LUYỆN TẬP VỀ HIỆN TƯỢNG TÁCH TỪ I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
Từ thường có cấu tạo ổn định, các tiếng trong một từ kết hợp chặt chẽ với nhau. Nhưng khi sử dụng, đối với một số từ đa âm tiết, các tiếng có thể được tách ra theo lối đan xen từ khác vào. Cách táh từ như vậy tạo nhạc điệu cho câu đồng thời nhấn mạnh được nội dung cần làm rõ. II. RÈN KĨ NĂNG
1. Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân
a. Các từ dày dạn, chán chường được tách ra theo cách đan xen từ ngữ. Hình thức ban đầu của chúng là: dày dạn gió sương, bướm ong chán chường.
b. Hiện tượng tách từ như trên tạo nên hai nhịp đôi, đối xứng hài hoà để nhấn mạnh điều muốn nói. Trong câu thơ này nó tạo ra khả năng thể hiện tâm trạng day dứt, đau khổ dằn vặt của nàng Kiều khi phải sống trong cảnh nhục nhã ê chề ở chốn lầu xanh.
c. Một số ví dụ về hiện tượng tách từ: cay đắng, sa sẩy, đắn đo.
- Quán rằng ghét việc tầm phào
Ghét cay ghét đắng, ghét vào tận tâm
Ghét đời Kiệt Trụ mê dâm
Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang.
(Nguyễn Đình Chiểu - Truyện Lục Vân Tiên)
Làm người phải đắn phải đo
Phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu
2. Có thể tách các cụm từ lạc xiêu hồn phách, đi về lẻ loi thành hồn xiêu phách lạc, hồn lạc phách xiêu, đi lẻ về loi, về lẻ đi loi.
Đặt câu:
- Bóng ma lại hiện lên làm nó sợ đến hồn xiêu phách lạc.
- Kể từ khi người chồng lên ngựa ra chiến trường thực hiện mộng công hầu, người chinh phụ sống trong cảnh đi lẻ về loi, cô đơn chờ đợi.
3. Đặt câu với các thành ngữ sử dụng hiện tượng tách từ:
- Người dân quê tôi vẫn phải dãi gió dầm sương để làm ra hạt gạo.
- Mẹ tôi là người biết đối nhân xử thế.
4. Đi đâu mà vội mà vàng
Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây.
(Ca dao)
a. Trong câu trên, từ vội vàng đã được tách bằng cách xen thêm từ mà.
b. Hiện tượng tách từ trong câu trên tạo nhịp điệu cho câu ca dao, nhấn mạnh điều muốn nói: không nên làm việc vội vàng cẩu thả.
c. Ví dụ tương tự:
- Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân
(Ca dao)
- Cánh đồng nào cũng chôn vàng giấu bạc
Bờ biển nào cũng chói ngọc ngời châu.
(Nguyễn Bính - Bài thơ quê hương)
- Những là rày ước mai ao
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình
(Truyện Kiều – nguyễn Du)
5. Hiệu quả diễn đạt của hiện tượng tách từ đối với các từ láy và từ ghép: AB tách thành: A với/với chả B.
- Ăn với chả uống
- Đi với chả đứng
- Xinh với chả đẹp
- Chồng với chả con, ...
Hiện tượng tách từ như trên tạo nên khả năng nhấn mạnh, khắc sâu điều muốn nói, hàm ý chê bai. Chẳng hạn:
+ Trong bữa ăn, nếu em hậu đậu đánh đổ cơm canh, mẹ em , nếu đang bực dọc, nói: " Ăn với chả uống như thế à?
+ Một đứa trẻ đi không cẩn thận nên bị ngã, người lớn sẽ trách mắng: Đi với chả đứng như thế à?
+ Sau khi thoa một chút son lên môi, mặc chiếc váy mới, cô con gái hỏi mẹ: "Mẹ thấy con gái mẹ có xinh không?" Người mẹ nói: "Xinh với chả đẹp, cô tập trung vào việc học cho tôi nhờ."