Đề bài: Phân tích - Bình luận bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh
Bài làm
Nói vầng trăng trong bài Ngắm trăng (Vọng nguyệt) là vầng trăng thi sĩ hay vầng trăng tri kỉ thật ra cũng không hoàn toàn chính xác. Bởi, sự thật thì nó rất khó gọi tên. Từ xưa, từ Lí Bạch, Đỗ Phủ, rồi Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến ở ta, nó đã là thi sĩ. Nhưng đó là trong những cảnh ngộ đời thường. Còn với tác giả Hồ Chí Minh, vầng trăng xuất hiện nơi tù ngục, nơi đói rét đoạ đày. Nơi ấy, trong số các tù nhân, ít ai nghĩ đến nó, hoặc có nghĩ đến nó, chỉ càng cảm nhận cái rét lạnh thấu xương: "Khóm chuối trăng soi càng thấy lạnh - Nhòm song, bắc đẩu đã nằm ngang" (Đêm lạnh - Nhật kí trong tù). Nhưng trong trường hợp này thì khác hẳn, có lẽ không phải từ cái đêm lạnh ấy. Tuy thế, với Bác, nó vẫn bất ngờ. Toàn bộ bài thơ khơi nguồn từ sự bất ngờ ấy. Và điều thú vị, điều bất ngờ thứ hai: ở đây, ta bắt gặp một nhân cách lớn, hai con người (con người thi sĩ và con người chiến sĩ) gặp nhau. Là thi sĩ lớn, mới có thể yêu trăng trong chốn lao tù, là chiến sĩ lớn mới có thể quên mình trong chốn lao tù mà đến với trăng. Tâm hồn và nghị lực phi thường ấy không dễ nhà thơ nào, người chiến sĩ nào ở vào hoàn cảnh của Người có được. Ấy là chưa nói Ngắm trăng đến với Bác thật hồn nhiên :
Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ.
Thật ra trăng đến lúc nào cũng không rõ. Nó có được chờ đợi đâu. Đột ngột nó hiện ra và lập tức nhà thơ lúng túng. Trăng ở đây không như một người khách trọ, mà vốn là một người bạn tri kỉ, tri âm. Bạn đến chơi phải tiếp bạn. Nhưng tiếp bạn thế nào cho phải. Ta nhớ đến Nguyễn Khuyến cùng cái bối rối đáng yêu ("Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa"). Còn trong trường hợp của Bác: không hoa, không rượu. Trong thơ truyền thống: ngắm trâng phải có rượu, có hoa tạo nguồn cảm hứng: Có rượu không có bạn - Một mình chuốc dưới hoa - Cất chén mời trăng sáng... (Lí Bạch) (Tương Như dịch). Cái bối rối rất thi nhân của Người chính là từ truyền thống văn chương rất phương Đông ấy. Trăng đến rồi, rượu, hoa biết kiếm đâu ra ? Sự bất đắc ý vì thất lễ với trăng thể hiện không chỉ ở sự kiếm tìm mà còn có phần bực dọc. Nhưng một khoảnh khắc nghĩ ra: hoàn cảnh sống của Bác là ở trong tù. Ấy thế mà có lúc Người quên bẵng nó đi. Vậy cái bực dọc vừa nêu, Bác đã có thể tự giải thích, tự thanh minh, câu thơ trách mình thành ra phàn nàn hoàn cảnh. Vì hoàn cảnh mà đã "không rượu cũng không hoa", để Bác không có chút gì đãi bạn. Có người hiểu cái bối rối này ở câu hai, "Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ", nhưng thực ra nó ở ngay câu thứ nhất. Nếu câu một là hành động, là cử chỉ (tìm kiếm) thì câu hai chỉ gọi nó thành tên. Cái tên ấy trong bản dịch thơ lại không sát nghĩa ("Đối thử lương tiêu nại nhược hà"). Dù thế, hai câu ấy vẫn hay, cái hay của khúc dạo đầu ("Vặn đàn mấy tiếng dạo qua - Dẫu chưa nên khúc tình đà thoảng bay" - Tì bà hành - Bạch Cư Dị). Cái kì diệu của văn chương là thế, nói đến văn chương là nói đến sự mê đắm, nói đến chất men say.
Về cách hiểu hai câu này, có người nghĩ : "Việc nhớ đến rượu và hoa trong cảnh tù ngục khắc nghiệt ấy đã cho thấy người tù này không hề vướng bận bởi những điều kiện về vật chất, tâm hồn vẫn tự do, vẫn ung dung, vẫn thèm được tận hưởng cảnh trăng đẹp". Nói "không vướng bận", "vẫn ung dung" thì ra con người Hồ Chí Minh hoặc đơn giản, hoặc sắt đá, vô tình. Chúng ta đều biết: trước khi là lãnh tụ và cả khi đã là lãnh tụ cách mạng, Hồ Chí Minh vẫn là một con người bình thường như tất cả chúng ta chứ không là thần thánh. Chính vì không lạ thần thánh, thơ Người mới có khả năng truyền dẫn đến tâm hồn, tâm trí chúng ta. Sự vĩ đại của Bác chính là ở chỗ: cái có ở chúng ta đều có ở Người.
Nếu tinh ý mà nhìn thì giữa hai câu đầu bài thơ với hai câu cuối bài thơ có một khoảng trống. Vì phải có rượu có hoa để hội ngộ. Nay, "Trong tù không rượu cũng không hoa", ấy thế mà cuộc đàm tâm tri kỉ ấy vẫn diễn ra :
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
Thì ra đến bây giờ ta mới hiểu: qua cái bối rối ban đầu, Người quên hết mọi nghi thức, không còn băn khoăn đến hoa, đến rượu thông thường cần phải có. Đúng như kiểu "Bác đến chơi đây, ta với ta" (Nguyễn Khuyến). Đối đãi với trăng chỉ có một tấm lòng, một chờ đợi từ lâu, bây giờ bất ngờ gặp lại. Tấm lòng ấy, sự chờ đợi ấy đã vượt lên cảnh ngộ của riêng mình, vượt lên tù ngục. Có người xem đây là một "cuộc vượt ngục về mặt tinh thần". Kể ra cũng đúng, đúng về mặt ý chí, nhưng nó chưa đúng về phương diện con người hồn nhiên chẳng bao giờ tỏ ra là mình khác người, mình "lên gân" cả. Sẽ phạm phải sai lầm khi tách con người Bác và thơ Bác ra khỏi hai phạm trù lúc nào cũng gắn bó với nhau: vừa lớn lao vừa bình dị, bình dị như không có gì lớn lao, chính vì thế mà rất lớn lao.
Hai câu cuối của bài thơ được khơi nguồn từ trước đó, nay đã dẫn đến cao trào. Nó chính là sự tròn đầy, viên mãn, một tột đỉnh thi nhân. Người ngắm trăng, trăng ngắm người qua tấm song sắt nhà lao. Nói về cái cửa sắt nhà tù, nó không giống với cái cửa sổ thông thường, càng không giống với cái cửa sổ thơ trông thơ Bác sau này ("Trăng vào cửa sổ đòi thơ" - Tin thắng trận). Bởi nó nặng nề, u ám lắm :
Anh đứng trong cửa sắt,
Em đứng ngoài cửa sắt ;
Gần nhau trong tấc gang,
Mà hiển trời cách mặt.
(Vợ người bạn tù đến thăm chồng - Nhật kí trong tù)
Vì vậy đừng nên hiểu: "qua bài thơ, người đọc cảm thấy người tù cách mạng ấy dường như không chút bận tâm về những cùm xích, đói rét, muỗi rệp, ghe lở... của chế độ nhà tù khủng khiếp, công bất chấp song sắt thở bạo của nhà tù...", bởi cách nói, cách nghĩ này có một phần cứng nhắc, khiên cưỡng. Sao người tù lại không bận tâm đến cánh lao tù ? Con người lão thực Hồ Chí Minh không bao giờ viển vồng như thế. Chỉ có điều: giữa hai thế lực, một kìm giữ, một bay bổng, cái nào mạnh hơn ở vào thời điểm ấy ? Rõ ràng là sức bay bổng mạnh hơn, để người tù trong một phút đã quên đi cảnh ngộ lao tù, quên đi tấm song sắt nhà tù, chỉ còn một đắm say, một hạnh phúc. Giữa người tù thi sĩ và trăng tuy vẫn bị ngăn cách - mà tác giá vẫn có ý thức về sự cách ngăn (chữ song vẫn định vị, vẫn bướng bỉnh, gan lì ở vị trí không đổi trong hai câu ba và bốn), chỉ có diều nó không buộc trói được tâm hồn. Với nhà thơ, nó vừa là ý thức vừa là tâm thức ("Thân thể ở trong lao - Tinh thần ở ngoài lao"). Cái cách nhà thơ chiến thắng hoàn cảnh, một mặt do tình yêu thiên nhiên, do sức mạnh của tâm hồn, một mặt cũng là do một phương châm tự dặn lòng mình như thế.
Ở hai câu thơ tuyệt bứt trong bài thơ được sáng tác bằng thi pháp phương Đông này, cần chú ý nhiều đến phép đối. Cũng trong tập nhật kí bằng thơ này, phép đối ấy có khi được thể hiện trong một câu như "Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân" (Núi ấp ôm mây, mây ấp núi), còn ở đây là trong hai câu. Và đối rất chinh đến từng ý, từng lời. Nếu đọc lại nguyên bản chữ Hán :
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song khích khán thi gia.
Hai nhân vật trữ tình luôn luôn đối xứng trong sự giao cảm vận hành: người - trăng (câu 3) trăng - người (câu 4). Một chữ "khán" vì sao trở thành điệp ngữ trong thơ, nếu không xuất phát từ luật đối xứng ? Và ở đây cũng phải khen cho người dịch thơ trong việc chọn chữ. Khán thì có thê dịch là "xem" (như trong khán đài, khán giả) nhưng như thế có sự cách bức, phân chia, nhất là một phía : một chủ động, một bị động. Còn ở đây, cả người và trăng đều chủ động như nhau, đều nhìn nhau không chán mắt. Vậy chữ "ngắm" trong bản dịch là đắc địa, là thấu lí, là đạt cái hồn của nguyên tác.
Còn một chi tiết rất nên chú ý : vì sao ở nhân vật "trăng", trong hai câu không có gì thay đổi, hoặc thay đổi không đáng kể (nguyệt và minh nguyệt), còn nhân vật người tù lại có sự thay dổi, từ "người" đến "nhà thơ" (nhân - thi gia) ? Như ta dã biết, trong tập thơ Nhật kí trong tù, Bác ít khi dùng chừ "thi gia", nhất là tự nhận mình là thi gia như thế. Người thường dùng chữ "tù nhân", cao hơn một chút là "hành nhân", nếu có một chút cảm hứng thì cũng là "hành nhân thi hứng" (Giải đi sớm). Thế mà ở đây, Bác lại chọn đại từ nhân xưng là thi nhân. Không bằng lòng với những cách gọi lâu nay (tù nhân, chinh nhân, hành nhân), cao hứng đến tột cùng, Bác tự nhận là thi nhân - một thi nhân như mọi thời đại thi nhân, như thế mới đối diện được với nhân vật đàm tâm xứng đáng. Bác có vẻ như tự đề cao mình (một trường hợp hiếm hoi) nhưng thực ra là không phải. Chẳng qua là một cách đề cao trăng mà nâng mình lẽn ngang tầm để tri âm, đồng điệu. Ngắm trăng - dù là ngắm trăng trong tù không thể là một tù nhân. Dưới cái vẻ tù nhân ấy phải cao quý, thanh sạch một tâm hồn thi nhân thì cuộc hạnh ngộ với trăng mới không lỗi nhịp.
Thực ra tình yêu mến thiên nhiên, không phải đến Nhật kí trong tù mới có, mà có từ trước thơ Bác rất lâu ("Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp - Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông"). Nhưng đến thơ Bác thì thời đại đã đổi thay, nhiều quan điểm cũ đã không còn. Ấy thế mà thiên nhiên với thơ Bác, với tấm lòng của Bác luôn luôn chung thuỷ như một người bạn đồng hành. Điều ấy lớn lao đến đâu còn dành cho những công trình khám phá.