mát, đau đớn quá lớn của không chỉ người nhà mà của cả dân tộc ta thời bấy giờ nữa.

   Xuyên suốt bài viết, nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã chọn ra bốn tình huống làm cho chúng ta thấy rõ được con người thật của Thái sư. Qua những tình huống đó, dù cho nhiều người không quen, không biết đến ông hay chưa từng gặp mặt ông cũng có thể hiểu rõ Trần Thủ Độ là con người như thế nào.

   Ở tình huống đầu tiên, nếu Trần Thủ Độ không biết cách xử lý, thì có thể mâu thuẫn của ông với vua Thái Tông sẽ không thể nào gỡ bỏ được, có thể dẫn đến những hậu quả hết sức khôn lường. Ông là một Thái sư "quyền hơn cả vua" nên người hặc đã sợ ông sẽ cướp mất thiên hạ hoặc cũng có thể lấy tay che trời để làm nhiều việc hại dân hại nước, vì lúc này vua còn quá trẻ để xử lý hết được công việc triều chính. Vua lập tức dẫn theo người hạch tội đến nhà Trần Thủ Độ để hỏi rõ ngọn ngành. Trái với những gì vua và người hặc đó nghĩ, rằng Thái sư sẽ chối tội, sẽ nổi giận, trị tội người hặc. Nhưng thật ngạc nhiên, Trần Thủ Độ đã làm ngược lại. Khi nghe nhà vua nói xong, đầu tiên là ông nhận lỗi ngay "đúng như lời người ấy nói". Rồi ông tiếp tục làm cho họ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bằng cách lấy tiền lấy lụa thưởng cho anh ta. Vậy là với tình huống đầu tiên, mâu thuẫn giữa Thái sư và vua đã được giải quyết một cách nhẹ nhàng, dứt khoát. Ông đúng là một con người khác thường, sự khác thường này không phải là dị biệt, mà chính là sự ngay thẳng, thẳng thắn thừa nhận lỗi lầm, không những không ghen ghét, thù hằn kẻ đã vạch tội mình, mà ông còn có cách khích lệ động viên cho người vạch tội và cả những người khác sau này nữa. Cho dù người làm sai có quyền cao chức trọng, có quyền uy hơn cả vua thì cũng không nên vì thế mà xum xoe nịnh nọt. Nhưng ông chỉ làm vậy với những người có ý tốt, không lợi dụng việc này để làm tổn hại đến đất nước.

   Tới tình huống thứ hai, lúc này Ngô Sĩ Liên chọn một khía cạnh khác, gần gũi với chúng ta hơn – đó là gia đình. Vợ ông – Linh Từ Quốc Mẫu vốn là hoàng hậu của vua Lí Huệ Tông, khi nhà Lí mất bà bị giáng chức làm công chúa, rồi lấy Trần Thủ Độ. Trong một lần ngồi kiệu di qua chỗ thềm cấm, người quân hiệu (đây là một chức quan võ nhỏ) lại đứng ra ngăn cản, không cho bà đi qua. Về tới nhà, bà khóc lóc kể tội viên quan đó cho Trần Thủ Độ, nói rằng người ta khinh thường, không tôn trọng bà. Thái sư nghe vợ nói xong thì giận lắm, sai người đi bắt viên quan đó. Người quân hiệu kia chắc mẩm lần này thì mình chết chắc rồi. Thế nhưng không ngờ, mọi việc lại diễn ra hoàn toàn trái ngược lại hết. Vẻ mặt lúc đi của người quân hiệu là sợ sệt, hoang mang thì lúc về lại rạng ngời, hớn hở. Vì người ngày được thưởng vàng lụa và lại được khen là "người ở chức thấp mà biết giữ phép như thế, ta còn trách gì nữa?". Đó là bởi sau khi căn vặn, tra hỏi, nghe viên quan võ đó nói rõ tất cả mọi chuyện. Ông không vì người đó là vợ mình mà thiên vị cho người nhà để xử phạt viên quan đó. Ông vẫn rất công chính liêm minh, tôn trọng kỷ cương phép nước, tôn trọng những người luôn làm đúng phép nước dù cho người đó là quan cao chức lớn hay người đó là những người lính nhỏ bé.

   Tiếp theo đó là tình huống phu nhân của ông xin cho một người họ hàng làm chức câu đương, một chức dịch nhỏ trong xã và lo việc bắt giữ và áp giải phạm nhân, đó là chức câu đương. Thủ Độ không hề suy nghĩ gì mà gật đầu đồng ý luôn, còn lấy giấy bút ra để biên lấy họ tên quê quán của người đó. Đọc tới đây, hẳn ta rất bất ngờ, trong đầu không thể không suy nghĩ, không lẽ Thái sư Trần Thủ Độ chỉ làm ra vẻ bề ngoài như thế nhưng thật ra cũng như những vị quan quyền cao chức trọng thối nát trước đây. Thật đúng là "Một người làm quan cả họ được nhờ". Và cái kết đầy kịch tính nhưng cũng khiến không ít người phải trầm trồ, thán phục. Ông nói "Ngươi vì có Công chúa xin cho được làm câu đương, không ví như người câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt". Ông không làm trái ý vợ, không muốn vợ phật lòng, nhưng ông cũng không làm trái với trọng trách, với trách nhiệm mà mình đang gánh vách trên vai. Trần Thủ Độ làm vậy một mặt là để răn đe,làm gương cho những người có ý ỷ lại rằng mình có người thân làm quan thì chắc chắn mình cũng sẽ được thơm lây, có khi còn được làm quan nữa. Mặt khác, ông còn cho mọi người thấy rằng, ông luôn đặt lợi ích của quốc gia, của dân tộc lên trên hết, luôn giữ gìn sự công bằng, minh bạch. Không vì đó là người thân thích mà chấp nhận thói xu nịnh, quà biếu đút lót để được thăng quan tiến chức, để phục vụ cho lợi ích của mình.

   Tình huống cuối cùng có thể được coi là tình huống cao trào và hay nhất khi vua Thái Tông đề nghị phong tướng cho anh trai của Trần Thủ Độ là An Quốc. Ông đã không chút suy nghĩ mà nói: "An Quốc là anh thần, nếu là người hiền thì thần xin nghỉ việc, còn như cho thần là hiền hơn An Quốc thì không nên cử An Quốc. Nếu anh em cùng là tướng thì việc trong triều sẽ ra sao?". Với tài thao lược hơn người, với sự suy tính kỹ càng, ông đã lường trước được việc để cả hai anh em cùng giữ trọng trách lớn trong triều hẳn sẽ hết sức phức tạp và sẽ có không ít lời dị nghị.

   Qua cả bốn tình huống nêu trên, cái đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện và khắc họa nhân vật của nhà viết sử hết sức tài tình, đắt giá. Những xung đột kịch tính được đưa lên đỉnh điểm, những cách giải quyết mang tính bước ngoặt đầy bất ngờ và thú vị làm nổi bật tính cách của Thái sư Trần Thủ Độ. Đó là một người đầy bản lĩnh, có một nhân vật hết sức cao quý, ông luôn đặt việc nước lên trên hết, luôn là một vị quan thanh liêm, thẳng thắn, chính trực, chí công vô tư, vì dân, vì nước. Ông không để cho những người trong gia đình vì có người thân làm quan mà nhờ cậy rồi sách nhiễu dân chúng. Ý thức được trọng trách của mình nên ông luôn lấy mình là một tấm gương mẫu mực, khuôn phép để mọi người soi vào và hành xử sao cho đúng đắn.

   Ngô Sĩ Liên quả là một nhà viết sử tinh tế, biết chọn những tình huống đắt giá nhất để cho những thế hệ sau này có thể tìm thấy những chi tiết, những con người thật của các nhân vật quan trọng của lịch sử. Đọc xong bài Thái sư Trần Thủ Độ, ta thấy hiện lên một con người hoàn toàn chân thật, có cả những mặt ở chính trị, cả những mặt ở đời sống thường ngày đều được thể hiện rất rõ nét.

0
0
Tôi yêu Việt Nam
07/04/2018 11:16:48

Văn phân tích - Phát biểu cảm nghĩ - Cảm nhận

Đề bài: Phân tích bài Thái sư Trần Thủ Độ (trích Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên)

Bài làm 3

   Sử là tác phẩm viết về các sự kiện và nhân vật lịch sử. Mục đích của sử là ghi chép sự thật, không hư cấu như văn học nghệ thuật, nhằm cung cấp những sự kiện lịch sử của dân tộc và bày tỏ thái độ khen chê của sử gia đối với các nhân vật lịch sử để đời sau lấy đấy làm gương. Đặc điểm nổi bật của sử là tính xác thực của sự kiện, chiều sâu của tư tưởng đã kết hợp chặt chẽ với trình độ nghệ thuật cao của sự trình bày, diễn đạt. Sử xưa có hai thể: biên niên và kỉ sự. Biên niên là lối viết sử theo trình tự thời gian (Đại Việt sử lược - khuyết danh, Đại Việt sử kí — Lê Văn Hưu, Đại Việt sử kí toàn thư - Ngô Sĩ Liên). Kí sự là lối viết sử theo các sự kiện hoặc theo từng sự việc của nhân vật lịch sử (Đại Việt thông sử - Lê Quý Đôn, Sử kí - Tư Mã Thiên).

   Bài Thái sư Trần Thủ Độ được trích từ sách Đại Việt sử kí toàn thư, quyển V, phần Bản kỉ, của nhóm tác giả Ngô Sĩ Liên chủ biên là một bài văn lịch sử xuất sắc. Bài viết vừa giúp người đọc hiểu rõ thêm phẩm chất chí công vô tư, biết khích lệ cấp dưới giữ vững kỉ cương phép nước của Trần Thủ Độ - vị danh quan nhà Trần, vừa cho thấy một lối viết sử trung thành, hấp dẫn của tác giả.

   Kể về cuộc đời của Trần Thủ Độ, tác giả chọn ra bốn sự kiện phản ánh bốn khía cạnh về nhân cách của vị quan nổi tiếng. Lối viết sử của tác giả hấp dẫn bởi gây được yếu tố bất ngờ, khiến người đọc hồi hộp đợi chờ. Cả bốn sự kiện, bao giờ kết quả cũng ngược với dự đoán của người đọc.

   Đối với người hạch tội mình: Thông thường, người ta ghét kẻ vạch tội lỗi hoặc khuyết điểm của mình. Nhưng Trần Thủ Độ không như vậy. Trước hết, ông nhận "Đúng như lời người ấy nói" và bất ngờ hơn: lấy tiền lụa thưởng cho anh ta. Đó không chỉ là sự thắng thắn, nghiêm khắc với bản thân mà còn khích lệ người trung trực, dũng cảm dám vạch sai lầm hoặc tội lỗi của kẻ bề trên là chính mình.

   Sự kiện người quân hiệu giữ thềm cấm cũng vậy. Người đọc hồi hộp chờ đợi khi Thủ Độ giận, sai đi bắt anh ta. Kết quả là Thủ Độ nói: "Người ở chức thấp mà biết giữ phép như thế, ta còn trách gì nữa?". Không những như vậy, ông còn lấy vàng lụa ban thưởng rồi cho về.

   Sự kiện người xin chức câu đương càng thú vị. Thực ra câu đương chỉ là một chức xã quan trong thôn xóm, nếu như Quốc mẫu (vợ của Trần Thủ Độ) có xin cho người nhà thì cũng chẳng có gì quá đáng lắm. Hơn nữa, Trần Thủ Độ lại gật đầu và biên lấy họ tên quê quán của người đó. Hành động này khiến người đọc nghĩ ông đồng ý. Khi xét duyệt ông lại còn gọi người kia đến. Tiếng cười bật ra ở nghịch cảnh người ấy mừng chạy đến, tin chắc, mình nhất định sẽ được giữ chức câu đương. Nhưng kết quả thì ngược lại, qua một câu nói của Trần Thủ Độ mà không ai có thể đoán trước được: "Người vì có Công chúa xin cho được làm chức, không ví như người câu đương khác được". Đến đây, người đọc vẫn tin rằng, người nhà của Công chúa không chỉ được giữ chức câu đương mà chắc còn được ân sủng hơn. Nào ngờ Trần Thủ Độ hạ một câu: "phải chặt một ngón chân để phân biệt...". Và kết quả là tên kia phải van xin thôi, hồi lâu mới tha cho. Việc làm của Trần Thủ Độ khiến cho từ đó không ai dám đến nhà thăm riêng nữa.

   Thủ Độ cũng chống lại việc đưa anh em, họ hàng vào nắm chức vụ quan trọng trong triều đình, kéo bè kết đảng. Cách so sánh của ông, giữa mình và người anh thật bất ngờ nhưng cũng thật khẳng khái, thể hiện sự chí công vô tư, tất cả vì lợi ích của quốc gia, khiến vua cũng phải tâm phục nghe theo.

   Lối viết sử của tác giả rất hấp dẫn, gây được yếu tố bất ngờ khiến người đọc hồi hộp chờ đợi. Cả bốn sự kiện trên có kết quả luôn ngược với dự đoán của người đọc. Mở nút mỗi sự kiện chỉ bằng hai câu: một câu kể lại lời nói của Trần Thủ Độ, một câu kể về hành động của ông. Sự kiện người giữ thềm cấm cũng vậy. Người đọc hồi hộp chờ đợi khi Trần Thủ Độ giận, sai đi bắt anh ta. Kết quả là, Trần Thủ Độ nói: "Người ở chức thấp mà biết giữ phép như thế, ta còn trách gì nữa?". Không những như vậy, ông còn lấy vàng lụa ban thường rồi cho về.

   Lối viết sử như thế là rất kiệm lời, không miêu tả, phân tích tâm lí mà tính cách nhân vật vẫn thể hiện sâu sắc và thái độ khen chê của tác giả cũng bộc lộ rõ ràng. Hơn nữa, người viết hoàn toàn ngợi ca, khâm phục Trần Thủ Độ nhưng không có một câu ca tụng nào. Người ta gọi lối viết sử như vậy là theo bút pháp Xuân Thu.

   Qua bốn sự kiện và bốn cách ứng xử trong cuộcđời Trần Thủ Độ, tác giả Đại Việt sử kí toàn thư đã khắc họa sinh động chân dung một nhân cách chí công vô tư, cao thượng, bao dung, không để tình riêng lấn át, luôn giữ kỉ cương phép nước và khuyến khích cấp dưới làm như mình, đồng thời cũng không kém phần thông minh, hóm hỉnh.

   Đại Việt sử kí toàn thư nói chung trích đọan Thái sư Trần Thủ Độ nói riêng quả đã đạt tới vẻ đẹp của lối văn sử. Nó giúp người đọc càng tự hào về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam và thêm quý trọng những di sản văn hóa do cha ông ta để lại.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×