Cuộc Cách mạng KHKT đưa loài người đến một nền văn minh mới Cuộc Cách mạng KHKT đã và đang đưa loài người chuyển sang một nền văn minh mới, được gọi với nhiều tên: “Nền văn minh hậu công nghiệp”, “Nền văn minh truyền tin”… Ở nền văn minh này, con người có thể phát huy cao độ năng lực sáng tạo trong sản xuất, đời sống, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Những thành tựu to lớn của cuộc Cách mạng KHKT đã làm thay đổi cơ bản các nhân tố sản xuất và đời sống như: máy móc, thiết bị, công nghệ, năng lượng, nguyên liệu, thông tin, y học, các giống cây trồng, vật nuôi… Nhờ vậy, trong hơn 60 năm từ sau Thế chiến thứ hai, con người đã tạo ra lượng của cải vật chất nhiều hơn tất cả các thế hệ trước kia cộng lại. Cách mạng thông tin giúp con người liên kết chặt chẽ hơn, giao tiếp dễ dàng hơn. Giúp phơi bày những thông tin mà trong quá khứ có thể dễ dàng bị các chế độ độc tài triệt hạ Cuộc Cách mạng KHKT đã làm thay đổi căn bản phương thức lao động của con người Nhờ những phát minh, sáng chế ra nhiều loại máy móc, thiết bị hiện đại, con người trong các ngành sản xuất được chuyển từ lao động thể lực sang hình thức lao động có văn hóa và có KHKT. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng KHKT đòi hỏi người lao động phải được đào tạo và tự đào tạo, không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp và trình độ KHKT công nghệ. Nguồn lao động có trình độ KHKT và kỹ năng nghề nghiệp cao là nhân tố quan trọng, quyết định nhất để phát triển nền kinh tế tri thức của các quốc gia. Cách mạng KHKT làm thay đổi cơ cấu kinh tế quốc dân Thay đổi cơ cấu các ngành kinh tế Các ngành thuộc khu vực I bao gồm : nông, lâm, ngư nghiệp có xu hướng giảm tỷ lệ lao động và tỷ trọng trong tổng thu nhập quốc nội (Gross Domestic Production – GDP) ở cả các nước phát triển và các nước đang phát triển. Hiện nay, ở các nước phát triển G8 tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chỉ còn chiếm từ 1 – 2% tổng số lao động, và giá trị thu nhập của ngành này chỉ còn chiếm từ 1 – 4% GDP. Các ngành thuộc khu vực II bao gồm các ngành công nghiệp có xu hướng tăng nhanh trong tỷ trọng GDP, cơ cấu các ngành ngày càng đa dạng và thay đổi nhanh. Ở nhiều nước phát triển, những năm 50 phát triển các ngành điện lực, công nghiệp khai thác mỏ, luyện kim, cơ khí chế tạo máy, công nghiệp hóa dầu; những năm 60 phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp vũ trụ, hóa chất ; những năm 70 phát triển công nghiệp tự động hóa (người máy), hàng không vũ trụ, dệt sợi nhân tạo; từ năm 1980 đến nay phát triển các ngành tin học viễn thông, kỹ thuật vi điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, sử dụng năng lượng mới, công nghiệp hàng không vũ trụ… Các sản phẩm có hàm lượng tri thức và công nghệ cao ngày càng có giá trị và được sản xuất nhiều. Sản phẩm xã hội ngày càng nhiều, đa dạng theo hướng tôn trọng con người, tôn trọng môi trường, phục vụ thị hiếu của người tiêu dùng.