Lưu Hữu Phước (1921-1989) là một nhạc sĩ, tác giả của những bản hùng ca, giải phóng; tác phẩm của ông luôn gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Ông là Giáo sư, Viện sĩ, Nhà lý luận âm nhạc; nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nguyên Đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Sự nghiệp âm nhạcLưu Hữu Phước được xem là một trong những nhạc sĩ đầu đàn của giới nhạc sĩ Việt Nam, đại diện cho phái âm nhạc Nam Bộ trong thời điểm khởi đầu của nền tân nhạc. Ông là một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, một danh nhân văn hóa Việt Nam; là một trong những người đầu tiên sử dụng rất thành công thể loại hành khúc – một thể loại từ âm nhạc phương Tây Ông đã trở thành tác giả của những chính ca xuất sắc, có tầm tư tưởng lớn, giá trị nghệ thuật rất cao và có giá trị lịch sử. Ông là tác giả Quốc ca của cả hai chính thể đối lập nhau là Việt Nam Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Những bài chính ca tiêu biểu của ông gồm:
- "Thanh niên hành khúc": Bài hát chính thức của tổ chức Thanh niên Tiền phong. Sau này chế độ Việt Nam Cộng hòa tự ý sửa lại một chút lời lời và chọn làm Quốc ca với tên Tiếng gọi công dân. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lúc còn sống đã lên tiếng phản đối việc Việt Nam Cộng hòa sử dụng trái phép tác phẩm của ông để làm "quốc ca", nhưng chế độ Việt Nam Cộng hòa vẫn tiếp tục dùng bài hát này cho tới ngày sụp đổ[3]. Đến nay bài này vẫn được hát rộng rãi với lời gốc.
- "Lên đàng": Bài hát chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
- "Hồn tử sĩ": Bài hát được dùng trong các lễ tang theo nghi thức nhà nước của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Bài hát này trước 1975 cũng được Việt Nam Cộng hòa sử dụng trong các nghi thức lễ tang quân đội.
- "Giải phóng miền Nam": Bài hát chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quốc ca Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Ngoài thể chính ca, Lưu Hữu Phước viết ca khúc trữ tình cũng rất thành công. Có lẽ do những yêu cầu của xã hội, của thời cuộc lúc đó mà ông đã phát huy sở trường nhiều ở thể chính ca, ít sáng tác bài ca trữ tình. Lưu Hữu Phước còn sáng tác cho thiếu nhi rất nhiều bài hát có giá trị lớn, nổi tiếng một thời, đến nay vẫn là chuẩn mực cho thể loại ca khúc thiếu nhi: "Thiếu nhi thế giới liên hoan", "Reo vang bình minh",...
Danh hiệu, tôn vinhVới những đóng góp của ông vào nền âm nhạc Việt Nam, ông đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, trong đó có Huân chương Độc lập hạng nhất (1987), giải thưởng Hồ Chí Minhvề văn học nghệ thuật đợt 1 (1996)
- Sau năm 1975, được phong học hàm Giáo sư và Viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm Nghệ thuật CHDC Đức.
- Một Công viên tại Quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ mang tên Lưu Hữu Phước. Công viên Lưu Hữu Phước có diện tích là 20.055 m². Nhìn từ bên ngoài công viên trông giống một ốc đảo xanh giữa lòng Thành phố Cần Thơ.
- Một Trường Trung học Phổ thông tại Quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ mang tên Trường Trung học Phổ thông Lưu Hữu Phước.
- Tên của ông được đặt tên cho một con phố ở Hà Nội nằm trong khu đô thị Mỹ Đình II. Phố Lưu Hữu Phước dài 490m, rộng 17,5m, từ đường Lê Đức Thọ đến đường Nguyễn Cơ Thạch, thuộc phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội[6].
- Kể từ ngày 07/10/2016, đường Lưu Hữu Phước được kéo dài sang phía bên kia đường Nguyễn Cơ Thạch, qua các trường Lê Quý Đôn, Việt Úc và khu chung cư An Lạc.