Có hai lối tạo hình đó là phong cách dân gian và hiện đại. Tạo hình theo lối dân gian chủ yếu là rối nước. Thuở xưa, khi múa rối mới nước ra đời, người nghệ nhân tạo hình thường thấy sao làm vậy và tưởng tượng theo ý thức hệ, từ đường nét mang dáng dấp kiến trúc đình làng, chất liệu sơn vẽ, màu sắc cho đến kiến trúc đơn sơ của Thủy đình. Mỹ thuật trong tạo hình con rối khi ấy được ứng dụng vào trò diễn, được thể hiện qua nghệ thuật biểu diễn một cách rất tự nhiên, mang tính kinh nghiệm chứ chưa có lý luận, chưa được nghiên cứu... và như đã được xã hội hoá từ nhiều thế kỷ trước bằng sự tự ra đời, sự tồn tại, tự mày mò và phát triển. Điều đó nói lên bản chất của nghệ thuật dân dã, nghệ thuật làng quê là tồn tại, trao truyền bằng kinh nghiệm và tri thức dân gian để dần tiến đến phôi thai của sự phát triển, trưởng thành của nghệ thuật múa rối hôm nay.