Lúc cuộc kháng chiến của cả dân tộc bùng lên, lòng yêu mến làng quê của ông Hai đã có những chuyển biến rõ rệt. Nếu trước kia, ông hãnh diện vì làng chợ Dầu giàu có, tươi đẹp, cái sinh phần của cụ Thượng tốt tươi, mới lạ, thì sau cách mạng tháng Tám, nhờ giác ngộ chính trị, ông lại tự hào về không khí cách mạng sôi nổi ở làng ông. Từ những buổi tập quân sự, những hố, những ụ, những giao thông hào chiến đấu, ông đã bộc lộ niềm sung sướng của mình truớc những sự thay đổi đó. Sự xuất hiện của những phòng thông tin, chòi phát thanh, đúng là cuộc đời, số phận ông thực sự gắn liền với những thăng trầm của làng Dầu yêu dấu của ông.Đối với ông Hai khi ấy, tình yêu làng mạc và tình yêu đất nước đã chan hoà làm một trong tình cảm và nhận thức của ông.
Những ngày đầu kháng chiến, ông luôn luôn tự hào về việc làng Dầu của mình đã tham gia vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc. Ngay bản thân ông cũng đã nhiệt tình cùng với mọi người đi đào đường, đắp ụ để cản giặc và ông tha thiết muốn ở lại làng để trực tiếp chiến đấu. Nhưng sau đó ông Hai phải theo vợ con tản cư đến một làng khác. Nỗi nhớ làng không nguôi, ở nơi tản cư, ông đã tin tức về kháng chiến. Không đọc được báo, ông đã tìm hỏi tin cho bằng được. Trước tin một em bé ở ban tuyên truyền xung phong dũng cảm cắm cờ lên Tháp Rùa; một anh trung đội trưởng giết được bảy tên giặc đã tự sát bằng quả lựu đạn cuối cùng, ông Hai cứ tấm tắc khen: “Khiếp thật! Tinh là những người giỏi cả”. Ngoài việc khâm phục những người anh hùng trong kháng chiến, ông Hai còn hả hê trước thất bại của địch: Chỗ này giết được tên Pháp với hai tên việt gian, chỗ kia phá đổ một xe tăng và một xe díp “ruột gan của lão cứ múa cả lên, vui quá”.
Nhưng không có gì đâu đớn, tủi nhục cho ông Hai bằng khi nghe một người đàn bà tản cư từ dưới xuôi lên nói: “Cả làng chúng nó (làng Dầu) việt gian theo Tây”, “Việt gian từ thằng chủ tịch mà đi cơ ông à!”, “cổ ông Hai cứ nghẹn lại, da mặt tê rân rân”. “Ông lặng đi tưởng như không bao giờ thở được”. Niềm tự hào bao lâu bỗng chốc tan tành, sụp đổ. Giá không yêu nơi sinh trưởng của mình, ông đâu cảm thấy đau đớn và nhục nhã đến thế. Ông vờ đứng lảng ra chỗ khác rồi đi thẳng, “cúi gằm mặt xuống mà đi”. Về đến nhà, “ông nằm vật ra giường”, nước mắt ông cứ tràn ra. Khi nhìn đàn con, chưa bao giờ ông đau đớn đến thế, nghĩ rằng: “Chúng nó là trẻ con làng việt gian đấy ư?”
Ông Hai căm ghét bọn phản bội làng, phản bội Tổ quốc. Nỗi đau đớn và nhục nhã và lo sợ của ông lên tới cao độ khi nghe tin nhân dân địa phương có người làng Dầu tản cư đến là họ tẩy chay dân làng ông, “đến đâu có người chợ Dầu người ta cũng đuổi như đuổi hủi”, ngay mụ chủ nhà cũng đã đuổi khéo vợ chồng, con cái ông ra khỏi nhà. Trước tình cảnh ấy, ông Hai bế tắc nhưng nhất định không chịu trở về làng: “Về làng là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ”. Cũng không thể đi đâu, ở đâu, người ta cũng đuổi người làng chợ Dầu của ông.