3. Thánh Gióng
Trong tâm thức dân gian và do sự lựa chọn tài tình của dân gian, Tứ bất tử (bốn vị Thánh bất tử), gồm: Đức Thánh Tản, Chử Đạo Tổ, Đức Thánh Gióng, Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh được suy tôn là biểu tượng của sự trường tồn, bất diệt của dân tộc, của đất nước từ thuở xa xưa cho tới ngày nay.
Truyền thuyết “Thánh Gióng” là tác phẩm lớn đầu tiên về đề tài giữ nước chống kẻ thù xâm lược, mở đầu cho dòng văn học yêu nước chống ngoại xâm. Yếu tố thần thoại, truyền thuyết dân gian, lịch sử đã được nhào nặn lại theo quan niệm và lý tưởng thẩm mỹ của nhân dân. Cái “lõi” lịch sử ở truyện Thánh Gióng đã được lý tưởng hóa với tâm tình thiết tha của nhân dân gửi gắm vào đó. Qua sự tích người anh hùng làng Phù Đổng, truyện Thánh Gióng đã phản ánh khá toàn diện và khái quát, sinh động và cụ thể cuộc chiến đấu hào hùng chống giặc Ân xâm lược trong thời kỳ Văn Lang. Đây là những trang sử chống xâm lược đầu tiên của dân tộc ta được ghi vào truyền thuyết không chỉ mang ý nghĩa biểu dương, ca ngợi mà còn tổng kết, lý giải nguyên nhân của chiến tranh và thắng lợi.
Thánh Gióng là sự khái quát hóa, hình tượng hóa và lý tưởng hóa toàn bộ quá trình sinh ra, lớn lên, chiến đấu và chiến thắng của đội quân chống xâm lược đầu tiên của Việt Nam ở thời kỳ Văn Lang. Thánh Gióng là nhân vật huyền thoại mà nhân dân muốn gửi gắm ý chí chiến đấu phi thường qua kỳ tích nhổ từng bụi tre “đằng ngà” (sau khi “gươm sắt” hoặc “roi sắt” bị gẫy) để tiếp tục truy kích và đánh tan giặc Ân.
Có thể nói, truyền thuyết Thánh Gióng đã có sự kết hợp giữa Nhà nước (tiêu biểu là vua Hùng) và nhân dân (tiêu biểu là Gióng và nhân dân làng Phù Đổng), giữa sức mạnh của con người và sức mạnh của vũ khí mà lòng yêu nước đã trở thành một truyền thống quý báu. Điều đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”. Tiếng rao của sứ giả là lời hiệu triệu của vua Hùng, là tiếng gọi của non sông khi quân thù tràn đến, khi Tổ quốc lâm nguy. Lực lượng chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc bình thường tiềm ẩn trong nhân dân (như chú bé làng Gióng nằm im không nói, không cười), nhưng khi có giặc ngoại xâm thì tiếng gọi của non sông đã tập hợp, thức tỉnh tất cả các lực lượng tiềm ẩn ấy của dân tộc, Gióng vụt lớn lên và câu nói đầu tiên là nhận nhiệm vụ đánh giặc. Thánh Gióng tập trung cho ý chí của nhân dân, khi đất nước lâm nguy đã đặt lên vai mình sứ mệnh lịch sử lớn lao. Đó là một chân lý, một quy luật quan trọng về xây dựng, tổ chức, phát triển lực lượng chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc mà cha ông đã sớm nhận thức tổng kết và truyền lại cho đời sau bằng truyền thuyết xuất sắc này. Chính điều đó đã làm nên một Thánh Gióng bất tử. Một Thánh Gióng đã đi vào tâm thức người Việt một cách tự nhiên dẫu thời gian biến đổi vạn vật.
Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương là anh hùng văn hóa sinh từ thời cổ đại, tiền sử. Trong quá trình phát triển của cư dân Việt, vị anh hùng văn hóa ấy thường được gắn với các sự kiện lớn, được sử hóa bất tử trong tâm tưởng người Việt. Huyền thoại ấy đã và đang sống hiện hữu trong cuộc sống hiện đại. Mỗi người Việt Nam hẳn không quên huyền thoại bất tử này. Trong tâm thức của người dân đất Việt, Thánh Gióng là hào khí của bản hùng ca hoành tráng từ ngàn xưa vọng lại; là niềm tự hào, kính trọng về sức mạnh đoàn kết của dân tộc trong việc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, Thánh Gióng còn là bản tình ca tuyệt đẹp về tình mẫu tử, về trách nhiệm của con người đối với Tổ quốc.