Hòa ước Nhâm Tuất hay Hiệp ước Nhâm Tuất, được ký ngày 5 tháng 6 năm 1862 tại Sài Gòn giữa đại diện triều Nguyễn (thời vua Tự Đức) là chánh sứ Phan Thanh Giản và phó sứ Lâm Duy Hiệp (hay Thiếp) với đại diện của Pháp là thiếu tướng Bonard và đại diện của Tây Ban Nha là đại tá Don Carlos Palanca Guttiere.
Đây chính là hòa ước bất bình đẳng "đầu tiên" của Việt Nam ký với Pháp, mở đầu cho "cuốn vong quốc sử Việt Nam" từ nửa đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 trong lịch sử Việt Nam.
Theo sử liệu thì nguyên nhân chính khiến triều đình Tự Đức phải ký kết hiệp ước là vì lúc đó ở Bắc Kỳ có các cuộc nổi dậy đang đánh phá dữ dội (đáng kể nhất là của: Tạ Văn Phụng và Cai Tổng Vàng, Nông Hùng Thạc)...mà trong Nam Kỳ thì thực dân Pháp đã đánh chiếm được bốn tỉnh là: Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và Vĩnh Long.
Sau khi so sánh hai mối nguy, triều đình Tự Đức bèn sai Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Sài Gòn giảng hòa với thực dân, để có thể đưa đại quân ra tiêu diệt các cuộc nổi dậy ở đất Bắc đang huy hiếp ngai vàng của dòng họ Nguyễn.