Mở đầu bài thơ là cái Tôi hăm hở: “Tôi muốn tắt nắng đi”. Kết thúc bài thơ là “TA”, là mọi tuổi trẻ. Một sự hòa nhập và đồng điệu trong dòng chảy thời gian: Sống mãnh liệt, sống hết mình. Sống nồng nàn say mê. Nghệ thuật trùng điệp trong diễn tả. Ngôn từ đậm màu sắc cảm giác, xúc giác, rạo rực: “Ta muốn ôm”, “Ta muốn riết… Ta muốn say… Ta muốn thâu…”.
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây và cỏ rạng”
Sống cũng là để yêu, yêu hết mình. Thơ hay vì màu sắc lãng mạn. Vì giọng thơ sôi nổi. Nghệ thuật “vắt dòng” với ba từ “và” xuất hiện trong một dòng thơ làm nổi bật cảm xúc: say mê vồ vập cảnh đẹp, tình đẹp nơi vườn trần. Tất cả mùi thơ, ánh sáng, thanh sắc, xuân hồng… đều là khao khát của thi nhân:
“Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
Kết luận
Sống vội vàng không có nghĩa là sống gấp, ích kỷ trong hưởng thụ. “Vội vàng” thể hiện một tâm hồn yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt. Biết quý trọng thời gian, biết quý trọng tuổi trẻ, biết sống cũng là để yêu; tình yêu lứa đôi, tình yêu tạo vật. Tình cảm ấy đã thể hiện một quan niệm nhân sinh mới mẻ, cấp tiến. Bảy thập kỷ sau còn làm cho không ít người ngỡ ngàng! Xuân Diệu đã sống “vội vàng” như vậy. 50 tác phẩm, hơn 400 bài thơ tình, ông đã làm giàu đẹp cho nền thi ca Việt Nam hiện đại.
Bài thơ “Vội vàng” cho thấy một cảm quan nghệ thuật “rất đẹp, rất nhân văn, một giọng thơ sôi nổi, dâng trào và lôi cuốn, hấp dẫn. Có chất xúc giác trong thơ. Cách dùng từ rất bạo, cách cấu trúc câu thơ, đoạn thơ rất tài hoa. “Vội vàng” tiêu biểu nhất cho Thơ mới, thơ lãng mạn 1932-1941.