Nhân vật Đăm Săn:
Người anh hùng sử thi là trọng tâm miêu tả của bức tranh hoành tráng. Tầm vóc lẫn chiến công của chàng trùm lên toàn bộ chiến công, toàn bộ thiên nhiên và xã hội Ê-đê.
Trong quan niệm của người dân tộc Ê-đê, cuộc chiến từng đóng vai trò là “bà đỡ lịch sử” khiến cho cộng đồng ngày càng phát triển, ngày càng có cuộc sống ấm no, thịnh vượng. Trong sự phát triển ấy, người anh hùng có vị trí hết sức lớn lao tầm cỡ. Sau mỗi chiến công của người anh hùng là một lễ ăn mừng hoành tráng của cộng đồng để suy tôn, ca ngợi cũng như thể hiện niềm vui về sự no đủ, đông đúc mỗi ngày.
Sau chiến thắng oanh liệt trước tù trưởng Mtao-Mxây, Đăm Săn đã trở thành người anh hùng giàu có, hùng mạnh nhất. Tôi tớ theo về “đặc như bầy cà tong”, của cải đưa về “nhiều như ong đi chuyển nước”. Tràn ngập trong niềm vui, Đăm Săn đã cho toàn bộ tộc ăn mừng chiến thắng. Tiếng tuyên bố mở hội dõng dạc vang vọng của chàng khiến cho khắp rừng núi âm vang trong không khí háo hức. Cả cộng đồng người Ê-đê và người Ê-ga được tái hiện sinh động đầy sức sống. Và sừng sững trong xã hội ấy, là nét đẹp vừa hoành tráng, vừa lãng mạn của người anh hùng Đăm Săn.
Nét đẹp được ghi nhận trước tiệc của Đăm Săn trong lễ ăn mừng chính là nét đẹp về ngoại hình và sức mạnh.
Chàng được miêu tả với vẻ đẹp và sức mạnh của một vị thần. Người Ê-đê, Ê-ga ca ngợi Đăm Săn là một dũng tướng chắc chết mười mươi cũng không lùi bước. "Mình quấn chéo một tấm mền chiến, tai đeo nụ, sát bên mình nghêng ngang đủ giáo gươm, đôi mắt long lanh như chim, bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy, chàng nằm sấp thì gãy rầm sàn, chàng nằm ngửa thì gãy xà dọc". Bằng nghệ thuật miêu tả, so sánh gần gũi, cụ thể với nhiều chi tiết hết sức sinh động, kết hợp với nghệ thuật trì hoãn sử thi và cách nói phóng đại sử thi, người dân Tây Nguyên đã biến người anh hùng của họ thành một vị thần với tất cả sức mạnh hội tụ từ núi rừng, vũ trụ. Sức mạnh của chàng được so sánh với những gì mạnh nhất, đẹp nhất của thiên nhiên. Vốn ngang tàng từ trong bụng mẹ, trải qua bao cuộc chiến, Đăm Săn đã lớn lên và trở thành chiến thần. Chàng có tất cả vẻ đẹp cũng như sức mạnh của thần linh qua trí tưởng tượng bay bổng kì diệu và lòng mến yêu vô hạn của người Tây Nguyên. Không chỉ có sức mạnh dũng mãnh chàng còn có vẻ đẹp lãng mạn: “Chàng nằm trên võng, tóc thả trên sàn, hứng tóc chàng ở dưới đất là một cái nong hoa, đầu đội khăn nhiễu, vai mang mũ hoa, chàng ăn không biết no, uống không biết say, trò chuyện không biết chán”. Toát lên từ câu chữ một chàng Đăm Săn hoà đồng vui vẻ. Không hề phân biệt địa vị cao thấp giàu hèn. Đăm Săn là biểu tượng cho hài hoà giữa cái đẹp dữ dội của núi rừng, vũ trụ với cái đẹp êm ả lãng mạn của tâm hồn người Tây Nguyên. Cái đẹp ấy vừa có sự cao cả, kì vĩ của người anh hùng lại vừa có nét kì diệu, đậm đà bản sắc Tây Nguyên.
Không chỉ hiện lên với vẻ đẹp của sức mạnh và hình thể, Đăm Săn còn hiện lên trong lễ ăn mừng, ở vẻ đẹp của lòng tôn kính tổ tiên, thần linh, lòng hiếu khách, một tâm hồn thuỷ chung, phóng khoáng rộng rãi.
Sau chiến thắng, Đăm Săn không quên sai tôi tớ làm lễ cảm tạ tổ tiên và thần linh đã giúp cho chàng chiến thắng, đã giúp bộ tộc của chàng ngày một vững mạnh giàu có. "Ơ các con, ơ các con, hãy đi lấy rượu bắt trâu, rượu năm ché, trâu bảy con để dâng thần, rượu bảy ché, lợn thiến bảy con cầu cho ta được bình yên vô sự, nạn khỏi tai qua, lớn lên như sông nước, cao lên như cây rừng, không còn ai bì kịp”. Cách Đăm Săn sai tôi tớ sắm đồ lễ cúng tế chứng tỏ lòng thành kính sâu sắc với thần linh, tổ tiên của chàng. Nó cũng chính là tiếng nói tín ngưỡng của cả cộng đồng dân tộc Ê-đê.
Sau khi làm lễ tạ khấn thần linh, tổ tiên Đăm Săn đã mời tất cả anh em, bạn bè, tôi tớ ăn uống: “Hỡi anh em trong nhà, hỡi bà con trong làng, xin mời tất cả đến với ta, chúng ta sẽ mở tiệc ăn mừng năm mới…”. Tiếng mời chào sang sảng như chính tấm lòng hào hiệp của chàng Đăm Săn. Chàng đã thiết đãi bạn bè, dân làng bằng những vật chất đầy đủ sang trọng, bằng niềm vui thân ái, khiến cho “cả một vùng nhão ra như nước” vui tới mức “lươn trong hang, giun trong bùn, rắn hổ, rắn mai đều chui lên nằm trên cao sưởi nắng, ếch nhái dưới gầm nhà, kì nhông ngoài bãi thì kêu inh ỏi suốt ngày đêm”. Bạn bè của chàng đông đúc: “Các cô gái đi lại vú đụng vú, các chàng trai đi lại ngực đụng ngực”. Không khí ăn mừng như thế này bây giờ mới có. Bởi bây giờ người Ê-đê mới có người thủ lĩnh anh hùng dũng cảm, hào hiệp đến thế. Đó chính là niềm tự hào sâu sắc của người dân Ê-đê về vị tù trưởng Đăm Săn.
Cách xây dựng hình tượng đẹp đẽ lớn lao của người anh hùng trong không khí đông vui nhộn nhịp, lớn mạnh của cộng đồng là một đặc điểm nổi bật của sử thi Tây Nguyên. Người anh hùng sử thi được toàn thể cộng đồng suy tôn tuyệt đối. Qua người anh hùng ta thấy được sự phát triển, ý chí thống nhất của toàn thể cộng đồng Ê-đê – một biểu hiện quan trọng của ý thức dân tộc.