(2)
Tranh “Chợ quê” là tranh xuất phát từ Hàng Trống (Thọ Xương, Hà Nội) thuộc đề tài tranh sinh hoạt và vui chơi, phản ánh chân thực cảnh sinh hoạt của nông thôn Việt Nam thời bấy giờ.
Tranh có bố cục hài hòa, dàn trải khắp mặt tranh, miêu tả cảnh hợp chợ của người dân ở một vùng nông thôn sầm uất, nhộn nhịp. Chợ là gương mặt kinh tế của xã hội. Tuy vậy, chợ quê khác chợ thành phố. Chợ quê Việt nam ngày xưa mang nhiều sắc thái văn hóa, vì ngoài việc mua bán thì đây còn là nơi gặp gỡ, hẹn hò của mọi người. Tại đây, có đủ các hàng quán, ngành nghề và các tầng lớp xã hội khác nhau. Đối với những người Việt Nam, những phiên chợ xưa là một phần trong đời sống văn hóa. Chợ quê là một cái gì đó gần gũi đến thân thương, nó đi vào tiềm thức của những người dân quê với những hình ảnh hết sức mộc mạc, thân quen và cũng rất tự nhiên như tâm hồn, bản tính người Việt… Chợ quê chính là nơi lưu giữ những nét văn hóa, tục lệ của người dân nơi đó.
Trong tranh “Chợ quê” chúng ta thấy chợ được tọa lạc trên một mảnh đất rộng. Nó được nằm ở vị trí trung tâm của làng. Người mua và người bán thường là người trong làng hoặc làng xung quanh. Người trong chợ có đủ mọi thành phần. Nam nữ, già trẻ, bình dân, thị dân, nông dân, trí thức…sản phẩm bán ở chợ cũng đa dạng, đó đều là “cây nhà, lá vườn”.
Tranh “Chợ quê’ cho thấy tính chất mộc bản cổ truyền là nghệ thuật dân gian không có theo luật viễn cận. Hàng hóa đủ thứ cùng người mua, kẻ bán xa gần bằng nhau. Tranh cho ta cảm giác ta đang đứng trước từng gian hàng và hòa mình cùng những người dân đang tham gia buổi chợ.
Các nhân vật trong tranh mỗi người một vẻ, một trạng thái tình cảm, từ hoạt động của người dân lam lũ đến những người giàu có, từ người mua đến kẻ bán, đều được diễn tả một cách sinh động, đơn giản mà gần gũi.
Nét vẽ thanh mảnh, tinh tế, cách diễn tả nhân vật có thần thái cùng với màu sắc tươi nguyên, ưa nhìn của sản phẩm nhuộm vừa tạo nên sự dân dã, quen thuộc, vừa tạo nên một phong cách hiện đại cho bức tranh.