Hành tím gắn bó với người dân nơi đây từ lâu đời và là cây trồng chính, được bà con ưu ái phát triển bên cạnh các loại hoa màu khác. Năm 1966, hành tím được khuyến khích trồng thử tại Vĩnh Châu với tên gọi "củ hành đỏ".
Sau khi tỉnh Sóc Trăng tái lập (năm 1991), diện tích trồng hành tím của bà con tăng dần, trong đó, tập trung nhiều ở huyện Vĩnh Châu với đường bờ biển dài 43 km. Chất đất cát pha đặc biệt nơi đây khiến giống cây này thích nghi tốt hơn các loại hoa màu khác. Hiện, thị xã Vĩnh Châu có gần 6.000 ha trồng hành tím, tập trung ở các xã Vĩnh Hải, phường 1, phường 2, phường Vĩnh Phước, Lai Hoà.
Bà con Vĩnh Châu có nhiều bí quyết về canh tác, bảo quản và chế biến các sản phẩm từ hành. Ảnh: tuvanglobalgap.com.
Theo kinh nghiệm của bà con, loại nông sản này khá kén đất và không thích hợp với tiết trời mưa dầm hay nắng hạn kéo dài. Mùa hành ở Vĩnh Châu kéo dài từ vài tháng trước Tết Nguyên đán đến hết tháng 2, tháng 3 năm sau. Hàng năm, vào khoảng tháng 9 Âm lịch, người nông dân bắt đầu ra đồng xuống giống. Sau Tết, họ mới tiếp tục sản xuất vụ chính. Thời gian xuống giống đến khi thu hoạch là 2,5 - 3 tháng, tùy vào điều kiện thời tiết.
Hiện tại, năng suất trung bình của hành tím tại Vĩnh Châu đạt khoảng 14 - 15 tấn trên một ha. Giá bán trung bình dao động từ 15.000 đến 25.000 đồng một kg, có thời điểm lên đến 30.000 đồng một kg.
Nhờ chứa nhiều hoạt chất, tinh dầu có lợi cho sức khỏe và hương thơm cuốn hút, hành tím trở thành gia vị thường xuyên mà các bà nội trợ dùng trong ẩm thực. Ngoài ra, phần lá cây cũng được tận dụng để nêm nếm vào các món canh, xào hàng ngày, vừa đẹp mắt vừa thơm ngon.
Sau thu hoạch và sơ chế, hành tím sẽ theo chân tiểu thương đến thị trường tiêu thụ ở TP HCM và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những năm gần đây, hành tím Vĩnh Châu còn được xuất khẩu sang Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Thái Lan…