1.
Ở truyện ngắn Làng, nhà văn Kim Lân đã xây dựng một tình huống gây cấn, xung đột kịch liệt diễn ra trong nội tâm của nhân vật ông Hai. Từ đó làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và tinh thần yêu nước sâu đậm ở nhân vật ông. Tình huống khởi đầu từ việc ông Hai rất yêu và rất tự hào về làng chợ Dầu của mình, nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Có thể nói ông hai yêu cái làng chợ Dầu như máu thịt, như sinh mệnh của mình. Yêu làng và tự hào về làng, cho nên ông Hai nguyện sống gắn bó, tha thiết với nó đến hết cuộc đời. Cho đến khi đi tản cư, ông vẫn nhớ làng, khoe những cái tốt của làng mình với niềm tự hào sâu sắc. Đối với ông, làng chợ Dầu là cái duy nhất có ý nghĩa. Điều này cũng thật dễ hiểu bởi đối với con người nông dân Việt Nam, làng là nơi họ đã sinh ra, đã lớn lên với biết bao ân tình. Làng đã cho họ sự sống, niềm tin và hi vọng. Khi họ chết đi, làng đất cũng tiếp nhận họ trở về. Làng chính là một phần thiêng iêng mà mỗi con người luôn gìn giữ, dù đi đến nơi nào, họ cũng mang theo. Tình yêu làng của ông hai nó chứng minh một chân lí đó là hoàn cảnh có thể tách họ ra khỏi quê hương chứ không thể nào tách quê hương ra khỏi họ.