Được khởi dựng từ thế kỷ XI trên đất làng Đình Bảng (Tiên Sơn, Bắc Ninh), Đền Đô (còn gọi là đền Cổ Pháp, đền Lý Bát Đế) là nơi thờ 8 vị vua nhà Lý. Không chỉ có ý nghĩa về lịch sử, đây còn là điểm du lịch thú vị…
Đền Đô thuộc làng Đình Bảng, xã Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đền là nơi thờ 8 vị vua nhà Lý: Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009 – 1028); Lý Thái Tông (1028 – 1054); Lý Thánh Tông (1054 – 1072); Lý Nhân Tông (1072 – 1128); Lý Thần Tông (1128 – 1138); Lý Anh Tông (1138 – 1175); Lý Cao Tông (1175 – 1210) và Lý Huệ Tông (1210 – 1224).
Đền Đô – còn gọi là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế, đền được xây dựng vào thế kỷ 11 (1030), trên khu đất phía đông nam Hương Cổ Pháp, Châu Cổ Pháp (làng Đình Bảng). Theo Thiền sư Lý Vạn Hạnh khu đất này là nơi hội tụ của thiên khí, nơi có thế 8 đầu rồng chầu về. Tương truyền, xưa kia phía trước cửa đền là một khu rừng Báng, có dòng Tiêu Tương uốn khúc chảy qua.
Khi vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010), tại đây, nhà vua đã dừng thuyền rồng để đi thăm các bậc kỳ lão, yết lăng Thái Hậu và đo vài mươi dặm đất làm “Sơn Lăng cấm địa”. Dân làng Đình Bảng đã xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua. Đình được xây trên nền đất.
Khi vua Lý Công Uẩn băng hà (1028), Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, Ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn đây làm nơi thờ tự vua cha. Cũng từ đó đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.
Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, đền Đô đều được quan tâm tu sửa và mở rộng, đặc biệt, đền được mở rộng nhất vào thế kỷ 17 (1602) với quy mô của 21 hạng mục công trình. Kiến trúc của đền có sự kế thừa phong cách cung đình và phong cách dân gian, tổng thể kiến trúc được kết hợp hài hoà, chạm khắc tinh xảo, thể hiện một công trình kiến trúc bề thế vững chắc nhưng không cứng nhắc trong khung cảnh thiên nhiên.
Năm 1952, đền Đô bị giặc Pháp chiếm và phá huỷ hoàn toàn. Từ năm 1989 trở lại đây, Đền Đô đã từng bước được khôi phục, tìm lại dáng vẻ xưa của đợt trùng tu, mở rộng đền năm 1602 với các hạng mục công trình như: Nhà Hậu cung (80m²), nhà chuyền Bồng (80m²), nhà Kiệu (130m²), nhà để Ngựa (130m²), Thuỷ đình, Phương đình…
Tổng thể kiến trúc di tích đền Đô như sau:
Đền Đô có diện tích 31.250m², gồm 21 hạng mục công trình lớn nhỏ. Trung tâm là điện thờ, nơi đặt bài vị và tượng của Tám vị vua nhà Lý, xung quanh có nhà chuyền Bồng, nhà Tiền tế, nhà Phương Đình, nhà để kiệu, nhà để ngựa, nhà Thuỷ Đình… Kiến trúc Đền đô được chia làm hai khu vực nội thành và ngoại thành.
Khu vực nội thành có diện tích 4.320m² , bố trí theo kiểu “Nội công ngoại quốc” bao quanh là tường gạch cao 3m, rộng 1m (hai bên xây gạch, ở giữa đổ đất) có hai cửa ra vào. Nội thành được chia thành Nội thất và Ngoại thất.
Nội thất bao gồm các công trình: Nhà Hậu cung- nơi đặt ngai và bài vị thờ 8 vị vua nhà Lý. Nhà Chuyền Bồng có kiến trúc chồng diêm 8 mái, các đầu đao uốn cong mềm mại. Ngoài ra còn có nhà để bia, nhà để ngựa,, nhà tiền tế, nhà để kiệu,… Phía trước, bên trái Chính điện là đền vua Bà (đền Rồng) là nơi thờ Lý Chiêu Hoàng. tất cả đều được xây dựng công phu, đắp, chạm khắc tinh xảo.
Bước qua Ngũ Long Môn (cổng tam quan với năm hình rồng chạm đá tinh xảo) là một sân rộng, nơi đặt lư hương hướng vào nhà phương đình bày hương án với đôi voi đá cỡ lớn chầu trung tâm.
Tiếp giáp với phương đình là nhà tiền tế – nơi diễn ra các đại lễ long trọng đồng thời cũng là nơi trưng bày chiêng trống, đồ tế khí, nghi trượng …
Với một cảnh quan rộng lớn, được chia thành các biệt khu, đền Đô mang lại cho khách hành hương nhiều cảm giác khác nhau: đại điện hoành tráng, hậu cung trang nghiêm, thủy đình thư thái, văn bia tịch mịch. Xen lẫn trong gió là mùi hương trầm ấm áp, hương ngọc lan thoang thoảng, đưa ta vào cõi suy tưởng về một triều đại anh hùng với những võ công văn trị kiệt xuất với tư tưởng Phật giáo từ bi.
Ngoài những giá trị văn hóa, lịch sử, đền Đô là một công trình kiến trúc đặc sắc với nghệ thuật điêu khắc đá (rồng, voi, ngựa, lân), điêu khắc gỗ (lân, chạm lộng hình rồng, họa tiết trang trí), tạc tượng thờ và xây dựng (hệ thống cột trụ, mái đao) đều đạt ở mức tinh xảo.
Nhà tiền tế rộng 7 gian (220m2) có điện thờ vua Lý Thái Tổ. Phía bên trái điện thờ có treo tấm bảng ghi lại “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ với 214 chữ, ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý. Phía bên phải có treo tấm bảng ghi bài thơ nổi tiếng Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt.
Cổ Pháp điện gồm 7 gian, rộng 180m2 là nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng của 8 vị vua nhà Lý. Gian giữa là nơi thờ Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông; ba gian bên phải lần lượt thờ Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông; ba gian bên trái lần lượt thờ Lý Anh Tông, Lý Huệ Tông và Lý Cao Tông.
Ngoại thất gồm nhà vuông, kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái, 8 đầu đao cong vút mềm mại. Khu vực này có nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách và đền vua bà (thờ các hoàng thái hậu triều Lý).
Thủy đình dựng trên hồ bán nguyệt, rộng 5 gian, có kiến trúc chồng diêm 8 mái, 8 đao cong. Đây là nơi để các chức sắc ngày trước ngồi xem biểu diễn rối nước. Thủy đình đền Đô xưa đã được Ngân hàng Đông Dương thời thuộc Pháp chọn làm hình ảnh tiêu biểu in trên tờ giấy bạc 5 đồng.
Đền Đô với kiến trúc độc đáo mang tính giá trị nghệ thuật, cảnh trí hữu tình và mang trong mình một giá trị lịch sử văn hoá đậm nét của Vương Triều Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Đền Đô xứng đáng với lời ngợi ca:
“Đền Đô kiến trúc tuyệt vời
Thăng Long đẹp nhất, đẹp người ngàn năm”
Đền Đô từ xưa đã là công trình Quốc gia, nơi tưởng niệm và phụng thờ của toàn dân đối với các vị vua nhà Lý. Lễ hội đền Đô được tổ chức hàng năm vào ngày 15 – 17 tháng 3 âm lịch, kỷ niệm ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang (15 tháng 3 năm Canh Tuất – 1010).
Đền Đô – Đình Bảng cũng là nơi chứng kiến hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ khi dải mây rồng vàng ở phía Thăng Long – Hà Nội bay về rồi tản ra đúng lúc dân làng Đình Bảng bắt đầu lễ rước “Linh bài Lý Thái Tổ và Chiếu dời đô ra Thăng Long” theo nghi lễ cổ truyền.
____
Hơn bất cứ đâu trên đất nước ta, ở Đình Bảng là nơi duy nhất, còn lưu lại đậm đặc hơn cả những kỷ niệm về vương triều Lý – một vương triều nổi tiếng văn minh – mở đầu kỷ nguyên Đại Việt.
Trải ngót thiên niên kỷ qua, với bao thăng trầm, chịu biết bao sự phá hoại của thiên nhiên và chiến tranh, song trên quê hương Đình Bảng – những kỷ niệm về nhà Lý – nhất là về các vua triều Lý vẫn không bị phai mờ. Ngày nay, nếu có dịp trở lại miền quê này, ta vẫn bắt gặp những di tích, di vật, những câu chuyện kể, các hoạt động tâm linh tín ngưỡng, các sinh hoạt văn hóa v.v… tất cả đều hiện lên một vương triều Lý với những ông vua có những việc làm đều thấm nhuần truyền thống văn hóa dân tộc với chỗ dựa tinh thần tư tưởng là Phật giáo. Những kỷ niệm về vương triều Lý đã được nhân dân Đình Bảng bảo vệ, giữ gìn, tu bổ, tôn tạo để đến hôm nay, còn lại một quần thể di tích, một số lượng lớn tài liệu, cổ vật, giúp mọi người trở về với cội nguồn, với một vương triều vàng son và giai đoạn lịch sử rực rỡ của dân tộc.
Đền Đô, có tên là Cổ Pháp Điện, nơi thờ tám vị vua nhà Lý, nên cũng gọi là Lý Bát Đế. Đền được xây dựng từ lâu, truyền rằng, trên khu đất phát tích – nơi Lý Công Uẩn sau khi đăng quang, đã trở lại quê nhà gặp gỡ dân làng, ông phát tiền, lụa cho các cụ già và những người nghèo khó. Đền liên tục được tu bổ và mở rộng vào nhiều thời, song lần xây dựng lớn nhất là vào triều Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII), với kiểu “nội công, ngoại quốc”, xung quanh có “tường thành” vây bọc. Căn cứ vào những dấu tích và các nguồn tài liệu, cho phép hình dung di tích đền Đô như sau:
Khu di tích này ở phía đông nam làng Đình Bảng, trên khu đất cao, rộng, phẳng, sát đầu xóm Thượng. Đền và các lăng vua Lý được các triều đại phong kiến Việt Nam coi trọng, trở thành khu “sơn lăng cấm địa”, trong đó, đền Đô được xây dựng rất quy mô, gồm các công trình:
Khu vực nội thành: Kiến trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, bao quanh có tường gạch cao 3m, rộng 1m (hai bên xây gạch, giữa đổ đất), ra vào theo hai cửa. Nội thành chia làm hai khu: nội thất và ngoại thất.
Nội thất gồm các công trình: nhà hậu cung đặt ngai thờ và bài vị tám vua Lý; hà Truyền bồng kiến trúc theo kiểu chồng diêm 8 mái, 8 đao cong mềm mại; nhà tiền tế, nhà bia, nhà kiệu, nhà ngựa ở hai bên
Ngoại thất gồm nhà vuông, kiến trúc chồng diêm 8 mái, 8 đao cong mềm mại, nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách, đền Vua Bà (tức đền thờ Lý Chiêu Hoàng). Giữa khu ngoại thất là 5 cửa rồng có đường lát đá xanh đi thẳng lên nhà vuông kiến trúc theo lối 4 mái, 4 đao cong mềm mại. Nối từ hai bên 5 cửa rồng tới đầu hồi nhà khách là bức tường xây gạch kiên cố, chỉ để hai cửa ở hai bên nhà rồng.
Khu vực ngoại thành: Sát với tường thành ở hai đầu hồi nhà khách, mỗi bên có bốn gian nhà kiệu. Từ 5 cửa rồng đi thẳng tới sát bờ hồ bán nguyệt là nhà thủy tọa 5 gian, giữa hồ bán nguyệt là nhà rối kiến trúc theo kiểu chồng diêm 8 mái, 8 đao cong. Phía ngoài cùng, bên hồ bán nguyệt là nhà bia. Rồi hai bên giữa nội thành và ngoại thành là nhà văn chỉ bên trái, nhà võ chỉ bên phải.
Đền Đô là trung tâm thờ các vua Lý với các nghi thức rất trọng thể trong các dịp tiết lễ hàng năm, kỷ niệm ngày mất của các vị vua. Đặc biệt lễ hội đền Đô vào các ngày 15 – 17/3 âm lịch, nhằm kỷ niệm ngày Lý Công Uẩn đăng quang là ngày hội lớn mang tính chất quốc gia, cuốn hút hàng vạn khách hành hương, thể hiện lòng thành kính của người dân Việt đối với các vua Lý. Đền Đô là nơi lưu giữ nhiều cổ vật quý, nhiều tài liệu lịch sử quan trọng, và các công trình của Đền Đô xưa thực sự là những công trình kiến trúc nghệ thuật đồ sộ và độc đáo, trở thành di sản văn hóa quý giá của dân tộc ta. Đặc biệt là văn bia “Cổ Pháp Điện tạo bi” của Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan, được khắc vào năm 1602, nhân việc nhà Lê cho trùng tu lại Đền Đô. Qua nội dung văn bia, cho thấy công đức to lớn của triều Lý, truyền thống quý giá và đạo lý cao đẹp của dân tộc ta: “Uống nước nhớ nguồn” luôn trân trọng, quý giữ và phát huy truyền thống quý báu của nhà Lý.
“….Thánh hiền nối tiếp 8 đời vua, làm chủ hết muôn phương trong nước, nối ngôi trường cửu 216 năm, được lòng dân trong nước… Đắp thành Thăng Long, định chỗ ở là nơi trung tâm của đất nước, ngày nay, nhìn lại lịch sử việc tiền trị gia, hậu trị quốc, việc dựng lại triều chính, các việc lớn đều là mẫu mực của chính thể triều Lý…Dẫu thời vận đã hết, công đức ấy phải duy trì. Công đức triều Lý Bát Đế người nước Nam đời đời ghi nhớ. Dân nước nam ghi công đức to lớn ấy phải dựng lại miếu đền thờ cúng, xuân thu tứ thời bát tiết lộc hưởng muôn đời, toàn dân trong thiên hạ tôn kính báo đền công đức triều Lý…” Dẫu thời vận đã hết, công đức ấy phải duy trì. Công đức triều Lý Bát Đế người nước Nam đời đời ghi nhớ. Dân nước Nam ghi công đức to lớn ấy phải dựng lại miếu đền thờ cúng, xuân thu tứ thời bát tiết lộc hưởng muôn đời, toàn dân trong thiên hạ tôn kính báo đến công đức triều Lý…”
Hệ thống các lăng mộ vua Lý: Trong khu “sơn lăng cấm địa”, ngoài khu đền Đô, là hệ thống các lăng mộ các vua nhà Lý và các thân tộc nhà Lý. Các lăng này nằm ở khu cánh đồng, truyền rằng trên đất địa linh. Hệ thống lăng mộ gồm:
– Lăng Lý Thái Tổ – tức lăng Đồng Chảo
– Lăng Lý Thái Tông – tức lăng Cả
– Lăng Lý Thánh Tông – tức lăng hai
– Lăng Lý Nhân Tông – tức lăng Con Voi
– Lăng Lý Thần Tông
– Lăng Lý Anh Tông – tức lăng Dưỡng Thuần
– Lăng Lý Cao Tông – tức lăng Thủ Sơn
– Lăng Lý Thánh Mẫu – tức lăng phát tích
– Lăng Lý Huệ Tông
– Lăng Lý Chiêu Hoàng
– Lăng Nguyên Phi Ỷ Lan – tức lăng Cây Dâu
– Tháp mộ Lý Khánh Văn
– Lăng Cô Tiên
Các lăng mộ đều được xây cất chu đáo, cây cối âm u đầy vẻ linh thiêng và trước đây đều được trông nom cẩn thận.
Hệ thống đền chùa: Vốn gắn bó với nhà chùa và tôn sùng đạo Phật, những kỷ niệm về nhà Lý và các vị vua triều Lý luôn luôn in đậm ở các di tích đền chùa.
Chùa Dận: tên chữ là chùa Ứng Tâm – nơi tu hành của các nhà sư Lý khánh Văn. Truyền rằng, chùa này cũng là nơi Lý Thánh Mẫu đã sinh Lý Công Uẩn và đã được Lý Khánh Văn nuôi dưỡng tại đây từ khi còn thơ ấu. Vì vậy, chùa có tên nôm là chùa Dận(tức nơi Lý Thánh Mẫu rặn đẻ). Và cũng vì vậy mà chùa là nơi thời Lý Khánh Văn và Lý Thánh Mẫu.
Chùa Kim Đài: Vốn là nơi thờ Phật, nhưng từ khi chùa Dận bị phá trong kháng chiến chống Pháp, thì chùa Kim Đài cũng là nơi thờ Lý Khánh Văn và lý Thánh Mẫu.
Đền Rồng: Nơi thờ Lý Chiêu Hoàng.
Hồ Chủ tịch và nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhiều lần tới thăm Đền Đô và làng quê Đình Bảng.
Đền Đô bị chiến tranh phá hủy năm 1952. Thời gian qua, nhân dân Đình Bảng đã tiến hành tu dựng lại các công trình, làm cho Đền Đô xứng đáng là nơi tôn thờ của nhân dân cả nước đối với công đức của các vị vua nhà Lý.
Lễ hội Đền Đô tổ chức hàng năm vào ngày 15 – 17/3 âm lịch, kỷ niệm Lý Thái Tổ đăng quang (ngày 15/3 Canh Tuất – 1010).
Di tích lịch sử đền Đô đã được Nhà nước công nhận là di tích Lịch sử – Văn hóa.