- Khi nền Nho học còn được coi trọng – ông đồ thường xuất hiện khi xuân về tết đến. Khổ thơ đầu gợi lại hình ảnh đã trở nên thân quen trong đời sống văn hóa của người Việt Nam trong hàng ngàn năm trước đây:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Ông đồ xuất hiện mỗi khi xuân sang tết đến, cùng với hoa đào, mực tàu, giấy đỏ, ông góp mặt vào cái không khí đông vui, náo nhiệt của phố phường. Từ “mỗi năm”, “lại” đã nhấn mạnh sự quen thuộc dường như không thể thiếu của ông đồ mỗi dịp Tết đến. Ông viết câu đối thuê, viết chữ để bán, nghĩa là cung cấp một thứ hàng hóa mỗi gia đình cần sắm vào ngày tết theo phong tục. Thời thế thay đổi, không còn dạy chữ nữa, ông đồ chỉ biết kiếm sống bằng tài thư pháp của mình mà thôi. Sự có mặt của ông thu hút mọi người:
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay
Chữ dùng trong hai câu thơ đầu rất chính xác. “Bao nhiêu” nghĩa là rất nhiều, “tấm tắc” là luôn miệng khen ngợi. Người ta tìm đến ông đồ không chỉ để thuê viết, mua chữ mà còn để ngắm, chiêm ngưỡng, thưởng thức tài nghệ của ông đồ. Lúc này, ông đồ trở thành trung tâm của sự chú ý, là đối tượng của sự ngưỡng mộ.
+ Nghệ thuật so sánh trong hai câu thơ cuối mang đến ấn tượng về vẻ đẹp trong nét chữ của ông đồ. Chữ Hán, chữ Nho qua bàn tay tài hoa của ông đồ đã trở nên đẹp, mềm mại, uyển chuyển, sang trọng như con chim phượng hoàng đang múa và rắn rỏi, mạnh mẽ, khí phách như con rồng bay trong mây.
+ Mặc dù được mọi người trọng vọng song việc viết câu đối thuê và phải bán chữ đã là bước thất thể của người theo nghiệp khoa bảng. Niềm vui đắt khách, đắt hàng dù sao cũng che khỏa nỗi buồn từ trong sâu thẳm và dù sao thì ông đồ vẫn còn sống được, tồn tại được bằng nghề của mình.
- Theo thời gian, theo quy luật biến thiên, xã hội tiến theo hướng văn minh, hiện đại, ông đồ dần trở thành “di tích tiều tụy, đáng thương của một thời tàn”:
+ Bắt đầu từ sự đối chiều còn – mất. Tất cả vẫn còn đấy, vẫn không gian ấy, vẫn xuân về tết đến với hoa đào nở, vẫn là ông đồ với mực tàu, giấy đỏ nhưng tất cả đã khác xưa, đã có sự đổi thay:
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu.
+ Câu thơ “Nhưng mỗi năm mỗi vắng – Người thuê viết nay đâu?”là một câu hỏi buồn, vang lên như một tiếng kêu thảng thốt, xót xa. Thời gian điểm ngược, người thuê viết trước đây bây giờ trở thành kẻ qua đường, ông đồ rơi vào tình cảnh ế hàng, mất khách như người nghệ sĩ đã hết thời, không còn được công chúng hân hoan chào đón...
+ Nỗi buồn tủi của ông lan sang những vật vô tri. Ngòi bút Vũ Đình Liên đã diễn tả sâu sắc, cảm động tâm trạng của ông đồ bằng nghệ thuật nhân hóa. Giấy đỏ không được đụng đến, không được viết lên, nằm phơi ra trở nên bẽ bàng, vô duyên, phai nhạt đi, không “thắm” lên được thành giấy đỏ buồn. Mực trong nghiên lâu không được mài, không được chấm, kết đọng lại như giọt lệ chứa đựng bao sầu tủi nên nghiên trở thành nghiên sầu.
Nỗi buồn tủi của ông đồ đã lan sang cả giấy mực, bút nghiên. Việc thổi buồn sầu vào giấy mực, nhà thơ đã mặc nhiên can thiệp vào số phận của ông đồ, thể hiện niềm xót thương vô hạn trước cái chết từ từ, không gì cứu vãn được của một lớp người, một kiếp người, của một nền văn hóa.
+ Nhưng không dừng lại ở đó, ,cuộc đời ngày một thêm đáng buồn. Cuối cùng rồi cũng đến lúc:
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
+ Ở đây có sự đối lập giữa cái không thay đổi và cái đã thay đổi. Ông đồ vẫn xuất hiện, kiên trì, cố gắng bám trụ lấy cuộc sống và vẫn muốn có mặt với cuộc đời nhưng cuộc đời thì đã quên hẳn ông, người ta lạnh lùng gạt ông ra khỏi cuộc sống hiện đại – một sự lãng quên tuyệt đối. Ông đồ trở nên lạc lõng, lẻ loi giữa phố đông, lòng ông trống vắng, sụp đổ; đất trời cũng lạnh lẽo, thê lương. Hai dòng thơ cuối của khổ thơ là một hình ảnh ẩn dụ, ngoại cảnh nhưng cũng là tâm cảnh, tết nhưng không có hoa đào mà lại có lá vàng, mưa bụi; nó phủ lên mặt giấy, lên vai người, cảnh đó thật mờ mịt, lạnh, buồn, vắng, u ám, tàn tạ làm tê tái lòng người. Tất cả dường như tạo nên một chiếc khăn tang phủ lên chiếc quan tài từ từ đưa ông đồ về miền quên lãng, ngay khi ông còn sống.
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ
Cũng đến lúc, nhà nho tài hoa, hiền lành nhưng “sinh bất phùng thời” đã bị xã hội hiện đại đào thải. Đào vẫn nở, xuân vẫn về nhưng chẳng còn ông đồ và mực tàu, giấy đỏ nữa. Năm ngoái thôi đã thành ngày xưa, thành dĩ vãng, thành muôn năm cũ. Ông đồ già đã trở thành “ông đồ xưa”, thành “người muôn năm cũ”, thành “hồn”. Kết cấu đầu cuối tương ứng của bài thơ đã làm nổi bật chủ đề, ông đồ cũng đã chới với, cố gắng giữa dòng đời nhưng vẫn bị xã hội buông rơi, bị xóa sổ hẳn và đã hoàn toàn vắng bóng.
+ Câu hỏi tu từ ở cuối bài – một câu hỏi không lời đáp thể hiện tâm trạng xót xa, cảm giác hụt hẫng của nhà thơ trước sự thăng trầm, dâu bể của cuộc đời. Nỗi ngậm ngùi, xót thương cho số phận của những ông đồ và niềm tiếc nuối trước sự mai một, lụi tàn của một nền văn hóa. Đây chính là biểu hiện của ngòi bút nhân văn, nhân đạo của nhà thơ Vũ Đình Liên.
* Nhà thơ xót thương cho ông đồ già bị lãng quên, thờ ơ, bị xô đẩy xa hoa đào, mùa xuân, xa mực tàu, giấy đỏ - xa cái đẹp, sự sống, bị rơi khỏi dòng chảy thời gian.
- Hai khổ thơ đầu khi xuân về, hoa đào nở, ông đồ viết chữ trong sự ngợi khen tấm tắc của mọi người, ngòi bút của tác giả cũng hân hoan, phấn chấn. Nhưng khi ông đồ ế khách thì từ giọng điệu, nhịp thơ ấy bị chi phối bởi tình cảm, cảm xúc của tác giả. Những câu thơ lắng đọng nỗi sầu thương như:
+ Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu.
+ Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
- Khi mọi người đã lãng quên ông đồ, ánh mắt nhà thơ vẫn đau đáu dõi theo: Ông đồ vẫn ngồi đấy - Qua đường không ai hay.
- Cảm xúc xót thương tỏa ra cả một lớp người:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ
Sự cảm thương đó là tấm lòng nhân đạo sâu sắc dành cho những cuộc đời, những số phận bất hạnh.