"Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?"
Giản dị và dễ hiểu nhưng không vì thế mà hai câu ca dao mất hay. Cái "hay" trước tiên mà ta cảm nhận được là cái đẹp. Cái đẹp trong hai câu ca dao chính là sự hoà quyện tuyệt vời giữa người và cảnh. Trăng đẹp, gàu nước đẫm ánh trăng vàng sóng sánh cũng đẹp và hơn hết là người. Cái đẹp của chàng trai, cô gái đang độ xuân thì tát nước đêm trăng. Thơ mộng và hữu tình. Ta hãy hình dung nhé. Cả cánh đồng bát ngát được tắm ánh trăng. Trên cái nền trăng ấy, cô gái tát nước hẳn là đang độ trăng tròn, gàu nước cô múc cũng ngời ngợi ánh trăng.
''Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.''
Có thể nói đây là một trong những câu thơ hay nhất viết về mùa thu của thi ca Việt Nam nói riêng và thi ca nói chung. Độc giả có thể thấy ở đây ngôn từ trong sáng, uyển chuyển đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tuơi đẹp. Sử dụng từ ngữ đậm chất dân tộc, tác giả không chỉ vẽ bức tranh của thiên nhiên Trung Quốc mà còn đậm sắc màu quê hương xứ sở. Từ láy “long lanh” mở đầu 2 câu thơ đã hé mở một không gian lung linh, huyền ảo của bóng nước…Bức tranh mùa thu ở đây có một vẻ đẹp lồng kết, hoà quyện của ánh sáng, hình ảnh, hoà cùng sắc màu soi chiếu lẫn nhau cho thấy không chỉ là sự trong xanh của nước mà cả chiều cao, độ rộng mênh mông của trời. Hình ảnh thơ đã nới rộng không gian, gợi nên trạng thái sóng sánh đẹp đẽ của bức tranh thiên nhiên. Trên phông nền đó xuất hiện cặp hình ảnh “ Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng ” hiện ra vừa có nét tả thực vừa đậm những nét mơ hồ. Đó là cảnh vật với những thành quách, núi non, mây vàng trong buổi chiều se lạnh, hơi nước toả lên như những sợi khói lam trong hoàng hôn hắt bóng. Những từ miêu tả màu sắc: biếc, vàng và cả màu xanh long lanh đáy nước đã khiến không gian vừa diệu vợi, vừa lung linh huyền diệu đến lạ lùng. Trong sắc khói lam chiều đó những thành quách như vừa kiên cố lại vừa mềm mại, thơ mộng cùng với nó là nét duyên dáng của núi non đang ngả bóng.