Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Tìm hiểu về khu di tích lịch sử đền mẫu Âu Cơ

Tìm hiểu về khu di tích lịch sử đền mẫu âu cơ
-đ ịa điểm
-khu di tích đó gắn liền với sự kiện nào
-sự phát triển 
-lễ hội chính
3 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
1.323
2
0
Cô Pé Thiên Yết
26/03/2018 20:04:23
Nằm trên vùng đất địa linh nhân kiệt, xã Hiền Lương (Hạ Hoà, Phú Thọ), Đền Mẫu Âu Cơ là một công trình lịch sử văn hoá đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Hình tượng mẹ Âu Cơ sinh ra con Lạc cháu Hồng nước Việt trong một bọc trăm trứng đã trở thành hình tượng bất hủ sống mãi trong tư tưởng tình cảm và tâm trí của các thế hệ người Việt Nam.
Tục truyền rằng khi Ngọc Nương phu nhân sinh nàng Âu Cơ thấy có mây lành che chở, hương thơm toả ngát khắp nơi, là điềm “Tiên nữ giáng trần”. Nàng Âu Cơ rất xinh đẹp, “So hoa hoa biết nói, so ngọc, ngọc ngát hương”, chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo, tinh thông âm luật "khác nào bà Tương phi khéo léo, hệt tựa nàng Lộng Ngọc tài cao"
Sau khi kết duyên, Lạc Long Quân đưa Âu Cơ từ động Lăng Xương về núi Nghĩa Lĩnh, Âu Cơ trở dạ sinh được một bọc trăm trứng nở thành một trăm người con. Khi các con lớn lên Lạc Long Quân nói với bà Âu Cơ “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thuỷ hoả khó mà hoà hợp ...bèn chia 50 người con theo mẹ lên núi, 50 người con theo cha xuống biển để lưu truyền đựơc lâu dài, về sau tất cả các con đều hoá thần”. Trong 50 người con theo mẹ thì người con đầu lên nối ngôi vua, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đặt tên là nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời vua Hùng, trị vì đất nước trong 2621 năm (Từ năm Nhâm Tuất 2879 đến năm 258 TCN).
Bà Âu Cơ cùng các con đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Trên con đường dài muôn dặm đó, một ngày kia Người đến trang Hiền Lương, quận Hạ Hoa, trấn Sơn Tây.Thấy phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, có núi cao đồng rộng, sông dài, có hồ nước trong xanh bát ngát, cỏ cây hoa lá tốt tươi, cá chim muông thú dồi dào. Người cho khai hoang lập ấp, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Giếng Loan, giếng Phượng, gò Thị, gò Cây Dâu...là những cái tên từ thủa xa xưa đến nay vẫn còn đọng mãi trong ký ức người dân nơi đây.
Khi trang ấp đã ổn định, người lại cùng các con lên đường đến các vùng đất mới. Đến khi giang sơn đã thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng, Người lại trở về với Hiền Lương, nơi người đã chọn để gắn bó cuộc đời của mình. Tương truyền ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, bà Âu Cơ cùng bầy tiên nữ bay về trời để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa, ở đó nhân dân đã dựng lên một ngôi miếu thờ phụng, đời đời hương khói.
Nghi thức tế Nữ quan Đền Tổ Mẫu Âu Cơ Để tri ơn công đức Tổ Mẫu Âu Cơ và giáo dục truyền thống dân tộc, cách đây hơn 500 năm, thế kỷ thứ XV thời hậu Lê, vua Lê Thánh Tông đã phong thần và cho xây dựng Đền Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương - huyện Hạ Hoà; Đền Mẫu Âu Cơ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia năm 1991.
Ngày lễ chính của Đền Âu Cơ là ngày “Tiên giáng” mùng bảy tháng giêng, ngoài ra trong năm còn có các ngày lễ khác là ngày 10-11 tháng 2, ngày 12 tháng 3, ngày 13 tháng 8, ngày “Tiên thăng” 25 tháng Chạp. Nhân dân trong vùng từ già, trẻ, gái, trai ai cũmg thuộc câu ca:
Mồng bảy trong tiết tháng giêng
Dân Hiền tế lễ trống chiêng vang trời...
Nghi lễ của ngày hội: Vào sáng sớm mồng 7 tháng giêng tổ chức lễ tế Thành Hoàng ở Đình, đây là đội tế toàn nam giới; Đến giờ Thìn (từ 7 đến 9 giờ) đoàn rước kiệu từ Đình Đức Ông vào đến sân Đền, phường Bát âm chỉ dùng Đàn, Sáo, Nhị, Trống, phách....Lễ vật dâng Mẫu bao gồm: cỗ chay, ngũ quả, tiền giấy ngũ sắc ...Đội tế nữ gồm 12 cô gái thanh tân có nhan sắc và học vấn, mặc áo dài với các mầu sặc sỡ và tế theo nghi lễ truyền thống.
Huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ và bọc trăm trứng nhằm tôn vinh nòi giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam. Hình tượng vĩ đại ấy là kết tinh của những cốt lõi lịch sử, mang đậm tính nhân văn sâu sắc, là đặc trưng văn hoá thể hiện bản sắc của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó đã thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc, được người Việt Nam qua các thời đại luôn hun đúc và thể hiện bản lĩnh kiên cường, tình yêu nước nồng nàn, luôn kề vai sát cánh, đoàn kết bên nhau với ý thức cùng chung nguồn cội “đồng bào”, dũng cảm đấu tranh với thiên nhiên, với mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ và xây đắp nên Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp.
Dẫu vật đổi sao dời, dẫu thời gian có biến thiên, không gian có xoay vòng thì từ bao đời nay, truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" vẫn chảy mãi trong tình mỗi người con đất Việt. Miếng cơm hôm nay bắt nguồn từ cây lúa ngày xưa mẹ Âu Cơ dạy ta cày cấy, áo quần ta mặc cũng từ cây dâu, con tằm Mẹ dạy ta trồng. Biết ơn tổ tiên, nhớ về cội nguồn dân tộc là đạo đức, tình cảm là lẽ sống, là đạo lý mà ông cha đời đời căn dặn con cháu. Đó cũng là sức mạnh để dòng giống Lạc Hồng quyết tâm bảo về giang sơn tổ tiên để lại, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn thịnh và phát triển.
Hàng trăm năm qua, người dân Hạ Hòa cùng con, cháu thập phương luôn thành tâm dâng hương kính lễ Tổ Mẫu Âu Cơ. Trong những năm gần đây; được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự thành tâm công đức của các tổ chức, cá nhân; khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ đã từng bước được tôn tạo, tu bổ để dần xứng với công ơn và tấm lòng độ lượng bao dung của Mẫu; xứng đáng là nơi hội tụ của con cháu từ khắp mọi miền đất nước tìm về cội nguồn dòng giống Tiên Rồng.
Hướng về và thành kính tri ân công đức Tổ tiên; được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, đặc biệt là của Tỉnh uỷ - HĐND - UBND tỉnh Phú Thọ; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hạ Hoà đã đoàn kết thống nhất; cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh, ra sức phấn đấu thi đua thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực Kinh tế - Xã hội theo Nghị quyết đại hội đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII và nghị quyết đại hội đảng bộ huyện Hạ Hoà lần thứ XXII đề ra.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Cô Pé Thiên Yết
26/03/2018 20:05:15
NDĐT - Từ xa xưa, thờ Mẫu đã trở thành nét đẹp tiêu biểu trong văn hóa của người Việt. Nhiều nhà sử học cho rằng, mỹ tục này xuất phát từ mảnh đất Hiền Lương (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), nơi có đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ.
Lịch sử của ngôi đền huyền thoại
Dưới tán lá sum suê của cây đa cổ thụ, không biết bao nhiêu thế hệ con cháu Lạc Hồng đã từng dâng hương tỏ lòng thành kính với mẹ Âu Cơ và kể cho nhau nghe truyền thuyết về người mẹ vĩ đại của dân tộc.
Tục truyền rằng, ngày nàng Âu Cơ chào đời ở động Lăng Xương (nay thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) có mây lành che chở, hương thơm tỏa ngát khắp không gian. Lớn lên, nàng xinh đẹp, thông minh hơn người, chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo, lại tinh thông âm luật. Sau khi kết duyên với Lạc Long Quân – con trai của Kinh Dương Vương, nàng Âu Cơ sinh hạ một bọc trứng, nở thành một trăm người con. Một ngày, thấy các con đã lớn khôn, Lạc Long Quân nói với mẹ Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, tuy khí âm dương hợp lại mà thành trăm con, nhưng chung hợp thật khó vì dòng giống bất đồng”. Nói xong, Lạc Long Quân dẫn 50 con xuống biển.
Mẹ Âu Cơ đưa 50 con lên non, đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, khai phá rừng hoang. Một ngày, đi qua Hiền Lương, nơi có núi cao, đồng rộng, sông dài, Mẹ liền cho khai hoang, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Khi trang ấp đã tươi đẹp, Mẹ vội vã đi đến vùng đất mới. Sau này, mẹ Âu Cơ trở về Hiền Lương, gắn bó suốt phần đời còn lại với nơi này. Ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, mẹ Âu Cơ bay về trời, để lại dưới gốc đa dải yếm lụa. Ở đó, nhân dân đã dựng lên ngôi miếu thờ phụng, đời đời tưởng nhớ Quốc Mẫu.
Tượng Mẫu Âu Cơ được tạo tác vào thời Lê.
Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ chính thức được xây dựng dưới triều vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497). Thần tích của đền ghi lại rằng, ngôi đền nằm ẩn dưới gốc đa cổ thụ, mặt quay về hướng chính nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư, sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc. Trải qua hơn năm thế kỷ, đền Mẫu xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1998, Đảng bộ và nhân dân Hiền Lương tiến hành trùng tu ngôi đền.
Ngôi đền không rộng lớn, đồ sộ nhưng lại được đánh giá cao về mặt nghệ thuật. Khách tham quan có thể tìm thấy ở đây nhiều di vật như tượng Tổ Mẫu Âu Cơ, tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn hay các bức chạm tinh tế trên cửa võng, xà ngang, diềm chung quanh cửa thượng cung. Hiện nay, đền chính có bố cục theo kiểu chữ Đinh với ba gian hậu cung và năm gian đại bái.
Đền thờ Mẫu Âu Cơ kết hợp với chùa Linh Phúc tạo thành một quần thể di tích có sức hút đặc biệt với du khách thập phương. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ cho biết: “Được sự đồng ý của chính quyền, chúng tôi đang nhanh chóng khôi phục đình thờ Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn (người con thứ hai của Mẫu) nằm cách đền Mẫu 500m về phía đông để đáp ứng nhu cầu tham quan, tín ngưỡng của nhân dân”.
Con cháu Lạc Hồng hướng về cội nguồn
“Mồng bảy trong tiết tháng giêng
Dân Hiền tế lễ trống chiêng vang trời...”
Như một thói quen đã ngấm vào máu thịt, mùa xuân đến cũng là lúc nhân dân Hiền Lương rục rịch tập tế nam, tế nữ, rước kiệu, chuẩn bị lễ vật,... cho ngày “Tiên giáng”. Còn hàng triệu đồng bào ta ở mọi miền đất nước ùn ùn hành hương về đất Tổ, cúi lạy anh linh mẹ Âu Cơ và hòa mình vào không khí nhộn nhịp của mùa lễ hội.
Sáng sớm mùng bảy tháng giêng, lễ hội đền Mẫu được mở đầu bằng lễ tế Thành Hoàng ở đình, đội tế toàn nam giới. Sau đó, tám cô gái mặc đồng phục sẽ uyển chuyển rước một cỗ kiệu bát cống sơn son thiếp vàng theo nhịp trống từ đình vào đền. Đi đầu đám rước là những lá cờ thần, sau kiệu là những vị chức sắc mặc áo dài khăn xếp, rồi đến người đi trảy hội.
Có nhiều ý kiến cho rằng, điểm thu hút nhất của lễ hội nằm ở lễ tế nữ do 12 cô gái thanh tân, có nhan sắc và học vấn thực hiện. Các thiếu nữ đều mặc áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa, riêng chủ tế mặc trang phục hoàn toàn mầu đỏ. Sau khi lễ tế nữ kết thúc, các trò chơi dân tộc như đu tiên, cờ người, chọi gà, tổ tôm điếm có thưởng sẽ được tổ chức ở ngoài sân đền.
Lễ vật dâng lên Mẫu không quá cầu kỳ, đều là cỗ chay, ngũ quả, tiền giấy,... Trong đó có một thứ bánh truyền thống của người Hiền Lương, làm từ bột nếp hảo hạng và mật ong, được nhào kỹ thành hình trụ tròn, rồi cắt thành từng đoạn như đốt tre hấp chín. 100 cầu bánh ngọt tượng trưng cho lễ vật của 100 người con dâng lên mẹ.
Bên cạnh ngày lễ chính “Tiên giáng” mùng bảy tháng giêng, trong năm còn có ngày “Tiên thăng” 25 tháng chạp, ngày 10 – 11 tháng hai, ngày 12 tháng ba, ngày 13 tháng tám âm lịch.
Lễ tế nữ.
Khách thập phương đến tận hưởng mùa lễ hội rộn rã trên đất thiêng, có người dù chưa từng gặp mặt, biết tên, nhưng vẫn trao nhau nụ cười thân thiện, ánh mắt trìu mến. Có lẽ, ngôi đền cổ kính nằm khiêm nhường bên gốc đa mấy trăm năm tuổi đã làm sống dậy trong trái tim họ niềm tự hào về nòi giống Tiên Rồng và bọc trăm trứng huyền thoại, khiến người với người gần gũi nhau hơn.
Vào tháng giêng, tháng hai, khu di tích đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ có nhiều nét đẹp làm say lòng người. Còn vào những ngày chớm đông như bây giờ, đến thăm đền lại đem đến một cảm giác bình yên lạ thường! Không cờ hoa rực rỡ, không trống kèn vang trời, không tấp nập người qua lại, chỉ còn mùi hương trầm quyện với hương ngọc lan phả vào tiết trời se se lạnh của miền bắc. Dưới mái đền rêu phong, đưa tầm mắt ra xa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những ruộng ngô xanh non, núi Giác nằm uy nghiêm trong làn sương mờ ảo.
Trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy, hồn người trở về với sự thư thái, tĩnh lặng vốn có để lắng nghe lời thì thầm của sông núi. Rằng áo cơm, đất đai, biên cương ta có hôm nay đều do mẹ Âu Cơ cùng các con vun trồng, khai khẩn, giữ gìn. Khi thiên tai ập đến hay chiến tranh gian khổ, Mẹ vẫn luôn dang tay che chở, dẫn lối cho con cháu vượt qua sóng gió.
Ngày nay, đồng bào ta dù đi xa tới đâu, dù đang hạnh phúc hay hoạn nạn, vẫn có một nơi để trở về. Đó là nơi mẹ Âu Cơ đã để lại dải lụa đào rồi bay về trời. Hình ảnh người mẹ nhân từ của dân tộc vừa nhắc nhở mỗi chúng ta luôn khắc ghi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa tiếp thêm sức mạnh cho dòng giống Tiên Rồng giữ vững tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường để xây dựng và bảo vệ từng tấc đất tổ tiên truyền lại.
3
0
Nguyễn Nhật Thúy ...
26/03/2018 20:14:26
Tìm hiểu về khu di tích lịch sử đền mẫu âu cơ
- Địa điểm : Đền mẫu Âu Cơ là nơi thờ Mẹ Âu Cơ, được xây dựng từ thời Hậu Lê, nằm trên địa phận xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, Việt Nam.
-Khu di tích đó gắn liền với sự kiện nào
Để tri ơn công đức Tổ Mẫu Âu Cơ và giáo dục truyền thống dân tộc, cách đây hơn 500 năm, thế kỷ thứ XV thời hậu Lê, vua Lê Thánh Tông đã phong thần và cho xây dựng Đền Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương - huyện Hạ Hoà; Đền Mẫu Âu Cơ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia năm 1991.
Các ngày lễ khác trong năm: ngày 11-12 tháng Hai, ngày 12 tháng Ba, ngày 13 tháng Tám, ngày Tiên thăng 25 tháng Chạp

-Sự phát triển :
Đền Mẫu Âu Cơ có lần đã đến vùng đất khi đó là trang Hiền Lương, quận Hạ Hòa, trấn Sơn Tây và cho các con cháu khai hoang, lập ấp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Khi trang ấp ở Hiền Lương đã ổn định, phát triển, bà Âu Cơ lại cùng các con cháu đi khai phá các vùng đất mới. Sau này, bà đã quyết định trở về sống với Hiền Lương, nơi gắn bó nhất với cả cuộc đời bà. Tương truyền, ngày 25 tháng 12 năm Nhâm Thìn, Bà Âu Cơ cùng bày tiên nữ đã bay về trời để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa. Sau này, nhân dân trong vùng đã dựng lên một ngôi miếu thờ phụng, đời đời hương khói tưởng nhớ công ơn của bà đối với toàn dân tộc Việt Nam.
Dưới triều vua Lê Thánh Tông năm 1465, vua đã ra chiếu chỉ phong thần, cấp tiền, xây dựng thành Đền Mẫu Âu Cơ như ngày nay, giao cho nhân dân xã Hiền Lương thờ phụng. Thế kỷ 15, triều đình Hậu Lê đã phong sắc và cho xây dựng đền, thế kỷ 19 nhà Nguyễn một lần nữa lại phong sắc công nhận đền Mẫu Âu Cơ.

Ngày 3/8/1991, đền Mẫu Âu Cơ đã được Bộ Văn hóa – Thông tin nước CHXHCN Việt Nam cấp bằng công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Đền Mẫu Âu Cơ là một công trình nghệ thuật kiến trúc có giá trị cao với các kết cấu kiến trúc đền chùa cổ, các pho tượng quý như tượng Âu Cơ, tượng Đức Ông, các bức chạm quý và nhiều cổ vật vô giá. Khu vực đền là một mảnh đất hình chữ nhật có chiều dài khoảng 200m và chiều rộng khoảng 150m với tường cao bao quanh.

- Lễ hội chính
Ngày lễ chính của đền Mẫu Âu Cơ là ngày Tiên giáng mùng 7 tháng Giêng. Dân trong vùng từ lâu đã có câu ca lưu truyền: Mùng bảy trong tiết tháng Giêng, Dân Hiền lễ tế trống chiêng vang trời.... Lễ hội có lễ tế Thành Hoàng ở đình, rước kiệu từ đình vào đền, lễ dâng hương và lễ vật gồm 100 bánh ngọt, 100 phẩm oản, hoa quả. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày liên tục từ mùng 7-9 tháng Giêng. Ngoài đền diễn ra các trò chơi dân tộc như đu tiên, cờ người, chọi gà, tổ tôm… Ngày thứ ba là lễ rước kiệu từ đền trở về đình để kết thúc lễ hội chào mừng Tiên giáng.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Câu hỏi mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×