* Điểm giống nhau
Khuynh hướng chung của thời kỳ Thơ mới những năm 1930-1945 là khuynh hướng lãng mạn, là lý tưởng thẩm mỹ cái "tôi" của tác giả, thẩm mỹ hóa cái cuộc sống rối ren, tơi bời của xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến.
Trong văn học thời kỳ này, thơ cũng như văn xuôi, cá nhân tự khẳng định, tự biểu hiện ra niềm vui, mơ ước, khát vọng. Cảm hứng sáng tác gắn liền với ý thức cá nhân; thơ mới là thơ của cái "tôi", một “cái tôi trữ tình" chưa bao giờ được biết đến trong thơ cổ điển. Cái "tôi" bấy giờ không làm việc "tải đạo" nữa mà vượt lên những công thức ước lệ, khuôn khổ quy định. Trong thơ mới có nhiều rạo rực, âu lo, có nhiều khát vọng một cách vội vã, căng thẳng.
Cái tôi trữ tình trong phong trào thơ mới chính là nhu cầu khẳng định cái tôi, nhu cầu giải phóng tình cảm, cá tính của cái tôi. Thơ mới ra đời trong hoàn cảnh thoái trào cách mạng, tầng lớp tiểu tư sản hoang mang dao động mất phương hướng, mất lẽ sống vì vậy họ quay lưng lại cuộc chiến tranh chính trị, chuyển dần đấu tranh rên lĩnh vực văn hóa. Thơ ca trở thành nơi lựa chọn để chạy trốn, thoát li cuộc đời, vừa như để nguôi quên thực tại vừa như để giải phóng phát triển cá nhân. Trong khi chạy trốn như thế họ vẫn thấy mình có đóng góp cho dân tộc nên trong thơ mới nhu cầu khẳng định và nhu cầu thoát li gần như tồn tại song song.
Thời kỳ này cũng đã diễn ra một cuộc cách mạng thơ ca để chuyển từ thơ trung đại sang thơ hiện đại, và cái ta phi ngã đã dần nhường chỗ cho cái tôi cá nhân trong thơ mới.
Nói đến “Từ ấy” của Tố Hữu là nói đến tập thơ tìm đường và nhận đường. Cái tôi trữ tình trong thơ là sự bày tỏ cảm xúc riêng của nhà thơ trước các vấn đề của xã hội, trước sự phát triển của lịch sử dân tộc. Sẽ không có được thơ trữ tình chính trị Tố Hữu nếu thiếu đi cái tôi cá nhân, nếu không có con người nhiệt huyết trong thơ ca cách mạng cận hiện đại.
Tinh thần thơ Tố Hữu thời kỳ “Từ ấy” không phải là những khám phá phong phú về thế giới mà là sự biểu hiện một cách chân thật cái tôi hết sức trong sáng, hồn nhiên của một thanh niên khát khao lý tưởng, tù ca hát niềm vui lớn của mình khi bắt gặp lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và được chiến đấu hy sinh cho lý tưởng ấy.
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
(Từ ấy)
Cái tôi trong “Từ ấy” cũng là cái tôi muốn khẳng định mình, thể hiện tiếng nói cá nhân cá thể đặc trưng trong phong trào Thơ Mới và khác hẳn với sự thể hiện khép kín của cái ta phi ngã trong giai đoạn văn học trước đây. Cái tôi trong “Từ ấy” cũng hòa với đặc điểm chung của cái tôi trong phong trào Thơ Mới ở chỗ thể hiện, bày tỏ cảm xúc suy tư tình cảm trực tiếp của cá nhân cá thể tác giả trên thơ ca.
Ngoài ra, tập thơ “Từ ấy” của Tố Hữu đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng của Phong trào Thơ Mới 1932 -1945 về phương diện hình thức biểu hiện là chủ yếu. “Từ ấy” mới và hiện đại cả về nội dung và hình thức. Đó là “làn gió mới” mà phong trào Thơ Mới đã mang đến thể hiện trong sự cách tân đổi mới trong tư tưởng và thể tài của các nhà văn đương thời. Tố Hữu cũng đã chịu ảnh hưởng nhiều từ “làn gió mới” của phong trào Thơ Mới ấy. Ông sáng tác với những thi phẩm tiếp thu những tinh hoa của phong trào Thơ Mới như những tiến bộ về đề tài và thể thơ. Tập thơ “Từ ấy” là tinh hoa quan trọng trong con đường sáng tác của ông cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi phong trào Thơ Mới về cả đề tài và thể thơ.Những bài thơ theo thể thất ngôn trang trọng nhưng không khuôn sáo, trái lại, hơi thơ rất liền mạch, tự nhiên, diễn tả được hiện thực đa dạng và nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau. Điểm nổi bật của Tố Hữu so với các nhà thơ đương thời là ông chịu tiếp cận cái mới, biến cái mới sao cho phù hợp với nền tảng và nét đẹp văn hóa dân tộc. Chính yếu tố này đã tạo nên sự thành công của nhà thơ trong sự nghiệp văn chương.
Tập thơ “Từ ấy” có đóng góp quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa thi ca dân tộc. Từ ấy là bông hoa tiêu biểu của văn học cách mạng Việt Nam 1930 – 1945 được sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa.
“Từ ấy” là tập thơ đầu tay của Tố Hữu – có vị trí đặc biệt trên con đường thơ của ông. Tập thơ chứa đựng một cá tính mạnh mẽ, một khí chất say xưa, một quan niện cá nhân cởi mở giữa những người đồng chí đã làm cho cái tôi nhà thơ được bộc lộ tự do, không hề bị trói buộc bởi bất kỳ công thức, chuẩn mực nào đó tạo nên những vần thơ đẹp, xúc động, đầy men say, bay bổng bậc nhất trang thơ ca cách mạng Việt Nam. Tạo nên một tập thơ thấm đẫm “cái tôi trữ tình” trào lộng và đậm tinh thần thơ mới mà sự biểu hiện chính là sự gặp gỡ những nét tương đồng giữa tinh thần thơ mới và những vần thơ nhà thơ thể hiện.
2. Điểm khác nhau
Cái tôi là một điểm mới và đặc trưng cho phong trào Thơ Mới. Nhà phê bình Hoài Thanh từng nói: “ Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên … và tha thiết, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”. Nói như vậy để ta thấy, phong trào Thơ Mới xuất hiện chưa tới 10 năm (1932 – 1941) nhưng đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm và văn học Việt Nam phải mất bao nhiêu lâu nữa mới có thể bắt gặp hàng loạt các ngôi sáng như thế này. Phong trào Thơ Mới được xem là một cuộc cách mạng khi chuyển đổi từ cái ta ( cổ điển trung đại) cho đến cái tôi cá nhân cá thể. Ta thử lấy ví dụ trong bài thơ “ Vội vàng” của Xuân Diệu, bài thơ chia làm 4 đoạn với 4 nội dung rõ rang: sự khao khát đoạt quyền tạo hóa “ Tôi muốn tắt nắng đi…Tôi muốn buộc gió lại”; vẻ đẹp của mùa xuân với “yến anh” với” bướm ong” với “cỏ non” tất cả đều thể hiện sự tuyệt mĩ của mùa xuân và dường như bản thân chính tác giả cũng say đắm ngất ngây trong men tình mùa xuân ấy; thứ ba đó chính là cảm nhận thời gian rất mới của Xuân Diệu. Đây chính là bước đột phá của Xuân Diệu, nếu như trước đây trong văn học trung đại, Nguyễn Du viết:
“ Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà như khốc Tố Như”
Hay Nguyễn Khuyến cũng từng viết:
“ Thu đông an trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”
Ta thấy rằng thời gian trong văn học trung đại là thời gian tuần hoàn, mỗi năm thời gian đều trở lại, hay nó cũng chỉ là 365 ngày nhưng quan điểm thời gian của Xuân Diệu không phải thời gian tuần hoàn mà là thời gian tuyến tính, thời gian không ngừng chạy, không ngừng trôi và không bao giờ trở lại chính vì vậy mà thả tự do “cái tôi” của mình để cho nó yêu trần gian, yêu chính cuộc sống ngay bây giờ, không ngập ngừng, không chờ đợi. Đem chính cái tôi cá nhân đoạt quyền tạo hóa và dang rộng vòng tay “ muốn ôm” lấy mọi vật trong niềm khao khát yêu thương.
Ta còn bắt gặp một hồn thơ với sự giao hòa của vẻ đẹp cổ điển và hiện đại thể hiện trong “Tràng Giang”. Huy Cận đã thể hiện một cái tôi trữ tình trực tiếp
“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Ta chú ý ở câu thơ cuối cùng, Huy Cận đã từng nói: “ Khi viết câu thơ ấy, tôi buồn hơn Thôi Hiệu đời Đường”. Tuy nhiên ở đây, ta không nói rằng ai buồn hơn ai mà là thể hiện nỗi buồn của thế hệ khi đứng trước tình cảnh quê nhà và sự bộc lộ trực tiếp “cái tôi” của Huy Cận, không cần trên sông có khói sóng nỗi buồn này vẫn thường trực, vẫn cuồn cuộn dâng lên như một con sóng ngầm của tràng giang ngày đêm vỗ vào tâm thức của tác giả.
Như vậy, với “cái tôi” Thơ Mới các nhà thơ của phong trào này đã để lại những dấu ấn riêng không hề nhầm lẫn trong tâm hồn đọc giả. Các nhà thơ trong phong trào này đều nỗi bật với cái tôi của riêng mình nhưng ở họ cũng mang một tâm tình với cuộc đời, một sự khát khao da diết muốn hòa nhập với người và với đời, cũng như tình yêu tiếng Việt tha thiết mới có thể sáng tạo ra những ngôn từ biến ảo, rất riêng cho chính phong cách của mình.
Nếu như ở cái tôi của phong trào Thơ Mới đa phần thể hiện ở cái tôi đậm tính chất khẳng định cá nhân “Ta là một, là riêng, là thứ nhất” như trong thơ Xuân Diệu, thì cái tôi của Tố Hữu lại là cái tôi mang chất cộng đồng, là cái tôi cá nhân cá thể hòa hợp với cái ta chung nhân danh cộng đồng và hướng về giai cấp cần lao. Cái tôi của Tố Hữu là cái tôi biểu hiện của một thanh niên giác ngộ cách mạng, say mê lí tưởng và tinh thần đấu tranh kiên cường cho lý tưởng cộng sản. Cái tôi mang lí tưởng của cái ta chung của cộng đồng thay mặt giai cấp vô sản nói lên tiếng nói chung mang âm hưởng rất riêng. Và nếu như “cái tôi” Thơ Mới yêu vẻ đẹp cuộc sống trần gian thì ở Tố Hữu cái tôi cũng thể hiện ở tình yêu cuộc sống và con người
Tình yêu cuộc sống, con người nhưng Tố Hữu lại chú trọng đến cuộc sống của những kiếp lầm than, trân quý những con người bần nông, những con người vô sản mà tác giả đã từng nói trong bài thơ “ Hai đứa trẻ”:
“Tôi không dám mời anh đi xa lạ
Tìm đau thương trong xã hội điêu tàn
Kể làm sao cho hết cảnh lầm than
Lúc trái ngược đã tràn đầy tất cả!”
Tố Hữu mở đầu bài thơ như một lời giới thiệu sự trái ngang, điêu tàn của một xã hội u tối. Khi hai đứa trẻ cùng sinh ra trong một thời điểm, một bối cảnh lịch sử, “Cùng ngây thơ, khờ dại, như chim con” và tâm hồn chúng cũng “trong sáng như tờ giấy trắng” nhưng sao cuộc sống lại trái ngược như thế khi một đứa ôm lấy “ly sữa trắng” bảo rằng: “Nhạt quá” và một đứa đứng dựa cửa chờ mẹ mang củ sắn về. Cuộc sống ngang trái là thế, xã hội bất công là thế để cuối cùng tác giả kết thúc bằng đoạn thơ cuối:
“Vẫn chưa hết những cảnh đời đau khổ
Nhưng kể làm chi nữa, bạn lòng ơi!
Hai đứa kia như sống dưới hai trời
Chỉ khác bởi không cùng chung một tổ:
Đứa vui sướng là đứa con nhà chủ
Và đứa buồn, con mụ ở làm thuê.”
Dường như tình cảm này cũng thấp thoáng xuất hiện trong bài thơ Từ ấy:
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…”
Nếu như cái tôi trong phong trào Thơ Mới đậm chất lãng mạn trữ tình như cái tôi trong thơ Nguyễn Bính hay thơ Chế Lan Viên, thì cái tôi trong tập thơ “Từ ấy” của Tố Hữu vừa thấm chất trữ tình vừa đượm màu chính trị. Nếu cái tôi của phong trào Thơ Mới man mác nỗi lòng nội cảm trữ tình rất riêng của thi nhân như Lưu Trọng Lư hay Huy Cận, thì cái tôi của Tố Hữu trong “Từ ấy” lại sóng sánh một nỗi lòng trữ tình chính trị rất cởi mở…Bài thơ “Từ ấy” cũng là một đại diên tiêu biểu cho niềm say mê lý tưởng cách mạng của Tố Hữu
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”
Qua đó, “Cái tôi” riêng biệt của Tố Hữu thể hiện ở ý chí tôi luyện trong đấu tranh, thử thách.Đặc điểm này thể hiện rất rõ trong bài thơ “ Khi con tu hú”
“Ta nghe hè dậy bên lòng,
Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi.
Ngột làm sao, chết uất thôi,
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu.”
Ý chí bất khuất, kiên cường được hun đúc, cháy mãi trong tim người nghệ sĩ xứ Huế, song sắt nhà tù sao có thể cầm chân được một tâm hồn tự do, bốn bề giam hãm sao có thể làm nhục chí cứu nước. Rồi đây, “căn phòng” đó cũng sẽ bị chính ta đạp tan để vươn tới cái ánh sáng cách mạng, cái khoảng trời tự do như chính con chim tu hú đang kêu gọi. Dù rằng bị bắt giam trong nhà tù giặc thì lòng nhiệt huyết của người chiến sĩ không bao giờ lụi tàn mà nó cứ âm ỉ cháy, đó là những khi tuyệt thực đấu tranh, những cuộc tranh đấu kiên quyết chống lại những cám dỗ thấp hèn của bọn giặc cướp nước“Đường tranh đấu không một giờ thoái bộ/ Sống đã vì cách mạng, anh em ta/ Chết cũng vì cách mạng, chẳng phiền hà!”( Tranh đấu) hay “Danh dự của riêng thân/ Là của chung đồng chí/ Phải giữ gìn tỉ mỉ/ Như tròng mắt con ngươi” (Con cá chột nưa). Hay ta cũng bắt gặp ý chí kiên cường này trong bài thơ “Dậy mà đi”
“Dậy mà đi! Dậy mà đi!
Đừng tiếc nữa, can chi mà tiếc mãi ?
Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần ?
…………..
Dậy mà đi, hy vọng sẽ thành công
Rút kinh nghiệm ở bao lần thất bại:
Một lần ngã là một lần bớt dại
Để thêm khôn một chút nữa trong người.
Dậy mà đi, hỡi bạn dân nghèo ơi!”
Không chỉ thể hiện sự mạnh mẽ, sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc thì đó còn là tiếng nói đấu tranh góp phần với phong trào đấu tranh bên ngoài và những tiếng thơ kêu gọi tâm huyết.
Mặc khác, cái tôi trong phong trào Thơ Mới thể hiện là cái tôi mang nỗi u sầu nhân thế, nỗi đau riêng của đời người, của kiếp thi nhân mà được xem như người mặc khách chốn trần gian đang cảm thấy lạc lõng, bơ vơ giữa dòng đời và trong chính bản thân mình. Họ tìm đến cõi mộng, cõi hư vô, hoặc thảng thoát li lên cõi tiên, cõi hư không như lời bình của Hoài Thanh trong “Một thời đại trong thi ca”: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình của Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta say đắm cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận…”. Cái tôi trong phong trào Thơ Mới là cái tôi u sầu, bế tắc không tìm được hướng đi. Vì vậy, cái tôi ấy tìm đến cõi siêu hình hư ảo, tâm hồn thi sĩ quá nhạy cảm với những đau thương mất mát khi phải chứng kiến trước cuộc sống hằng ngày hằng giờ đã thoát li để đến với thế giới của mộng tưởng. Bài thơ “Những sợi tơ lòng” của Chế Lan Viên đã thể hiện sự thoát li triệt để vào cõi hư không của tâm hồn nhà thơ:
“Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa
Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo”.
Cái tôi ấy dâng tràn cảm xúc bi quan lạc lõng... Cảm xúc thẩm mỹ lẫn đối tượng thẩm mỹ của thơ chính là nỗi đau khổ khôn cùng của thi nhân trên cõi trần gian:
“Trời hỡi trời hôm nay ta chán hết
Những sắc màu hình ảnh của trần gian.”
(Tạo lập)
Hoặc cái tôi trong “vườn thơ rộng rinh và ớn lạnh” của Hàn Mặc Tử cũng thoát li lên cõi hư vô với những vần thơ ám ảnh mang nỗi thống khổ của cái tôi cô đơn, đang “đau thương” rỉ máu từng ngày: “Một mai kia ở bên khe nước ngọc/ Với sao sương anh nằm chết như trăng/ Không có một nàng tiên mô đến khóc/ Đến hôn anh và rửa vết thương tâm”.
Nhìn chung, cái tôi trong phong trào Thơ Mới là cái tôi mang tâm hồn thi sĩ đầy nhạy cảm với những chuyển biến của cuộc đời, thấm đượm một nỗi bi quan ám ảnh và luôn hướng về một cõi mộng vĩnh hằng vượt lên trên những đau thương của trần thế. Cái tôi trong “Từ ấy” của Tố Hữu không như vậy. Cái tôi trong “Từ ấy” mang cảm xúc lạc quan, yêu đời, luôn tràn ngập một niềm tin bất diệt vào cuộc sống, vào con người, vào lí tưởng cách mạng và sự tất thắng của dân tộc. Từ đó ta thấy được mộtniềm vui chung ở Tố Hữu – một niềm vui được tự do hoạt động cách mạng và niềm vui của sự chiến thắng.
“Tiến lên hăng nữa, đừng tha
Cầm dao, cầm súng xông ra phen này!
Đánh cho giặc Nhật tan thây
Vằm cho nát mặt cả bầy Việt gian
Diệt trừ phát-xít dã man
Việt Nam độc lập hoàn toàn tự do
Đời dân ta mới ấm no!”
(Đói! Đói!)
Nếu như đoạn thơ đầu, Tố Hữu đã khắc họa cảnh dân ta chìm trong nạn đói 1945 đầy thê lương với “Rau dưa chết giá, ngô lang xạc xờ”, với hình ảnh người nông dân không có tiền cũng chẳng có gạo mà ăn “Không tiền mua cám mà nuôi mẹ già”, trẻ con thì “đeo chân bố khóc la đêm ngày” thì đoạn thơ cuối cùng, ta hoàn toàn không còn nhìn thấy hình ảnh thảm thương nạn đói đang quành hành nữa mà thay vào đó là hang loạt các động từ mạnh “ xông”,” đánh”, “vằm” thể hiện một khí thế sục sôi, một ý chí căm thù giặc ngút trời, là lời tố cáo, chỉ rõ kẻ thù của dân tộc và quan trọng hơn đó chính là lời kêu gọi, khích lệ tinh thần nhân dân cùng chung tay đứng lên chống lại quân cướp nước và bán nước
Tóm lại, cái tôi trong tập thơ “Từ ấy” của Tố Hữu dù chịu ảnh hưởng từ cái tôi chung trong phong trào Thơ Mới nhưng vẫn thể hiện những đặc điểm rất riêng, rất Tố Hữu:
“Cái tôi” trong “Từ ấy” của Tố Hữu
“Cái tôi” cá nhân kết hợp với “cái ta” của cộng đồng. Cái tôi ấy luôn hướng về giai cấp cần lao, lên tiếng nói đại diện cho giai cấp vô sản nhưng vẫn mang những âm hưởng cá nhân cá thể rất riêng.
“Cái tôi” trữ tình chính trị
“Cái tôi” lạc quan yêu đời, rất gần gũi với cuộc sống chiến đấu và con đường cách mạng của nhà thơ. Cái tôi tràn đầy niềm tin vào lí tưởng cách mạng và sự tất thắng của dân tộc.
“Cái tôi” trong phong trào Thơ Mới
“Cái tôi” cá nhân cá thể: “Tôi là một, là riêng, là thứ nhất”. Cái tôi hướng về cá nhân cá thể trong tâm hồn người.
“Cái tôi” nội cảm trữ tình
“Cái tôi” bi quan, bế tắc, cô đơn giữa cuộc đời, lạc lõng bơ vơ trong chính bản thân mình è hướng đến Thoát li về cõi mộng, cõi hư không.
Như vậy, ta thấy được ở Tố Hữu “cái tôi” riêng đã kết hợp với “cái ta”chung, hài hòa giữa yếu tố “trữ tình” và yếu tố “chính trị” để hướng về giai cấp cần lao, giai cấp vô sản. “ Từ ấy” được xem là tiếng hát phong phú về cung bậc, đó là tiếng hát yêu thương, tiếng hát căm thù, tiếng hát phấn đấu và tin tưởng và tiếng hát chiến đấu và chiến thắng. Có thể nói, “Từ ấy” là tiếng nói tiêu biểu cho giai cấp, cho dân tộc thể hiện một nhân sanh quan mới – nhân sinh quan cộng sản, một thế giới quan mới – thế giới quan Mac – Lenin.
“Từ ấy” của Tố Hữu có sự tiếp thu và chịu ảnh hưởng của Phong trào Thơ Mới về phương diện hình thức là biểu hiện chủ yếu với thể thơ linh hoạt, dài ngắn khác nhau không còn kìm chặt trong khuôn khổ. Từ ấy mới và hiện đại có giá trị đóng góp quan trọng cho công cuộc hiện đại hóa thi ca dân tộc. Tóm lại, có thể nói “Từ ấy” là bông hoa tiêu biểu của văn học cách mạng Việt Nam được sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa.
C. KẾT LUẬN
Tập thơ “Từ ấy” của Tố Hữu là tập thơ đầu lòng của hồn thơ mang lí tưởng cách mạng cộng sản. Tập thơ thể hiện ba chặng đường từ giác ngộ lí tưởng đến đi theo con đường cách mạng của hồn thơ Tố Hữu. Đồng thời, tập thơ cũng đồng hành theo những chặng đường phát triển của con đường cách mạng dân tộc. Cái tôi của Tố Hữu thể hiện trong tập thơ không những mang tiếng nói của cái tôi chung của phong trào Thơ Mới là cái tôi khẳng định cá nhân cá thể, mà còn mang âm hưởng của cái ta chung nhân danh cộng đồng. Cái tôi ấy dù sinh ra trong phong trào Thơ Mới, mang hình hài của cái tôi cá nhân; nhưng cái tôi trong “Từ ấy” còn cất tiếng nói chung dõng dạc hướng về giai cấp cần lao, bảo vệ giai cấp vô sản. Đồng thời, dù hồn thơ trong “Từ ấy” mang giọng điệu trữ tình chung của phong trào Thơ Mới, nhưng lại là giọng điệu trữ tình chính trị khác với cái tôi nội cảm trữ tình đặc trưng trong phong trào Thơ Mới. Bên cạnh đó, cái tôi trong “Từ ấy” là cái tôi lạc quan yêu đời, khác với cái tôi bi quan cô đơn trong Thơ Mới. Qua đó, cái tôi thể hiện qua tập thơ “Từ ấy” của Tố Hữu chịu ảnh hưởng của phong trào Thơ Mới từ chủ đề đến hình thức thể thơ nhưng vẫn mang những dấn ấn rất riêng, rất Tố Hữu không thể nhòa lẫn được.