Bài làm
Có một thời mà hình như là từ khá lâu rồi, lớp trẻ chúng tôi thích nghe bà à ơi kể chuyện ở ngoài hiên. Cái thời ấy, tóc bà bạc trắng, gió mùa hè hiu hiu thổi, lũ trẻ chúng tôi quây quần quanh chân bà, theo giọng kể chuyện trầm bổng của bà mà háo hức.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in những câu chuyện tích khi xưa bà kể. Mỗi câu chuyện lại mang tới một bài học sâu sắc và ý nghĩa cho lớp trẻ chúng tôi. Như truyện cô Tấm là bài học về ở hiền gặp lành, truyện Thánh Gióng mang tới bài học về lòng dũng cảm quyết tâm bảo vệ quê hương. Hay như chuyện con Rồng cháu Tiên nhắc nhớ về cội nguồn dân tộc.
Ngày ấy, mỗi tối trước khi đi ngủ là tôi cứ lăn lại gần bà, gần mẹ để mà mè nheo làm nũng, muốn được kể cho nghe bằng được một câu chuyện cổ mới chịu nhắm mắt ngủ ngon. Âu cũng là do kho tàng truyện cổ của dân gian vừa hay vừa ý nghĩa, cứ nghe hoài, nghe mãi mà chẳng biết chán là gì.
Qua lăng kính của trẻ thơ, những câu chuyện từ lời kể của bà, của mẹ trở nên gần gũi hơn. Những bài học làm người cũng trở nên thấm thía hơn. Bất cứ đứa trẻ nào cũng ao ước được gặp ông Bụt, bà Tiên trong cổ tích, chính vì thế mà tự giác phấn đấu để trở thành bé ngoan.
Thừa nhận đi, có phải chính bạn, khi đã đủ tuổi để trưởng thành, đôi khi vì quá mệt mỏi với những nhọc nhằn toan lo trong cuộc sống, cũng muốn một lần thu mình bé nhỏ lại. Để được là con nít, để được ngồi gọn lỏn trong lòng bà và nghe bà kể những câu chuyện thần tiên?
Dường như thời gian trôi qua khiến cho mọi thứ dần đổi khác. Bây giờ là thời đại phát triển của công nghệ thông tin và các trang thiết bị hiện đại. Các em bé có thể chẳng còn được thường xuyên nghe bà và mẹ kể chuyện như xưa nữa. Không gian cổ tích của tuổi thơ các em dường như bị lãng quên, hoặc là dần bị bó hẹp lại.
Có những buổi chiều khi đi dạo công viên tập thể dục, chứng kiến cảnh bố mẹ dắt theo một em bé, nhưng khi em bé quấy khóc thì cả bố cả mẹ đều bất lực để dỗ dành. Thay vào đó, người bố nhanh tay rút điện thoại ra đưa cho bé nghịch. Và bé nín, diệu kỳ chưa?
Hay cũng có lần, trở về nhà sau buổi làm việc, tôi chứng kiến mẹ mình đang dỗ con của anh chị mà chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Na, cháu tôi, 3 tuổi, ngồi nghếch mắt lên màn hình xem tivi toàn những cú pháp quảng cáo hướng dẫn nhắn tin đến tổng đài gì gì đó. Đại loại là tôi cũng không hiểu, mẹ tôi chưa chắc đã hiểu, mà Na nhà tôi thì lấy làm thích chí.
Khi đem những điều này phàn nàn với bạn bè, tôi nói tôi ước ao lớp trẻ bây giờ được dạy dỗ như thời của mình ngày xưa ấy. Tức là không quá phụ thuộc vào công nghệ, cứ mỗi chiều hoặc mỗi tối quây quần cả ông bà bố mẹ, ngồi kể cho nhau nghe những câu chuyện cổ dân gian. Như thế vừa hay vừa bổ ích. Mà truyện cổ tích lại góp phần tăng trí tưởng tượng của bé, giúp bé học được nhiều bài học dân gian gần gũi, phát huy trí tưởng tượng và hoàn thiện nhân cách sống tốt đẹp hơn.
Đáp lại niềm trăn trở của tôi, bạn bè tôi chỉ cười, họ cho rằng sự phát triển của công nghệ không đáng quan ngại bằng cái cách chúng ta sử dụng chúng. Trẻ thơ vốn dĩ không biết gì, chỉ như trang giấy trắng tinh, người lớn viết vẽ gì lên đó, thì chúng sẽ tự động hằn lại dấu vết.
Ví thử như những ông bố bà mẹ trẻ mà tôi bắt gặp trong công viên ấy không dùng smartphone để "dụ" con, thì làm sao bé có thói quen khóc lóc ăn vạ để đòi? Hoặc ví thử như mẹ tôi không mở tivi và hướng sự chú ý của Na lên màn hình, thì bé Na nhà tôi cũng đâu có thói quen dõi theo chương trình mà tôi cho là vớ va vớ vẩn ấy?
Cho nên, thay vì"hằn học" với sự phát triển của công nghệ, chúng ta nên nghĩ ra những cách mới mẻ hơn, để giúp trẻ tiếp cận với văn hóa dân gian Việt Nam một cách hiệu quả hơn.
Các bạn hẳn còn nhớ MV ca nhạc được mệnh danh là MV "quốc dân" Bống bống bang bang chứ? Đừng nói chỉ trẻ nhỏ, mà ngay cả người lớn chúng ta đôi khi cũng vô thức hát lên theo nhịp điệu một cách hào hứng và vui vẻ. Và phía sau đó, chỉ cần chúng ta khéo léo lồng ghép câu chuyện cổ Tấm Cám, vậy là bất cứ trẻ em nào cũng thích nghe, nghe nhiều sẽ nhớ, sẽ thuộc và yêu thêm cổ tích nước nhà.
Mỗi thời mỗi khác. Chúng ta không thể mong muốn trẻ em bây giờ sống và trải nghiệm tuổi thơ giống y hệt như thời của mình. Có chăng, chỉ là chúng ta sẽ hướng trẻ đến với những giá trị văn hóa dân gian như chúng ta mong muốn, và bằng những cách khác đi. Chẳng hạn như thông qua các hình thức giải trí mà bé sẽ tiếp cận mỗi ngày: phim hoạt hình, video ca nhạc, cặp sách, balo hay dụng cụ học tập in hình nhân vật trong truyện cổ tích…
Cổ tích Việt mình không chỉ gần gũi với trẻ thơ, nơi có lũy tre làng xanh xanh, có giếng nước mưa trong vắt, có cánh đồng thẳng cánh cò bay… Mà còn hàm chứa những bài học đáng trân trọng về tình yêu thương cha mẹ, tình nghĩa anh chị em, tình yêu xóm làng và cả tình yêu dành cho Đất nước.
Chính vì thế mà những bài học quý báu từ kho tàng truyện cổ rất cần được lan rộng trong cộng đồng các em nhỏ. Nếu cha mẹ của các em ý thức được điều này, thì hẳn sẽ mong muốn mang đến cho con cả một bầu trời tuổi thơ với đầy ắp những sắc màu.