NGUYỄN DU I – KIẾN THỨC CƠ BẢN
Nguyễn Du là nhà thơ lớn của dân tộc, với vốn kiến thức sách vở và thực tế phong phú, với trái tim nhân đạo lớn ông đã viết nên những trang thơ - những trang đời giàu giá trị nhân đạo, bày tỏ lòng thương yêu con người sâu sắc và sự phê phán hiện thực mạnh mẽ. Vì lẽ đó, ông được suy tôn danh hiệu Đại thi hào dân tộc và Danh nhân văn hoá thế giới.
II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Hãy cho biết các đặc điểm nổi bật trong cuộc đời Nguyễn Du, những sự kiện có ảnh hưởng đến tư tưởng và khuynh hướng sán tác của ông.
Gợi ý:
- Nguyễn Du sinh ra ở Thăng Long, trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có nhiều người sáng tác văn họcThuở nhỏ, Nguyễn Du đã mồ côi, phải sống với người anh cả cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản, giữ chức Tham tụng trong phủ chúa Trịnh.
- Cuộc đời Nguyễn Du có nhiều thăng trầm:
Năm 19 tuổi, Nguyễn Du thi đậu tam trường Hương thí (tú tài) rồi làm chức quan võ ở Thái Nguyên. Năm 1789 nhà Lê sụp đổ, ông bỏ chức quan, lánh về quê vợ ở Thái Bình, sau đó vào sống nhiều năm ở vùng sông Lam, núi Hồng, trải qua “mười năm gió bụi”, sống rất khổ cực. Sự thật là ông đã trải qua mọi cảnh ngộ gian nan: đại gia đình bị phá sản, anh em li tán, cuộc sống nghèo nàn, cơ cực.... “Trong mười năm gió bụi này, có lúc ông dự định ra nhập đám Cần vương phò Lê hay chạy vào Nam theo Nguyễn Ánh, dựa vào quân chúa Nguyễn để khôi phục nhà Lê ! Tất cả đều không thành. Năm 1802 Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, lập triều đại Nguyễn ở tân đô Huế. Đầu niên hiệu Gia Long, triều đình xuống chiếu lục dụng các triều thần nhà Lê. Ông được cất nhắc và không thể khước từ”([1]). Dẫu phải miễn cưỡng làm quan dưới triều Nguyễn nhưng Nguyễn Du hết sức thanh liêm, được sĩ phu và nhân dân thương yêu.
2. Phân tích một số thành tựu cơ bản trong sáng tác của Nguyễn Du (thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm, đặc biệt là Truyện Kiều).
Gợi ý:
- Những sáng tác bằng chữ Hán
Ngoài tác phẩm Thanh Hiên thi tập (hai tập), còn có Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục. Cả ba tập có đến gần một nghìn bài, nay còn lại khoảng 249 bài. Và một số bài thơ đã được nhiều người biết đến như Long Thành cầm giả ca (Bài ca người gảy đàn đất Long Thành), Điếu La Thành ca giả (Viếng người ca nữ đất La Thành), Độc Tiểu Thanh kí (Đọc Tiểu Thanh kí), Thái Bình mại giả ca (Người hát rong ở Thái Bình), Hà Nam đạo trung khốc thử (Nắng dữ trên đường đi Hà Nam), Sở kiến hành (Bài hành về những điều trông thấy), Trở binh hành (Bài hành về việc binh đao làm nghẽn đường)...
- Những sáng tác bằng chữ Nôm
Các tác phẩm Đoạn trường tân thanh tức Truyện Kiều bằng thơ lục bát, Văn tế thập loại chúng sinh, còn có tên là Văn chiêu hồn bằng thơ song thất lục bát. Ngoài ra, còn một số sáng tác đậm chất dân gian như bài vè Thác lời trai phường nón và bài Văn tế Trường Lưu nhị nữ (Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu).
Ngoài ra, tương truyền Nguyễn Du còn là tác giả của một số câu hát đối đáp giao duyên lưu hành trong dân gian.
- Nguyễn Du – nhà thơ có khuynh hướng hiện thực sâu sắc:
Phần thơ chữ Hán được coi như cuốn nhật kí về những năm tháng long đong, lận đận trong cuộc đời Nguyễn Du, ông đã ghi lại một cách trung thành những năm tháng sống lay tắt, ốm đói, bênh tật và những suy tư của bản thân trước thực tại lịch sử.
Đặc biệt trong kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du đã đối diện với hiện thực mà lên án sự tàn nhẫn bạc ác của các thế lực đen tối mà ông gọi chung bằng cái tên “định mệnh”.
- Nguyễn Du – nhà thơ nhân đạo lỗi lạc:
Toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du dù bằng chữ Nôm hay chữ Hán đều toát lên một đặc điểm là sự quan tâm sâu sắc đối với thân phận con người. Điều đó thể hiện rõ nhất trong tác phẩm Truyện Kiều. Truyện Kiều ca ngợi tình yêu tự do, trong sáng, là giấc mơ về công lí và tự do nhưng chủ yếu tác phẩm là tiếng khóc đớn đau cho nhân phẩm và thân phận con người bị chà đạp, đặc biệt là người phụ nữ.
Câu thơ giản dị mà sâu sắc:
Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
là tiếng lòng nhà thơ dành cho những người phụ nữ tài hoa mệnh bạc trong xã hội đương thời. Từ đó, nhà thơ khái quát lên rằng đó không chỉ là “lời chung” cho thân phận của phụ nữ mà đã là lời chung của mọi kiếp người:
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.
Đọc Văn tế thập loại chúng sinh thì thấy trái tim nhân đạo của Nguyễn Du còn rộng mở tới mọi kiếp người trong xã hội.
Chủ nghĩa nhân đạo trong sáng tác của Nguyễn Du xuất phát từ tình thương yêu sâu sắc mà ông dành cho con người trong cuộc đời này. Có thể nói Nguyễn Du đã vượt qua một số ràng buộc của ý thức hệ phong kiến và tôn giáo để vươn tới khẳng định giá trị tự thân của con người. Đó là tư tưởng sâu sắc nhất mà ông đem lại cho văn học Việt Nam trong thời của ông.
3. Khái quát một số thành tựu cơ bản của Nguyễn Du về ngôn ngữ và thể loại văn học (lấy ví dụ trong các bài và đoạn trích Truyện Kiều đã học để minh hoạ).
Gợi ý: Nguyễn Du là một tác gia có vị trí hàng đầu trong lịch sử văn học dân tộc. Thơ chữ Hán vừa phản ánh thực tại, vừa ghi lại cảm xúc trước cuộc đời bằng lời lẽ giản dị mà tài hoa; thơ chữ Nôm với hai thể lục bát và song thất lục bát đạt đến trình độ mẫu mực cổ điển, đa ngôn ngữ văn học tiếng Việt lên một trình độ mới, sắc sảo và tinh luyện.
Kiệt tác Truyện Kiều được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, được đông đảo bạn đọc Việt Nam và thế giới mến mộ.